Tòa án nào xét xử Đảng CSVN khi vi phạm Hiến pháp và pháp luật?
2020.10.29
Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vào hôm 28/10, phát biểu tại trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, thành phố Hà Nội, và được truyền thông Nhà nước Việt Nam trích dẫn nguyên văn:
"Thẩm phán phải là những chiến sỹ kiên trung trên mặt trận đấu tranh bảo vệ pháp chế, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện trách nhiệm nêu gương. Các toà án phải tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; rèn luyện phẩm chất đạo đức để mỗi cán bộ, thẩm phán luôn nhận thức đầy đủ, rõ ràng trách nhiệm trong thực thi công vụ. Hoạt động trong môi trường xét xử, phán quyết tính đúng sai của các sự kiện pháp lý, cán bộ, thẩm phán thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân. Vì vậy, hơn lúc nào hết, hệ thống toà án càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng; tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán”.
Lời phát biểu này đã được Báo Tuổi Trẻ Online, trong cùng ngày đăng tải và chạy tít với câu nói của bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân “Tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán”.
Đài RFA ghi nhận cộng đồng cư dân mạng ở Việt Nam lan tỏa bài báo với tựa đề của Tuổi Trẻ Online trong sự bày tỏ bức xúc mạnh mẽ.
Tòa án và thẩm phán tại Việt Nam có thanh liêm hay không thì người dân ai cũng biết rồi. Bao nhiêu vụ án oan, án sai được người dân biết rất rõ, nhất là vụ án Hồ Duy Hải, vụ án của ông Thanh Chấn và đặc biệt là vụ đại án Đồng Tâm
-Tiến sĩ Mạc Văn Trang
PGS-TS. Mạc Văn Trang, trên trang Facebook cá nhân đã nêu câu hỏi vì sao lại “tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán”?
Tiến sĩ Mạc Văn Trang, vào tối hôm 29/10 lý giải với chúng tôi về thắc mắc mà ông đã đưa ra:
“Không có một cái gì là tuyệt đối cả. Bởi vì con vật biết nghi ngờ. Khi một người lạ cho con vật ăn cái gì đó thì nhiều lúc nó không ăn. Con chó, chẳng hạn, còn nghi ngờ, ngửi và nhìn người cho nó đồ ăn. Thế cho nên nghi ngờ là một phản xạ tự nhiên của động vật. Còn đối với con người thì không những có phản xạ mà còn có tư duy. Con người luôn luôn phải biết nghi ngờ, mà nhờ vào đó thì mới có tò mò, khám phá và mới có phản biện, tiến bộ, khoa học, mới tìm tòi chân lý. Cho nên khi nói “tuyệt đối không để dân nghi ngờ” thì lời phát biểu đó rất là không hiểu gì cả. Có thể nói là rất ấu trĩ và ngu. Điểm thứ hai là không nghi ngờ sự thanh liêm của thẩm phán. Về vế đầu ‘tuyệt đối không để dân nghi ngờ’ thì đã là một cái sai. Thêm vế thứ hai là ‘tuyệt đối không để dân nghi ngờ về sự thanh liêm của thẩm phán” thì trở thành hài hước. Bởi vì, tòa án và thẩm phán tại Việt Nam có thanh liêm hay không thì người dân ai cũng biết rồi. Bao nhiêu vụ án oan, án sai được người dân biết rất rõ, nhất là vụ án Hồ Duy Hải, vụ án của ông Thanh Chấn và đặc biệt là vụ đại án Đồng Tâm.”
Từ Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài nêu lên nhận xét của ông khi nghe lời tuyên bố như thế của bà Nguyễn Thị Kim Ngân:
“Trong một câu phát biểu như vậy có hai ý nghĩa. Thứ nhất, bà Ngân nhắc nhở ngành tòa án không để cho các thẩm phán không được có vấn đề gì để cho người dân nghi ngờ. Thứ hai là mang ý nghĩa như một mệnh lệnh, tức là họ phải kiểm soát suy nghĩ của người dân. Điều này ngụ ý rằng nếu như người dân có nghi ngờ về sự thanh liêm của thẩm phán thì cần phải xử lý. Nghĩa là hàm ý đe dọa người dân, chứ không chỉ gửi thông điệp đến các thẩm phán trong ngành tòa án Việt Nam. Hàm ý đó là đe dọa người dân khi có những lời lẽ bình luận trên mạng xã hội, hay có những bài viết nói về thẩm phán này, thẩm phán kia không đảm bảo công bằng, khách quan trong vấn đề xét xử.”
Không ít cư dân mạng cho rằng bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu như vậy cho thấy một sự áp đặt độc đoán lên người dân Việt Nam.
