Vai trò của Quốc hội Việt Nam qua các phiên chất vấn? (phần 3)

Trong bài thứ ba, cũng là bài cuối cùng bàn về vai trò và tính độc lập của Quốc Hội Việt Nam, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu cơ chế bãi nhiệm và quyền bãi miễn của Quốc Hội đối với các thành viên chính phủ.

0:00 / 0:00
LawCongress-250.jpg
Vì hoạt động theo kiểu không chuyên nên thưởng Đại biểu Quốc hội Việt Nam rất dễ dàng biểu quyết thông qua các điều khoản do chính phủ đệ trình. RFA file photo (RFA file photo)

Câu hỏi được đặt ra là, liệu thực tế chính trị Việt Nam có cho Quốc Hội đủ quyền để thực hiện một tiến trình bãi miễn hay không?

Đảng chọn đại biểu Quốc hội

Một trong những ví dụ điển hình của mô hình “cơ cấu” đại biểu Quốc Hội là trường hợp tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường.

Trong kỳ bầu cử Quốc Hội gần nhất, để chọn đại biểu cho Quốc Hội khoá 12, nhiều người Việt Nam, nhất là giới nông dân, biết và kính trọng những công việc tiến sĩ Võ đã làm lúc đương chức.

Sau khi về hưu, nhiều người khuyến khích ông tự ứng cử vào Quốc Hội. Tiến sĩ Đặng Hùng Võ nộp đơn nhưng đã rút đơn chỉ ít hôm sau đó:

“Lúc còn là thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường, ông Võ đưa ra nhiều kiến nghị, nhận xét đem đến rất nhiều an ủi cho nông dân Việt Nam. Không chỉ an ủi nông dân, trên thực tế, ông Võ đã làm được nhiều chuyện cho nông dân, đặc biệt là nông dân bị mất đất.

Khi về hưu, nhiều người khuyến khích ông Võ vào Quốc Hội. Ông Võ đã nộp đơn tự ứng cử vào hôm trước, thì vài hôm sau tự rút đơn. Ông Võ cũng đã giải thích rõ điều này: Bộ Chính Trị không đồng ý.”

Tiến trình bầu chọn đại biểu Quốc Hội như đã trình bày, thêm vào đó là quan niệm đại biểu không chuyên nghiệp, là những yếu tố giúp phần nào đó giải thích tại sao đại biểu “không xứng tầm.”

Một luật sư nhận định rằng, những câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc Hội thuần tuý là thắc mắc “tại sao lại như vậy” chứ không phải là “tại sao không như thế này.”

Luật sư này giải thích, rằng tại Việt Nam, phần lớn đại biểu Quốc Hội là công chức các cơ quan nhà nước, là thành viên trong các tổ chức chính trị xã hội do Nhà Nước kiểm soát, nên họ phải làm công việc chuyên môn, và vì thế không có thời gian cho công việc Đại Biểu Quốc Hội:

“Rõ ràng là họ không có thời gian đọc và tìm hiểu thực tế. Do đó, những câu hỏi của họ thường là ngô nghê hoặc là thắc mắc thuần tuý của người không biết gì cả?

Qua tivi, phát thanh, báo chí, ta có thể thấy các câu hỏi của đại biểu cho thấy họ không nắm được vấn đề. Khi đối diện với các đại biểu Quốc Hội có hiểu biết hạn chế, thì các thành viên chính phủ sẽ xem thường họ.

PartyCongressVote-200.jpg
Với cơ cấu quyền lực tập trung, hầu hết cácchính sách, qui định, luât lệ tại Việt Nam, đều được quyết định bởi các cấp lãnh đạo cao nhất của đảng CSVN. AFP PHOTO (AFP PHOTO)

Thực tế chất vấn cho thấy, các thành viên chính phủ đóng vai trò thầy giáo, giảng những vấn đề cơ bản cho đại biểu Quốc Hội.”

Trả lời chất vấn lấy lệ

Trong một bài nhận định của tiến sĩ Luật học Nguyễn Ngọc Điện, đăng trên VietnamNet ngày 31 tháng Năm, tác giả viết rằng những cuộc chất vấn tại Quốc Hội Việt Nam là những cuộc chất vấn “dễ đoán trước,” trong đó “cử tri đã quen với khung cảnh của một cuộc chất vấn điển hình tại diễn đàn lập pháp: một bên hỏi trong tâm trạng bức xúc; bên kia trả lời như thể vấn đề được đặt ra không đáng phải làm ầm ĩ hoặc thuộc trách nhiệm giải quyết của toàn bộ hệ thống chứ không chỉ của cá nhân mình.”

Nhận xét về những bình phẩm của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện, giáo sư, đại biểu Quốc Hội Nguyễn Lân Dũng cho rằng nhận xét như vậy là không xác đáng:

“Những nhận xét như vậy là không xác đáng. Tôi thấy kỳ này các Bộ Trưởng đã trả lời tốt lắm. Các ông đã trả lời đầy đủ, và nắm rất vững. Chỉ có mỗi một điều là do thời gian ngắn quá, mà có đại biểu hỏi dài quá, nên số người được trả lời trực tiếp ít đi, còn lại đành phải trả lời bằng văn bản.”

Cũng trong bài viết của tiến sĩ Điện, ông nhận định rằng “một người dân với trình độ văn hoá và nhận thức chính trị trung bình có thể dễ dàng đoán trước nội dung chính của các câu trả lời thẩm vấn.” Đại biểu Nguyễn Lân Dũng không đồng ý với nhận xét này:

“Nhân dân rất muốn nghe trực tiếp, nhưng thời gian thì ít. Không nên nói là “có thể đoán được câu trả lời.” Làm sao chuyện của chính phủ mà nhân dân biết được. Tôi thì tôi cảm thấy là các bộ trưởng đã cố gắng trả lời, và trả lời được.”

