‘Vụng chèo - khéo chống’ vụ nữ công an cấp tá quỵt tiền xe
2019.12.11
Thêm một vụ việc liên quan đến cán bộ Công an hành xử sai trái khiến công luận lên án. Đó là chuyện nữ trung tá công an thuê xe đi trong và ngoài tỉnh với giá 3 triệu nhưng chỉ trả 1 triệu. Khi dân đề nghị công an tỉnh xử lý thì được báo người quỵt tiền xe này bị bệnh tâm thần.
Công luận đặt câu hỏi tại sao một người bị tâm thần vẫn giữ chức vụ đến khi có chuyện xảy ra mới cho biết là ‘tâm thần’.
Biện giải ‘tâm thần’ cho nữ trung tá Công an quỵt tiền xe được Công an tỉnh Thái Bình đưa ra và báo Nhân Dân điện tử hôm 9 tháng Mười Hai thuật lại. Bản tin liên quan đến trung tá công an Vũ Thùy Linh đang công tác tại Phòng Hồ Sơ Nghiệp Vụ, Công An tỉnh Thái Bình. Theo đơn kiện từ anh Bùi Đức Hân, một cư dân Thái Bình, trong 2 ngày 7 và 8 tháng Mười Một trung tá công an Vũ Thùy Linh đã thuê anh chở xe đi một số điểm trong và ngoài tỉnh với giá thỏa thuận 3 triệu đồng.
Tuy nhiên sau đó trung tá công an Vũ Thùy Linh chỉ trả cho anh Hân 1 triệu mà thôi, 2 triệu kia mãi không chịu thanh toán dù bị anh Hân đòi nhiều lần.
Chính trung tá công an Vũ Thùy Linh cũng nhận có thuê anh Hân chở đến một số địa điểm trong tỉnh Thái Bình rồi ra tới Nam Định và Hà Nội nhưng chỉ trả 1 triệu và 2 triệu còn lại được cho là tính quá cao nên chưa trả.
Đại đa số công an giữ được bản lĩnh của mình, nhưng mà không loại trừ khả năng bao che. Một ít kẻ viện lý do này lý do khác đề bào chữa cho cá nhân hoặc cho lực lượng,
-Cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang
Tin nói mẹ của trung tá Vũ Thùy Linh cũng đã cùng với công an xác nhận con bà lâu nay có biểu hiện bất thường của người bệnh tâm thần. Người mẹ này đã xin lỗi và trả số tiền còn lại cho anh Bùi Đức Hân.
Bị tâm thần mà leo đến chức trung tá công an thì sao mà đủ bản lĩnh chu toàn trách nhiệm, lại biết chê mắc chê rẻ để khỏi trả tiền thì khôn chứ đâu có tâm thần gì, là suy nghĩ của đại tá Nguyễn Đăng Quang, cựu cán bộ an ninh Bộ Công An:
“Chú từng ở trong ngành nhưng đã về hưu rồi, nhưng chú cũng biết đại đa số giữ được bản lĩnh của mình, nhưng mà không loại trừ khả năng bao che và binh vực cho công an. Một ít kẻ viện lý do này lý do khác đề bào chữa cho cá nhân hoặc cho lực lượng”
Kỳ kèo, đôi co, dằng dai không chịu trả tiền đâu phải chuyện lạ trong mua bán, blogger, nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy nhận định, vấn đề ở đây kẻ quỵt tiền lại là một công an cấp tá được xác định có bệnh tâm thần sau khi việc thưa gởi xảy ra:
“Một người đã phấn đấu lên hàng trung tá công an thì lúc phấn đấu không đơn giản đâu. Đến khi quỵt tiền người ta mới trở thành tâm thần thì ai xác định?Thực ra mà nói tôi không nghĩ cô này tâm thần mà tôi nghĩ là bao che”
Đối với blogger Lâm Ngân Mai, bảo trung tá công an Vũ Thùy Linh có biểu hiện bất bình thường dẫn đến chứng rối loạn phân liệt cảm xúc là coi thường sự suy xét của người dân, thêm vào một chuyện sai trái tích lũy vào những tiêu cực sai trái của ngành công an đến độ những gì xuất phát từ việc làm của ngành đều khiến người ta nghi ngờ, dè bỉu:
“Một ngày hàng trăm, hàng chục vụ như đang nói mà một vài vụ điển hình bị rò rỉ thôi. Đó chỉ là cái ngọn, cái gốc của vấn đề còn hoài. Hết bà này đến ông khác mình nhắm một ngày có thể tìm hiểu hết phốt này phốt nọ phốt kia không? Nhìn vô vấn đề là biết đúng sai như thế nào và vô lý ra sao rồi. Đi tìm cái ngọn hay đi tìm cá nhân thì không thể nào đủ thời gian được. Trong diễn đạt đã kèm câu trả lời cho câu hỏi đó rồi”.
Blogger Nguyễn Tường Thụy thì phân tích những trường hợp tâm thần bị gán ghép ở Việt Nam, một bên trong mục đích bao che và một bên có chủ ý kết tội. Ông đưa ra hai trường hợp nhà báo Lê Anh Hùng của đài VOA và xướng ngôn viên Kiều Trinh, con gái tổng giám đốc Đài Truyền Hình Việt Nam:
“Công an bảo tâm thần là tâm thần, bảo không tâm thần là không tâm thần. Trường hợp Lê Anh Hùng viết cho đài VOA đấy, anh vẫn tỉnh táo nhưng lại bảo anh ấy bị tâm thần mà không có cơ sở nào xác định được. Đầu tiên họ bắt và truy tố nhà báo Lê Anh Hùng theo Điều 258. Sau này ra tòa thì họ chuyển sang bệnh viện tâm thần. Hiện nay Lê Anh Hùng bị cưỡng bức uống thuốc, trói chân trói tay, tống các thứ thuốc gì vào cơ thể của anh. Muốn cho anh là tâm thần thì họ làm như vậy. Trướng hợp ngược lại là cô Vũ Thùy Linh này thì họ muốn cho cô tâm thần để chối tội thôi”
Một người đã phấn đấu lên hàng trung tá công an thì lúc phấn đấu không đơn giản đâu. Đến khi quỵt tiền người ta mới trở thành tâm thần thì ai xác định?Công an bảo tâm thần là tâm thần, bảo không tâm thần là không tâm thần.
- Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy
“Về thí dụ Kiều Trình ở Đài Truyền Hình Việt Nam, đi lấy đồ ở siêu thị bên Anh nhưng vì có giấy tâm thần cho nên là vô can với pháp luật bên Anh. Tâm thần mà về thì vẫn cứ lên sóng phát thanh, sóng truyền hình để rao giảng về đạo đức, về văn hóa. Đây là chuyện hết sức vô lý,nếu tâm thần tại sao được cất nhắc lên chức trung tá, rồi sau xì căng đan lại bị tâm thần, chuyện không có cơ sở khoa học.
Thực trạng chạy giấy ‘tâm thần’ từng được nhiều người xác nhận xảy ra ở Việt Nam. Mạng VietnamNet vào tháng 8 năm 2018 loan tin Bộ Y tế họp khẩn với lãnh đạo các cục, vụ và một số bệnh viện tâm thần trên địa bàn Hà Nôi để làm rõ thông tin Bệnh viện Tâm Thần Trung ương 1 làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để giúp các đối tượng trốn án.
Đây là một lĩnh vực ‘tham nhũng’ giúp ‘trắng hóa đen’, ‘ rửa sạch tội cho thủ phạm’, hoặc hơn nữa là ‘triệt hạ người mà chế độ không ưa’…