Sạt lở, ngập lụt: Nhân tai hay thiên tai?

RFA
2023.07.31
Sạt lở, ngập lụt: Nhân tai hay thiên tai? Một đường ray bị phá hủy do sạt lở đất ở tỉnh Quảng Bình ngày 9 tháng 8, 2007.
REUTERS

Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc gây chết người chiều 30 tháng 7 năm 2023 được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp và Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng Trương Minh Dương cho biết, nguyên nhân là do lượng mưa quá lớn và bất thường.

Một ngày trước đó, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn thuộc địa phận huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận bị ngập sau trận mưa lớn. Ban Quản lý dự án cao tốc này cũng cho hay, nguyên nhân là do mưa quá lớn, các kênh mương phía hạ lưu thoát không kịp tràn ra đường cao tốc gây ngập.

Một số chuyên gia về môi trường nhận định rằng, nguyên nhân chính là do con người, tức nhân tai. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, thuộc Viện Nghiên cứu Biển đổi Khí hậu, Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Đại Học Cần Thơ nói với RFA sáng 31 tháng 7:

“Do cả hai nguyên nhân nhưng do con người trước rồi thiên nhiên phụ họa thêm gây hậu quả trầm trọng hơn. Thật ra vẫn có những trận mưa lớn hay những trận bão gây sạt lở từ xưa, nhưng mức độ chưa trầm trọng như hiện nay. Mình không tách riêng là do con người hay thiên nhiên, mà đôi khi do cả hai kết hợp lại làm cho tình trạng tệ hại thêm.

Tình trạng sạt lở hiện nay ở những vùng đồi núi như Bảo Lộc hay tây nguyên cũng xảy ra khá nhiều rồi. Nguyên nhân chính là tình trạng phá rừng để trồng các loại cây khác như cây công nghiệp hay cây ăn trái chẳng hạn. Việc này làm cho đất mất đi lớp rễ cần thiết của cây rừng ngày xưa nhằm giữ nước trong đất. Do đó khi mưa lớn, đất trở nên nhão và nó gây sạt lở.”

Câu chuyện sạt lở gây chết người ở đèo Bảo Lộc nhắc nhớ lại vụ sạt lở gây chết hàng chục người tại thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) vào tháng 10 năm 2020. Vụ sạt lở khiến 17 công nhân mất tích nhưng đến nay chỉ tìm được xác của 6 người. 11 người còn lại vẫn nằm đâu đó ở Rào Trăng…

Do cả hai nguyên nhân nhưng do con người trước rồi thiên nhiên phụ họa thêm gây hậu quả trầm trọng hơn. Thật ra vẫn có những trận mưa lớn hay những trận bão gây sạt lở từ xưa, nhưng mức độ chưa trầm trọng như hiện nay. Mình không tách riêng là do con người hay thiên nhiên, mà đôi khi do cả hai kết hợp lại làm cho tình trạng tệ hại thêm. - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Với tai nạn sạt lở mới nhất ở đèo Bảo Lộc, ông Triều Dương, một người dân Đà Lạt thường xuyên qua lại đoạn đèo này nói với RFA rằng, nhiều năm trước đây, đoạn đèo này chỉ có hai cái miếu nhỏ. Những năm gần đây, số người dừng xe thăm miếu ngày càng đông nên cư dân địa phương xây dựng những ngôi lán để buôn bán cho khách du lịch, lâu dần những cái lán trở thành những ngôi nhà và nơi đây trở này một khu dân cư nhỏ. Mấy năm qua họ phá rừng trồng cây ăn trái.

000_8U44BB.jpg
Sạt lở đất ở tỉnh Quảng Nam ngày 29 tháng 10 năm 2020. AFP

Trao đổi với RFA sáng 31 tháng 7 năm 2023, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ cho rằng, tất cả từ thu nhập quá thấp của người lao động mà ra. Ông phân tích:

“Câu chuyện đèo Bảo Lộc thì sự thực mà nói là nó cũng chỉ là câu chuyện đô thị hóa không theo một cái quy hoạch phù hợp. Cái quá trình xây dựng trong đó có việc làm đường không đúng tiêu chuẩn, rồi phát triển những khu dân cư nông thôn theo kiểu đô thị đã làm cho nền đất không được đảm bảo vững chắc và từ đấy gây sụt lở.

