Công cụ phần mềm của Israel được các chính phủ dùng để chống tiếng nói đối lập!
2021.07.20
Vào đầu tuần này, Washington Post, the Guardian, Le Monde cùng 14 tổ chức truyền thông khác trên khắp thế giới đã đưa ra các cáo buộc về việc chính phủ các nước sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus của Israel để theo dõi giới hoạt động nhân quyền, nhà báo cùng luật sư trên khắp thế giới.
Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF hôm 20/7 cho rằng “Pegasus - một công cụ thấp hèn và ghê tởm được đánh giá cao bởi những kẻ thù tự do báo chí”... RSF trong thông cáo báo chí cho biết đã bị sốc trước tiết lộ của một nhóm các phương tiện truyền thông, rằng gần 200 nhà báo ở 20 quốc gia đã bị trở thành mục tiêu theo dõi bởi các khách hàng của NSO Group - Một công ty Israel bán phần mềm gián điệp Pegasus.
Theo RSF, ít nhất 180 nhà báo ở 20 quốc gia đã bị khách hàng của NSO Group đưa vào tầm ngắm từ năm 2016 đến tháng 6 năm 2021. Khách hàng của NSO Group bao gồm cả các chính phủ độc tài như Saudi Arabia, Algeria, Morocco và Bahrain, và các nền dân chủ, chẳng hạn như Mexico và Ấn Độ . Tất cả các khu vực trên thế giới cũng đều có liên quan, từ Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan ở châu Âu, đến Togo và Rwanda ở châu Phi.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore vào tối 20/7 nhận định với RFA:
“Đây là một chuyện làm ăn bẩn thỉu. Nó bẩn thỉu bởi vì công ty đó bán những hệ thống đấy chỉ vì tiền mà nó không đếm xỉa gì đến các nền tảng về dân chủ và các quyền căn bản của con người trong quan hệ với báo chí truyền thông và các hoạt động sống của con người.”
Các nhà hoạt động nhân quyền Israel mới đây cũng đã lên tiếng phản đối một công ty của nước này đã bán phần mềm hack điện thoại di động cho Bộ Công an Việt Nam để theo dõi và trấn áp các nhà báo và các nhà hoạt động nhân quyền trong nước.
Tôi rất là sửng sốt khi biết tin công ty Cellebrite của Israel đã bán phần mềm hack điện thoại cho nhà cầm quyền cộng sản VN từ năm 2014. Việc này đối với công ty Cellebrite rất đáng lên án, họ đã vì lợi nhuận mà góp tay hãm hại các nhà báo nói chung và bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam, cũng như là các quốc gia độc đảng toàn trị khác.
-Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già
Công ty Cellebrite của Israel nổi tiếng với sản phẩm có tên gọi UFED được các cơ quan thực thi luật pháp sử dụng để trích xuất dữ liệu từ các điện thoại di động bị khoá. Công ty cho biết sản phẩm được sử dụng để giúp phá các vụ án nghiêm trọng liên quan đến khủng bố, hay hãm hiếp trẻ em. Tuy nhiên, trang tin Haaretz của Israel hôm 15/7 cho biết, các điều tra của luật sư nhân quyền Eitay Mack cho thấy hãng này đã bán sản phẩm này cho chính quyền một số nước vì mục đích đàn áp phe đối lập như ở Trung Quốc, Nga hay Hong Kong. Sau khi bị phát hiện, hãng Cellebrite đã ngừng bán sản phẩm này cho Trung Quốc, Nga, Hong Kong và Belarus.
Theo điều tra của luật sư Eitay Mack, một nạn nhân của phần mềm này ở Việt Nam là một người có tên Lê Hong V., người bị tuyên án tù năm năm với cáo buộc vi phạm Điều 117 Bộ Luật Hình sự về tuyên tuyền chống nhà nước vào tháng 11 năm 2018.
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 20/7, nhận định:
“Nói thật tôi rất là sửng sốt khi biết tin công ty Cellebrite của Israel đã bán phần mềm hack điện thoại cho nhà cầm quyền cộng sản VN từ năm 2014. Việc này đối với công ty Cellebrite rất đáng lên án, họ đã vì lợi nhuận mà góp tay hãm hại các nhà báo nói chung và bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam, cũng như là các quốc gia độc đảng toàn trị khác. Tuy nhiên tôi không hề ngạc nhiên khi biết tin Bộ công an mua và sử dụng phần mềm này từ hơn bảy năm về trước. Bời vì nhà cầm quyền Việt Nam không nên được gọi là nhà nước mà gọi là đế chế. Trong đế chế độc tài thời hiện đại, bên cạnh các đế chế độc tài khác như Trung Quốc và nhiều nước khác thì người dân như cá nằm trên thớt, họ muốn bắt ai thì bắt, bắt lúc nào cũng được.”
Vậy tại sao Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại cần phần mềm này? Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già giải thích:
“Điều này có thể được lý giải bởi vì sau này họ hội nhập với quốc tế cho nên họ luôn nói rằng phải cần có bằng chứng... Tôi cho rằng những phần mềm này giúp cho họ rình mò để mà thu thập những cái mà họ gọi là bằng chứng, để kết tội... nhằm để cho người dân và thế giới thấy họ là những người thượng tôi pháp luật, để tránh những chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền trên thế giới cũng như Liên Hiệp Quốc thường chỉ trích vấn đề vi phạm nhân quyền mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bị nhận tai tiếng trong hàng chục năm qua. Đây là một điều tất đáng buồn không chỉ riêng cho các nhà báo, các bloggers, các Facebookers ở VN, mà có thể nói là trên toàn thế giới.”
