Nhiều bất ngờ
Cứu một người lâm nguy trên biển có khó không? Câu trả lời: không dễ. Cứ một con tin khỏi tay hải tặc có khó không? Câu trả lời: rất khó. Cứu một con tin đang bị hải tặc chỉa súng uy hiếp có khó không? Câu trả lời: hầu như không thể nào làm được.
Những câu hỏi vừa nêu không chỉ được người dân Hoa Kỳ và dân chúng thế giới nói đến trong 5 ngày qua, mà cũng là câu hỏi ngay chính các viên chức cao cấp nhất của hành pháp Hoa Kỳ đặt ra trong những cuộc thảo luận khẩn cấp để tìm cách cứu một công dân Mỹ bị lâm nguy.
Nạn nhân là ông Thuyền trưởng Richard Phillips của chiếc tầu hàng Maersk Alabama, người không may bị bọn cướp biển Somalia bắt làm con tin đòi tiền chuộc mạng.
Câu chuyên bắt đầu từ tuần trước, khi chiếc tầu chở cả chục ngàn tấn phẩm vật cứu trợ cho dân chúng Somalia và Uganda bị bọn hải tặc nổ súng uy hiếp và leo lên tàu khi chiếc thương thuyền đang di chuyển ở vùng biển Ấn Độ Dương.
Các thuỷ thủ trên tầu được ông thuyền trưởng chỉ thị chạy vào phòng khoá chặt cửa lại, đừng để bọn gian bắt.
Cuối cùng bọn cướp rời tầu bằng một chiếc thuyền cứu hộ không có máy, mang theo viên thuyền trưởng 53 tuổi.
Ngay tức khắc, chiến hạm Bainbridge có mặt gần đó được chỉ thị từ Lầu Năm Góc trực chỉ đi thẳng đến hiện trường, và cuộc điều đình với bọn hải tặc bắt đầu, trong khi hai chiếc tàu chiến khác của Đệ Ngũ Hạm Đội Mỹ cũng chuyển hướng để cùng chiếc Bainbridge bao vây chiếc tầu cứu hộ có 4 tên cướp biển và viên thuyền trưởng đang bị chúng giữ làm con tin.
Cả đám cướp biển và đồng bọn của chúng ở trên bờ đều tin viên thuyền trưởng chính là “lá chắn chống đạn”, nói với báo chí rằng lúc nào chúng còn viên thuyền trưởng Mỹ trong tay, “quân đội Hoa Kỳ sẽ không dám nổ súng”.
Cuộc giải cứu ngoạn mục
Chưa biết rõ những gì xảy ra trong cuộc thương lượng diễn ra từ hôm thứ Năm giữa Hải Quân Hoa Kỳ, Cơ Quan FBI với bọn hải tặc, chỉ biết vào lúc đêm khuya, một đơn vị đặc nhiệm của hải quân Mỹ quy tụ những tay súng cứ khôi nhất được chuyển bằng trực thăng đến chiếc Bainbrige để chờ lệnh.
Ssau khi nhận được chỉ thị từ Tổng thống Hoa Kỳ và nhìn thấy rõ mục tiêu cũng như thấy ông tính mạng của ông thuyền trưởng Phillips đang bị đe doạ, các tay xạ thủ Mỹ bóp cò, nhắm thẳng vào đầu và vai của bọn cướp biển.
Phó Đô Đốc Bill Gortney
Tối thứ Sáu, ông thuyền trưởng bát ngờ nhảy xuống biển tìm đường thoát, nhưng bị đám hải tặc bắt trở lại.
Sang đến sáng Chủ Nhật, bọn gian đồng ý nhận nước và thức ăn, đồng thời chấp nhận để chiếc Bainbridge kéo chiếc tầ cứu hộ ra khỏi khu vực đang bị sóng đánh.
Cũng buổi sáng hôm đó, một tên trong bọn đồng ý lên chiếc Bainbridge để điều đình trực tiếp với đại diện của Hoa Kỳ, thay vì thương lượng qua điện thoại cầm tay như đã làm những ngày trước.
