Đồng Bằng Sông Cửu Long: khó khăn và nỗ lực vượt qua!

RFA
2020.12.22
Đồng Bằng Sông Cửu Long: khó khăn và nỗ lực vượt qua! Con kênh chính tưới nước cho cánh đồng khô trơ đáy.
RFA

Thiệt hại - Nguyên nhân

Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích khoảng 41.000 km², bao gồm thành phố Cần Thơ cùng 12 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Đây là nơi cung cấp nguồn lương thực lớn nhất cho Việt Nam với sản lượng nông nghiệp chiếm trên 50%, lương thực xuất khẩu trên 90%, cây ăn trái và thủy sản 70% cả nước.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2020 đã phải hứng chịu tình trạng sạt lở, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn lịch sử. Tình trạng này không chỉ tác động đến ngành nông nghiệp, hàng trăm ngàn hộ dân điêu đứng vì thiếu nước ngọt không chỉ riêng cho trồng trọt, chăn nuôi như mọi năm mà cả cho đời sống thường nhật.

Theo nội dung được được đưa ra tại Lễ Công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng Bằng Sông Cửu Long năm 2020 hôm 14/12 tại Cần Thơ, vùng đồng bằng trù phú này đang phải đối mặt với tỷ lệ tăng dân số 0% trong giai đoạn 2009 – 2019 do tỷ lệ di dân cao, trên 1,3 triệu người di cư trong 10 năm qua. Nhiều ý kiến khi trả lời RFA cho hay sở dĩ họ phải bỏ quê vì tình hình ở Đồng Bằng Sông Cửu Long ngày càng nhiều thách thức.

Thêm vào đó là những ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 khiến khó khăn chồng thêm khó khăn.

Năm vừa qua là một năm khó khăn cho Đồng Bằng Sông Cửu Long do tình trạng xâm nhập mặn khá nghiêm trọng và các vùng ven biển thời gian hạn mặn đến sớm và kéo dài nên làm cho cây trồng, đặc biệt lúa và cây ăn trái vùng ven biển bị thiệt hại. Chăn nuôi cũng bị thiệt hại. – TS. Đặng Kim Sơn

Theo số liệu được đăng tải trên Báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam, tính đến ngày 29/9/2020, diện tích cây ăn quả vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long bị ảnh hưởng hạn mặn là hơn 25.000 ha. Trong đó thiệt hại trên 70% là hơn 11.000 ha.

Tuy nhiên, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy năng suất lúa vụ đông xuân năm 2019 – 2020 vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đạt cao nhất cả nước với 69,7 tạ/ha, tăng 1,9 tạ/ha.

Trao đổi với RFA tối 21/12, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn cho hay:

“Năm vừa qua là một năm khó khăn cho Đồng Bằng Sông Cửu Long do tình trạng xâm nhập mặn khá nghiêm trọng và các vùng ven biển thời gian hạn mặn đến sớm và kéo dài nên làm cho cây trồng, đặc biệt lúa và cây ăn trái vùng ven biển bị thiệt hại. Chăn nuôi cũng bị thiệt hại. Có thể nói trong điều kiện vừ kinh tế chung khó khăn vì dịch bệnh COVID, thêm vào đấy là dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại cho bà con nông dân thì năm vừa qua đợt mặn, han hán ven biển Đồng Bằng Sông Cửu Long gây nhiều thiệt hại cho đồng bào cả về đời sống và thu nhập trong sản xuất.”

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long, dù năm 2020 xảy ra hiện tượng hạn cực đoan nhưng thiệt hại năm nay rất nhỏ so với hạn cực đoan từng xảy ra vào năm 2016. Nguyên nhân được nói do cả người dân và chính quyền địa phương đã đoán được và có kinh nghiệm nên có thể né tránh.

Xác nhận thực tế vừa nêu, chị Nguyễn Thị Năm, doanh nghiệp Sầu Riêng tại Tiền Giang cho hay:

“Ở dưới chị bây giờ thì nhà nước đang khoan giếng, người ta ngăn đập nhánh lại. Nói chung chị nghĩ năm nay chắc chuẩn bị tốt hơn năm rồi.”

