Vào ngày 29/5/2021, Bộ Y tế Việt Nam ra quyết định 2666 về việc người dân nếu có smartphone (điện thoại di động thông minh) và đến nơi công cộng, nếu không cài đặt ứng dụng khai báo y tế và bật Bluetooth thì sẽ bị xử phạt.
Việt Nam hiện có 3 ứng dụng gồm ‘tokhaiyte.vn’, NCOV và Bluezone đang được Bộ Y tế sử dụng để khai báo y tế. Bộ Y tế yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện việc cài đặt các ứng dụng này và xử phạt các trường hợp không thực hiện cài đặt.
Dù theo quy định số 2666, việc xử phạt vừa nêu dựa trên tình hình dịch bệnh COVID-19 và điều kiện thực tế tại địa phương, nhưng nhiều chuyên gia khi trả lời báo chí nhà nước cho rằng việc áp dụng mọi biện pháp cần thiết để chống dịch COVID-19 đang diễn ra vô cùng phức tạp là cần thiết. Nhưng việc đề nghị xử phạt người dùng smartphone không cài Bluezone có thể chưa hoàn toàn phù hợp. Nếu xử phạt vội vã thì dễ dẫn đến việc người dân không tâm phục khẩu phục.
Chị Huỳnh Hằng, một người dân sống tại Đà Nẵng, khi trả lời RFA hôm 1/6, nói:
“Khai báo y tế trên smartphone không biết trên thế giới có quốc gia nào thực hiện chưa? Nhưng có vẻ khó khả thi, bởi không phải ai cũng có smartphone và đều biết cách sử dụng hết các phần mềm... Bộ Y tế ra quy định có vẻ máy móc, hiệu quả thì chưa biết thế nào, nhưng tiền phạt sẽ thu vào không ít và chỉ có lợi cho ngân sách... người dân thêm một nỗi gian nan trong mùa COVID.”
Theo Chị Hằng, quy định không phải là luật và càng không thể dẫm trên luật, nếu Quốc hội chưa ra phán quyết. Bộ Y tế không có quyền chế tài nếu không dựa trên các điều, mà luật pháp quy định về quyền sỡ hữu và xâm phạm quyền sở hữu...
Cho đến nay, chưa có bất kỳ quy định pháp luật nào đã được ban hành để xử phạt như thế nào đối vì việc vi phạm này cả. Theo đó, áp dụng nguyên tắc "Vô luật bất hình" tức là "Không có điều luật quy định thì không có hình phạt". Việc xử phạt các trường hợp vi phạm Quyết định số 2666 trong giai đoạn hiện nay là không thể thực hiện được, vì không có cơ sở pháp luật.
-Luật sư Đặng Đình Mạnh
Trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 1/6, ông Trần Bang - Một người bất đồng chính kiến, cho biết ý kiến của mình:
“Thông báo xử phạt này nó cũng như một sự cảnh báo thôi, tôi cũng chưa thấy ai bị phạt cụ thể cả. Tức là nhiều khi người ta phải có những luật, có những quy định trong lúc tình trạng cấp bách Có thể nói chống dịch là giống như thời chiến, mà thời chiến thì phải dùng những biện pháp khác thường, nghe có vẻ không hợp lý, hợp tình lắm nhưng vẫn có thể phải dùng. Tôi cho rằng nó có tác dụng, nhưng nếu trong tình trạng bình thường mà bắt người ta phải làm như vậy thì đó là vi phạm nhân quyền, người ta cài hay không là quyền của người ta.”
Chị Nguyễn Lai ở Nha Trang, khi trả lời RFA hôm 1/6 thì cho rằng chỉ nên khuyến khích người dân, chứ không nên dọa dẫm như vậy:
“Theo tôi, ở nước ngoài chính phủ cũng khuyến khích người dân của họ cài các ứng dụng trên smartphone nhằm để theo dõi tốt tình hình dịch bệnh, nhưng tôi cũng dám chắc là các thông tin cá nhân của người dân đều được chính phủ sở tại bảo vệ bí mật.
Tại Việt Nam, người dân sống trong một rừng luật, thay vì khuyến khích dân để bảo vệ sức khỏe của cá nhân và cộng đồng thì nên cài ứng dụng Bluezone, chứ không phải dọa dẫm bằng hình phạt...”
