Tái định cư thương phế binh VNCH: Cần dốc sức chung lòng

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015.12.30
000_Hkg10174176 Những thương phế binh VNCH trong một buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, TPHCM hôm 9/4/2015
AFP photo

Sự kiện 5 Dân biểu Quốc hội Liên bang Hoa Kỳ thuộc lưỡng đảng gởi thư cho Ngoại trưởng John Kerry, đề nghị tái định cư các cựu quân nhân thương phế binh VNCH tại nước Mỹ, nhận được nhiều phản ứng tích cực. Nam Nguyên phỏng vấn bà Khúc Minh Thơ, cư dân Virginia, nhân vật từng có những đóng góp hết sức to lớn để chương trình H.O trở thành hiện thực trong thập niên 1990, tái định cư ở Hoa Kỳ gần 300.000 sĩ quan viên chức chế độ cũ và gia đình.

Cộng đồng VN cần tiếp tay

Đối với đề nghị tái định cư thương phế binh VNCH hiện đang còn ở Việt Nam, trước hết bà Khúc Minh Thơ phát biểu:

Khúc Minh Thơ: Trường hợp Hội cựu tù nhân chính trị chúng tôi đã vận động cho tất cả anh em những người bị ở tù sau khi mất nước, việc họ được chính phủ Hoa Kỳ cho tái định cư đã thuộc về vấn đề lịch sử của Hoa Kỳ; chưa bao giờ có chương trình nào giống như H.O, tù nhân chính trị được định cư ở Mỹ. Ngày hôm nay tôi thấy rằng có những sự vận động của các Dân biểu để cho thương phế binh đi, thì rất là quý. Trong 7-8 năm nay cộng đồng Việt Nam nhất là SBTN, Hội tù nhân H.O, Hội Thương phế binh Cô nhi Quả phụ do bà Hạnh Nhơn giúp, lo…rất đáng quý… trong khi Hội tù nhân chính trị đã đóng cửa rồi. Nếu mà cộng đồng Việt Nam vận động cùng các Dân biểu, Thượng Nghị sĩ Quốc hội giúp cho anh em thương phế binh được định cư ở Mỹ là điều chúng tôi hết sức vui mừng.

Nam Nguyên: Thưa bà, Chương trình H.O trước kia từ khi vận động cho đến khi hiện thực là cả một quãng đường dài cam go và sự góp công góp sức của nhiều cá nhân và tổ chức, trong đó bà Khúc Minh Thơ là một nhân tố tích cực. Theo kinh nghiệm của bà, cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và hải ngoại có thể làm gì cụ thể, để tiếp tay vận động Chính phủ Hoa Kỳ khởi động chương trình tái định cư Thương phế binh VNCH?

Những người thương phế binh VN qua đây thì không còn làm gì được nữa hết, hầu hết lớn tuổi, già cả, bệnh hoạn. Nếu đem họ qua thì chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn phải nuôi? Nếu mà trường hợp phải nuôi thì thế nào, nếu không nuôi thì cộng đồng VN mình làm gì để tiếp tay chính phủ Hoa Kỳ.
-Khúc Minh Thơ

Khúc Minh Thơ: Tiến trình để lo cho thương phế binh được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận, cộng đồng Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới tất cả cùng đồng lòng vận động thì tiếng nói rất là lớn, rất là mạnh. Điều này có thể làm cho chính phủ Hoa Kỳ nghĩ lại và giúp cho thương phế binh. Hồi xưa chúng tôi làm gặp đủ mọi thứ khó khăn, thứ nhất Hội đã làm việc âm thầm 5-7 năm vì sợ chính phủ Việt Nam giết các anh em giống như bên Cămpuchia.

