Đặt vấn đề tăng lương tối thiểu khi dịch COVID-19 lan mạnh ở Việt Nam!

Diễm Thi, RFA
2020.08.05
2013-02-22T120000Z_1346042026_GM1E92M1EPI01_RTRMADP_3_VIETNAM-ECONOMY(1).JPG Công nhân một công ty may. Ảnh minh họa.
Reuters

Thâm hụt ngân sách

Hội đồng Tiền lương quốc gia Việt Nam đã quyết định không tăng lương tối thiểu năm 2021 với 9/13 phiếu đồng thuận. Lý do được ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) đưa ra là năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế, doanh nghiệp, đời sống của người lao động. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có đưa phương án bàn lại vào đầu năm 2021 tùy theo tình hình thực tế lúc đó. Ông Quảng cho biết, ở thời điềm này tạm chấp nhận không tăng lương tối thiểu, nhưng đến đầu quý I hoặc II năm 2021, cần xem xét lại, đặc biệt khi Bộ luật Lao động năm 2019 sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ năm 2021.

Tuy các đại biểu trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia Việt Nam không đề cập gì đến ngân sách nhà nước mà chỉ nói chung chung là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thế nhưng người quan tâm tình hình kinh tế Việt Nam lại cho rằng, thâm hụt ngân sách nhà nước là nguyên nhân chính.

Ông Nguyễn Kế Quang, một kỹ sư xây dựng cho rằng, do nhà nước không thể tăng mức lương tối thiểu cho cán bộ nhà nước nên cũng không thể để cho doanh nghiệp tăng lương cho công nhân. Ông giải thích:

“Nói về lương thì có hai khu vực: lương trả từ ngân sách và lương từ doanh nghiệp trả cho người lao động. Lương ngân sách trả cho bộ máy quản lý của nhà nước. Lương doanh nghiệp trả cho người lao động trong doanh nghiệp đó.

Theo lộ trình thì từ 1 tháng 7 vừa rồi, tiền lương của cán bộ từ ngân sách tăng lên 7,07%. Nhưng vì ngân sách thâm thủng quá nên không thể cho trả như dự kiến. Chính vì vậy, nếu để cho mức lương trả từ doanh nghiệp tăng thì nó sẽ mất cân đối giữa hai khu vực.”

Việt Nam bây giờ thất thu ngân sách, nên cái phương án tăng lương thì tôi e rằng nhà nước chưa có sẵn tiền để tăng, thành ra họ kìm hãm lại việc này. - Luât sư Đặng Trọng Dũng

Luật sư Đặng Trọng Dũng chuyên về các vụ án luật lao động và từng công tác tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM nêu ý kiến của ông:

“Việt Nam bây giờ thất thu ngân sách, nên cái phương án tăng lương thì tôi e rằng nhà nước chưa có sẵn tiền để tăng, thành ra họ kìm hãm lại việc này. Theo những tin tức mà tôi theo dõi gần đây thì được biết Nhật Bản hứa sẽ giúp Việt Nam về dịch COVID. Như vậy phải nói Việt Nam bây giờ phải cầu cứu những nơi mà trước đây Việt Nam cầu cứu được để xin viện trợ.”

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị không tăng lương tối thiểu để doanh nghiệp có cơ hội hồi phục do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo ông, dịch bệnh ảnh hưởng đến toàn cầu khiến giãn cách, đứt đoạn các chuỗi cung ứng, nguyên liệu đầu vào. Nhiều ngành đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là dệt may, da giày và ngành sử dụng nhiều lao động.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính tới ngày 15 tháng 7 vừa qua, ngành dệt may Việt Nam sụt giảm 2 tỷ đô la vì COVID-19 và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Ông Nguyễn Kế Quang cho rằng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì người lao động cũng bị ảnh hưởng. Nhà nước phải có cách để cứu doanh nghiệp, doanh nghiệp cứu người lao động. Ông nói:

“Trong việc bỏ phiếu chiều nay, lẽ ra Liên đoàn Lao động phải đứng về phía người lao động thì lại không bảo vệ cho người lao động mà lại bảo vệ cho doanh nghiệp. Lý do là tăng lương tối thiểu sẽ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời dịch. Họ quên một điều rằng, người lao động cũng sẽ rất khó khăn.