Một người nông dân đang thu thoạch cây mía giữa thời kỳ hạn hán.
Một người nông dân đang thu thoạch cây mía giữa thời kỳ hạn hán.
Reuters

Giải thích rõ hơn vì sao lại xảy ra hiện tượng cực đoan trong năm 2020 này, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho hay:

“Hiện tượng cực đoan như vậy gây ra bởi hiện tượng El Nino biến đổi khí hậu ở lưu vực phía trên, đặc biệt là khu vực tả  ngạn sông Mekong, tức phía tây Trường Sơn, phần bên Lào bởi vì lượng nước về đồng bằng khoảng hơn 50% là phía tả ngạn bên đất Lào. Năm nào mà Lào có El Nino thì mưa ít, ở đây nước về ít, thêm trong bối cảnh đó trên các sông nhánh của sông Mekong trên đất Lào có hàng trăm đập thủy điện với các hồ chứa lớn, khi mưa ít thì những hồ đó không đủ chiều sâu nên phải đóng đập tích nước. Như vậy thì nước không đổ về dòng chính xuôi về hạ lưu được. Khi gặp hạn thì thủy điện là cho hạn gay gắt hơn.”

Dù vây, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cũng cho biết thêm rằng qua những năm cực đoan như thế thì tình hình trở lại khá bình thường.

Biện pháp

Trước những thiệt hại nặng nề đối với vùng đồng bằng trù phú nhất của Việt Nam, báo trong nước vào ngày 15/9 đưa tin cho biết Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 36 về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Bên cạnh đưa ra những biện pháp, chỉ thị còn huy động cả hệ thống chính trị cơ sở tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đến ngày 23/9, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc làm việc với 13 tỉnh thành Đồng Bằng Sông Cửu Long về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, chính phủ Hà Nội năm nay đã có sự chỉ đạo kỹ càng, giúp cho các vụ lúa tương đối bào đảm an toàn mặc dù tình hình hạn hán và nhiễm mặn diễn ra nghiêm trọng. Trong đó, việc chuyển đổi cây trồng đem lại nhiều tích cực.

Anh Năm Tân, một người dân trồng sầu riêng ở Tiền Giang cho hay:

“Người ta tập thói quen chuyển đổi cây trồng, trồng cây khác, cây nào không thích hợp mặn thì bỏ. Anh đang chăm vườn (sầu riêng) cũng lớn nhưng mình thấy vì biến đổi khí hậu thì thay vì ngay khu vực chỗ anh là sầu riêng nhưng sầu riêng không thích ứng độ mặn 0,5/1000 thì sẽ đổi qua bưởi, cam.”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại làm việc với 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long ngày 23/9/2020.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại làm việc với 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long ngày 23/9/2020.
Nguồn: tiengiang.gov.vn

Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thị Năm cũng cho biết thêm về tình hình hỗ trợ nông dân tại địa phương chị hiện nay:

“Ở dưới thì xã cũng ra hỗ trợ khi mà cây chết, cũng lập danh sách còn tiền thì chị chưa thấy.”

Không chỉ riêng chính phủ Hà Nội, mà các tổ chức và nhiều quốc gia khác cũng chung tay ủng hộ vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Biến đổi khí hậu, trong giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu đã có 45 dự án của các bộ, ngành hoặc các địa phương chủ trì với kinh phí hơn 6.000 tỷ.

Ngoài ra, 7/16 dự án trong Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu được cấp hơn 2.300 tỷ đồng; Chương trình Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 hỗ trợ 1.500 tỷ đồng cho các địa phương ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển...

Thêm vào đó, khoảng hơn 764 triệu USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hỗ trợ các dự án liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Số tiền vừa nêu đến từ các tổ chức gồm Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á, Tổ chức Phát triển quốc tế Đức, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Cơ quan Phát triển quốc tế Australia…

Mới đây nhất, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long vào ngày 11/12 đã phê duyệt dự án Phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của Thành phố Vĩnh Long với hơn 4.700 tỉ đồng hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới và chính phủ Hà Lan.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường cho biết thêm:

“Ngay thời điểm hiện nay thì đang được sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới cũng đã thuê một số chuyên gia Hà Lan đưa quy hoạch vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long cho giai đoạn 2021-2030. Tôi nghĩ rằng cũng có thể đưa ra những giải pháp tốt cho phần sông hạ lưu tại Việt Nam. Hiện nay thì quy hoạch này vẫn đang được tiến hành dự thảo đầu tiên và đang lấy ý kiến chuyên gia.”

