Ngành giáo dục VN có “vỡ trận” khi thiếu 118 ngàn giáo viên?
2023.08.22
Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn vào cuối tuần qua cho biết, dù đã tuyển mới được hơn 17 ngàn giáo viên, Việt Nam vẫn thiếu 118 ngàn giáo viên, con số này cao hơn năm ngoái cả chục ngàn.
Nguyên nhân thiếu giáo viên được ông Sơn đưa ra là do số trẻ mầm non tăng, tỷ lệ học hai buổi/ngày của học sinh tiểu học cũng cao hơn trước. Ngoài ra, phải kể thêm nguyên do nữa đó là chỉ trong năm 2022-2023 đã có 19.300 giáo viên nghỉ hưu, bỏ việc, trong số đó người bỏ việc lên tới hơn chín ngàn. (thống kê của Bộ GD&ĐT được truyền thông loan trong ngày 22/7/2023)
Tình hình thực tế
Một giáo viên ở tỉnh Vĩnh Long không muốn nêu vì lý do an toàn cho biết thêm nguyên nhân thực tế thiếu giáo viên:
“Nguyên nhân thứ nhất là do giáo viên nghỉ hưu theo chế độ. Thứ hai là do học sinh đông và các em lựa chọn hầu như đầy đủ các môn. Trong các môn các em lựa chọn lại theo chương trình phổ thông mới, nhưng nhà trường lại chưa có giáo viên môn này. Nguyên nhân thứ ba là số lớp năm học 2023 – 2024 nhiều hơn hai lớp so với năm học 2022 – 2023.
Thầy Đỗ Việt Khoa, hiện giảng dạy tại trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, khi trả lời RFA về vấn đề trên hôm 22/8, nói:
“Hiện giờ nhiều tỉnh thành thiếu rất nhiều giáo viên, đặc biệt là các tỉnh miền núi, trung du… thiếu giáo viên rất nhiều. Mới nhất là tỉnh Sơn La, anh em mới thông tin thiếu những 10.000 giáo viên. Miền núi trên cả nước nơi nào cũng thiếu giáo viên và hầu như không tuyển được.
Chắc chắn giải pháp tạm thời của nhiều địa phương là tuyển học sinh ít đi, vì lực lượng giáo viên không đủ, hay là tăng sỉ số học sinh một lớp… thì những biện pháp chữa cháy tạm thời đấy đi ngược lại với những chuẩn hóa của trường học hiện nay.
-Thầy Đỗ Việt Khoa
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, theo truyền thông trong nước, nhiều trường tại các tỉnh thành phải tự tìm giải pháp. Đơn cử như ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk phải điều chỉnh tăng sĩ số học sinh mỗi lớp để giải quyết tình trạng thiếu 1.200 giáo viên, nhân viên. Một số trường ở vùng sâu vùng xa của tỉnh này cũng phải nhập lớp, ghép lớp do thiếu giáo viên.
Ở Nghệ An, Sở Giáo dục Đào tạo phải điều chỉnh, thay vì giáo viên tiểu học phải đáp ứng 1,5 giáo viên/lớp thì chỉ giao 1,2 giáo viên/lớp và hiện phải giảm nữa. Thậm chí do thiếu giáo viên, ở vùng cao thuộc tỉnh Bắc Kạn phải tổ chức học ghép hai lớp ngồi quay lưng vào nhau.
Với những giải pháp như trên, thầy Đỗ Việt Khoa, cho biết ông không đồng tình và gọi đó là “biện pháp chữa cháy”:
“Chắc chắn giải pháp tạm thời của nhiều địa phương là tuyển học sinh ít đi, vì lực lượng giáo viên không đủ, hay là tăng sĩ số học sinh một lớp… thì những biện pháp chữa cháy tạm thời đấy đi ngược lại với những chuẩn hóa của trường học hiện nay. Tiêu chuẩn là mỗi lớp 40 học sinh trở xuống, riêng Tiểu học và Trung học Cơ sở là 35. Hiện nay do thiếu trường lớp, Hà Nội đòi cơ chế đặc thù là tăng sỉ số học sinh, tăng số lớp, nâng số tầng của nhà trường lên…”
Ngoài ra, thầy giáo Khoa cũng cho rằng, những giải pháp trên đều sẽ khiến chất lượng giáo dục xấu đi. Thầy Khoa giải thích:
“Mỗi một giáo viên đứng lớp bao quát tới 50 – 60 học sinh, đây là một con số rất lớn trong điều kiện phòng học chật hẹp, nóng bức, thiết trang thiết bị… thì giáo viên sẽ mệt mỏi, nhất là chấm bài một lúc 60 học sinh. Chế độ đãi ngộ có thể tính thêm giờ một chút, nhưng không ăn thua với sự vất vả của giáo viên. Cho nên giải pháp lâu dài là phải thay đổi mạnh từ trên xuống dưới, khắc phục tất cả những bất cập… thì may ra mới có thể tuyển thêm được nhiều giáo viên.”
