Yêu cầu giải thể tổ chức nhà nước kém hiệu quả, nới rộng quyền Tự do Hiệp hội
2020.10.28
Trong trận lũ lụt lịch sử vừa qua ở miền Trung, nổi bật trên các phương tiện truyền thông là câu chuyện về cô ca sỹ Thuỷ Tiên tự thân kêu gọi được hơn 150 tỷ đồng cứu trợ. Bên cạnh đó hàng ngàn đoàn từ thiện “tự phát” kéo đến miền Trung, mang theo lương thực, vật phẩm, tiền bạc để tiếp tế cho bà con nơi này.
Trong khi đó, Mặt trận Tổ Quốc (MTTQ), tổ chức vốn được luật định là một trong số ít nơi được phép kêu gọi quyên góp tiền, chỉ nhận được khoản đóng góp ít hơn cá nhân ca sĩ Thủy Tiên.
Hiện tượng này khiến nhiều người có ý kiến cho rằng đã đến lúc nhà nước cần thay đổi luật, để người dân được tự do tham gia vào các hoạt động dân sự. Đồng thời giải thể bớt các tổ chức do nhà nước thành lập, được xem là “cánh tay nối dài” của đảng, tiêu tốn ngân sách mà không hoạt động hiệu quả.
MTTQ không minh bạch, không tạo được niềm tin!
Ông C, người từng đứng đầu một tổ chức XHDS hợp pháp ở Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS nói với RFA rằng rõ ràng các tổ chức trực thuộc MTTQ đã không minh bạch nên không có được niềm tin từ người dân:
“Các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) của chính phủ, chẳng hạn như MTTQ thì nó không có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Người ta không nhìn thấy sự minh bạch và kết quả sau các buổi gây quỹ của MTTQ hay của VTV. Khi gây quỹ xong người ta không thấy được kết quả cho nên người ta không đặt niềm tin để bỏ tiền vào.”
Người ta không nhìn thấy sự minh bạch và kết quả sau các buổi gây quỹ của MTTQ hay của VTV. Khi gây quỹ xong người ta không thấy được kết quả cho nên người ta không đặt niềm tin để bỏ tiền vào
Ông M, người đã hoạt động trong các tổ chức XHDS nhà nước nhiều năm, cho biết có tình trạng tham nhũng xảy ra trong các tổ chức này, bằng nhiều hình thức khác nhau:
“Mức độ tham nhũng trong các tổ chức XHDS thành viên của VUSTA hơi cao. Cái này là quan sát của tôi.
Nên tôi không nghĩ các tổ chức này đảm bảo được minh bạch khi đi quyên góp từ quần chúng. Thường là tham tiền thì họ sẽ lập ra những tổ chức, để nhận tài trợ từ nước ngoài vì họ có thể là người mà nhà nước tin tưởng là không làm ảnh hưởng đến chính trị chẳng hạn.
Họ tìm cách biển thủ tiền của các dự án tài trợ, có nhiều cách lắm. Ví dụ lập ra hợp đồng tư vấn, làm các hoá đơn tài chính giả, hối lộ để cơ quan chủ quản duyệt các dự án…”
Nhà nước nỗ lực kiểm soát khối Dân sự
Theo một công trình nghiên cứu về “Ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức Quần chúng công ở Việt Nam”, Thạc sĩ Nguyễn Khắc Giang, thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết:
Ở Việt Nam có MTTQ, gồm 5 tổ chức chính trị- xã hội là Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu Chiến binh, và 28 hội đặc thù. Tất cả được gọi chung là các tổ chức quần chúng công.
Tổng chi phí hàng năm ước tính ngân sách chi ra cho nhóm từ 45,6 đến 68,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP của cả nước. Nhưng hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong số này vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp.
Như vậy, vì sao nhà nước đồng ý tiếp tục chi ra hàng chục ngàn tỷ mỗi năm để duy trì hoạt động một hệ thống các tổ chức này.
Câu trả lời của ông M, là để kiểm soát tất cả hoạt động của khối dân sự:
“MTTQ là cánh tay giữa nhà nước và dân sự. Quan điểm của nhà nước là phải kiểm soát được tất cả, kể cả hoạt động dân sự nên mới đẻ ra ông này. Ông này làm trung gian, kiểu để che đậy sự can thiệp của nhà nước đối với khu vực dân sự.
Không có tổ chức XHDS độc lập ở Việt Nam. Tất cả tổ chức đều có cơ quan chủ quản. Có thể là trường đại học, bộ, hoặc VUSTA, hội khuyến học… Các tổ chức có vấn đề gì thì công an sẽ làm việc với cơ quan chủ quản.
Nhà nước không cho phép các tổ chức XHDS được quyên góp quần chúng đâu. Thường các tổ chức XHDS hoạt động dựa trên dự án tài trợ, các khoản tài trợ này được các cơ quan chủ quản duyệt qua thì mới nhận được.
Trước năm 2013, thuật ngữ XHDS gần như bị cấm nói đến. Một chủ đề cấm kỵ trong quản lý nhà nước.
Nói chung là cho đến nay ngoài các tổ chức quốc tế thì Việt Nam không tồn tại các tổ chức xã hội dân sự độc lập của Việt Nam.”
