Hướng về Việt Nam trong ngày kỷ niệm 30 năm bức tường Bá Linh sụp đổ

Tường An
2019.11.12
bức tường Khoảng gần 3 triệu người đã trốn thoát khỏi Đông Đức sang Tây Đức, trong đó, có khoảng 5000 người đã tìm cách vượt qua bức tường bằng nhiều ngã khác nhau
Reuters

Tại nơi này, không ai có thể tưởng tượng được là cách đây 30 năm, đã có một bức tường như thế đứng sừng sững, ngăn đôi Đông Bá Linh và Tây Bá Linh trong cuộc chiến tranh lạnh kéo dài 43 năm. Bức tường dài 155 cây số giờ chỉ còn là những hàng gạch được giữ làm kỷ niệm, một phần bức tường vẫn còn được giữ lại. Năm 2007, chính quyền Bá Linh cho xây dựng một tuyến đường cho xe đạp dọc theo bức tường năm xưa. Tại đây, một bảo tàng viện nhỏ cũng được xây lên để giữ lại những hình ảnh vượt biên của người từ Đông Bá Linh vượt tường sang Tây Bá Linh.

Nhiều người Việt từ khắp nơi cũng đã đến đây để thăm lại di tích lịch sử này, để sống lại một sự kiện đã làm thay đổi cục diện của thế giới, từ chế độ chủ nghĩa xã hội Đông Đức sang chế độ tự do của Cộng Hoà Liên bang Đức.
Đến từ Paris, nhà báo Từ Thức cho biết lý do ông phải có mặt tại Berlin trong thời điểm này :

«Tôi muốn có mặt ở đây là vì ngày hôm nay là một ngày lịch sử, không phải chỉ riêng cho nước Đức mà cho khắp thế giới. Có hai điều :
- Điều thứ nhất : Ngày này chứng tỏ chế độ Cộng sản chấm dứt ở Tây phương, người Tây phương đã vỡ mộng về chế độ Cộng sản.
- Điều thứ hai : Bất cứ một chế độ độc tài nào, dù vững mạnh tới đâu đi chăng nữa, cũng có một ngày sụp đổ như bức tường này. Bức tường này là một biểu hiệu cho sự sụp đổ của bất cứ chế độ độc tài nào.
Chúng ta hy vọng rằng, một ngày gần đây Việt Nam cũng ở trong hoàn cảnh đó, nghĩa là : chế độ cộng sản sụp đổ để cho người dân đứng lên nắm lấy vận mệnh của mình »

Chẳng những người Việt ở hải ngoại quan tâm đến sự kiện lịch sử này, từ trong nước, một phái đoàn Việt nam cũng đã đến Bá Linh để một lần được nhìn thấy nơi đã xảy ra một sự thay đổi vô cùng quan trọng, Tại cổng thành Brandenburg, một khách du lịch đến từ Hà Nội mong ước :

« Tôi mong muốn Trung quốc phải sụp đổ như bức tường Bá Linh ấy ! Trung quốc bây giờ nó hầm hè Việt Nam ghê gớm. Ấy ! người ta thì cần hoà bình, cần hoà hợp, người ta cần chung sống, Trung quốc nó làm đủ chuyện ! »

Bức tường dài 155 cây số giờ chỉ còn là những hàng gạch được giữ làm kỷ niệm
Bức tường dài 155 cây số giờ chỉ còn là những hàng gạch được giữ làm kỷ niệm
Reuters

Khoảng gần 3 triệu  người đã trốn thoát khỏi Đông Đức sang Tây Đức, trong đó, có khoảng 5000 người đã tìm cách vượt qua bức tường bằng nhiều ngã khác nhau như trên không bằng khính khí cầu hay dưới nước qua những kênh đào hay đào đường hầm qua bức tường hoặc liều mạng leo qua tường. Chính quyền Cộng Hoà Dân chủ Đông Đức không thông báo con số chính xác về những người đã nằm lại dưới chân bức tường ở phía Đông. Nhưng không có người dân nào vượt tường từ Tây Đức sang Đông Đức

Phần lớn của bức tường giờ đây không còn nữa Tuy nhiên khoảng 1,3 km của bức tường cũng đã được giữ lại, trên đó - vào năm 1990 - thành phố Bá Linh đã mời các hoạ sĩ vẽ 106  bức họa đầy màu sắc nói lên sự mong muốn được tự do, yêu chuộng hoà bình và sự giải thoát khỏi chế độ Cộng sản chấm dứt một thời kỳ chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ, nhà báo Từ Thức nhận xét :