Vì vậy chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, còn bây giờ rộng rãi hơn nhiều... Cộng đồng ở đây có thể muốn làm gì cũng được, miễn là mình đoàn kết góp công góp của, có thể chính phủ Hoa Kỳ có những đòi hỏi. Nếu mà đem anh em thương phế binh sang định cư ở Hoa Kỳ, như đã biết những người thương phế binh Việt Nam qua đây thì không còn làm gì được nữa hết, hầu hết lớn tuổi, già cả, bệnh hoạn. Nếu đem họ qua thì chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn phải nuôi? Nếu mà trường hợp phải nuôi thì thế nào, nếu không nuôi thì cộng đồng Việt Nam mình làm gì để tiếp tay chính phủ Hoa Kỳ.

Tương tự như ở bên Canada thì cộng đồng phải giúp để đưa người tỵ nạn qua. Nếu ở đây mình cũng hiểu được như vậy, tất cả cùng nghĩ tới cái tình ngày xưa đối với những người đã hy sinh xương máu, thân thể để ngày hôm nay trở thành một người thương phế binh, không còn làm gì được để sống mà chúng ta đem qua được thì tôi thấy là điều quá tốt.

Nam Nguyên: Dạ thế có cần sự phối hợp hành động, cần người tâm huyết, vô vị lợi, cần một gương mặt như thế trong cộng đồng hay không?

Khúc Minh Thơ: Dạ cái đó là phải có, nếu Dân biểu, Thượng Nghị sĩ họ làm thì ít ra bên cộng đồng cũng phải có người đứng ra để hợp tác. Giới lập pháp có uy quyền nhưng cũng phải có người Việt Nam tham gia. Theo tôi nghĩ tất cả những anh em thương phế binh đã được đi rồi. Không gì hơn là các anh em thương phế binh đã được qua đây đứng ra giúp cho chương trình này. Tôi nghĩ là các anh em đó đã đồng hoàn cảnh, nói được tiếng nói của anh em thương phế binh còn ở bên Việt Nam, bị đau khổ như thế nào, khi mà mấy anh em trở thành thương phế binh. Những lời nói đó rất là quí giá và không ai bằng các anh em hiện giờ đã định cư ở tại đây.

Nam Nguyên: Việc khởi động chương trình tái định cư Thương phế binh VNCH mới đang chỉ là một bước đi hạn chế, nhưng người xưa nói vạn sự khởi đầu nan. Bà có lời nhắn nhủ đặc biệt gì với anh em thương phế binh, trước tiên là các cựu sĩ quan thương phế binh, vì nếu được đi thì thời gian chờ đợi có thể rất lâu, cần kiên nhẫn, chuẩn bị tinh thần và không nên có những quyết định vội vã có thể ảnh hưởng cuộc sống của họ và gia đình hiện ở Việt Nam.

Khúc Minh Thơ: Ở bên Việt Nam bây giờ anh em thương phế binh rất là nghèo, họ thấy tất cả những tù nhân chính trị đã được đi qua bên Mỹ được có một đời sống, con cái tốt đẹp như vậy, thì tất cả cũng đều mong muốn được như vậy hết. Cho nên bây giờ mình vận động… nhắc lại hồi xưa chúng tôi làm âm thầm, bởi vì không biết làm có được hay không, mà chưa chi bên Việt Nam có những tổ chức trục lợi, họ đưa ra làm anh em nghĩ rằng mình cũng được đi, giống như anh em bên chương trình H.O tù nhân chính trị … họ nôn nao tội nghiệp cho họ mà mình không muốn làm cho họ thất vọng.

Bên này mình cứ làm việc của mình … ngày xưa khi chúng tôi vận động, ai cũng nói rằng làm chuyện mò kim đáy biển. Hồi xưa chúng tôi làm H.O vì tình máu mủ gia đình, thì bây giờ theo tôi nghĩ tất cả những anh em thương phế binh đã được đi tới đây, vì tình đồng đội tình chiến hữu cùng hoàn cảnh nên nói lên tiếng nói, đứng lên để giúp cho chương trình này.

Nam Nguyên: Cảm ơn bà Khúc Minh Thơ về những chia sẻ của bà.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.