Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: bất ngờ và không bất ngờ
2012.10.15
Không kỷ luật ai
Đó như câu trả lời về những đồn đoán về thay đổi nhân sự trong Bộ Chính trị và tương lai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đưa ra trước khi hội nghị diễn ra. Liệu đây có phải là một kết quả được báo trước hay được trông đợi?
Mặc dù không đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhưng thông tin từ các nguồn tin khả tín cho biết trong cuộc bỏ phiếu kỷ luật “một ủy viên Bộ Chính trị”, kết quả cho thấy chỉ có khoảng 27% số phiến đồng ý với đề xuất kỷ luật đó. Giới quan sát cho rằng ủy viên Bộ Chính trị ấy chính là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và ông bị Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật sau những sai phạm liên quan đến kinh tế.
Kết luận được quan tâm nhất của Ban Chấp hành TW ĐCSVN làm dấy lên nhiều đồn đoán trong đó hoặc nghi ngờ giá trị thực sự của những lá phiếu hoặc cho rằng Thủ tướng mặc dù sau những sai phạm vẫn còn được tín nhiệm cao. Riêng bản thân luật gia Trần Quốc Thuận (nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội) thì lại có một suy nghĩ hoàn toàn khác:
"Tôi nghĩ khác hai ý đó. Tôi suy đoán là biết đâu trong những phiếu ủng hộ đó là họ nghĩ rằng biết đâu ngày mai đến phiên mình cho nên họ bỏ phiếu như thế thì họ cũng phải nghĩ đến thân phận của họ. Nếu mà suy nghĩ của tôi là đúng thì đó là một điều vô cùng lo lắng. Tôi cũng nhận được nhiều tin nhắn từ các đảng viên trên 40 năm tuổi Đảng đều nói là bất ngờ, hụt hẫng, thất vọng, báo hiệu một nguy cơ. Điều đó cũng nói lên một điều gì đó chứ không phải là điều gì rất nhẹ nhàng mà phóng viên vừa hỏi”.
Một trong ba vấn đề cấp bách được đưa ra từ Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI đưa ra là “tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Điều lo lắng của ông Trần Quốc Thuận là nếu như suy đoán của ông đúng thì “ một bộ phận không nhỏ” được nói từ Nghị quyết TW 4 ĐCSVN đang lộ diện.
“Không nhỏ có nghĩa là không phải nhỏ cũng chưa hẳn là lớn nhưng đôi khi nó lại lớn lên nên người ta hụt hẫng”.
Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI bắt đầu từ ngày 1 tháng 10, diễn ra sớm hơn so với dự kiến và kéo dài 2 tuần. Hội nghị được cho biết nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng và phức tạp liên quan đến kinh tế, giáo dục và xây dựng ĐCSVN.
Tính nhạy cảm của các vấn đề được dễ dàng nhận thấy khi truyền thông chính thống hầu như không đưa tin về hội nghị. Tuy nhiên, điều đó không làm mờ đi những đồn đoán về sự thay đổi nhân sự đặc biệt là số phận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người mà báo chí phương Tây đánh giá là vị thủ tướng quyền lực nhất Việt Nam.
Một trong những câu hỏi giới quan sát đặt ra là số phận ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ như thế nào. Đại hội kết thúc với bài phát biểu “không kỷ luật ai” của Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tiếp cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tại Hà Nội. Tất cả như một câu trả lời khác rõ ràng cho bất cứ ai nghi ngờ về số phận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Bộ Chính trị trước đó đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, được suy đoán là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Kết thúc hội nghị, Tổng Bí thư ĐCSVN khẳng định đây là lần đầu tiên Trung ương bàn và ra nghị quyết về vấn đề xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Không phải lần đầu
Tuy nhiên, kết luận “không kỷ luật ai” không phải được được đưa ra lần đầu tiên. Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Cái này tất nhiên là cũng gây bất ngờ đối với nhiều người nhưng bản thân tôi thì đã thấy trước việc đó bởi vì từ trước đến giờ thì chưa có một cuộc kiểm điểm, phê bình tự phê bình nào mà thật nghiêm khắc hay là như mong đợi của người dân. Hội nghị Ban Chấp hành TW vừa rồi cũng phản ánh được cái đó”.
Mặc dù nội dung Hội nghị 6 Ban Chấp hành TW ĐCSVN được giữ kín nhưng giới quan sát cho rằng Ban Chấp hành đã giành một khoảng thời gian rất lớn, có thể đến 5 ngày, để bàn về quyết định kỷ luật. Theo LS Trần Quốc Thuận, đó là một thời gian quá dài cho một quyết định chưa nghiêm khắc:
“Kỳ họp nào mà không thành công nhưng năm ngày để cuối cùng đưa ra một kết luận là không kỷ luật ai thì điều đó làm tôi đánh giá tính nghiêm khắc của nghị quyết là chưa đủ 'đô'".