Phân biệt những năm cực đoan và năm thường để mình biết rằng không thể nghĩ đến chuyện vì vậy mà đóng bít cửa sông Cửu Long như nhiều đề xuất để đề phòng những năm hạn mặn cực đoan như vậy. – ThS. Nguyễn Hữu Thiện

Vẫn theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, với tác động hiện nay là xâm nhập mặn đã vào nơi sâu nhất là 100 cây số, cộng thêm dự báo nước biển dâng vào năm 2050 và nhấn chìm 2/3 Đồng Bằng Sông Cửu Long dưới nước biển. Ông đề ra giải pháp thích nghi:

“Vấn đề khai thác nguồn lực của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long có thể tính tới chuyện gọi là tận dụng mặt biển để có thể có những ứng dụng như công nghiệp năng lượng sử dụng sóng biển, thủy triều, sức gió ngoài khơi, điện mặt trời ngoài khơi. Hướng thứ hai là vấn đề du lịch Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng sẽ là một giải pháp tốt miễn là tạo dựng được một hạ tầng phát triển choĐồng Bằng Sông Cửu Long trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu như vậy. Cái thứ ba nữa là phải quy hoạch lại vùng nông sản vì Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng vẫn là vùng nông nghiệp và tôi cho rằng và tôi cho rằng nếu làm tốt có thể trở thành trung tâm nông nghiệp của Đông Nam Á. Thế thì làm nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu như thế nào thì tôi cho rằng đấy là cái trong quy hoạch phải đặt ra.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ bày tỏ niềm tin rằng nếu có giải pháp tốt, có sự đồng thuận của chính quyền và người dân thì biến đổi khí hậu cũng không là vấn đề gì lớn.

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng cực đoan chồng thêm, làm cho nghiêm trọng và gay gắt hơn, có nhiều ý kiến đề xuất cần đóng bít cửa sông Cửu Long. Tuy nhiên, ông lập luận:

“Phân biệt những năm cực đoan và năm thường để mình biết rằng không thể nghĩ đến chuyện vì vậy mà đóng bít cửa sông Cửu Long như nhiều đề xuất để đề phòng những năm hạn mặn cực đoan như vậy. Việc làm đó là không nên, khi chúng ta nhìn sự việc không rõ mà thổi phồng sự việc lên, bi đát hóa vấn đề thì sẽ có những biện pháp quá đà và sẽ có tác dụng phụ.”

Theo nội dung chỉ thị 36 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành ngày 15/9 được truyền thông đăng tải, việc các quốc gia thượng nguồn sông Mekong gia tăng nhu cầu sử dụng nước cũng khiến tổng lượng dòng chảy về Đồng Bằng Sông Cửu Long trong các tháng mùa khô 2020-2021 có khả năng thiếu hụt từ 20 - 35% so với trung bình nhiều năm.

Hiện tại, mực nước sông Mekong được nói đã xuống thấp đến mức kỷ lục sang năm thứ hai liên tiếp, gây gián đoạn nguồn cung lương thực, ảnh hưởng tới hệ sinh thái, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của các nước thành viên có dòng sông chảy qua.

Trước tình trạng này, Ủy Hội Sông Mekong ngày 7/8 phát hành báo cáo yêu cầu Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động đập thủy điện một cách minh bạch và nhanh chóng. Mặc dù trước đó, vào đầu năm 2020, Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ dữ liệu nước với Ủy hội sông Mekong để cùng Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam tìm kiến thông tin cho việc lập kế hoạch tốt hơn.

Hoa Kỳ vào ngày 15/12 cũng đã khởi động dự án Theo dõi Đập nước sông Mekong bằng cách sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh không trung để theo dõi các đập nước ở Trung Quốc và ở những quốc gia khác tại lưu vực sông Mekong.

Theo đó, qua dự án này, một chỉ số “độ ẩm bề mặt” sẽ cho thấy phần nào của lưu vực sông Mekong ẩm ướt hơn hoặc phần nào bị khô hạn hơn bình thường, đồng thời hiển thị về sự chỉ dẫn mức độ ảnh hưởng của dòng chảy tự nhiên do những con đập gây ra.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vào ngày 25/9 cho hay mùa mưa năm 2020 trên lưu vực sông Mekong xuất hiện muộn cùng với lượng mưa thiếu hụt mạnh nên khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long có nguy cơ bị thiếu khoảng 130 tỷ m3 nước.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, tình hình sẽ có nhiều biến chuyển:

“Bắt đầu từ tháng 9 chuyển sang chế độ La Nina và bắt đầu có mưa nhiều, đỉnh lũ năm 2020 cao hơn đỉnh lũ năm 2019 khoảng 2 mét. Như vậy đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long mà nói thì sau Tết đỡ lo hạn mặn.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.