Vấn đề thứ hai nữa là lạm phát, đồng tiền mất giá. Nếu cứ giữ mức lương cũ thì cuộc sống người lao động sẽ rất khó khăn. Còn nếu doanh nghiệp khó khăn thì Nhà nước phải điều chỉnh mức thuế cho họ.”

Người lao động thiệt thòi

Chiều 29 tháng 6 năm 2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp, do tác động của dịch COVID-19. Báo cáo được đưa ra cho thấy, tính đến tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng với 17,6 triệu người, gần 8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nhà nước cần hỗ trợ cho người lao động nhiều hơn. Bà nói:

“Trong tình hình dịch COVID từ đầu năm đến tháng 5 vừa rồi cũng đã có một lượng khá lớn những người nghèo hoặc những người lao động làm ở khu vực kinh tế hộ gia đình hoặc làm nghề tự do thì họ bị mất việc nhiều và bị giảm thu nhập mạnh. Chúng tôi nghĩ là đối với những đối tượng như vậy thì nhà nước cần quan tâm và có những hỗ trợ nhiều hơn cho họ.”

Trong tình hình dịch COVID từ đầu năm đến tháng 5 vừa rồi cũng đã có một lượng khá lớn những người nghèo bị giảm thu nhập mạnh. Chúng tôi nghĩ là đối với những đối tượng như vậy thì nhà nước cần quan tâm và có những hỗ trợ nhiều hơn cho họ. - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Luật sư Đặng Trọng Dũng cho rằng, người dân thiệt thòi nhưng họ sẽ không lên tiếng vì họ biết sẽ chẳng có kết quả. Việc của người lao động hiện nay là tự cứu mình trong mọi hoàn cảnh:

“Số người ăn lương ít hơn số người không ăn lương. Người Việt Nam họ quen cách chịu đựng, họ gần như không trông chờ gì ở nhà nước này về vấn đề giúp đỡ họ trong lúc khó khăn. Cái tâm lý chung mà tôi hiểu là họ tự bươn chải, tự cứu mình thôi. Từ trước tới giờ họ chẳng được trợ cấp cái gì ra hồn cả nên họ tự cứu mình là chính.

Cái thiệt thòi là tất nhiên rồi. Rất là thiệt thòi. Nhưng mà người dân họ không có thói quen như biểu tình hoặc đòi hỏi những chuyện như vậy. Họ có sự tự trọng, họ quen sống tự lập rồi nên có thiệt thòi họ cũng bấm bụng chịu thôi.”

Theo Điều 3 Nghị định 90/2019 được Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 11 năn 2019, lương tối thiểu vùng I, (bao gồm khu vực thành phố, đô thị) là 4.420.000 đồng/người/tháng, vùng II (bao gồm khu vực huyện và thị xã của nhiều tỉnh) là 3.920.000 đồng/tháng, và trên vùng III là 3.430.000 đồng. Trong khi ở vùng IV (những vùng đặc biệt khó khăn) là 3.070.000 đồng.

Theo Hội đồng Tiền lương quốc gia, mức lương này đáp ứng 100% mức sống tối thiểu cho người lao động.

Trao đổi với RFA về cuộc sống người lao động trong dịch COVID-19, bà Phạm Chi Lan nói rằng, tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng. Đó là điều rất đáng buồn. Đối với những nước thu nhập ở mức trung bình thấp như Việt Nam hoặc những nước nghèo hơn thì chắc chắn cuộc sống của người dân còn khó khăn hơn nhiều.

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng cảnh báo cho Việt Nam những chấn động có thể có trong tương lai. Đặc biệt, theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc thì Việt Nam là một trong năm nước có thể bị ảnh hưởng tai hại nhất về tình trạng biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng…

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.