Các nạn nhân vụ "Công Án Bia Sơn” bị quên lãng
2014.07.23
Nhóm hơn 20 người thuộc Hội đồng Công Luật Công án Bia Sơn ở Núi Đá Bia, tỉnh Phú Yên sau khi bị xét xử về tội âm mưu lật đổ chính quyền hồi đầu năm 2013 đến nay dường như không còn được mấy ai nhớ đến.
Phải chăng trường hợp của họ bị rơi vào quên lãng?
Âm thầm xét xử
Vào tuần qua có thêm ba người bị tòa án Phú Yên đưa ra xét xử với cáo buộc sử dụng kíp nổ để phá đá tại khu du lịch sinh thái Đá Bia trước đây. Đó là nơi mà cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên cho là căn cứ của tổ chức do ông Trần Công/Phan Văn Thu đứng đầu xây lên để lật đổ chính quyền Việt Nam.
Tuy nhiên, những người trong cuộc thì cho rằng họ xây dựng nơi để tu hành theo phái mà ông Trần Công/Phan Văn Thu phát triển có tên Ân Đàn Đại Đạo và về nay đổi thành Hội đồng Công Luật Công án Bia Sơn, với Cửu Kinh Minh Triết là kinh sách giảng dạy cho tín đồ.
Bà Võ thị Thanh Thúy, vợ của ông Trần Công/Phan Văn Thu cho biết về phiên xử không được báo chí nào trong nước nhắc đến vừa diễn ra trong tuần qua ở Phú Yên:
Có mấy anh em làm đá để xây dựng công trình vừa rồi họ mới xử tiếp. Tôi cũng chẳng hiểu làm sao nữa! Họ tìm ra cái gì để xử anh em như thế, tôi không còn lời để nói nữa. Có ba người, trong đó có một người chuyên về tổ đá: anh ta là đội trưởng, chịu trách nhiệm phần việc ra đá, chia đá đưa đến các nơi xây dựng công trình hồ, đập, đường…
Có mấy anh em làm đá để xây dựng công trình vừa rồi họ mới xử tiếp. Tôi cũng chẳng hiểu làm sao nữa! Họ tìm ra cái gì để xử anh em như thế, tôi không còn lời để nói nữa
Bà Võ thị Thanh Thúy
Con anh này bị bệnh nhũn não, nói chung rất nặng và tôi nghị họ không kêu, nhưng cuối cùng vẫn kêu và xử anh ta 4 năm tù.
Một phụ nữ khác cũng có chồng và con trai bị bắt, xử án tù trong vụ án vừa nói cũng xác nhận ba người vừa bị đưa ra xét xử với tội danh sử dụng kíp nổ mà lực lượng chức năng phát hiện được khi đột kích vào Khu du lịch Sinh thái Đá Bia hồi tháng 2 năm 2012.
Bà này nói:
Xử về bên thuốc nổ đó!
Giam giữ nhiều nơi
Tòa sơ thẩm sau năm ngày xử án vào ngày 4 tháng 2 năm 2013 đã tuyên án ông Trần Công/Phan Văn Thu án tù chung thân. Số còn lại bị tuyên án từ 10 đến 17 năm tù giam.
Sau khi có án, nhóm 22 người này bị chia nhỏ ra và đưa đến các trại giam ở các tỉnh khác nhau gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Quảng Nam. Ông Trần Công/Phan Văn Thu bị giam tại trại Phú Giáo ở An Phước, An Thái, tỉnh Bình Dương. Có hai cha con một người bị giam tại trại Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịaa- Vũng Tàu, một người tại Đồng Nai.
Bà Lê Thị Triểm, vợ của ông Phan Thành Ý và là mẹ của anh Phan Thanh Tường, cho biết việc thăm nuôi hai nơi như thế:
Ông chồng giam dưới Xuyên Mộc, Bà Rịa, còn con trai ở Xuân Lộc, Đồng Nai. Kể ra cũng hơi trắc trở, cứ hai tháng đi một lần, xuống thăm chồng rồi lên thăm con.
Vừa rồi tôi cũng có muốn làm đơn để đưa ra bộ nhằm xin xem xét lại vụ án của mình; nhưng mà chưa gửi đơn đi thì họ đã xử những người làm cho mình. Họ xử như vậy thì tôi nghĩ có gửi đơn đi cũng bằng không thôi. Đã không rồi mà họ còn làm khó dễ những người ký giấy nữa
Bà Võ thị Thanh Thúy
Một bà có chồng hiện bị giam tại trại An Điềm, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết phải mấy tháng bà cùng ba, bốn người nữa có chồng giam tại đó chung nhau đi thăm để tiết kiệm tiền xe.
