GS Đoàn Viêt Hoạt: Một giai đoạn mới cho cuộc đấu tranh dân chủ

Kính Hòa, phóng viên RFA
2014.10.22
000_APW1076085.jpg Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bước ra khỏi sân bay quốc tế Los Angeles vào ngày 21 tháng 10 năm 2014.California.
AFP photo

 

Ngày 21/10/2014, người tù chính trị Nguyễn Văn Hải hay còn gọi là blogger Nguyễn Văn Hải được nhà cầm quyền Hà Nội trả tự do sang Hoa Kỳ. Họ đã đưa ông thẳng từ trại giam ra sân bay để đi Mỹ.

Cách đây 16 năm một người tù chính trị khác là Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cũng ra đi trong một hoàn cảnh tương tự. Giáo sư cho biết cảm nghĩ của mình khi nghe tin ông Nguyễn Văn Hải sang đến Hoa Kỳ:

Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là một chuyện cũ đang được lặp lại. Tất nhiên đây là việc vui cho anh Điếu Cày vì anh được tự do. Nhưng đối với tất cả chúng ta thì chuyện này cũng không có gì vui vì đó là chuyện được lặp lại cách đây 16 năm tôi cũng ra đi như vậy.

Kính Hòa: Từ lúc Giáo sư sang Hoa Kỳ đến giờ, cộng với những gì đã xảy ra thì hình như nhà cầm quyền Hà Nội đang áp dụng một chính sách là đầu tiên họ trao đổi với Hoa kỳ những người tù chính trị, điều thứ hai là họ đẩy những người tù chính trị ra khỏi Việt nam càng nhiều càng tốt?

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Vâng điều đó bắt đầu bằng tôi và bác sĩ Quế khi được thả. Bác sĩ Quế đã cương quyết ở lại, còn tôi thì vì gia đình nên phải chấp nhận ra đi. Nhưng tôi cũng nghĩ đó là một sự miễn cưỡng, bắt buộc bị tống xuất. Tôi nghĩ rằng không tốt lắm đứng trên cương vị những người đấu tranh. Chúng tôi cũng đã nhiều lần nói với Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và mong rằng những chuyện như vậy nên được chấm dứt. Nhưng rất tiếc rằng nó lại được lặp lại. Mặc dù chúng ta vui mừng khi có một người tù tự do, nhưng mà cái điều đó cũng không tốt cho phong trào đấu tranh.

Kính Hòa: Điều đó có nghĩa là đối với những người bất đồng chính kiến hoạt động cho tự do dân chủ thì sự có mặt của họ bên trong Việt Nam là tốt hơn?

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Mình tôn trọng cái quyết định cá nhân. Nhưng tôi nghĩ rằng những người như anh Điếu Cày và một số anh em khác xuất thân từ chế độ mà đấu tranh thì ở trong nước bao giờ cũng hiệu quả hơn, theo tôi nghĩ. Tiếng nói từ trong lòng chế độ, từ những người sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ mà phản đối chế độ thì tiếng nói đó bao giờ cũng mạnh mẽ và có hiệu quả ở trong hơn là ở ngoài.

Kính Hòa: Thưa Giáo sư, trong 24 tiếng đồng hồ qua cũng có một số ý kiến của những người hoạt động dân chủ thì trong tình hình hiện tại, với điều kiện truyền thông thì những người như anh Điếu Cày ở trong tù trong nước không có tiếng nói gì cả, so với việc anh ra hải ngoại và có thể cất lên tiếng nói, thì chưa chắc cái nào đã tốt hơn cái nào…

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Thì tất nhiên ra khỏi tù thì dù ở đâu cũng là tốt hơn. Và đó là điều chúng ta đấu tranh để đòi hỏi. Nhưng nếu được chọn giữa tự do trong nước và ở hải ngoại thì theo tôi trong nước là tốt hơn nhất là trong lúc này. Bởi vì lúc này là lúc mà áp lực quốc tế đã có một số hiệu quả. Và phong trào trong nước đang phát triern, đang lên mạnh, thì chúng ta cần anh Điếu Cày và nhiều anh em khác. Thành ra tôi hy vọng là chúng ta cố gắng vận động để cái thủ tục không mấy tốt đẹp này nó phải chấm dứt. Và những người (đấu tranh) được tự do hoạt động trong nước mà không bị bắt. Và kể cả bị bắt thì khi được trả tự do thì được ở lại trong nước để tiếp tục cuộc đấu tranh của mình.

Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tại Los Angeles tối 21/10/2014. AFP photo
Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tại Los Angeles tối 21/10/2014. AFP photo
Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tại Los Angeles tối 21/10/2014. AFP photo

Kính Hòa: Trong cái suy nghĩ đó thì nhiều người nói rằng những người bất đồng chính kiến trong nước khi ra nước ngoài thì gây nên tiếng vang trong thời gian đầu rồi sau đó bị chìm lấp đi. Theo Giáo sư tại sao có chuyện đó?