Cựu tù nhân lương tâm-thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung đăng tải ý kiến của anh rằng “Dân nghi ngờ thẩm phán thì cứ vu cho là ‘thế lực thù địch’ rồi bắt nhốt thôi. Thế là không còn ai dám nói tôi nghi ngờ nữa”.
Phát biểu của Chánh án Tòa án Tối cao Việt Nam
Bên cạnh lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lời phát biểu của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình càng gây chú ý trong công luận nhiều hơn.
Ông Nguyễn Hòa Bình khi đề cập đến những bài học thành công của hệ thống tòa án Việt Nam suốt 75 năm qua, đã nói rằng trước hết tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, tuân thủ sự lãnh đạo và toàn diện của Đảng; tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng; thượng tôn pháp luật và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc tư pháp đã được hiến định.
Tiến sĩ Giáo dục Mạc Văn Trang có lời nhận xét với RFA rằng ông Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu rất trung thực về hệ thống tòa án Việt Nam xét xử theo chỉ đạo của Đảng CSVN.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Đài, xác nhận:
“Điều đó chắc chắn nói đến có sự can thiệp từ bên Đảng. Bởi vì theo nguyên tắc của Hiến pháp quy định rằng thẩm phán chỉ tuân theo sự thật khách quan của pháp luật thôi. Tuân thủ luật thì không được chấp nhận mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Thế nhưng khi ông Bình nói đến vấn đề trung thành với Đảng hay tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng thì rõ ràng đã khác rồi. Bởi vì trong một số vấn đề giữa đường lối, chính sách của Đảng CSVN với một số vụ án rất khác nhau, đặc biệt trong vụ án chính trị. Bởi vì người dân đấu tranh dân chủ thì họ chỉ thể hiện khát khao quyền tự do dân chủ của họ thôi, nhưng khi Đảng can thiệp và đưa quan điểm chính trị của họ vào thì rõ ràng sẽ làm cho những thẩm phán không còn khách quan, công bằng trong xử lý những vụ án như vậy nữa.”
Tuân thủ luật thì không được chấp nhận mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Thế nhưng khi ông Bình nói đến vấn đề trung thành với Đảng hay tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng thì rõ ràng đã khác rồi. Bởi vì trong một số vấn đề giữa đường lối, chính sách của Đảng CSVN với một số vụ án rất khác nhau, đặc biệt trong vụ án chính trị.
-Luật sư Nguyễn Văn Đài
Luật sư Nguyễn Văn Đài nhấn mạnh thêm rằng bản chất củng cố hệ thống chính trị Cộng sản thì không có tam quyền phân lập mà Đảng lãnh đạo Việt Nam coi ngành công an, viện kiểm sát và tòa án chỉ là công cụ để bảo vệ quyền lực và lợi ích của Đảng CSVN, chứ không phải là ngành độc lập.
Trong phiên họp Quốc hội hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng, thuộc tỉnh Quảng Trị, đã nêu lên trường hợp vụ án buôn lậu gỗ ở địa phương Quảng Trị có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong tố tụng mà Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị đã giám sát và báo cáo. Mặc dù nhiều Đại biểu Quốc hội kiến nghị giám đốc thẩm vụ án, thế nhưng đã gần một năm vẫn chưa được xem xét.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng và các Đại biểu Quốc hội trong phiên họp ngày 13/6 cũng trưng dẫn các phán quyết của tòa án cũng như vi phạm trong hoạt động tố tụng trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải và vụ án lùi xe trên đường cao tốc đã gây nghi ngờ, nghi vấn trong nhân dân. Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng phát biểu trước Quốc hội rằng “Có thể nói đây là phần nổi của tảng băng đang bào mòn lòng tin của người dân”.
Luật sư Nguyễn văn Đài khẳng định với RFA rằng:
“Chỉ trừ khi nào Việt Nam có đa Đảng, có tự do dân chủ và có tam quyền phân lập thì khi đó ngành tòa án mới trở lại đúng bản chất của nó bao gồm độc lập và tuân thủ pháp luật. Chế độ nào một Đảng thì vẫn theo đường lối của họ. Chừng nào còn một Đảng thì vẫn theo đường lối cũ và mãi mãi không bao giờ thay đổi cả.”
Một số ý kiến trong dư luận bày tỏ trên mạng xã hội rằng “Tòa án Nhân dân” nên đổi tên thành “Tòa án Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Cựu tù nhân lương tâm, anh Nguyễn Tiến Trung lập luận rằng “Đảng CSVN vi phạm Hiến pháp và luật pháp trong việc tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân thì đâu có tòa án nào dám xét xử Đảng”.