Những người quản lý hay nói cách khác là chính quyền địa phương với các nhà đầu tư là cùng một cánh, cùng một nhóm lợi ích. Chính vì vậy mà việc tạo ra lợi ích cao hơn bằng cách cắt xén những hạng mục an toàn lại là sự đồng lòng giữa nhà đầu tư và các nhà quản lý cấp cơ sở. Chính vì vậy mà mọi việc cứ tiến hành, cứ triển khai dưới chuẩn xây dựng và được sự bật đèn xanh của các nhà quản lý ở địa phương.

Chính vì vậy mà tình trạng này cứ tiếp diễn hết nơi này đến nơi khác không dừng lại. Còn một nguyên nhân sâu xa là tại sao các nhà quản lý ở các nơi lại dung túng cho các hành vi sai trái so với tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng?

Chẳng qua là do thu nhập của họ quá thấp. Đây là vấn đề được đặt ra. Phải làm sao để thoát khỏi tình trạng này? Chắc chắn việc đầu tiên cần làm là phải tinh giản bộ máy và những người còn lại phải độc lập về mặt lợi ích với những dự án đầu tư.”

Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ nói thêm, còn một lý do nữa gây ngập lụt, sạt lở đất là do biến đổi khí hậu, bởi nó làm cho mọi thứ thay đổi mà tư duy con người lại chưa thay đổi kịp. Ông Võ kết luận:

“Nhưng sự thực lý do đó không phải đóng vai trò chính. Vai trò chính vẫn là cơ chế xây dựng, quản lý như thế nào. Gốc là nhân tai. Thiên tai chỉ là cái cớ thôi.”

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị công bố “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam - ông Trần Bình Trọng cho biết, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ hoàn thành điều tra, đánh giá chi tiết và khoanh vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét tại các tỉnh miền núi. Bên cạnh đó, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ước tính Việt Nam sẽ cần khoảng 400 tỷ USD đến năm 2040.

Tình trạng phá rừng được coi là nguyên nhân chính dẫn đến lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, làm mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn. Theo số liệu của Tổng Cục Lâm nghiệp, chỉ trong 4 năm từ 2016 – 2019, diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 7.238 ha. Như vậy, trung bình mỗi năm sẽ mất đi khoảng 2.430 ha rừng.

Câu chuyện đèo Bảo Lộc thì sự thực mà nói là nó cũng chỉ là câu chuyện đô thị hóa không theo một cái quy hoạch phù hợp. Cái quá trình xây dựng trong đó có việc làm đường không đúng tiêu chuẩn, rồi phát triển những khu dân cư nông thôn theo kiểu đô thị đã làm cho nền đất không được đảm bảo vững chắc và từ đấy gây sụt lở. - GS. Đặng Hùng Võ

Nạn chặt phá cây rừng tại những khu rừng phòng hộ tại nhiều địa phương ở Việt Nam đã diễn ra cả chục năm qua, và vẫn đang diễn ra theo chiều hướng gia tăng chưa có điểm dừng. Kiểm lâm cho rằng lực lượng của họ quá ít không thể theo dõi hết các khu vực cần bảo vệ.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói với RFA sáng 31 tháng 7 năm 2023:

“Tôi nghĩ những khu rừng đặc dụng thì không ai cho phép phá đâu nhưng đôi khi người ta vẫn phá bất hợp pháp, hoặc phá nhiều hơn mức cho phép mà không kiểm soát được. Lúc đầu người ta phá ở mức độ thấp thì chưa thấy nguy cơ sạt lở lớn nhưng tới một lúc nào đó thì sẽ thấy rõ.

Thật ra nhà nước cũng có những chương trình trồng rừng hay chống sạt lở, nhưng mà diễn biến thay đổi của tự nhiên diễn ra quá nhanh so với tốc độ khôi phục lại rừng. Hiện nay tôi biết có rất nhiều chương trình trồng rừng, nhưng đợi một cây rừng lớn lên thì mất đến cả chục năm mà diễn biến của thiên tai xảy ra quá nhanh không ngăn cản được.

Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rừng phòng hộ là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Rừng phòng hộ gồm có rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.