Cuộc điều đình tay đôi này không đem lại kết quả nào cả, trong khi chiến hạm của Hoa Kỳ và chiếc tầu cứu hộ cách nhau chỉ chừng 30 mét, trền tầu có thể nhìn thấy thật rõ một tên hải tặc cầm khẩu AK-47 dí sát vào lưng ông thuyền trưởng Phillips.
Từ Nhà Trắng, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama ra lệnh cho Hải Quân hành động.
Phó Đô Đốc Bill Gortney, Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ tại Trung Á Và Trung Đông kể lại rằng sau khi nhận được chỉ thị từ Vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội và nhìn thấy rõ mục tiêu cũng như thấy ông tính mạng của ông thuyền trưởng Phillips đang bị đe doạ, các tay xạ thủ Mỹ bóp cò, nhắm thẳng vào đầu và vai của bọn cướp biển.
Kết quả cả 3 tên hải tặc ở trên xuồng cứu hộ bị bắn gục tại chỗ, tên thứ tư đang ở trên chiến hạm của Mỹ bị bắt giam ngay. Ông thuyền trưởng Richard Phillips được tự do.
Lời nói đầu tiên của vị thuyền trưởng vừa may mắn sống sót trở về là lời cám ơn tất cả mọi người, đặc biệt là các đơn vị hải quân và đơn vị đặc nhiệm đã cứu ông.
Trong khi đoàn thuỷ thủ của chiềc tầu do ông điều khiển đang cặp bến tại cảng Mombasa ở Kenya reo hò mừng rỡ trước tin vui không ngờ. Và đương nhiên, gia đình ông thuyền trưởng cũng hân hoan trước tin này.
Tại Washington, Văn Phòng Báo Chí Nhà Trắng cho phổ biến bản tuyên bố của Tổng Thống Obama, trong đó vị lãnh đạo Mỹ ca ngợi viên thuyền trưởng là “quả cảm”, là “mẫu mực cho mọi công dân Mỹ”, nhưng cũng nói thêm thế giới phải cộng tác với Hoa Kỳ để diệt trừ bọn hải tặc đang hoành hành, ý muốn nói thành quả mà Hoa Kỳ mới đoạt được là thành quả rất nhỏ trước một tệ trạng quá lớn mà các thường thuyền qua lại ở Ấn Độ Dương phải đối phó.
Trả thù?
Ngay sau khi Hải quân Mỹ hạ sát các tay cuớp biển và giải cứu thành công thuyền trưởng Richard Phillips, bọn hải tặc đã lên tiếng đe doạ sẽ trả thù cho đồng bọn, và tuyên bố rằng từ bây giờ trở đi các tàu chở hàng mang cờ hiệu Mỹ sẽ là kẻ thù số một của chúng.
Ngay chính Phó Đô Đốc Gortney cũng công nhận là sau vụ này, có khả năng bạo động sẽ xảy ra quyết liệt hơn ở khu vực biển Ấn Độ Dương mà bọn hải tặc đang lộng hành.
Cũng xin được nói thêm là hôm thứ Sáu vừa rồi ở ngay vùng biển này, lực lượng đặc nhiệm hải quân Pháp cũng ra tay hành động, giết chết 2 tên hải tặc đang uy hiếp một chiếc du thuyền, cứu sống 4 công dân Pháp nhưng người chủ chiếc du thuyền không may thiệt mạng.
Hiện vẫn còn cả chục chiếc thương thuyền với hơn 200 thuỷ thủ đang bị bọn hải tặc bắt giữ làm con tin đòi tiền chuộc và mọi người đang sợ, không biết chuyện gì xảy ra với toán người này.
Vụ bắt cóc thuyền trưởng Richard Phillips cũng khiến dư luận đặt ra câu hỏi là tại sao việc bài trừ hải tặc Somalia lại quá khó khăn?
Theo giới phân tích thìcó rất nhiều lý do. Thứ nhất Ấn Độ Dương là một vùng biển rất rộng, có đưa bao nhiêu tầu chiến đến cũng không xuể.
Thứ nhì là khi một chiếc tầu lọt vào tay hải tặc, công ty chủ tầu và công ty bảo hiểm thường đồng ý dàn xếp nộp tiền cho chúng. Thứ ba là chính quyền Somali là một chính quyền vô tổ chức, do đó hầu như thế giới không thể trông mong được gì vào họ.