Yêu cầu Việt Nam giải trình trước Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em
2020.03.02
12 tổ chức xã hội dân sự đã phối hợp cùng nhau đệ trình 3 bản báo cáo đến Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em vào ngày 1/3 vừa qua.
Nội dung
Ba bản báo cáo sơ khởi được gửi đến Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em được biên soạn bởi Ủy ban Cứu Người Vượt Biển BPSOS, Tổ chức Juliebee Campaign – một tổ chức toàn cầu của các luật sư Thiên Chúa Giáo và nhóm NextGen bao gồm những em thiếu niên tuổi từ 14-15 từng nhiều năm tham gia các cuộc tổng vận động ở Quốc hội Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó còn có sự đóng góp của nhiều tổ chức xã hội dân sự như Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, Liên Minh Chống Tra Tấn – Việt Nam…
Có thể thống kê theo số liệu địa phương đưa lên nhưng đó chưa chắc là số liệu thực tế. Ví dụ như trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, những trẻ đường phố, trẻ nhập cư thì số liệu không có giấy khai sinh sẽ cao hơn nhiều. - Nguyệt Đình Khôi
Cụ thể, trong bản báo cáo đầu tiên, BPSOS tập trung vào tình trạng những trẻ em người Hmong và người Tây Nguyên không được cấp giấy khai sinh và bị thiệt thòi trong cuộc sống vì gia đình theo đạo tin Lành và Cao Đài không theo phái nhà nước quản lý. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu nữ người Hmong bị bán sang Trung Quốc mà công an đã lờ cho kẻ buôn người tiếp tục hoành hành, và hậu quả di luỵ lên con cái của các nạn nhân bị tra tấn hay bạo hành bởi công an.
Bản báo cáo thứ hai phân tích sâu tình trạng 10% trẻ em ở Việt Nam không có giấy khai sinh cũng như tình trạng trẻ em gặp khó khăn trong các gia đình Công Giáo, Tin Lành và Phật Giáo.
RFA có liên lạc với Tiến sĩ Huỳnh Tấn Đạt, Phó giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý TP.HCM, người được truyền thông trong nước loan tin cho biết ông từng đứng tên là người đi khai sinh cho nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn, để hỏi về thực trạng này ở Việt Nam, nhưng ông từ chối trả lời:
“Chúng tôi có cơ chế phát ngôn nên tôi không thể trả lời qua điện thoại được, nếu có vấn đề cần hỏi thì gửi văn bản về sở tư pháp, chúng tôi sẽ trả lời.”
Trao đổi với chị Nguyệt Đình Khôi, người hoạt động nhân quyền và vận động chính sách, từng làm giấy khai sinh cho rất nhiều trẻ em tại Sài Gòn lại cho rằng con số 10% trong bản báo cáo chưa đúng với thực trạng hiện nay:
“Nếu số liệu thực tế thì có thể sẽ cao hơn. Có thể thống kê theo số liệu địa phương đưa lên nhưng đó chưa chắc là số liệu thực tế. Ví dụ như trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, những trẻ đường phố, trẻ nhập cư thì số liệu không có giấy khai sinh sẽ cao hơn nhiều. Hoặc những đồng bào thiểu số, nhập cư từ miền Bắc, Tây Bắc Việt Nam di cư vào Tây Nguyên thì không có đất canh tác, trẻ em đa số không có giấy khai sinh thì mình thấy những vùng đó không được hưởng chính sách dân tộc thiểu số thành ra con số không có giấy khai sinh, hộ khẩu lớn hơn nhiều.”
Vẫn theo chị Khôi, khi giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong việc làm giấy khai sinh cho trẻ, về hành lang pháp lý thì không có khó khăn nhiều nhưng về thực thi pháp lý, khi gặp những cán bộ trong các cơ quan nhà nước lại gặp nhiều khó khăn:
“Mới đây có một thông tư mới ra hỗ trợ tối đa để các trẻ em có quốc tịch Việt Nam sẽ có được giấy khai sinh, nhưng còn vướng nhiều lắm. Vấn đề nào mình cũng có trình chính phủ, mình có đóng góp ý kiến trong những lần họ hỏi ý kiến để đưa ra những thông tư thay đổi luật nhưng cũng không thay đổi nhiều.”
