Mạng xã hội thách thức truyền thông chính thống tại Việt Nam?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2017.12.27
Facebook1.jpg Facebook, mạng xã hội thông dụng hiện nay.
AFP

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra vấn đề Việt Nam có tới 800 tờ báo cách mạng cùng lực lượng làm công tác tuyên giáo hùng hậu, nhưng chẳng lẽ lại chịu thua trong cuộc đấu tranh không gian mạng hay sao?

Lực lượng 47

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào ngày 25 tháng 12, ở thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tuyên giáo thành phố Hồ Chí Minh, bà Thân Thị Thư cho biết chính quyền thành phố cố gắng rất nhiều để đấu tranh trong không gian mạng, tuy nhiên hiệu quả đạt được không cao.

Cũng tại Hội nghị vừa nêu, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương lên tiếng cũng như các quốc gia khác, cuộc đấu tranh trên internet lẫn không gian mạng của Việt Nam là rất khó khăn phức tạp, và nếu không vượt qua thử thách thì Việt Nam thất bại, mà truyền thông trong nước trích dẫn nguyên văn lời ông nói là “chúng ta có tới 800 tờ báo cách mạng, vậy mà chúng ta lại chịu thua trên mặt trận này?”

Một số blogger ở Việt Nam đưa ra nhận xét với RFA rằng vấn đề ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc vượng nêu lên là khách quan và đúng thực tế, vì hệ thống báo chí của Việt Nam bị Ban Tuyên giáo cũng như Bộ Thông tin-Truyền thông kiểm soát rất ngặt nghèo. Điển hình, Blogger Lê Anh Hùng giải thích:

Chính vì báo chí ở Việt Nam bị kiểm soát ngặt ngoèo, cho nên không phản ảnh đúng sự thật và thực trạng xã hội. Báo chí ở Việt Nam chủ yếu là công cụ để tuyên truyền cho Đảng, là công cụ để ru ngủ dân chúng và định hướng dư luận, chủ yếu mang tính chất chính trị nhiều hơn
-Blogger Lê Anh Hùng

“Chính vì báo chí ở Việt Nam bị kiểm soát ngặt ngoèo, cho nên không phản ảnh đúng sự thật và thực trạng xã hội. Báo chí ở Việt Nam chủ yếu là công cụ để tuyên truyền cho Đảng, là công cụ để ru ngủ dân chúng và định hướng dư luận, chủ yếu mang tính chất chính trị nhiều hơn.”

Blogger Lê Anh Hùng còn chỉ ra rằng thông thường báo chí chính thống (hay còn được gọi là ‘lề phải’) không theo kịp diễn biến của các sự kiện nóng và có nhiều sự kiện nhạy cảm thì các cơ quan truyền thông của Nhà nước bị ngăn chặn, hạn chế đưa tin hoặc thậm chí bị cấm đưa tin nên người dân tìm kiếm thông tin qua mạng xã hội.

Vào ngày 26 tháng 12, trong Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết Việt Nam có 849 cơ quan báo và tạp chí in, 195 cơ quan báo chí điện tử được cấp phép và 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương…Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo còn nhấn mạnh mạng xã hội là nguồn cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí đang có nguy cơ bị truyền thông xã hội “vượt mặt” trong việc cung cấp thông tin đến độc giả.

Một ngày trước đó, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết trước sức ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội, Quân đội vừa thông báo có “Lực lượng 47” hơn 10 ngàn người thuộc nhóm chiến đấu trên không gian mạng, là một lực lượng “vừa hồng vừa chuyên” được đặt tên theo Chỉ thị 47, đang hoạt động tích cực trong tất cả đơn vị cơ sở, mọi miền và mọi lĩnh vực nhằm thực hiện nhiệm vụ đấu tranh trên không gian mạng.

Cuộc chiến truyền thông mạng

Liên quan thông tin về “Lực lượng 47” và đội ngũ làm công tác tuyên giáo hùng hậu, cư dân mạng Việt Nam đồng loạt lên tiếng Nhà nước có tăng cường số lượng dư luận viên bao nhiêu chăng nữa thì cũng không thể ngăn cản được xu thế của thời đại thông tin mạng, cũng như bưng bít thông tin đa chiều từ phản ứng của dân chúng qua nối kết truyền thông mạng. Giáo sư-Tiến sĩ Nhà giáo Nhân dân Trần Đình Sử chia sẻ ý kiến của ông trên tài khoản Facebook cá nhân rằng “10.000 hay một triệu dư luận viên cũng không che đậy được sự thật”.

