Đăng ảnh người khác lên Facebook bị phạt 20 triệu có hợp lý?

RFA
2020.04.17
facebook.jpeg Biểu tượng của mạng xã hội Facebook
AFP

Ngày 3 tháng 2 năm 2020, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 15, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, chính thức có hiệu lực từ 15 tháng 4 năm 2020.

Nghị định 15 của chính phủ có 124 điều khoản, trong đó có điều khoản số 84 gây nhiều tranh cãi, vì liên quan đến khả năng người dùng Facebook có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu vì đăng tải hình ảnh, thông tin của người khác. Tuy nhiên điều 84 lại không phân loại rõ liệu hình ảnh đăng tải có vì mục đích chống tiêu cực hay không?

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 17 tháng 4 năm 2020, Nhà báo Võ Văn Tạo, nhận định:

Nội dung này không rõ ràng, đáng lẽ, phải nói cụ thể ra, chứ không thể nói chung chung như thế được, dễ bị nhà cầm quyền, cơ quan chức năng lạm quyền.
-Nhà báo Võ Văn Tạo

“Nghị định 15 của chính phủ Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15/4, liên quan đến bưu chính viễn thông là chính, ngoài ra, đối với người dân, có phần nhỏ nói về thông tin trên mạng, có những điều khoảng các mức chế tài đối với việc sử dụng các hình ảnh cá nhân, mà chưa được sự đồng ý thì có thể bị phạt. Theo tôi, nội dung này không rõ ràng, đáng lẽ, phải nói cụ thể ra, chứ không thể nói chung chung như thế được, dễ bị nhà cầm quyền, cơ quan chức năng lạm quyền. Nó không hợp lý, thậm chí còn vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi, lợi ích hợp pháp của công dân.”

Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, đảng và nhà nước đều kêu gọi người dân tố cáo, chống lại tiêu cực, tham nhũng.... nếu đứng theo chủ trương này thì lẽ ra người dân chụp ảnh (cơ ngơi cán bộ) phải không bị gì. Nhưng nghị định 15 này, nếu máy móc chiếu ra thì ‘nhà người ta’ không được phép thông tin như thế... vì là thông tin cá nhân, tên tuổi của người ta, chức vụ của người ta... sao lại đưa lên Facebook? Ông cho rằng như vậy là chưa hợp lý, chưa rõ ràng, rất dễ bị hiểu lầm và vi phạm một cách không cố ý và sự trừng phạt một cách oan uổng có thể xảy ra.

Ngoài việc quy định đăng ảnh cá nhân người khác có thể bị phạt, nghị định 15 cũng quy định tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình người khác... cũng bị xử phạt.

Nhà hoạt động Trần Bang, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 17 tháng 4 năm 2020 liên quan vấn đề này, nói:

“Nếu quy định đăng hình người khác trên Facebook, nhưng không nói rõ: Người đó là ai? Chụp ảnh đó ở đâu? Thì nó vơ đũa cả nắm, dẫn đến hệ quả pháp luật tù mù, quyền lực pháp luật lại nằm trong tay người hành pháp, hành pháp ở đây là Chính phủ bao gồm bộ công an, bộ và các tỉnh thành... Vừa vi phạm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận... của người dân. Vừa bảo vệ kẻ lạm quyền, tham nhũng.”

Theo ông Trần Bang, nếu muốn bảo vệ quyền bí mật, quyền riêng tư... thì đã có luật rồi, ai thấy hình ảnh mình bị đăng mà vi phạm “quyền bí mật, quyền riêng tư” thì phải đi kiện và chỉ toà án mới có quyền kết tội và phạt ai đó theo luật định. Ông nói tiếp:

“Quy định ảnh “người của công chúng”, hay hình ảnh “nơi công cộng”, thì đăng không phạm luật... Thế nào là người của công chúng? Thế nào là nơi công cộng? Hai cái này đã có trong nhiều quy định giống như lệ, nhiều ngươi cũng hiểu, nhưng hình như chưa luật hoá(?) Nếu cần phải luật hoá rõ hai điều này hơn. Chẳng hạn ca sĩ, chính trị gia, công chức, quan chức, doanh nhân, người hoạt động xã hội... là người công chúng.”

Điều 32 Bộ luật Dân sự số 91/2015 quy định, mọi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nếu có tranh chấp, tòa án sẽ ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại...

Từ Hà Nội, Luật sư Hà Huy Sơn nhận định với Đài Á Châu Tự Do:

“Theo tôi, nghị định 15 hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân. Đúng ra, nghị định đó phải ghi rõ ràng là nếu sai sự thật, hoặc gây hậu quả... như những điều đã ghi trong Bộ luật dân sự, và nếu mức độ nặng hơn thì cũng đã quy định trong Bộ luật hình sự. Cho nên tôi cho rằng nghị định 15 này là không cần thiết, mặc tiêu cực nhiều hơn là những gì tích cực nó đem lại cho xã hội.”