Luật sư Eitay Mack đã công bố với báo chí các bằng chứng cho thấy sản phẩm UFED của hãng Cellebrite đã được bán cho Bộ Công an và đã được sử dụng từ năm 2014. Ngoài ra, theo điều tra, công ty HTI, một công ty chuyên về phần mềm và dịch vụ công nghệ, là đại diện cho hãng Cellebrite ở Việt Nam. Công ty này đã bán các phần mềm của Cellebrites và tổ chức đào tạo sử dụng cho Bộ Công an.
Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, khi trả lời RFA từ Đức Quốc hôm 20/7, nhận định:
“Như chúng ta đều biết, nhà nước độc tài cộng sản VN luôn muốn bảo vệ sự tồn tại duy nhất của họ, cho nên họ luôn muốn kiểm soát những người đối lập, hay những tổ chức đối lập trong và ngoài nước. Có tiềm lực tài chính trong tay nên họ có thể mua bất cứ gì trên thế giới để giúp bảo vệ an ninh của họ, từ vũ khí đàn áp dân cho đến các phần mềm theo dõi người dân VN... Cho nên chúng ta không ngạc nhiên gì khi họ bỏ tiền mua phần mềm của một công ty Israel, để theo dõi các nhà hoạt động trong nước cũng như nước ngoài. Đây là điều chúng ta phải vận động chính phủ Israel cũng như các tổ chức quốc tế lên án mạnh mẽ công ty Israel này... Còn lên án nhà nước độc tài cộng sản VN thì chẳng có ý nghĩa gì cả.”
Trở lại với vụ việc của công cụ phần mềm Pegasus thuộc NSO Group, RSF cho biết bắt đầu báo động về phần mềm gián điệp này vào năm 2017, đặc biệt là sau khi nó được sử dụng để do thám các nhà báo Mexico. Sau đó, nó chống lại các nhà báo ở Ả Rập Xê Út, Ấn Độ, Maroc và Azerbaijan...
Tổng thư ký RSF, Christophe Deloire trong thông cáo mới nhất cho biết, từ năm 2020, RSF đã coi NSO Group là 'kẻ săn mồi kỹ thuật số' và RSF đã góp phần vào vụ kiện của WhatsApp chống lại công ty Israel tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên khi trả lời truyền thông hôm 19/7 NSO đã bác bỏ mọi sai phạm, và cho biết mục đích của phần mềm Pegasus là để chống lại tội phạm và khủng bố. Chỉ có cơ quan thực thi luật pháp, tình báo và quân đội từ các quốc gia có hồ sơ nhân quyền tốt mới tiếp cận được.
Với các cáo buộc của Tổ chức Ân xá quốc tế - Amnesty International và các tổ chức nhân quyền khác, NSO cho rằng cáo buộc đó ‘đầy những giả định và các lý thuyết không được chứng thực’.
Cần có một hiệp định quốc tế để bảo vệ sự an toàn cũng như bí mật của các nhà báo cũng các nhà hoạt động trên thế giới, để tránh chuyện các công ty sản xuất phần mềm vì lợi nhuận của họ mà sẵn sàng bất chấp tất cả để bán các ứng dụng đó cho các nhà nước độc tài trên thế giới.
-Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài
Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài nhận định thêm:
“Tôi nghĩ các tổ chức quốc tế cần phải lên án mạnh mẽ việc đó. Thứ hai, cần có một hiệp định quốc tế để bảo vệ sự an toàn cũng như bí mật của các nhà báo cũng các nhà hoạt động trên thế giới, để tránh chuyện các công ty sản xuất phần mềm vì lợi nhuận của họ mà sẵn sàng bất chấp tất cả để bán các ứng dụng đó cho các nhà nước độc tài trên thế giới.”
Hôm thứ hai, ngày 19/7/2021, Hoa Kỳ đã cùng với NATO, Liên minh Châu Âu, Úc, Anh, Canada, Nhật Bản và New Zealand đồng loạt lên tiếng cáo buộc Trung Quốc về các cuộc tấn công mạng đe dọa an ninh của các nước phương Tây. Đây là lần đầu tiên các hoạt động tin tặc của Bắc Kinh bị cả một nhóm nước cùng lên án.
Đồng thời, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng buộc tội bốn công dân Trung Quốc - ba quan chức an ninh và một tin tặc được thuê - nhắm mục tiêu vào hàng chục công ty, trường đại học và cơ quan chính phủ ở Hoa Kỳ và nước ngoài.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định về vấn đề này với RFA:
“Nước nào cũng có hệ thống tấn công mạng, nhưng hệ thống tấn công mạng của TQ một lúc nó nhằm vào nhiều việc khác nhau. Trong đấy việc chủ yếu là chống lại những nỗ lực của thế giới tự do và dân chủ. Các nước khác cũng có tấn công mạng, nhưng nó nhằm vào việc bảo vệ người ta. Chứ còn TQ không những có nhiệm vụ kinh tế, tức là ăn cắp, mà còn có nhiệm vụ phá hoại nhằm chống lại các nỗ lực tự do và dân chủ.”
Trước những cáo buộc này, theo Reuters vào ngày 20/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói rằng cáo buộc này là bịa đặt cho các mục tiêu chính trị. Ông Triệu cho biết Trung Quốc sẽ tuyệt đối không chấp nhận điều này và nói Trung Quốc không tham gia vào các cuộc tấn công mạng và cho rằng các chi tiết kỹ thuật mà Washington đã cung cấp ‘không tạo thành một chuỗi bằng chứng hoàn chỉnh’.
Tại một sự kiện về kế hoạch cơ sở hạ tầng của chính quyền cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên rằng: “Tôi hiểu rằng chính phủ Trung Quốc, không giống như chính phủ Nga, không tự mình làm việc này, mà đang bảo vệ những người đang làm việc đó. Và thậm chí có thể hỗ trợ họ, để họ có thể làm điều đó.”