Theo Chị Nguyễn Lai, người dân có quyền nghi ngờ liệu thông tin cá nhân của họ có được giữ kín hay không? Vấn đề chỉ là Bluezone sẽ bảo vệ dữ liệu ra sao và làm sao để đảm bảo không bị lạm quyền?

Để tìm hiểu về mặt luật pháp, RFA hôm 1/6 liên lạc Luật sư Đặng Đình Mạnh thuộc đoàn luật sư TPHCM, và được ông giải thích:
“Bộ Y Tế vừa ban hành Quyết định số 2666/QĐ-BYT, ngày 29/05/2021 về việc hướng dẫn sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19, có đính kèm bản hướng dẫn. Trong đó, tại mục V bản hướng dẫn quy định đối với người dân có sử dụng điện thoại thông minh "cần" cài đặt các ứng dụng khai báo y tế điện tử được cấp mã QR ... Tại mục VI quy định về thẩm quyền của UBND tỉnh/thành xử phạt các trường hợp người dân không tuân thủ theo Quyết định số 2666.”
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, thực tế cho đến nay, chưa có bất kỳ quy định pháp luật nào đã được ban hành để xử phạt như thế nào đối với việc vi phạm này cả. Theo đó, áp dụng nguyên tắc 'Vô luật bất hình' tức là 'Không có điều luật quy định thì không có hình phạt'. Việc xử phạt các trường hợp vi phạm Quyết định số 2666 trong giai đoạn hiện nay là không thể thực hiện được, vì không có cơ sở pháp luật. Luật sư Mạnh nói tiếp:
“Đó là đánh giá về phương diện pháp lý. Tuy nhiên, nếu đánh giá cho rằng việc cần áp dụng các quy định về khai báo y tế điện tử là cần thiết cho sức khỏe của cá nhân và cộng đồng trong tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm như lúc này, cho nên, vì lợi ích chung, tôi vẫn nghĩ người dân nên tự nguyện chủ động thực hiện theo.”
Tại Việt Nam, người dân sống trong một rừng luật, thay vì khuyến khích dân để bảo vệ sức khỏe của cá nhân và cộng đồng thì nên cài ứng dụng Bluezone, chứ không phải dọa dẫm bằng hình phạt...
-Chị Nguyễn Lai
Ứng dụng Bluezone được người dân Việt Nam biết đến khi dịch COVID-19 bùng phát năm 2020. Khi đó một số người dùng đã bày tỏ lo ngại việc mất an toàn thông tin khi cài đặt ứng dụng của chính phủ.
Trả lời RFA khi đó, Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng Giám đốc BKAV, công ty phát triển Bluezone, nói:
“Phần mềm này nó chỉ hiệu quả khi có đủ số lượng lớn người sử dụng. Ngay từ khi phát triển chúng tôi đã phải để ý đến việc này. Nó sử dụng các thuật toán để đảm bảo không lộ những thông tin cá nhân của người dùng. Chẳng hạn những tiếp xúc chỉ ghi lại trên điện thoại của người dùng và không được gửi lên server. Chỉ khi nào có phát hiện người bị nhiễm COVID thì lúc đó dữ liệu mới được gửi lên server với sự đồng ý của người dùng.”
Tuy nhiên ông Nhân, một người dân sống tại Việt Nam cho RFA biết vào thời điểm đó rằng, ông không đồng ý cài Bluezone vì cho rằng app này do nhà nước thiết lập nhưng không minh bạch cái cơ chế làm việc của app như thế nào. Ông nói tiếp:
“Với Bluezone, có vẻ như BKAV là công ty bảo mật nhưng BKAV có độc lập với Nhà nước hay không thì tôi vẫn không tin. Nếu họ hợp tác với Bộ Công an hay bộ nào từ phía Nhà nước thì họ sẽ cung cấp dữ kiệu cá nhân của mình khi Nhà nước cần. Tôi thấy điều đó không an toàn.”
Bluezone là ứng dụng do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế triển khai dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phát hiện các trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm COVID-19 thông qua sóng bluetooth, giúp cơ quan y tế truy vết các trường hợp tiếp xúc để đưa đi cách ly.
Tính đến 17 giờ ngày 27/5/2021, đã có 33,48 triệu lượt tải và sử dụng ứng dụng Bluezone.