Hình minh hoạ. Logo của Facbook và dòng chữ về dịch bệnh COVID-19
Hình minh hoạ. Logo của Facbook và dòng chữ về dịch bệnh COVID-19
Reuters

Thời gian gần đây, chính quyền rất mạnh tay trong việc xử phạt, bắt giam nhiều facebooker vì đăng tải thông tin không theo sự kiểm soát của nhà cầm quyền. Mới nhất là trường hợp hai Facebookers ở Đà Lạt và Cần Thơ vào ngày 13/4 bị khởi tố và bị bắt tạm giam về những bài viết liên quan đến dịch COVID-19. Viện Kiểm Sát cáo buộc hai facebooker này tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích, quyền hợp pháp của tổ chức, công dân’.

Không chỉ vì đăng tải thông tin liên quan Covid-19 mới bị xử phạt. một tài xế đăng hình ảnh, clip về cảnh sát giao thông (CSGT) lên Facebook bị cho là xúc phạm CSGT nên bị phạt hành chính 7,5 triệu đồng. Hay trường hợp ông Trần Đình Sang một facebooker nổi tiếng với tài khoản “Trần Đình Sang và những người bạn” chuyên đưa các tin, hình ảnh, video clip về giao thông cũng đã bị công an tỉnh Yên Bái xét nhà và bắt tạm giam với cáo buộc “Chống người thi hành công vụ”.

Hay vào tháng 2 năm 2020, Facebooker Them Ly đăng video chiếu cảnh hàng dài người Trung Quốc đeo khẩu trang đang chờ nhập cảnh vào Việt Nam ở cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn để vào Việt Nam, cũng bị phạt tiền hơn 12 triệu đồng.

Bất cứ người dùng Facebook nào cũng đều có thể là phạm nhân dự bị và có thể bị bắt bất cứ lúc nào, nếu họ thể hiện quan điểm, chính kiến và thái độ chính trị.
-Đinh Văn Hải

Facebooker Đinh Văn Hải nhận định với RFA hôm 17/4:

“Việt Nam hiện tại có 1 Hiến Pháp 2013 và hơn 120 Bộ luật con. Tuy nhiên, nội dung Hiến Pháp có những điều luật mâu thuẫn với thực tế, mâu thuẫn lẫn nhau và mâu thuẫn với các bộ luật con. Cơ quan thực thi luật thì tùy tiện diễn giải luật pháp theo ý thích, theo chủ trương buộc tội người dân mà không căn cứ vào nguyên tắc buộc tội, hay nguyên tắc suy diễn vô tội. Bất cứ người dùng Facebook nào cũng đều có thể là phạm nhân dự bị và có thể bị bắt bất cứ lúc nào, nếu họ thể hiện quan điểm, chính kiến và thái độ chính trị.”

Trước đó, vào năm 2019, nhiều facebooker còn bị xử phạt nặng hơn vì bị cho là ‘xúc phạm lãnh đạo đảng, nhà nước’, như trường hợp 4 người dân ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa bị công an huyện xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 30 triệu đồng vì bị cho là có hành vi ‘bình luận, nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng uy tín đến các lãnh đạo đảng, Nhà nước và lực lượng công an nhân dân trên mạng xã hội Facebook’.

Luật sư Hà Huy Sơn nhận định:

“Việc xử phạt các facebooker tôi thấy rất tùy tiện, vì xảy ra tình trạng bất cân xứng, tức là giữa cá nhân người bị xử phạt và chính quyền. Vì những cá nhân đó không đủ khả năng hiểu biết pháp luật, hay những trường hợp khác bị xử không đúng mức độ, oan sai, nhưng người nhân cũng phải chấp nhận bỏ qua... Tôi cho rằng đây là tình trạng, các tổ chức xã hội hay giới luật sư phải lên tiếng, để góp phần giảm bớt, chấm dứt tình trạng như thế này xảy ra.”

Theo trang the88project.org, trong năm 2019, có rất nhiều facebooker bị bắt, bị kết án chỉ vì chia sẻ các bài viết hoặc livestream trên facebook. Theo thống kê, có khoảng 22 trường hợp bị bắt, bị kết án về tội ‘Làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo Điều 117, tức điều 88 cũ; và tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 52 và điều 331 là điều 268 trước đây, của Bộ luật Hình sự 2015.

Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định tiếp:

“Nếu như ở những quốc gia mà hệ thống chính trị của họ là dân chủ, minh bạch, tự do báo chí được tôn trọng rất cao thì khác, Việt Nam thì khác. Ví dụ như có những điều luật của Việt Nam tôi biết, mà những tổ chức nhân quyền Liên Hợp Quốc và một số quốc gia không đồng tình, nhưng lại được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự Việt Nam.”

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, đây là những điều luật rất mù mờ, sắt đá, chứng tỏ Việt Nam là một thiết chế chính trị hắc ám, đàn áp, mang tính chất công an trị. Ông cho rằng điều này là không hay và Việt Nam cần sửa đổi.