Thu hồi đất theo phán quyết của tòa có khó không?

Diễm Thi, RFA
2020.06.30
000_Hkg5203502.jpg Một dự án đang thi công ở TP.HCM. Ảnh minh họa.
AFP

Nhiều vụ án

Tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 30 tháng 6, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa cho biết, việc thu hồi những dự án đất đai bị sai phạm theo phán quyết của tòa án là rất khó, không thể thực hiện nổi bởi có khu đất đã bán, có khu đất đã thế chấp ngân hàng…

Bí thư Đà Nẵng cho rằng những sai phạm đất đai bị cử tri nêu ra là sai lầm của các lãnh đạo giai đoạn trước đã nghỉ hưu, nay những người đương nhiệm phải cố gắng khắc phục theo trình tự.

Luật sư Hà Huy Sơn lên tiếng về việc này:

“Sai phạm về đất đai thì phải thu hồi chứ không có điều luật nào nói là khó, không thu hồi được. Chỉ nói theo luật thôi, sai phạm thì phải thu hồi, còn chuyện đại biểu quốc hội nói là khó thì khó như thế nào? Không thu hồi được trong trường hợp nào của luật chứ không thể nói như thế được.”

Sân vận động Chi Lăng đã bị thành phố Đà Nẵng bán cho doanh nghiệp để lập dự án. Doanh nghiệp lại mang giấy tờ sở hữu sân này đi thế chấp. Hiện nay toà xử sân Chi Lăng là tài sản tranh chấp giữa doanh nghiệp và ngân hàng, trong khi nguyện vọng của người dân Đà Nẵng là lấy lại được sân Chi Lăng.

Còn với dự án Công ty nhà Đa Phước, tòa án giao UBND TP. Đà Nẵng thu hồi và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất 29 ha thuộc dự án khu đô thị quốc tế mới Đa Phước.

Về nguyên tắc không có trường hợp nào không thu hồi được vì đất vẫn nằm ở đấy chứ nó có đi đâu đâu. Nếu có khó khăn thì chỉ khó ở chỗ sau khi thu hồi đất, việc xử lý tài sản trên đất có thể phức tạp. - Giáo sư Đặng Hùng Võ

Theo ông Nghĩa, việc thu hồi đất đai trong dự án Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước cũng như việc thu hồi sân vận động Chi Lăng được cho là bất khả thi dù bị tòa án xác định sai phạm. Thành phố Đà Nẵng đang mắc rất nhiều kết luận của thanh tra, của tòa án không biết đến bao giờ có thể dừng, bởi vì mỗi kết luận như thế, thực hiện rất vất vả.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường cho rằng, khi tòa án đã quyết định thì phải thu hồi được. Nếu không thu hồi được thì chẳng qua là việc thực hiện nó có vấn đề. Về mặt nguyên tắc thì hoàn toàn xử lý được, thu hồi được.

“Về nguyên tắc không có trường hợp nào không thu hồi được vì đất vẫn nằm ở đấy chứ nó có đi đâu đâu. Nếu có khó khăn thì chỉ khó ở chỗ sau khi thu hồi đất, việc xử lý tài sản trên đất có thể phức tạp. Nhưng phức tạp kiểu gì đi nữa thì đã là phán quyết của tòa thì phải được thực hiện. Không thể có chuyện phán quyết của tòa xong bảo không thực hiện được.

Dù nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm với tất cả những việc trước đây mình đã làm. Nếu đất đai đã mua bán, thế chấp vẫn có thể truy đến cùng. Tại sao không truy ra được? Chỉ có Việt Nam mới không truy được thôi.”

Không chỉ Đà Nẵng, rất nhiều dự án trong các thành phố lớn khác cũng không thể thu hồi được đất đai dù đã có kết luận sai phạm, cụ thể là dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, mấy mươi năm chưa thể giải quyết vì nhiều lý do. Rất nhiều dự án không liên lạc được với chủ đầu tư.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng từng có yêu cầu phải xử lý kiên quyết những dự án chậm triển khai hàng chục năm, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tiếp tục ôm đất, gây lãng phí nguồn lực phát triển.

Còn ở TP.HCM, tháng 5 năm 2020, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Võ Văn Hoan chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường kiên quyết thu hồi những dự án để đất hoang, chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực khổng lồ. Trong đó có dự án tại khu đất vàng số 7-9 Tôn Đức Thắng chưa được triển khai xây dựng suốt 10 năm qua. Hiện nay, nơi này vẫn chỉ là bãi đất trống để giữ xe.

Luật sư Hà Huy Sơn nói về thực trạng đất dự án bỏ hoang:

“Tình trạng này phổ biến ở Việt Nam rất nhiều dù luật đất đai có quy định, khi giao đất cho chủ đầu tư mà quá thời hạn 24 tháng không triển khai dự án hay không thực hiện đúng tiến độ mà không được phép gia hạn thì sẽ bị thu hồi giấy phép đầu tư và thu hồi đất đã giao hoặc đất cho thuê. Luật quy định là như vậy nhưng thưc tế thì các cơ quan hành pháp, cơ quan chính phủ hay các cơ quan UBND các tỉnh thành phố thường buông lỏng, không thực hiện.

Họ bỏ qua tình trạng đất trống trong các dự án mà người ta quây tôn, quây tường vào. Thực chất là các dự án vi phạm thời hạn triển khai dự án theo luật đất đai. Đấy là tình trạng rất phổ biến. Trên pháp luật thì nói thu hồi nhưng thực tế không phải vậy.”

Thực chất là các dự án vi phạm thời hạn triển khai dự án theo luật đất đai. Đấy là tình trạng rất phổ biến. Trên pháp luật thì nói thu hồi nhưng thực tế không phải vậy. -Luật sư Hà Huy Sơn

Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng họ cố tình làm cho nó phức tạp để không giải quyết được. Chứ còn về nguyên tắc, khi tòa đã phán xử thì cách gì cũng có thể thu hồi được hết. Phán quyết của tòa xong thì phải được thi hành. Ở Việt Nam nhiều khi không thi hành được nên phải lập ra cơ quan thi hành án, thêm một loạt biên chế. Các doanh nghiệp hay người dân phải tự giác thi hành phán quyết của tòa. Ông nói thêm:

“Một mặt khác nữa thì phán quyết của tòa nhiều khi nó cũng không ‘thiêng’. Có những phán quyết mà người ta không phục, nó dẫn đến những dây dưa, lằng nhằng.”

Cơ quan thi hành án dân sự là Cơ quan nhà nước có chức năng tổ chức việc thi hành án dân sự. Các cơ quan thi hành án gồm có cơ quan thi hành án cấp tỉnh, quận, huyện thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong cơ quan thi hành án dân sự có chấp hành viên trưởng, các chấp hành viên và các cán bộ làm công tác thi hành án.

Đứng đầu cơ quan thi hành án có thủ trưởng cơ quan thi hành án. Ngoài các cơ quan thi hành án nêu trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã cũng tham gia thi hành án dân sự đối với những vụ việc được thi hành án cấp huyện giao.

Ngoài sai phạm đất đai trong các dự án, Luật Đất đai hiện hành ở Việt Nam là nguyên nhân gây ra rất nhiều oan sai về đất. Dự án Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2020 và có hiệu lực vào giữa năm 2021. Tuy nhiên, trong phiên họp hôm 22 tháng 5, Chính phủ đã đề nghị lùi thời gian sửa Luật đất đai và dự kiến sẽ trình Dự án Luật đất đai sửa đổi tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XV vào đầu năm 2021.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.