Xét xử trực tuyến liệu có mang lại gì khác với lề lối của tòa án Việt Nam lâu nay?

RFA
2021.10.25
Xét xử trực tuyến liệu có mang lại gì khác với lề lối của tòa án Việt Nam lâu nay? Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình
Courtesy quochoi.vn

Ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vừa trình Quốc hội khóa XV hôm 23/10/2021 về đề xuất các phiên tòa trực tuyến có thể tiến hành từ 1/1/2022.

Theo dự thảo này, phiên tòa trực tuyến vẫn được tổ chức tại phòng xử án, nhưng có sử dụng các thiết bị điện tử, kết nối mạng internet, cho phép bị cáo, bị hại và người tham gia tố tụng tham gia phiên tòa tại những địa điểm khác nhau do tòa án quyết định. Các phiên tòa trực tuyến có thể xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự...

Trao đổi với RFA tối 25/10 từ TPHCM liên quan vần đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cho rằng:

“Tôi thấy rằng việc xét xử trực tuyến trong giai đoạn đại dịch COVID-19 là việc làm rất cần thiết và Việt Nam cũng đủ cơ sở để xử trực tuyến. Trong năm tháng qua, vì đại dịch COVID-19 nên tất cả đều thực hiện theo trực tuyến. Tôi thấy mạng 5G, phát triển kỹ thuật số của Việt Nam đủ cơ sở để làm cái này. Nếu làm trực tuyến thì cần phải nâng cấp phần điện tử số, như vậy giới luật sư và những người tham gia tố tụng sẽ thuận lợi hơn trong điều kiện hiện nay. Thí dụ như qua trực tuyến sẽ được công khai, và như vậy đối với những vụ án đơn giản sẽ giải quyết được án tồn đọng.”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, trước mắt cứ cho xét xử thí điểm trực tuyến, như vậy nếu xét xử tại các tỉnh khác nhau sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí:

“Thí dụ như xét xử ở Hà Nội hoặc một số tỉnh phía Bắc thì sẽ đỡ phải đi lại, thời gian. Ngoài ra tiết kiệm những cho phí khác ví dụ như khi chúng tôi đi tham gia tố tụng phải trả tiền ăn, ở, đi lại... Trực tuyến thì thì chúng tôi có thể đọc hồ sơ online mà không phải đến tòa. Đối với các vụ án đơn giản thì có thể xử ngay, còn những vụ án thương mại nếu xử trực tuyến thì rất thuận tiện. Theo tôi đây là xu thế mà chúng ta nên thực hiện, là bước khởi đầu trong cải cách tư pháp của Việt Nam hiện nay.”

Tôi cho rằng phiên tòa trực tuyến mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dự định thực hiện sẽ không giải quyết được gì hết, bởi vì nó chỉ là một nửa của cặp phạm trù triết học ‘hình thức và nội dung’... Vì vậy tôi cho rằng phiên tòa trực tuyến chỉ mang tính chất thời trang, nó không giải quyết được điều cốt lõi của vấn đề... đó là công lý.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Tại Kỳ họp Quốc hội khóa XV hôm 23/10/2021, các Đại biểu Quốc hội cho rằng, phiên tòa trực tuyến cần đảm bảo về điều kiện hạ tầng, nền tảng số hóa, hồ sơ và hệ thống tương tác, lưu trữ hồ sơ, đảm bảo điều kiện bảo mật... cần cẩn trọng xây dựng các giải pháp phù hợp.

Từ Hà Nội, hôm 25/10, Luật sư Hà Huy Sơn khi nhận định với RFA cho rằng, nếu xét xử trực tuyến mà công khai thì nên làm:

“Bộ luật Tố tụng hiện hành chưa có quy định về xét xử trực tuyến. Nếu Quốc hội muốn xét xử trực tuyến thì phải sửa đổi Bộ Luật Tố tụng Hình sự và Dân sự... Còn quy định xét xử trực tuyến thì chưa rõ là họ sẽ quy định những thủ tục đó như thế nào? Xét xử trực tuyến đối với những ai? Nếu xét xử trực tuyến mà tạo điều kiện công khai, cho dư luận, công luận được biết thì theo tôi cũng là tích cực.”

