Tàu cá ‘đâm’ tàu hải cảnh: Ngụy biện cộng sản!

Diễm Thi, RFA
2020.04.06
000_Hkg9886857.jpg Bức ảnh này được chụp vào ngày 2 tháng 6 năm 2014 cho thấy chiếc thuyền đánh cá Việt Nam DNa-90152 bị một tàu Trung Quốc đánh chìm.
AFP

Bắc Kinh đáp trả lại yêu cầu của Hà Nội về vụ Tàu Hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá ngư dân Quảng Ngãi là do tàu cá Việt Nam đâm vào mũi tàu Hải cảnh Trung Quốc. Luận điệu này của Bắc Kinh bị nhiều người phản bác và cho rằng không khác mấy với luận điệu của cơ quan chức năng Hà Nội khi cho rằng một người dân bị gãy xương mũi do “va” vào gậy điều khiển của cảnh sát giao thông.

Hôm 2 tháng 4 năm 2020, tàu cá số hiệu QNg-90767-TS do ông Trần Hồng Thọ sở hữu bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 4301 tông chìm ở khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. Đây là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, "Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg-90617-TS và 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm".

Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vụ nhân viên công vụ và tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

Đến chiều ngày 3 tháng 4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh phát biểu rằng:

“Vào sáng sớm ngày 2 tháng 4, tàu Hải cảnh Trung Quốc trong khi tuần tra định kỳ đã phát hiện một chiếc tàu đánh cá Việt Nam xâm nhập đánh bắt cá ở quần đảo Tây Sa của Trung Quốc, đã lập tức gọi loa xua đuổi. Chiếc tàu đánh cá này không chịu rời đi và đột nhiên chuyển hướng về phía tàu Hải cảnh Trung Quốc. Mặc dù tàu Hải cảnh Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh nhưng vẫn bị tàu đánh cá Việt Nam đâm vào mũi tàu và chiếc tàu cá đã bị chìm…”

Cùng ngày, người phát ngôn của Cục Hải cảnh Trung Quốc đăng trên trang mạng Trung Quốc Hải cảnh với nội dung tương tự:

“Sáng sớm ngày 2 tháng 4, tàu cá Việt Nam QNg-90617-TS đã xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc quần đảo Tây Sa của Trung Quốc để đánh bắt cá. Tàu Hải cảnh 4301 của Trung Quốc đã cảnh báo để xua đuổi. Tàu đánh cá Việt Nam không rời đi và đã có những hành động nguy hiểm nhiều lần rồi bị chìm sau khi đâm vào tàu Hải cảnh 4301.”

Ông Nguyễn Chí Thạnh, thuyền trưởng một tàu cá ở đảo Lý Sơn lên tiếng với RFA tối ngày 6 tháng 4:

“Tàu mình bé xíu sao mà sao tông nó được. Nó tông mình thôi. Nó nói vậy tui lạy nó luôn. Tông nó chỉ có chết vì tàu nó là tàu sắt.
Thấy nó thì chỉ có chạy thôi.

Khi bị vậy thì thường tụi tui cũng có gọi cứu hộ Việt Nam nhưng nếu mình đi xa bờ thì nó đâu có hỗ trợ kịp. Tàu Trung Quốc rượt là mình quay đầu chạy chứ không nó tông bể đáy, nó bắn chết. Làm sao tàu gỗ mà tông tàu sắt hả cô?”

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nhận định rằng, qua sự việc này người ta càng thấy rõ cái xấu xa, cái bản chất không trung thực, âm mưu bành trướng trện Biển Đông của Trung Quốc cũng như bản chất tráo trở của nước này qua phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh. Ông phân tích:

“Đó là chuyện rất vô lý. Tàu cây làm sao dám đâm vào tàu sắt. Hình ảnh chụp cũng rất rõ.  Chúng tôi có hình ảnh mũi và thân tàu bị đâm gãy. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói không chính xác, mang tính tráo trở. Ngư dân cũng đã báo cáo rất rõ kèm hình ảnh cụ thể. Điều này thể hiện rất rõ bản chất của Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên có chuyện phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc lên tiếng đổ lỗi cho tàu cá Việt Nam đâm vào tàu hải cảnh nước họ”.

Ông Thắng cho biết Hội Nghề Cá đã lên tiếng bằng văn bản qua các cơ quan ngoại giao, các cơ quan báo chí thông tin đại chúng. Ông cho rằng phía Trung Quốc cũng đã nhận được nhưng họ không phản hồi.

Đậy không phải lần đầu tiên tàu Trung Quốc đâm chìm hay xua đuổi tàu cá Việt Nam trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm phản đối và phát ngôn nhân bộ này lên tiếng quan ngại.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một người hiểu rõ cách hành xử của Trung Quốc từ xưa đến nay thì cho rằng đây là ngụy biện:

“Thật ra thì từ trước đến nay Trung Quốc tìm nhiều cách đổ thừa lắm. Đây là lần đầu tiên đổ thừa bằng cách khác thôi. Tất cả những lần trước họ cũng có lý do hết, vấn đề là lý do gì thôi. Trung Quốc luôn tìm ra lý do và những lý do đó là ngụy biện. Không phải bây giờ họ mới đổ thừa đâu. Sự ngụy biện thì nó giống nhau. Muôn mặt.”

Giải thích bằng cách ngụy biện rằng tàu Hải cảnh Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh nhưng vẫn bị tàu đánh cá Việt Nam đâm vào mũi tàu và chiếc tàu cá đã bị chìm, khiến người ta liên tưởng tới cách giải thích của công an Việt Nam trong những lần gây thương tích cho dân.

Tháng 10 năm 2018, anh Lê Hữu Thạnh ở tỉnh Tiền Giang tường trình với công an tỉnh này rằng anh bị cảnh sát giao thông chặn lại, dùng dùi cui đánh liên tục vào đầu, mặt và cổ anh. Khi thấy anh bị chảy máu nhiều thì cảnh sát giao thông lập tức bỏ đi. Trong khi phía cảnh sát giao thông giải trình rằng, một người điều khiển xe máy đã "va" vào gậy điều khiển giao thông khi cảnh sát đang làm nhiệm vụ khiến người này gãy xương mũi và xương hàm phải nhập viện điều trị.

Tháng 7 năm 2019, mạng xã hội xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh một thanh niên quay phim bằng điện thoại lúc đang bị lập biên bản thì một cảnh sát giao thông tiến tới tát anh này chảy máu môi.

Phía cảnh sát giao thông sau đó cho rằng, người vi phạm thừa nhận bản thân mình vi phạm luật giao thông và cảnh sát giao thông chỉ “gạt tay trúng điện thoại” chứ không phải đánh vào mặt nên không có chuyện chảy máu môi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.