Hiện nay, nhà nước chỉ cho phép các tổ chức XHDS hoạt động trong một số lĩnh vực mà không ảnh hưởng đến an ninh chính trị như môi trường, trẻ em, y tế, giáo dục, nhân đạo, chống nạn buôn bán người, hoạt động về văn hóa…
Ông M, nói còn nhiều lĩnh vực khác quan trọng không kém nhưng ở Việt Nam chưa có một tổ chức nào được phép hoạt động, ví dụ như án tử hình, tư pháp hình sự, tự do tôn giáo, bầu cử, chống tra tấn….
Cần “nới rộng” quyền Tự do Hiệp hội
Trong một bài viết trên trang cá nhân, Giáo sư Mạc Văn Trang nhận định rằng “Qua việc cứu trợ miền Trung, cũng như nhiều hoạt động “tự phát" của các cá nhân, nhóm xã hội tự nhiên, tự nguyện như vậy đã và đang diễn ra lâu nay thực sự là hiện tượng xã hội phổ biến, là nhu cầu thực sự của người dân. Do đó việc ban hành luật về Tự do lập hội, Tự do phát triển các hoạt động của các cá nhân, nhóm, hội, đoàn vì phát triển cộng đồng là việc cấp thiết, cần làm ngay.
Mặt khác cho thấy, các hội, đoàn “quốc doanh" đã tồn tại bao lâu nay, là “cánh tay nối dài của đảng", tiêu tốn tiền thuế của dân, phung phí thời gian sức lực làm những chuyện vô bổ, nay không còn sức sống nữa.”
Vì vậy, ông kiến nghị giải thể tất cả hệ thống này, tổ chức lại theo Luật Tự do lập hội của xã hội dân sự, các Nghiệp đoàn, các Hội, Đoàn, Câu lạc bộ… hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự túc, vì hứng thú và lợi ích cá nhân, không trái pháp luật. Nhà nước quản lý các tổ chức Phi chính phủ này theo Luật pháp và hỗ trợ cho những dự án, những hoạt động mang lại lợi ích xã hội thiết thực.
Theo ông M, hiện nay, hầu hết các hoạt động thiện nguyện “tự phát” đều mang tính chất ngắn hạn, hiệu quả tức thời, về lâu dài vẫn không thay đổi được thực trạng xã hội. Nguyên do chính là vì sự độc quyền của nhà nước trong khối XHDS:
“Người dân chỉ có thể tham gia ở vai trò thấp thôi, không chuyên nghiệp, có tính thời vụ như bão lụt chẳng hạn. Vì người dân có thể ủng hộ tiền, bỏ vài ngày công gói bánh chẳng hạn hoặc vào vùng lũ phân phát nhưng không thể dành ra vài tháng để hoạt động trong vùng thiên tai đi qua.
Còn các tổ chức nếu hoạt động cứu trợ chuyên nghiệp thì họ sẽ ứng phó sớm hơn, sâu rộng hơn, dài hơi hơn.
Câu chuyện cứu trợ giữa dân thường và các tổ chức hình như được bàn nhiều năm 2016. Đến giờ nó vẫn vậy không có gì thay đổi. Ngoài hội chữ thập đỏ ra thì đâu có tổ chức nào hoạt động cứu trợ chuyên nghiệp.
Cái này là do tính độc quyền của chính quyền mà ra cả. họ ko có các tổ chức thành lập, thành ra độc quyền cứu trợ.”
Sau trận lũ lụt này mọi chuyện lại trở về như cũ, sẽ có tuyên truyền về thành tích của chính quyền, phớt lờ vai trò của người dân tham gia cứu trợ.Tình trạng thảm thương ở miền Trung không là gì đối với sự an ninh mà chính quyền họ đang quản lý cả
Ông M, cho rằng nếu có được quyền Tự do lập hội thì các tổ chức tư nhân hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện các dự án lớn, mang tính bền vững:
“Tôi nghĩ là hoàn toàn có thể. Vì môi trường xã hội dân sự hiện nay vẫn còn tính độc quyền do nhà nước tạo ra. Ví dụ như 5 tổ chức làm về cứu trợ thì mức độ tham nhũng sẽ cao, nhưng nếu có 100 tổ chức hoạt động cứu trợ thì họ sẽ cạnh tranh và ngày càng minh bạch hơn.”
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì nhà nước sẽ không chấp nhận đánh đổi “an ninh quốc gia” để tôn trọng quyền Tự do về hiệp hội:
“Nhưng tôi nghĩ trong tương lai gần, chính quyền Việt Nam không cho người dân được tự do lập hội, hoạt động dân sự tự do đâu.
Sau trận lũ lụt này mọi chuyện lại trở về như cũ, sẽ có tuyên truyền về thành tích của chính quyền, phớt lờ vai trò của người dân tham gia cứu trợ.
Tình trạng thảm thương ở miền Trung không là gì đối với sự an ninh mà chính quyền họ đang quản lý cả.”
Cuối cùng, ông M, tóm lại rằng đừng mong đợi gì ở nhà nước này sẽ tự thay đổi. Nếu muốn thì người dân phải lên tiếng đòi hỏi quyền lợi cho bản thân và cộng đồng.