«Sự thực xã hội Đông Đức thời đó, một cách tương đối họ cũng không đến nỗi đói khổ, nhưng người ta vẫn đứng dậy là vì không có sự tự do. Do đó, không có gì mà ngăn chận nỗi những người đi tìm Tự do. Người ta vẫn nói : thời đó, người dân Đông Đức bỏ phiếu bằng chân, bỏ phiếu bằng cách leo qua bức tường này để đến nơi tự do. Sau đó, nó đã kéo theo sự sụp đổ của các chế độ Cộng sản ở Đông Âu.
Vì vậy, ngày hôm nay, đối với chúng ta là một ngày quan trọng cho tất cả mọi người, kể cả những người Việt Nam đang sống trong chế độ kiềm kẹp của chế độ Cộng sản mà hiện giờ cả thế giới đang ruồng bỏ »

Sau thế chiến thứ hai, khoảng 2,5 đến 3 triệu người dân từ Đông Đức sang Tây Đức để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Đến năm 1961, mỗi ngày có đến khoảng 1.000 người Đông Đức tìm cách sang Tây Đức. Do vậy, Liên Xô và Đông Đức đã quyết định xây bức tường ngăn cách Đông – Tây Berlin vào ngày 13. 8. 1961 để chặn đứng dòng người vượt biên.
Hai mươi tám năm sau, đêm 9/11 rạng sáng ngày 10/11/1989  những nhát búa đầu tiên đã được đập xuống bức tường ô nhục trong sự hân hoan của mọi người. Từng viên gạch văng tung toé, từng mảng tường rơi xuống. Người Đông Berlin và Tây Berlin đổ về phía bức tường, tràn qua các trạm kiểm soát, họ mở sâm- banh và hô vang : "Tor auf!" (Mở cửa đi!) Cuộc chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ chấm dứt một cách ngoạn mục. Từ thủ đô Bá Linh nhìn về Việt Nam, chị Kiều Thị An Giang - một người Việt Nam từ Đông Bá Linh đã sang Bá Linh sinh sống cách đây 20 năm - chia sẻ :

«Việt Nam cũng có một lịch sử như nước Đức, nhưng Việt Nam thống nhất tốn rất nhiều xương máu. Nước Đức ngược lại, họ thống nhất không tốn một viên đạn nào.
Sau bao nhiêu năm nhìn
lại, có những điều mà người Đức vẫn chưa hài lòng. Có rất nhiều ý kiến cho rằng, hai bên chưa có thực sự bình đẳng. Cá nhân tôi là một người sống ở nước Đức đã 32 năm, tôi tự hào và kiêu hãnh về những gì mà chính phủ Đức đã làm cho một nước Đức thực sự thống nhất và bình đẳng. Nhìn lại quê hương mình, tôi chỉ dám nói hai từ « Mơ Ước »

Check point Charlie, trạm kiểm soát quan trọng nhất, cửa giao thông giữa Đông và Tây, một điểm kiểm soát nghiêm ngặt giữa Tây Berlin do người Mỹ kiểm soát và vùng Đông Berlin do Liên Xô kiểm soát, giờ là một địa điểm thu hút nhiều khách du lịch với bảo tàng viện Check Point Charlie, một mảng tường cũ cũng được đem về đây. Nhà bảo vệ của Trạm kiểm soát Charlie đã bị gỡ bỏ vào tháng 10/1990 và hiện đang nằm trong Bảo tàng Đồng Minh ở Zehlendorf, thủ đô Berlin. Phần còn lại của Check Point Charlie đã bị phá hủy vào năm 2000, chỉ còn chốt canh và hai tấm hình chụp người lính Mỹ và Liên Xô vẫn còn được giữ lại.

«Trên thế giới này, loài người, và ngay cả bản thôi tôi đều mong muốn xoá bỏ chế độ độc tài để đưa toàn thế giới đến thành một Cộng đồng hoà hợp với nhau, có Tự do, Dân chủ cho tất cả mọi người , ông Phạm Xuân Thủy

Ông Phạm Xuân Thuỷ, cũng là một người từ Đông vượt biên sang Tây Đức, hiện cư ngụ tại thành phố Stuggart bày tỏ mong ước:

«Trên thế giới này, loài người, và ngay cả bản thôi tôi đều mong muốn xoá bỏ chế độ độc tài để đưa toàn thế giới đến thành một Cộng đồng hoà hợp với nhau, có Tự do, Dân chủ cho tất cả mọi người »

Bên cạnh khoảng tường được giữ lại như một dấu ấn của lịch sử, cùng trò chuyện và nghe được mong ước của những người Việt đến từ khắp nơi, một người Đức hồ hởi chúc :

«Tôi chúc cho các bạn, một ngày nào đó trong tương lai, có được một đất nước Tự do, một thế chế không còn Cộng sản, Tự do trên toàn thế giới. Chúc cho các bạn và đất nước các bạn những điều tốt đẹp nhất ! »

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.