Facebooker Vũ Sỹ Hoàng, người vừa bị cấm xuất cảnh và thu hộ chiếu vào trưa ngày 26/12/2017 khi ông qua cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất để đi Mỹ đoàn tụ gia đình, nói với chúng tôi rằng:

“Chuyện mà họ có thêm quân số hay họ làm nhiều hơn nữa thì họ cũng không thể bưng bít được sự thật. Tại vì sự thật sẽ lan tỏa cho nhiều người biết đến, sẽ được nhiều người chấp nhận và không thể bị dập tắt được. Còn những tin đồn bậy bạ hay vớ vẩn thì người ta tự nhiên sẽ biết được chân tướng thôi. Cho nên, cuộc chiến giữa sự thật và giả dối thì người dân bây giờ cũng tỉnh táo nhận biết được đâu là chuyện đúng, đâu là chuyện nhồi sọ tuyên truyền, đâu là những chuyện giả dối. Người dân sẽ biết lọc thông tin để nhận ra đâu là thật, đâu là giả.”

Chuyện mà họ có thêm quân số hay họ làm nhiều hơn nữa thì họ cũng không thể bưng bít được sự thật. Tại vì sự thật sẽ lan tỏa cho nhiều người biết đến, sẽ được nhiều người chấp nhận và không thể bị dập tắt được...Cho nên, cuộc chiến giữa sự thật và giả dối thì người dân bây giờ cũng tỉnh táo nhận biết được đâu là chuyện đúng, đâu là chuyện nhồi sọ tuyên truyền, đâu là những chuyện giả dối
-Blogger Vũ Sỹ Hoàng

Một số cư dân mạng Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc dẫn chứng trường hợp không được xuất cảnh của Facebooker Vũ Sỹ Hoàng là một minh chứng rõ ràng cho việc người dân không được tự do truyền thông và tự do đi lại, khi Facebooker này cất lên tiếng nói ủng hộ quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Các cư dân mạng còn nhấn mạnh cho dù “Lực lượng 47” ra sức tuyên truyền thế nào chăng nữa cũng không đủ sức thuyết phục cho họ tin rằng Việt Nam có tự do truyền thông.

Tù nhân lương tâm-Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, người bị tuyên án tù vì bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội, chia sẻ với RFA rằng sau khi ra tù vào năm 2014, anh rất ngạc nhiên vì có nhiều người bày tỏ chính kiến công khai trên mạng internet mà không sợ hãi gì. Đối với anh Nguyễn Tiến Trung điều đó chứng tỏ sự phát triển của internet và nhất là Facebook đã giúp cho truyền thông đa chiều tại Việt Nam.

Facebooker Nguyễn Lân Thắng cũng từng khẳng định với RFA:

“Dù có những động thái nào như đe dọa hay bắt bớ…thì tôi nghĩ cũng không thể nào ngăn được cơn sóng thần của mạng xã hội trong thời đại này mang đến để xua đi những bất công, giúp người dân có thể đấu tranh giành lại những quyền của mình”.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trước các thông tin mới nhất trong vài tháng cuối năm 2017, như bản án phúc thẩm giữ nguyên 10 năm tù đối với Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và 9 năm tù đối với nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, hay Hà Nội gia tằng đàn áp và bắt bớ các blogger cùng những nhà hoạt động dân chủ…thì cộng đồng cư dân mạng khẳng định nhà cầm quyền Việt Nam cho dù rất cố gắng và nỗ lực để định hướng dư luận trong và ngoài nước nhưng vẫn không thể bóp méo sự thật liên quan các thông tin này. Và, các cư dân mạng nói với RFA rằng đánh giá của Tổ chức Freedom House trong báo cáo năm 2017, vừa công bố hồi trung tuần tháng 11 vừa qua rằng Việt Nam là quốc gia vi phạm quyền của người sử dụng internet là trung thực và đáng tin cậy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.