Tổng thống Obama công du Âu Châu

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay đã rời Washington để sang Âu Châu, khởi đầu chuyến công du dài một tuần lễ qua nhiều nước.

0:00 / 0:00

Thượng đỉnh G20

Chuyến công du đầu tiên vượt Đại Tây Dương được Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama thực hiện với nhiều mục đích khác nhau.

Ở trạm dừng chân đầu tiên tại Luân Đôn, ông sẽ cùng với 19 nguyên thủ các nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới bàn thảo về kế hoạch cứu nguy toàn cầu, kế đến là Thượng Đỉnh NATO ở Strasbourg nằm ngay biên giới Pháp-Đức để kêu gọi các quốc gia đồng minh ủng hộ chiến lược mới mà ông vừa thông báo sẽ áp dụng ở chiến trường Afghansitan.

Các nhà phân tích tin rằng chuyến viếng thăm Âu Châu đầu tiên của Tổng Thống Barack Obama còn là cơ hội để ông dựng lại quan hệ với Âu Châu, vì thế, buổi gặp gỡ giữa ông với các lãnh tụ nước bạn như Thủ Tướng Gordon Brown của Anh, Tổng Thống Nicholas Sarkozy của Pháp hay Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel được xem là dấu mốc cho quan hệ bền vững với các quốc gia đồng minh mà Hoa Kỳ từng chia sẻ những khó khăn trong quá khứ.

Nhưng bên cạnh buổi gặp gỡ được dự doán mang đầy tính tích cực này, cả thế giới đang chú ý đến trạm dừng chân đầu tiên của ông Obama là thủ đô Luân Đôn của Anh Quốc.

Đây là địa điểm được chọn để tổ chức Thượng Đỉnh G-20, nơi các nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau thảo luận về những biện pháp để có thể đưa nền kinh tế toàn cầu ra khỏi tình trạng suy thoái hiện giờ.

Nước Mỹ mới…

Các bản tin được giới truyền thông phổ biến ở Âu Châu và tại Hoa Kỳ đều nói rằng mặc dù mang tên Thượng Đỉnh G-20, nhưng cả thế giới đều chú ý đến những gì ông Obama sẽ phát biểu trước hội nghị.

Phân tích gia John Glenn, Giám Đốc Chính Sách của Viện Nghiên Cứu German Marshall Fund, nhắc lại trước khi rời Washington, Tổng Thống Mỹ đã nói rõ một mình nước Mỹ không thôi vẫn chưa đủ, và chỉ một mình nước Mỹ không thể giải quyết được các khó khăn mà toàn thế giới đang phải đương đầu.

Và để kêu gọi sự hợp tác của các nước khác, ông Obama có trách nhiệm phải xoá bỏ hình ảnh của một nước Mỹ đã từng có thời không lắng nghe đề nghị của các nước bạn.

Vì thế, vẫn theo ông John Glenn, trách nhiệm mà ông Obama phải làm là thể hiện một tinh thần Hoa Kỳ mới, một khuôn mặt nước Mỹ mới, đi kèm với một chính sách mới, để các quốc gia khác hiểu rằng nước Mỹ do ông lãnh đạo không phải là quốc gia chỉ biết đòi hỏi nước khác phải làm theo ý mình, mà là một nước Mỹ thật sự biết lắng nghe và luôn đi tìm sự đồng thuận.

Nhiều khó khăn, e dè

Nhưng ông Obama rời Washington với nhiều khó khăn. Trước hết, ý kiến mong EU tăng thêm ngân khoản kích cầu kinh tế mà ông đưa ra cả tháng nay vẫn chưa được các cường quốc Tây Âu đáp ứng.

Theo quan điểm của EU, trở ngại do cuộc suy thoái kinh tế gây nên mà thế giới đang phải gánh chịu xuất phát ngay từ Hoa Kỳ vì Washington không có quy luật chặt chẽ cho thị trường tài chánh, và đã đến lúc nước Mỹ phải làm điều này để tránh một cuộc suy thoái thứ nhì có thể xảy ra trong tương lai.

Cũng tại Luân Đôn, ông Obama sẽ có buổi làm việc riêng với Chủ Tịch Nước Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc.

Là một trong những chủ nợ lớn của Mỹ, chính phủ Hoa Lục từng bày tỏ quan ngại về việc nước Mỹ phải vay những khoản tiền khổng lồ để tiêu dùng, và có thể dẫn đến hậu quả là lạm phát xảy ra và đồng đô la mất giá.

Do đó, người ta tin đây là cơ hội để ông Obama đích thân lên tiếng trấn an nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Cũng có thể ông Obama sẽ kêu gọi Hoa Lục góp thêm tiền cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF.

Theo đề nghị của Hoa Kỳ và EU, cần phải tăng số tiền các nước đóng góp hàng năm cho IMF lên gấp đôi, từ 250 tỷ dollars lên thành 500 tỷ dollars mỗi năm để Quỹ có thêm ngân khoản giúp các nước đang phát triển trong tình huống hiện tại.

Là một trong những nước có nguồn ngoại tệ dự trữ lớn nhất, Bắc Kinh đã bắn tiếng cho hay sẵn sàng tham gia, nhưng đặt điều kiện vai trò của họ phải được nâng cao hơn, tiếng nói của họ phải được coi trọng hơn trước.

Không chỉ phải giải quyết những khác biệt về kinh tế tài chánh, ông Obama cũng phải làm việc khá mệt nhọc ở Thượng Đỉnh NATO.

Buổi gặp gỡ diễn ra tại Strasbourg không chỉ nhằm đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, mà còn là diễn đàn để người lãnh đạo nước Mỹ giải thích rõ hơn về chiến lược ông cho áp dụng ở Afghanistan và Pakistan, trong cuộc chiến nhằm tiêu diệt quân khủng bố Al-queda và tàn quân Taliban.

Ngay sau ngày nhậm chức, ông đã quyết định đưa thêm 17,000 binh sĩ sang Afghanistan, mới cuối tuần trước ông thông báo sẽ có tăng cường thêm 4,000 binh sĩ nữa.

Tin từ Nhà Trắng cho hay ông Obama sẽ kêu gọi các nước thành viên NATO đóng góp phần của họ, và hiện vẫn chưa có câu trả lời cho yêu cầu ông sẽ đưa ra.

Sau Luân Đôn và Strasbough, chuyến đi còn đưa Tổng Thống Obama đến Cộng Hoà Tiệp, nơi nhà lãnh đạo Mỹ sẽ đọc bài diễn văn quan trọng nói về tự do, dân chủ, và kết thúc ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đại đa số người dân theo Hồi Giáo.

Các cố vấn thân cận với ông cho biết ông quyết định thăm Thổ Nhĩ Kỳ để xác định cam kết ông đã đưa ra trong bài diễn văn nhậm chức, là sẽ bắt tay với thế giới Hồi Giáo, xoá bỏ mọi dị biệt hay nghi ngờ từng có trước đây giữa nước Mỹ và khối dân quan trọng này.