Theo nhận xét của tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, thì tình trạng “không chuyên” đang dần dần được cải thiện. Ông tin rằng trong vòng 10 đến 15 năm nữa, Việt Nam sẽ nâng mức độ chuyên nghiệp của các đại biểu Quốc Hội thông qua sự gia tăng số lượng đại biểu ở địa phương:

“Việc này tại Việt Nam đang được cải tiến. Việt Nam không dùng chữ “chuyên nghiệp” nhưng dùng chữ “chuyên trách.” Số đại biểu này phải tăng lên và đi theo hướng chuyên nghiệp. Họ muốn số lượng này giới hạn tại trung ương nhưng phải tăng lên ở địa phương.

Việt Nam không có truyền thống lâu đời về chế độ nghị viện. Mới có đây thôi, và đang diễn ra. Khoảng 10, 15 nữa tôi nghĩ sẽ có nhiều thay đổi trong chuyện này.”

Quyền bãi miễn của Quốc Hội

Dư luận của một số luật sư, luật gia trong nước về chất lượng các phiên chất vấn cho rằng Quốc Hội là cơ quan quyền lực tối cao của một quốc gia. Trong các quyền được hiến pháp qui định, Quốc Hội có cả quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với một số cấp thành viên chính phủ.

VnCongress-vote-250.jpg
Đại biểu Quốc hội Việt Nam bấm nút thông qua dự luật. AFP PHOTO (AFP PHOTO)

Tuy nhiên, cũng bắt nguồn từ thực tế chính trị, Quốc Hội Việt Nam hầu như không thể thực hiện quyền này. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện viết trong bài viết của mình, rằng “suy cho cùng, chỉ khi nào nhận thấy rằng mình có thể bị trừng phạt và biết dè chừng trước những trừng phạt đó, con người mới có động lực để thực hiện phận sự một cách mẫn cán.”

Liên quan đến việc “có thể bị trừng phạt,” tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa phân tích là luật Việt Nam khiến tiến trình bỏ phiếu bất tín nhiệm thành viên chính phủ trở nên gần như không thể thực hiện được. Khi tiến trình bỏ phiếu bất tín nhiệm là bất khả thi, ảnh hưởng của Quốc Hội lên Chính Phủ cũng sẽ mờ nhạt theo:

“Việt Nam chưa đẩy đến việc bỏ phiếu tín nhiệm để thể hiện sự bất tín nhiệm. Nhưng Việt Nam đang tiến tới quá trình hiểu về điều này. Thực hiện điều này không phải dễ. Trước hết phải có một qui trình nghị viện cho đúng. Phải có một số lượng nghị sĩ yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Vậy yếu tố kỹ thuật ở đây là cần bao nhiêu nghị sĩ để đưa ra yêu cầu đó. Rồi vấn đề còn ở chỗ ông Chủ Tịch Quốc Hội có chấp nhận không? Rồi sẽ bỏ phiếu ra sao? Hiện nay Việt Nam đang học điều này.

Theo luật hiện hành, cần phải có 20% đại biểu Quốc Hội yêu cầu thì mới tổ chức một phiên như vậy, tức là cần 100 nghị sĩ. Việc vận động như vậy là rất khó. Rồi kiến nghị lên Chủ Tịch cũng là khó. Rồi nếu đồng ý, thì sự bỏ phiếu như thế nào, cũng khó nữa. Đây là vấn đề chính trị, niềm tin của cử tri.”,

Điều 83 Hiến Pháp Việt Nam qui định, rằng “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,” và rằng “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.”

Theo nhận định của tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, Quốc Hội Việt Nam là Quốc Hội có quyền rất lớn, theo qui định của luật và hiến pháp. Những cũng theo ông, thực tế Việt Nam cho thấy Quốc Hội không có, và cũng không hành xử, những quyền hợp hiến ấy.

Những hoạt động Quốc Hội trong vài năm trở lại đây cho thấy Việt Nam bắt đầu có những tiến bộ, thể hiện qua hình thức truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn và các hoạt động của Quốc Hội.

Song song với thực tế ấy, tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa cũng đưa ra kỳ vọng, rằng “Những cải cách này có vẻ còn chờ đợi những cải cách mạnh mẽ hơn để các đại biểu Quốc Hội mạnh mẽ, tự tin hơn. Và điều quan trọng là, họ phải có nhiều thông tin hơn để phản biện chứ không nên tranh luận dựa trên cảm tính. Mọi tranh luận phải có lý lẽ.”

Vừa rồi là bài cuối cùng trong loạt bài tìm hiểu vai trò Quốc Hội Việt Nam qua các cuộc chất vấn tại kỳ họp thứ ba Quốc Hội khoá 12 tại Hà Nội. Nhận định và phân tích của một số luật sư và luật gia trong nước cho thấy, vai trò Quốc Hội đã có những tiến bộ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các cải cách vẫn chưa đủ rộng và sâu để Quốc Hội thực sự là cơ quan lập pháp với đầy đủ quyền lực cao nhất do Hiến Pháp qui định. Sự độc lập của Quốc Hội, xét cho cùng, lại là yếu tố cần thiết cho tính đại diện trong định chế chính trị Việt Nam, và cũng là nền tảng cho tiến trình dân chủ cho xã hội.