Gia đình cam chịu
Những người phụ nữ có chồng đang bị tù mà Nhà Nước nói họ phản động, muốn lật đổ chính quyền tỏ ra rất cam chịu không biết kêu đâu. Ngay cả việc phúc thẩm nhóm những người bị kết án nặng như vừa nói cũng không làm đơn kháng án để được xem xét lại.
Một bà có chồng đang bị giam tại Trại An Điềm bày tỏ:
Nói chung lo làm để nuôi cháu, con ở ngoài. Khó khổ quá nên phải bươn chải, ráng có tiền để đi thăm nuôi chứ biết sao giờ!
Bà Võ thị Thanh Thúy cũng nói về ý định muốn kêu cứu nhưng rồi lại thôi vì mất tin tưởng vào chính quyền hiện nay:
Lâu nay đâu có nói được. Nói đúng là dân quê cũng đâu có biết, họ xử oan ức chỉ biết oan ức vậy thôi, chứ đâu có biết kêu rêu, nói với ai được.
Bà Lê Thị Triểm
Vừa rồi tôi cũng có muốn làm đơn để đưa ra bộ nhằm xin xem xét lại vụ án của mình; nhưng mà chưa gửi đơn đi thì họ đã xử những người làm cho mình. Họ xử như vậy thì tôi nghĩ có gửi đơn đi cũng bằng không thôi. Đã không rồi mà họ còn làm khó dễ những người ký giấy nữa.
Tất cả những người trong cuộc như bà Võ thị Thanh Thúy và bà Lê Thị Triểm đều bày tỏ sự tiếc nuối đối với khu dụ lịch sinh thái Đá Bia mà chồng con của họ bỏ sức xây dựng, nay bị bỏ hoang phế.
Bà Võ thị Thanh Thúy cho biết:
Từ năm 2012 đến bây giờ họ giữ luôn, không trả cho mình; họ cho bên đội Cơ động coi ngó chứ không cho ai vào làm hết. Đi ngang qua lại, thấy xơ xác, tôi cảm thấy đau lòng lắm, rất buồn. Cái cổng không còn, thì thử hỏi cái gì còn! Cổng, rào giờ tan nát hết rồi!
Và bà Lê Thị Triểm cũng chia sẽ:
Bên trong thì không biết, nhưng đi ngang bên ngoài thấy điêu tàn lắm. Tiếc vì mồ hôi, nước mắt của cả chồng, con, anh em đổ vào đó mà bây giờ bỏ hoang phí!
Hội Phụ nữ Nhân quyền thăm hỏi
Gia đình của những người tù thuộc nhóm hơn 20 người thuộc Hội đồng Công Luật Công án Bia Sơn ở Phú Yên tưởng chừng như chuyện của họ chỉ có họ biết và chia sẽ với nhau thôi. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Hội Phụ nữ Nhân quyền, một nhóm xã hội dân sự mới thành lập, đã đến tại Phú yên, cũng như có lần cùng người thân của các tù nhân đến tại Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu để thăm hỏi, động viên họ.
Bà Lê Thị Triểm cho biết cảm nghĩ khi được những người ở xa đến với gia đình bà như thế:
Lâu nay đâu có nói được. Nói đúng là dân quê cũng đâu có biết, họ xử oan ức chỉ biết oan ức vậy thôi, chứ đâu có biết kêu rêu, nói với ai được. Vừa rồi đây có mấy cô nhân quyền ra thăm, mấy cô cũng nói vậy nên mình nghĩ mấy cố có tiếng nói lên vậy, thì chồng con mình có thể giảm án được hay không, cũng mừng!
Sau chuyến đến Phú Yên thăm một số người thân của những tù nhân vụ Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn, một thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền, cô Huỳnh Thục Vy, cho biết:
Thân nhân của những người bị bắt trong vụ án này, họ không có liên lạc với bên ngoài. Chỉ có vợ của ông Phan Văn Thu, bị chung thân, có liên lạc thôi nhưng rất ít; còn những người còn lại hầu như không có liên lạc và họ rất lo sợ vì chính quyền địa phương thường xuyên đến gặp họ để đe dọa. Ngay cả chuyện Hội Phụ nữ đến để thăm họ, chỉ thăm chia xẻ tình cảm giữa con người với nhau thôi; vậy mà sau đó hai ba ngày, công an và chính quyền địa phương đã đến dọa họ nói nếu tiếp xúc với người ở bên ngoài thì sẽ gây khó khăn cho người ở trong tù.
Những người như bà Lê Thị Triểm xác nhận chính nhờ được Hội Phụ nữ Nhân quyền gặp gỡ, nói chuyện, động viên mà bà cảm thấy có chút hy vọng về trường hợp của chồng, con hiện phải chịu những án tù mà theo bà là oan ức.