Bản báo cáo thứ ba do nhóm NextGen thực hiện được đánh giá đặc biệt nhất vì chính các em thiếu niên Việt Nam đã cùng nhau thực hiện những đề án về nhân quyền do chính các em đề ra. Nội dung báo cáo nêu lên trường hợp con nhỏ của các nhà hoạt động nữ bị tạm giam, bị tù đày hoặc bị tra tấn, hoặc vụ tấn công cưỡng chế đất của công an đã gây khủng hoảng cho hàng trăm trẻ em ở Vườn Rau Lộc Hưng và Đồng Tâm.
Ông Cao Hà Chánh, một người dân ở Vườn rau Lộc Hưng có hai con nhỏ chia sẻ những khó khăn sau khi bị cưỡng chế:
“Thực tế vườn rau cưỡng chế trái pháp luật mà người dân chứng minh được rồi nhưng hiện nay chính quyền không giải quyết nên cha mẹ cũng bất ổn nói chi con cái. Con cái bất ổn về mọi mặt, nhất về tài chính kinh tế. Chính quyền Việt Nam không quan tâm các em sống thế nào, học hành ra sao.”
Vẫn theo ông Chánh, điều khó chấp nhận nhất là trong thời gian cưỡng chế, trường học nghe theo phía chính quyền tuyên truyền những thông tin sai lệch trong giờ giải lao của học sinh. Ông Chánh cho rằng việc này vô hình chung tạo thêm áp lực cho các em:
“Họ dùng trẻ em bằng mọi chủ đích để các em về đấu tố bố mẹ nói bố mẹ trái pháp luật.”
Mục đích
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do vào ngày 2/3, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Ủy ban Cứu Người Vượt Biển BPSOS nói rõ hơn lý do thực hiện những bản báo cáo vừa nêu:
“Các bản báo cáo sơ khởi để chuẩn bị cho cuộc họp Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em sẽ được diễn ra tháng 1/2021. Việt Nam sẽ phải giải trình về việc thực thi bản công ước này. Việt Nam đã tránh né không giải trình gần 5 năm, bây giờ họ phải giải trình luôn 10 năm. Theo thủ tục của Liên hiệp Quốc, vào tháng 6 này ủy ban này sẽ họp lại để lên 1 danh sách những vấn đề họ quan tâm rồi chuyển cho chính quyền Việt Nam, yêu cầu Việt Nam phải phúc đáp vào tháng 11 năm nay. Sau đó thì các tổ chức xã hội dân sự có một khoảng thời gian để phản biện bản phúc đáp này trước khi Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em đưa Việt Nam vào cuộc kiểm điểm lần thứ 5 và lần thứ 6.”
Vẫn theo người đứng đầu BPSOS, hai mục đích chính để gửi những bản báo cáo này là:
Các bản báo cáo sơ khởi để chuẩn bị cho cuộc họp Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em sẽ được diễn ra tháng 1/2021. Việt Nam sẽ phải giải trình về việc thực thi bản công ước này. Việt Nam đã tránh né không giải trình gần 5 năm. - TS. Nguyễn Đình Thắng
“Phần thứ nhất là cung cấp thông tin chính xác, cập nhật đầy đủ cho Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em để họ có luồng thông tin khác hơn những bản báo cáo từ phía chính quyền Việt Nam. Liên Hiệp Quốc muốn lắng nghe từ phía chính quyền cũng như người dân.
Mục đích thứ hai là muốn tập dần để người dân trong nước cũng như những tổ chức lên tiếng về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam làm quen các thủ tục về kiểm điểm, để chính người dân trong nước đặt vấn đề trách nhiệm giải trình của nhà nước dựa vào những điều mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế về nhân quyền.”
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cũng bày tỏ hy vọng Liên Hiệp Quốc sẽ mời những em thiếu niên Việt Nam trong nhóm NextGen, nhóm các em nhỏ đã lên tiếng đòi công bằng cho các bạn bè cùng trang lứa đang ở trong nước, đến dự buổi kiểm điểm diễn ra vào tháng 1 năm sau.