Không có giải pháp khắc phục
Theo Bộ Giáo dục – Đào tạo, tính đến hết năm học 2022-2023 Việt Nam có 1,33 triệu giáo viên và cán bộ quản lý, trong đó gần 90% làm việc ở trường công lập. Hầu hết tỉnh, thành hiện thiếu giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất là Thanh Hóa và Hà Nội với số thiếu khoảng 9.000 - 10.000 người.
Trao đổi với RFA vào tối ngày 22/8, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, thuộc Đại học Sư phạm TPHCM, nhận định:
“Tất nhiên khi người ta đã đưa ra tiêu chuẩn một thầy cô giáo phụ trách bao nhiêu học sinh, trên cơ sở đã nghiên cứu kỹ lưỡng… Bây giờ lại tăng số học trò trong một lớp thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, cái đấy chắc chắn. Nhưng vấn đề ở chỗ khác, việc thiếu giáo viên không phải chuyện xảy ra đột ngột, tất cả những nhà quản lý đều phải thấy, vấn đề là thấy mà vẫn để cho nó xảy ra mới đáng nói.
Việc thiếu giáo viên không phải là trách nhiệm của Bộ Giáo dục. Nói trắng ra, với giải trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì phải thay đổi cách quản lý, còn nếu chúng ta cứ trách móc Bộ Giáo dục, thì rõ ràng không đúng địa chỉ.
-Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng
Nghịch lý này theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng cũng giống như mọi nghịch lý khác trong đất nước Việt Nam và để thay đổi, theo ông Dũng, không hề dễ. Ông Dũng nói tiếp:
“Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục từng nói trước Quốc hội rằng, Bộ Giáo dục không nắm hai việc, một là không nắm tiền, hai là không nắm người… Do đó việc thiếu giáo viên không phải là trách nhiệm của Bộ Giáo dục. Nói trắng ra, với giải trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì phải thay đổi cách quản lý, còn nếu chúng ta cứ trách móc Bộ Giáo dục, thì rõ ràng không đúng địa chỉ.”
Vào cuối năm ngoái, khi Bộ GD&ĐT đưa ra con số thống kê cho thấy hàng ngàn giáo viên đã bỏ việc, nghỉ hưu, lúc bây giờ các chuyên gia đã đưa ra kiến nghị Chính phủ cần sớm có chỉ đạo với các Bộ, ngành liên quan như Bộ GD-ĐT, Bộ Nội Vụ, Bộ Tài chính để cân đối ngân sách, có giải pháp khắc phục nhanh chóng việc lượng lớn giáo viên nghỉ việc, tránh để kéo dài càng làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến việc dạy và học. Tuy nhiên, với báo cáo mới nhất của Bộ trưởng Kim Sơn thì giải pháp “bù” con số thiếu chưa có, nay ngành giáo dục Việt Nam lại “gồng” thêm con số cộng, khi số lượng giáo viên thiếu đã lên đến hơn 100 ngàn người.
Mới đây, vẫn theo giải pháp “chữa cháy”, Bộ GD&ĐT đề nghị, những giáo viên còn độ tuổi công tác, có năng lực thì sẽ tổ chức đào tạo giáo viên văn bằng hai, bồi dưỡng chuyên môn để đủ điều kiện dạy các môn học còn thiếu...
Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, ông không dám khẳng định các nhà quản lý có thể đủ sức để trong thời gian ngắn có thể làm cho các giáo viên có thể chuyển chuyên ngành mà vẫn đạt chất lượng.