Tại sao cán bộ sợ “làm sai vào tù, thà không làm gì”?
Con số hàng chục ngàn đảng viên bị kỷ luật, hàng trăm cán bộ lãnh đạo bị bắt trong năm 2022 giờ trở thành “cơn ác mộng “ của nhiều cán bộ đương chức. Nhiều người chọn phương án “thà không làm gì” để tránh “bị tội”...
Án binh bất động
Tuần qua, Bloomberg có bài viết với tiêu đề tạm dịch là “Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam khiến các quan chức lo sợ đến mức “không dám làm gì cả”. Bài viết có dẫn lời một cán bộ giấu tên, hiện đang làm việc tại giám sát, phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng, rằng ông thà bị cấp trên khiển trách vì không làm được việc, còn hơn đối mặt với nguy cơ bị điều tra.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam, từ trong nước cho rằng, việc nhiều lãnh đạo cấp cao tại các lĩnh vực, từ y tế, xây dựng, giao thông cho đến tài chính, chứng khoán…bị bắt gần đây đã khiến nhiều cán bộ, từ cao cấp cho đến địa phương, mang tâm trạng lo lắng như vậy.
“Công cuộc chống tham nhũng đúng là có những thành tích nhất định, thế nhưng mà nó tạo ra những người công chức, viên chức sợ không dám làm, kể cả những việc mà người ta biết chắc là hợp pháp thì người ta vẫn chưa dám làm hoặc là cũng chột dạ.”
Theo tiến sỹ Hợp, sở dĩ có tình trạng vừa nêu một phần là do các vụ bắt bớ, xử lý hình sự chưa minh bạch, chưa đúng trình tự pháp lý và chưa huy động sự tham gia của mọi người. Mặc khác, theo ông:
“Thế còn từ phía công chức viên chức người ta chùn lại cũng có lý do chính đáng. Bởi vì người ta sợ làm là sẽ bị sai, sợ làm đúng cũng biến thành sai. Và cũng có một số thành phần không sợ sai nhưng người ta vẫn dừng lại là để chờ cơ hội tiếp tục tham nhũng.”
Cùng nói về đề tài này, tiến sỹ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy nói với RFA rằng, trong suốt một thời gian dài, đầu tư công chính là nơi kiếm ăn dễ dàng của các tổ chức cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, với tình hình bắt bớ, điều tra hiện nay thì cán bộ không muốn đặt bút ký bất kỳ dự án nào:
“Không có lợi ích gì nhiều mà phải khổ tâm như vậy thì có thể người ta sẽ không muốn làm dự án đó nữa. Người ta không muốn ký, tìm mọi cách chây ỳ để dự án đó vẫn tiếp tục nằm ở trên bàn bởi vì họ không thấy lợi ích của họ trong chuyện đó.”
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến tháng 11/2022, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 52,43% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch được giao thì thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 63,86% và chưa đạt kỳ vọng.
Các tỉnh, thành bị xác định có tỷ lệ giải ngân thấp bao gồm TP. Hồ Chí Minh (trên 25%); Hà Giang (31,4%); Cao Bằng (32,6%); Quảng Trị (trên 40%); Hòa Bình (44,8%).
Hậu quả khó lường
Theo tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, tình trạng giải ngân chậm các dự án công dẫn đến chậm tiến độ thi công đã từng khiến Việt Nam bị các đối tác nước ngoại kiện. Ông dẫn chứng:
“Các thủ tục giải ngân vô cùng chậm cho nên các đối tác nước ngoài đã từng kiện đòi Việt Nam nộp phạt và Việt Nam đã từng phải nộp tiền phạt cho các đối tác như Nhật Bản và Nam Hàn…”
Cùng với đó, tiến sỹ Huy Vũ cảnh báo, nếu các dự án đầu tư công mà không được giải ngân và thực hiện đúng kế hoạch, hậu quả sẽ gây tắc nghẽn kinh tế.
Ông lý giải, khi Chính phủ chi tiền thì dòng tiền sẽ được đưa trở lại vào trong thị trường thông qua việc làm. Người dân làm việc sẽ tiêu xài nhiều hơn. Các ngành sản xuất, dịch vụ cũng do đó mà phát triển theo. Hiệu ứng này sẽ lan tỏa, kích thích, thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn. Đó là lý do mà trong những lúc kinh tế khủng hoảng, nhu cầu yếu thì Chính quyền sẽ phải tích cực chi tiêu để kích thích nền kinh tế. Ông nói tiếp:
“Cho nên, chi tiêu của Chính quyền thông qua các dự án công nếu không được giải ngân thì sẽ dẫn đến nền kinh tế bị đình trệ hoặc là không được tăng trưởng như kỳ vọng.”
Thực tế cho thấy chỉ trong hai tháng đầu năm, hàng loạt dự án đầu tư công, được truyền thông loan, bị chậm tiến độ phê duyệt. Trong đó có 18 dự án giao thông vận tải đã phê duyệt chủ trương nhưng chậm phê duyệt dự án đầu tư. Hoặc hàng loạt kiểm định viên tại các trung tâm đăng kiểm không dám đến sở làm. Nhiều người nộp đơn xin nghỉ việc khi hàng chục cán bộ lãnh đạo tại nhiều trung tâm đăng kiểm bị bắt và khởi tố.
Bên cạnh đó, hiện khoảng 65% các bệnh viện lớn đang lâm vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vì lãnh đạo không dám phê duyệt hợp đồng. Điều này được bà Đào Hồng Lan – Bộ trưởng Y tế xác nhận trong cuộc họp hôm 27/2 rằng nhiều đội ngũ làm công tác đấu thầu có tâm lý lo lắng, vì vậy, trong quá trình thực hiện cũng gây ách tắc, chậm trễ.
Vào ngày 3/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp Chính phủ rằng “ai có tư tưởng bàn lùi, lo ngại việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí trong một bộ phận cán bộ, công chức… thì những người đó hãy đứng sang một bên.”
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh lại chỉ đạo này của ông Nguyễn Phú Trọng trong phiên họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, rằng “Ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên để người khác làm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm”.