Hoạt động chui
Cư dân mạng trong nước gần đây xôn xao về vụ một nữ giảng viên tại Trung tâm Anh ngữ MST ở Hà Nội sử dụng lời lẽ xúc phạm học viên.
Những người xem video đều lắc đầu ngao ngán trước đoạn đối thoại giữa cô Nguyễn Thị Kim Tuyến và học viên của mình. Nhiều ý kiến cho rằng nếu trách học viên một thì cô này đáng bị trách mười, vì phá hỏng hình tượng của một người đứng trên bục giảng tại Việt Nam từ xưa đến nay.
Hiện nay tất cả trung tâm liên quan đến vấn đề đào tạo giáo dục đề do Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh thành đó quản lý.<br/> - LS. Đặng Đình Mạnh
Sau khi có những phản ứng ban đầu, cô này tiếp tục livestream trên Facebook cho rằng cô được thỏa mãn về sự ‘nổi tiếng’.
Một giáo viên Anh ngữ và hiện đang quản lý một cơ sở Tiếng Anh ở Sài Gòn cho biết:
“Hành động đó rất phản cảm đối với một người bình thường. Mình cũng là giáo viên nên thấy ảnh hưởng chung tới giáo viên. Mình nghĩ là không thể chấp nhận được điều đó.”
Một điểm bị phát hiện về cô Tuyến là lâu nay đứng dạy hàng chục học viên mỗi lớp, tự nhận mình ‘có tư cách dạy nhất Việt Nam’ lại là người không hề có bằng cấp gì về sư phạm và chỉ có duy nhất bản sao bằng Kế toán.
Bào chữa cho việc này, trong buổi livestream trên fanpage của mình vào ngày 7 tháng 5, cô Tuyến nói rằng cô chỉ là người hướng dẫn kiến thức chứ không phải giáo viên.
Tuy nhiên, theo điều 30 trong quy chế Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, để là người có thể giảng dạy thì cần phải có bằng cao đẳng sư phạm trở lên hoặc có bằng cao đẳng, đại học phù hợp với chương trình được phân công giảng dạy và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Giải thích cụ thể hơn trong quy trình tuyển giáo viên cho trung tâm Tiếng Anh của mình, một thầy giáo cho biết:
“Yêu cầu về giáo viên thì giáo viên phải tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh, không nhất thiết là giảng dạy tiếng Anh, rồi tùy theo mục đích trung tâm mình mà mình có thể yêu cầu họ có bằng sư phạm, bằng giảng dạy hoặc những chứng chỉ TOEIC hay những chứng chỉ Anh ngữ khác.”
Ngoài ra, trong điều 34 của quy chế Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học còn cấm giáo viên xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học viên.

Trong khi đó thì tin cho biết cô Nguyễn Thị Kim Tuyến tự đứng ra thành lập Công ty cổ phần hệ thống giáo dục MST với ba cơ sở dạy Anh ngữ ở Hà Nội mà không hề có giấy phép đào tạo ngoại ngữ của Sở Giáo dục & Đào tạo cũng như giấy phép kinh doanh.
Nói cách khác, ba Trung tâm dạy tiếng Anh MST đã hoạt động chui trong thời gian vừa qua. Do đó, ba cơ sở Anh ngữ này đã bị Thanh tra Bộ Giáo dục & Đào tạo ra quyết định giải thể và xử phạt 20 triệu đồng, đồng thời hoàn lại học phí cho tất cả học viên. Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thị Kim Tuyến cũng bị phạt 5 triệu đồng vì xúc phạm danh dự, nhân phẩm học viên.
Trách nhiệm chính quyền
Vấn đề mà nhiều người thắc mắc là không phải một, mà có đến 3 cơ sở giảng dạy Anh Văn không đăng ký giấy phép nhưng sao vẫn hoạt động bình thường suốt một thời gian như thế.
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh ở Sài Gòn, trách nhiệm thuộc về cả Sở Giáo dục và chính quyền địa phương nơi các trung tâm đó hoạt động:
Chỉ có bên Sở Giáo dục lâu lâu họ đi thanh tra đột xuất tất cả mọi thứ của trung tâm mình luôn. Xem mình có đủ cơ sở vật chất hay đủ tiêu chuẩn giáo viên như hồi đầu mình đăng ký hay không.<br/> - Giáo viên Anh ngữ <br/>
“Hiện nay tất cả trung tâm liên quan đến vấn đề đào tạo giáo dục đề do Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh thành đó quản lý.
Chính quyền sở tại có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở có bất cứ hoạt động nào không phải là sinh hoạt của gia đình. Ví dụ như sinh hoạt về dạy học, rõ ràng phải yêu cầu một số tiêu chuẩn như phải có giấy phép.”
Tuy nhiên, về phía Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, khi trả lời với truyền thông trong nước, người đại diện chỉ nói về trách nhiệm của cơ quan địa phương:
“Khi mà các cơ sở này hoạt động thì ở quận Bắc Từ Liêm cách đây 2 tháng đã kiểm tra và yêu cầu các cơ sở này dừng hoạt động. Hai cơ sở khác theo thông tin ban đầu thì mới chỉ hoàn thiện cơ sở vật chất và số người đến học rất ít.”
Giải thích rõ hơn về quy trình kiểm tra các trung tâm Anh ngữ, thầy giáo quản lý một trung tâm Anh ngữ ở Sài Gòn cho biết:
“Chỉ có bên Sở Giáo dục lâu lâu họ đi thanh tra đột xuất tất cả mọi thứ của trung tâm mình luôn. Xem mình có đủ cơ sở vật chất hay đủ tiêu chuẩn giáo viên như hồi đầu mình đăng ký hay không. Chứ chính quyền bên phường, địa bàn không kiểm tra trung tâm của mình.”
Ngành giáo dục Việt Nam có quá nhiều tai tiếng lâu nay. Tư cách ‘người thầy’ đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học sinh, người đi học là một trong những vấn nạn khi mà thường xuyên có những trường hợp vi phạm đạo đức sư phạm như trường hợp người nữ giảng viên tên Nguyễn Thị Kim Tuyến của Trung Tâm Anh Ngữ chui MST vừa nêu.