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Thực ra cái này nó còn tùy thuộc cá nhân nữa. Những người như anh Điếu Cày mà quốc tế biết đến nhiều thì ở nước ngoài cũng rất có lợi. Vì nếu anh ấy đi các nơi để vận động, tiếp xúc với các tổ chức nhân quyền quốc tế và các chính phủ, người ta đã biết tên anh rồi nên cuộc vận động quốc tế rất là hữu hiệu. Có thể có trở ngại về ngôn ngữ thôi nhưng sẽ vượt qua được.

Còn những trường hợp khác chưa chắc là tốt.

Kính Hòa: Nhưng cái nguyên nhân tại sao là các hoạt động ở nước ngoài bị tàn lụi đi?

Giáo sư Đoàn Viêt Hoạt: Vì ở nước ngoài là vận động quốc tế nhiều hơn. Cho nên nếu vận động quốc tế được mà ở hải ngoại thì cũng tốt. Nếu vận động quốc tế không được thì còn một trở ngại nữa là đối với cộng đồng hải ngoại.

Cộng đồng hải ngoại với các anh em hoạt động trong nước thì gần đây cái tiếng nói và quan điểm đã gần nhau lắm rồi. Trước đây thì có thể là một trở ngại rất là lớn. Chúng ta thấy như cộng đồng ở Los Angeles đón tiếp anh Điếu Cày như vậy đó. Thì chúng ta thấy hải ngoại đã gắn liền với trong nước khá nhiều rồi. Cho nên việc ở hải ngoại để đi vận động này kia lúc này không còn trở ngại nữa. Nhất là trường hợp như anh Điếu Cày. Tôi tin là nếu anh Điếu Cày có được sự giúp đỡ để đi vận động các cộng đồng thì rất là tốt, trường hợp anh Điếu Cày tốt lắm. Đấy chúng ta thấy cộng đồng đón tiếp anh ở Nam Cali như vậy.

Cái trở ngại thứ ba là về quan điểm, thì vấn đề quan điểm giờ đây nó đỡ đi nhiều lắm rồi. Bởi vì trước đây những người như Trần Độ hay Hoàng Minh Chính còn chưa được cộng đồng chấp nhận nữa. Mặc dù ông Hoàng Minh Chính có sang tận đây, hay như Trần Độ chết ở trong nước mà người ta cũng không dám làm một cái tang lễ vào thời kỳ đó.

Nhưng bây giờ tôi nghĩ là do sự tiếp cận giữa trong và ngoài nước trở nên dễ dàng, kể cả người đi ra đi vào, cái quan điểm nó đã gần nhau rồi. Trường hợp anh Điếu Cày ở ngoài này thì không trở ngại đâu, vấn đề là ở anh Điếu Cày thôi.

Kính Hòa: Vậy có phải là có sự hòa giải nội bộ giữa những người bất đồng chính kiến với nhau?

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Đó là sự hòa giải giữa dân trong nước và hải ngoại, nhất là đối với thành phần lớn lên trong nước. Hiện nay chúng ta thấy những người đấu tranh trong nước rất là trẻ, sinh ra sau năm 1975. Như thế rất là tốt vì nó dễ bắt nhịp với cộng đồng hải ngoại hơn. Chứ còn nếu họ là những thành phần trước đây thì có thể là cộng đồng hải ngoại nghi ngại nhiều hơn. Nhưng nhờ tuổi trẻ và nhờ những hoạt động như anh Điếu Cày trước khi bị bắt, đã gây tiếng vang rất là lớn, và nói chung tình hình đất nước, tình hình quan hệ Việt Mỹ đã thay đổi rất nhiều, so với 15 hay 20 năm khi chúng tôi mới sang. Quan điểm bây giờ đã xích lại gần nhau.

Kính Hòa: Giáo sư vừa nhắc đến quan hệ Việt Mỹ thì Giáo sư có nghĩ rằng trong tương lại liệu là có những cuộc đổi chác chính trị như thế này nữa hay không?

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt: Vẫn có, vẫn tiếp tục có, nhưng tôi hy vọng nó không phải là đổi chác nữa. Tức là một cái gì đó nó xảy ra trong nước, tức là chính quyền Hà nội phải chấp nhận những tiếng nói đối lập, những tiếng nói khác biệt.

Mặc dù về luật pháp thì chưa có nhưng họ đang rồi. Tức là có bao nhiêu tổ chức hoạt động, họp hành, gặp gỡ mà không bị đàn áp mạnh mẽ. Thì tôi nghĩ rằng đây là một giai đoạn mới. Việc thả anh Điếu Cày và những người sắp tới, tôi hy vọng là mở đầu một giai đoạn mới. Giai đoạn đó là gì? Là cuộc đấu tranh sẽ thực hiện ngay trong nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.