Tuy nhiên, Luật sư Hà Huy Sơn cũng bày tỏ lo ngại, vì ngay cả xét xử trực tiếp tại Việt Nam thời gian qua cũng đã có nhiều vấn đề cần xem xét. Ông nói tiếp:

“Xét xử trực tiếp thời gian qua như các vụ án thuộc diện an ninh quốc gia, người ta hay nói có tính chất chính trị, thì tòa hay hạn chế người dân tham dự. Nói chung gọi là công khai nhưng thực chất là xử kín. Thường các vụ án này thì hầu như có sự chuẩn bị sẵn của phía tòa, người ta ít tranh luận hết các quan điểm của các luật sư. Và ý kiến của các luận sư cũng ít khi được lắng nghe. Tình trạng thời gian qua là như vậy.”

031f3543-f496-4b2d-b701-dd079305c5c2.jpeg
Các bị cáo tại phiên phúc thẩm vụ Đồng Tâm hôm 9/3/2021. File photo.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Nguyễn Hòa Bình, xét xử trực tuyến sẽ tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa và do đó tiết kiệm chi phí xã hội. Ngoài ra, tổ chức phiên tòa trực tuyến góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của tòa án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế...

Tuy nhiên, một số luật sư trên mạng xã hội cho rằng, xét xử trực tuyến đòi hỏi điều kiện xét xử, cơ sở vật chất tốt, nhất là đội ngũ pháp lý chuyên nghiệp, người dân am hiểu và tôn trọng pháp luật. Trong khi tại Việt Nam, cơ sở vật chất, điều kiện để tổ chức xét xử trực tuyến không phải ở đâu cũng đáp ứng được yêu cầu, nhất là xét xử các vụ án hình sự phải kết nối với cơ sở giam giữ. Ngoài ra, hoạt động xét xử ở Việt Nam hiện chưa đạt được tầm chuyên nghiệp như một số nước đang triển khai xét xử trực tuyến.

Thường các vụ án này thì hầu như có sự chuẩn bị sẵn của phía tòa, người ta ít tranh luận hết các quan điểm của các luật sư. Và ý kiến của các luận sư cũng ít khi được lắng nghe. Tình trạng thời gian qua là như vậy.
-LS Hà Huy Sơn

Nhà báo tự do Nguyễn Ngọc Già, một cựu tù nhân quyền, khi trả lời RFA hôm 25/10, nhận định:

“Theo tôi nghĩ, phiên tòa diễn ra dù là dân sự hay hình sự là nhằm giải quyết xung đột mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tổ chức, với xã hội... kèm theo đó là các biện pháp chế tài mà các bên có nghĩa vụ phải thực hiện theo phán quyết. Một phiên tòa là loại hình quan hệ xã hội phức tạp nhất bởi những tranh chấp cần phải được giải quyết trong đời sống. Nó phức tạp hơn rất nhiều so với cuộc họp của chính phủ hay một buổi lên lớp của thầy cô. Như vậy, so với nhiều yếu tố như trình độ nhận thức giữa bên nguyên, bên bị, chuyên môn của luật sư, thẩm phán, khả năng điều khiển của chánh án, trình độ tổ chức một phiên tòa... và nhiều yếu tố khác, thú thật tôi không tin là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thể tổ chức được một phiên tòa trực tuyến thành công.”

Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, ngay cả những phiên tòa trực tiếp bình thường trước đây tại Việt Nam đã cho thấy quá nhiều điều đáng buồn về trình độ pháp lý, về kỹ năng tranh tụng, về khả năng phán quyết và đưa ra kết quả xử..., đã để lại những vị đắng, rất đắng trong xã hội Việt Nam, dù là vụ án lớn hay nhỏ, vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, hay án tham nhũng khác... Ông kết luận:

“Tôi cho rằng phiên tòa trực tuyến mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dự định thực hiện sẽ không giải quyết được gì hết, bởi vì nó chỉ là một nửa của cặp phạm trù triết học ‘hình thức và nội dung’... Vì vậy tôi cho rằng phiên tòa trực tuyến chỉ mang tính chất thời trang, nó không giải quyết được điều cốt lõi của vấn đề... đó là công lý.”

Một luật gia không muốn nên tên cho rằng, trong hoạt động xét xử, quan trọng nhất là tranh tụng trực tiếp. Nếu xét xử trực tuyến, khó có thể tìm ra sự thật khách quan, như vậy khó có thể đưa ra các phán quyết chính xác, thuyết phục… Luật gia này cho rằng, chưa nên vội xét xử trực tuyến, khi khả năng thích ứng còn hạn chế và các điều kiện chưa bảo đảm.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.