Có đúng thủy điện nhỏ không gây nên lũ lụt?
2020.11.05
Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam vào sáng ngày 5 tháng 11, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng trong đợt lũ vừa qua, nếu ‘Không có hồ chứa thủy điện, lũ lụt còn khủng khiếp hơn’.
Báo Nhà nước Việt Nam trong cùng ngày dẫn lời ông Trần Hồng Hà cho biết ông chỉ đưa ra những thông tin khách quan để Quốc hội có cái nhìn chính xác về hiện tượng mưa bão, lũ lụt, sạt lở nặng nề vừa xảy ra.
Theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên - Môi trường của Việt Nam, thảm họa thiên tai tại các tỉnh miền Trung Việt Nam vừa qua là do kết quả của tổ hợp các dạng thái thiên tai cộng lại. Cụ thể, có 4 trận bão liên tiếp và hình thái áp thấp duy trì kéo dài ở miền Trung dẫn đến mưa lớn. Ông Hà nêu ra rằng có nơi mưa đến 500mm/ngày và đó là ‘Trời đổ nước xuống chứ không phải là mưa’.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm tại những khu vực sạt lở đất kinh hoàng vừa qua rừng đều phủ xanh. Đó là các nơi như Trạm 67 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế; tại Đoàn Kinh tế- Quốc Phòng 337 ở Cha Lo, tỉnh Quảng Trị và tại Trà Leng, Tà Vân ở tỉnh Quảng Nam.
Đồng tình với phát biểu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, từ Hà Nội, Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, hiện là Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2022 nhận định:
“Tôi thấy phát biểu này cũng có ý đúng vì độ dốc của núi ở khu vực miền Trung mình rất lớn, nếu mưa xuống mà cứ để tự nhiên như vậy thì toàn bộ nước sẽ trút nhanh xuống vùng đồng bằng. Đập thủy điện ngăn lại một phần, tức nó chặn ở rất nhiều những nơi như vậy, sẽ giảm bớt độ lũ lụt ở khu vực phía hạ du trong những ngày mưa lũ như vậy. Thủy điện nhỏ thường có rất nhiều hồ chứa đi kèm theo, chính những hồ chứa đó tích nước lại làm cho không phải một lúc mưa xuống thì toàn bộ nước đổ ào xuống đồng bằng. Như vậy cũng có những trường hợp chỉ vừa mưa lũ vài ngày thì lại hạn hán. Nó tích nước lại rất nhiều hồ chứa như vậy thì sẽ giữ lại được nguồn nước mà ta có thể dùng cho thủy lợi, tưới tiêu sau này.”
Thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, một chuyên gia về môi trường, người sáng lập Rừng Gọi và Nhóm Yêu Quí Động Vật Cát Tiên ở Đồng Nai lại cho rằng:
“Làm thủy điện thì phải có hồ chứa mà bây giờ anh thấy các hồ chứa đó là trái bom nổ chậm với người dân. Chính phủ như thế nào nhưng người dân sống ở vùng có những hồ chứa như vậy thì nỗi lo, nỗi sợ của người dân giết dần giết mòn người dân, làm người dân tự tử một cách từ từ.”
Trao đổi với RFA tối 5/11, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường giải thích rõ hơn về tác dụng của những hồ chứa tại các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ:
“Có thể lúc bắt đầu lũ nhỏ thì nó có thể chứa được lượng nước lũ gây ra, nhưng khi lũ vượt mức thì nó không phải là giải pháp để chứa được lũ khi lũ quá lũ. Đến lúc đó lũ vượt qua nó và nó phải xả lũ tiếp thì sự thực mà nói sự phá của lũ cộng lũ thì sẽ mạnh hơn lũ bình thường rất nhiều.”
Ngoài ra, GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng nếu nghiêm túc nhìn nhận thì chưa đủ căn cứ để Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu như báo chí đưa tin. Ông nói:
“Hiện nay theo kinh nghiệm trên thế giới thì thủy điện vừa và nhỏ tàn phá rừng, tức được quyền phá một khoảng rừng, một thủy điện bình thường cũng phải mất độ 100 ha rừng. Hơn nữa là chuyện phá rừng cũng làm cho đất đá không còn lượng rễ cây rừng giữ gây ra trượt lở đất, gây ra sập núi. Đấy chính là cái kinh khủng nhất trong đợt lũ miền Trung vừa rồi, không phải chỉ lũ gây sập núi.”
Cũng trong sáng 5/11, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân thuộc đoàn Cà Mau khi tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng không nên vì lũ lụt mà đổ lỗi hết cho thủy điện. Theo ông Lê Thanh Vân thì cần có quan điểm lịch sử về thủy điện.
Một số chuyên gia môi trường lên tiếng về tình trạng phá rừng để xây dựng thủy điện tràn lan là nguyên nhân dẫn đến các vụ sạt lở tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Tuy vậy, gần đây, chính phủ Hà Nội lên tiếng bác bỏ nhận định của giới chuyên môn về nạn phá rừng, phát triển thủy điện; đặc biệt là thủy điện nhỏ, khắp nơi như bấy lâu nay.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ, thế giới cũng đã chứng minh rằng có mối quan hệ giữa thủy điện vừa và nhỏ với sạt lở. Ông giải thích:
“Tình trạng vừa rồi ở miền Trung Việt Nam thì sạt lở xảy ra rất nhiều, đặc biệt ở khu vực gần thủy điện, thì chắc chắn sạt lở đó có liên quan đến thủy điện vì những vùng khác không bị như vậy. Rõ ràng độ sạt lở đó thì rừng đã bị tàn phá rất nhiều do thủy điện. Khi xây dựng thủy điện thì người ta phá đi lượng rừng đáng kể. Tụi tôi nghiên cứu rằng cứ 1MW công suất lắp nhà máy thủy điện nhỏ và vừa ở khu vực đồi núi thì phá ít nhất khoảng 10 ha rừng tự nhiên. Dù bây giờ có quy định trồng lại rừng nhưng rừng trồng khác với rừng tự nhiên, nên khi gặp mưa bão lớn khác thường mà mất rừng nên cây không còn khả năng giữ đất, đất trở nên bị hóa nhão, mất ổn định, đến một thời điểm đặc biệt nào đó thì nó sạt lở và gây thiệt hại cho người dân.”
Trước những tác động mà thủy điện vừa và nhỏ gây ra đối với môi trường sống như vừa nêu, GS. Đặng Hùng Võ đưa ra đề xuất:
“Từ nay trở đi chúng ta nên tạm biệt với phương thức sản xuất điện từ thủy điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ là thứ tàn phá rừng rất lớn thì nên tuyệt đối không dùng nữa. Ngay cả thủy điện lớn thì cũng ở một mức độ tìm giải pháp khác để sản xuất điện thì cũng nên tạm biệt luôn cả thủy điện lớn. Quan điểm của tôi hiện nay là vậy.”
Trong khi đó, GS. Trần Đình Long lại cho rằng đừng đổ hết lỗi cho thủy điện nhỏ khi thấy một vài sự cố nào đó mà nên có cái nhìn khách quan hơn. Vì theo ông, không phải thủy điện nhỏ nào cũng là có hại mà nên nhìn vào những đóng góp rất tốt của nó đối với việc sử dụng, tận dụng năng lượng tái tạo.