Cả hai luật gia Trần Quốc Thuận và Lê Hiếu Đằng đều cho rằng hình thức phê và tự phê của ĐCSVN không thể đạt được hiệu quả trong thực tế. Việc 100% Bộ Chính trị đồng ý kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị nhưng cuối cùng không được chuẩn thuận khiến dấy lên nhiều nghi ngờ về quyền lực thực sự của cơ quan được cho là lãnh đạo cao nhất của ĐCSVN cũng như nghi ngờ về lợi ích nhóm và về hiệu quả của những cơ quan giám sát.
Ông Lê Hiếu Đằng cho rằng cần thiết xây dựng một nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự để có những cơ quan giám sát có hiệu quả, ngăn chặn một “siêu quyền lực” nếu có:
“Do đó cái quan trọng hiện nay là phải tập trung thảo luận sửa đổi hiến pháp. Phải sửa theo hướng là tăng cường vai trò của nhân dân thông qua những thể chế tự do dân chủ và tạo được tam quyền phân lập thì mới giải quyết được tình hình hiện nay chứ nếu không thì nó vẫn lẩn quẩn thôi.”
Bắt đầu trở thành người đứng đầu Chính phủ từ năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng được hy vọng là có thể mang Việt Nam vào thời đại nhảy vọt khi thừa hưởng một gian đoạn mà Việt Nam có dự trữ ngoại tệ hơn 20 tỷ đô la. Điều này chưa kể đến mức tăng trưởng kinh tế đạt một con số ấn tượng trên 7% vào năm 2006. Tuy nhiên, chỉ cần hai năm sau khi TT nhậm chức, thay vì nói về những triển vọng người ta nói về những thất bại bao gồm sự quản lý của các tập đoàn nhà nước, về số nợ khổng lồ 86 ngàn tỉ đồng của Vinashin hay về một hệ thống ngân hàng dễ vỡ của Việt Nam.
Tôi tin rằng sau những va vấp và bị kiểm điểm như vậy thì TT Nguyễn Tấn Dũng phải rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình. Đó là thái độ không ngoan nhất để tạo uy tín của mình.
Luật gia Lê Hiếu Đằng
Tất cả những điều này đã làm giới quan sát nhiều lần đồn đoán về vận mệnh Thủ tướng. Hồi cuối năm 2010, trước khi đại hội ĐCSVN lần thứ XI bắt đầu, đã có những suy luận rằng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra đi. Tuy nhiên, vị Thủ tướng được đánh giá đầy quyền lực này vẫn tại vị thêm một nhiệm kỳ và kết quả hội nghị Trung ương 6 lần này một lần nữa cho thấy Thủ tướng vượt qua sóng gió một cách ngoạn mục.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hiếu Đằng, sau lần hội nghị này có lẽ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ rút ra một bài học cho mình:
“Tôi tin rằng sau những va vấp và bị kiểm điểm như vậy thì TT Nguyễn Tấn Dũng phải rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình. Đó là thái độ khôn ngoan nhất để tạo uy tín của mình”.
Trước khi hội nghị Trung ương 6, AFP có bài của tác giả Didier Laura trong đó trích lời một nhà quan sát cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sống sót sau những cơn bão chính trị và lần này cũng sẽ như vậy. Vậy là một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gây bất ngờ và không bất ngờ cho nhiều người.
Theo dòng thời sự:
- Hội nghị Trung ương 6 sẽ không có một kết quả thực sự
- Chỉnh đốn đảng và cuộc chiến trên các trang web
- TT Nguyễn Tấn Dũng không còn được Đảng tín nhiệm?
- Vì sao Hội nghị Trung ương 6 diễn ra sớm hơn dự định?
- Hội nghị Trung ương 6 - Cải tổ giáo dục
- Hội nghị Trung ương 6 - Chấn chỉnh Đảng
- Những mục tiêu quan trọng của Hội nghị Trung ương 6
- Những thay đổi nhân sự có thể sau Hội nghị Trung ương 6
- Khai mạc Hội nghị Trung ương ĐCSVN lần 6
- Hậu quả sau hội nghị Thành Đô?
- Đảng sẽ làm gì nếu phê và tự phê không hiệu quả?
- Anh Nguyễn Chí Đức ra khỏi Đảng Cộng Sản VN
- Đảng cần tự diễn biến
- Bỏ phiếu tín nhiệm cấp lãnh đạo chính phủ
- Đảng chọn dân hay chọn Trung Quốc?
- Phải chăng bắt đầu một vận hội mới?
- Chỉnh đốn Đảng: Tại sao Đảng trị lại nguy hiểm?
- Chỉnh đốn Đảng: Đạo đức đảng viên và tiếng nói dân chúng