Mực nước sông Mekong thấp kỷ lục: Mối lo chung hay riêng?

0:00 / 0:00

Lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan, Việt Nam và Tổng Thư ký ASEAN bày tỏ quan ngại về các đợt hạn hán nghiêm trọng, đặc biệt trong năm 2019 và 2020, khiến mực nước sông Mekong giảm xuống mức thấp kỷ lục mới, đồng thời gây gián đoạn nguồn cung lương thực, ảnh hưởng tới hệ sinh thái, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của tiểu vùng.

Sự quan ngại đó được đưa ra tại Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) lần thứ 9, diễn ra hôm 9/12 và được truyền thông trong nước loan tải.

Ảnh hưởng diện rộng…

RFA vào tối cùng ngày đã trao đổi với Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ về những ảnh hưởng đối với hệ sinh thái trong tình hình hiện nay:

“Nếu mực nước sông Mekong tiếp tục giảm thấp thế này sẽ tác động rất lớn đối với hệ sinh thái sông Mekong bởi vì toàn bộ sự sản xuất, đời sống cũng như sự đa dạng sinh học của lưu vực sông Mekong phụ thuộc vào nguồn nước. Đặc biệt bây giờ là thời điểm cuối mùa mưa lũ mà mực nước thấp như vậy thì mùa khô tới sẽ là mùa khô khá khốc liệt. Thiếu nước như vậy thì ngoài sinh hoạt hay sinh sản, hay sự giao lưu của các hệ sinh vật sẽ bị giảm đi rất nhiều, chưa kể tác động có thể gây ra cháy rừng hay mặn xâm nhập vào làm cho tình hình hệ sinh thái xấu đi.”

Nếu mực nước sông Mekong tiếp tục giảm thấp thế này sẽ tác động rất lớn đối với hệ sinh thái sông Mekong bởi vì toàn bộ sự sản xuất, đời sống cũng như sự đa dạng sinh học của lưu vực sông Mekong phụ thuộc vào nguồn nước. – TS. Lê Anh Tuấn

Không chỉ hệ sinh thái bị ảnh hưởng do mực nước sông Mekong sụt giảm mà đối với nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, hệ lụy cũng đáng báo động như Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn cho biết:

“Trong mùa nước cao mà đã thế này thì mùa nước thấp thì nước trên thượng nguồn sẽ thấp hơn, có nghĩa là mức nước điểm ngập ở trong đồng, xâm nhập mặn sâu hơn trong đồng. Như vậy tác động của thiếu nước tưới cộng với tác động của xâm nhập mặn làm ảnh hưởng rất nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, cho cả vùng lúa ở ven biển, thậm chí cả vùng trái cây ở sâu trong nội đồng. Ngay cả thủy sản mà nước mặn lên cao quá thì cũng ảnh hưởng đến cuộc sống, nhu cầu sản xuất thủy sản. Trong nhiều trường hợp bà con nông dân phải lấy nước ngọt hoặc nước ngầm đưa vào thì làm nghiêm trọng thêm tình hình sụt lún đồng bằng.”

Vẫn theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, mực nước sông Mekong giảm còn gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống nhân dân vì thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước chăn nuôi.

Nên cần giải pháp dài lâu

Vậy giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do mực nước sông Mekong sụt giảm là gì? Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng:

Hạn hán lớn nhất 100 năm qua tại Đồng bằng Cửu Long. 2016.
Hạn hán lớn nhất 100 năm qua tại Đồng bằng Cửu Long. 2016. (AFP)

“Đối phó tình trạng thiếu nước này bây giờ chỉ có tìm cách trữ lại những nguồn nước hiện có càng nhiều càng tốt, đồng thời vấn đề tiết kiệm sử dụng nước. Vấn đề đầu tiên phải nghĩ tới là phải giảm bớt chuyện sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp bởi vì sản xuất nông nghiệp tiêu thụ lượng nước khá lớn, khoảng 80% tổng lượng nước có. Một trong những cái đó là giảm sản xuất lúa, giành nước đó ưu tiên cho ăn uống, con người hoặc một phần cho chăn nuôi, còn những cái khác phải giảm một cách tối đa. Đó là cách duy nhất để giảm nhẹ tác động thiếu nước hay khô hạn đi kèm với xâm nhập mặn đi vào hạ lưu sông Mekong.”

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết thêm rằng chính phủ Hà Nội cũng đang thực hiện những giải pháp khác:

“Hiện nay chính phủ và các địa phương đang tìm cách tạo thêm những hồ chứa nhỏ trong các khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long để có thể trữ nước và tìm những giải pháp chậm thất thoát nước và đồng thời thời giảm bớt diện tích canh tác lúa ở ruộng, một phần chuyển qua sản xuất nước lợ hoặc nước mặn sản xuất nuôi trồng thủy sản thay vì sản xuất nông nghiệp. Đó là những cái đang làm hiện nay.”

Ngoài ra, hôm 15/9 vừa qua, theo nguồn báo trong nước thì Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 36 về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Hàng loạt các biện pháp ứng phó được nêu ra trong chỉ thị, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị cơ sở tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Giữa các nước cùng sử dụng chung dòng sông Mekong phải có sự thông thoáng, minh bạch thông tin và có những biện pháp bàn bạc với nhau để sử dụng nước sông Mekong một cách hiệu quả nhất. – TS. Đặng Kim Sơn

Tuy vậy, nhìn nhận tổng thể hiện trạng, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng:

“Hiện nay chính quyền tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang bố trí trở lại làm thế nào để vùng ven biển bên ngoài sẽ chuyển sang các ngành nghề thủy sản, gom hết tất cả cây trồng, vật nuôi nhạy cảm với nước mặn. Ở vùng giữa cũng phải có biện pháp tưới, hỗ trợ mùa khô, đặc biệt có những biện pháp trữ nước lại. Mùa mưa chúng ta lượng mưa khá cao, phải làm thế nào giữ lại lượng mưa tương đối lớn ở vùng giữa để tưới bổ sung, và lấy nước từ vùng nguồn phía trên chuyển xuống vùng giữa để bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.”

Vẫn theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, hiện cả biện pháp dài hạn hay ngắn hạn đang được tiến hành, tuy nhiên theo ông việc cần làm nữa là:

“Giữa các nước cùng sử dụng chung dòng sông Mekong phải có sự thông thoáng, minh bạch thông tin và có những biện pháp bàn bạc với nhau để sử dụng nước sông Mekong một cách hiệu quả nhất.”

Điều Tiến sĩ Đặng Kim Sơn vừa nêu ra cũng được Giám đốc điều hành của Ban thư ký Ủy Hội Sông Mekong nhắc đến trong báo cáo của Ủy Hội Sông Mekong phát hành hôm 7/8/2020.

Cụ thể, báo cáo yêu cầu Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động đập thủy điện một cách minh bạch và nhanh chóng, vì dòng nước ở sông Mekong xuống mức thấp kỷ lục sang năm thứ hai liên tiếp.