Niêm phong vàng: Phía sau là gì?
2014.04.30
Vụ công an quận Bình Thạnh niêm phong hơn 550 cây vàng tại tiệm vàng Huỳnh Mai tuy đã kết thúc nhưng âm hưởng của nó vẫn nặng nề trên dư luận quần chúng cũng như sự quan tâm của những người từng hoạt động trong nhiều lãnh vực nhà nước. Mặc Lâm theo dõi và ghi nhận những diễn biến của dư luận ấy.
Vì đổi 100 đô la công an đòi thu cả tiệm vàng
Vào lúc 11 giờ sáng ngày 24 tháng 4 một người đàn ông bước vào tiệm vàng Hoàng Mai tại số 384 Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh để yêu cầu đổi tờ 100 đô la sang tiền Việt. Một giờ sau lực lượng công an quận Bình Thạnh ập vào lập biên bản vi phạm và đội trưởng công an kinh tế tuyên bố toàn bộ số vàng và số ngoại tệ trong tiệm vàng Hoàng Mai phải bị tịch thu.
Chủ tiệm vàng là chị Nguyễn Thị Thanh Mai đã quyết liệt chống lại yêu cầu này và công an không tịch thu được số vàng của chị. Chị Mai nói với chúng tôi về việc này như sau:
-Ông trưởng đội cảnh sát kinh tế ổng đứng ổng nói tịch thu hết. Vàng nữ trang trong ba tủ đang kinh doanh rồi vàng miếng tịch thu hết đem về quận. Ổng lấy thùng xuống ổng đòi tịch thu hết. Ổng nói mình mua bán ngoại tệ trái phép nhưng không có một biên bản vi phạm nào hết vì đâu có vi phạm mà có biên bản? vậy mà cũng mang đô (la) của mình đi hết.
Tuy không tịch thu nhưng 559 lượng vàng vừa vàng miếng vừa vàng nữ trang bị niêm phong. Gần 15 ngàn đô la và 2.300 bath Thái Lan bị tịch thu.
Ông trưởng đội cảnh sát kinh tế ổng đứng ổng nói tịch thu hết. Vàng nữ trang trong ba tủ đang kinh doanh rồi vàng miếng tịch thu hết đem về quận. Ổng lấy thùng xuống ổng đòi tịch thu hết. Ổng nói mình mua bán ngoại tệ trái phép nhưng không có một biên bản vi phạm nào hết vì đâu có vi phạm mà có biên bản?
bà Nguyễn Thị Thanh Mai
Vào lúc 9 giờ tối cùng ngày sau khi chấm dứt việc khám xét công an mới đưa ra quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của tiệm vàng Hoàng Mai do bà Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Nguyễn Thị Thu Hà ký ngày 23-4, tức là trước khi có vụ đổi 100 đô la ra tiền đồng Việt Nam một ngày. Tuy nhiên quyết định này không được giao cho chủ tiệm vàng một bản theo như luật định.
Nhà báo Kha Lương Ngãi, nguyên Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng nhận xét việc vi phạm pháp luật này:
-Họ quen thói như thế rồi. Họ làm như thế nhưng chắc là nhà nước không có chủ trương làm vậy. Chế độ này, xã hội này người ta đâu có đề cao luật pháp đâu. Bể bạc tới đâu thì họ chữa cháy tới đó vậy thôi, cái gì họ né tránh được thì họ cứ né tránh. Cho nên đáng lý ra Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố phải lên tiếng chuyện này nhưng mà tôi thấy họ chưa có ý kiến gì hết nên cũng không biết sao. Nhưng nếu buôc phải lên tiếng thì họ phải lên tiếng không đồng tình thôi.
Người dân còn nhớ vào tháng 3 năm 1987, khi cuộc suy sụp kinh tế cả nước đã tới bờ vực, ba thành viên của nhóm thứ sáu gồm ông Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn được mời ra Hà Nội trình bày trước hàng chục bộ trưởng, thứ trưởng ngành tài chính, kinh tế phương cách đối phó. Một yếu tố quan trọng mà nhóm này đề nghị phải cải tổ ngay là tình trạng ngăn sông cấm chợ bởi các trạm kiểm soát hàng hóa trên các trục lộ giao thông. Đề nghị này được lắng nghe và sau đó kết quả đã ảnh hưởng rất nhiều tới các chính sách kinh tế sau này.
Việc công an kinh tế ập vào một cơ sở kinh doanh vàng khiến người dân nhớ lại hình ảnh của gần bốn mươi năm về trước khi tịch thu hàng hóa tài sản người dân được chính quyền hợp pháp hóa và lực lượng công an kinh tế, quản lý thị trường đã góp tay phá hoại nền kinh tế vốn suy kiệt ấy vẫn còn ám ảnh tới ngày nay.
Ông Phan Chánh Dưỡng một thành viên của nhóm thứ sáu nhận xét:
-Vấn để cấm mua bán ngoại tệ thì đã có từ lâu nhưng sự thật ở ngoài thị trường người ta cũng làm chuyện mua bán ngoại tệ. Chuyện này xảy ra quá vội vã. Việc cấm tồn trữ ngoại tệ thì đã có từ lâu nhưng biện pháp như thế nào cũng phải cho người ta biết nó có thiệt hại cho nhà nước như thế nào. Ai được cho phép giữ, giữ như thế nào chứ không nên làm cho người dân người ta hoang mang.
Mọi sự kiện đều có chủ đích
Ký trước quyết định khám xét đối với một cơ sở kinh doanh vàng qua màn kịch thu đổi ngoại tệ khiến sự việc không dừng ở mức độ lạm quyền mà nó còn đẩy vấn đề sang một hướng suy luận mới. Thứ nhất tiệm vàng Hoàng Mai không chung chi đầy đủ cho xã hội đen mà đường giây chung chi này chắc chắn liên quan mật thiết tới sự bảo kê của chính quyền như mọi người đều biết.
Thứ hai là việc cạnh tranh bất chính giữa các tiệm vàng với nhau nhất là trong tình hình hiện nay rất nhiều tiệm vàng không được kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn hoạt động dưới danh nghĩa chế tác vàng trang sức.
Thứ ba, quan trọng hơn cả, nó liên quan tới chính sách thu mua vàng của chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà ông Thống đốc Nguyễn Văn Bình có trách nhiệm trực tiếp.
Sau khi nghị định 24 có hiệu lực tất cả các tiệm vàng phải ngưng mua bán vàng miếng, việc kinh doanh này đều do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Trước khi nghị định 24 ra đời có hàng chục ngàn địa điểm kinh doanh vàng miếng, bây giờ chỉ còn lại 2.500 điểm kinh doanh hợp pháp trên cả nước gồm 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động,
Vi phạm 100 đô la thì chỉ giữ 100 đô la gọi là tang vật vi phạm chứ không thể nào giữ và lục soát hết từ trên xuống dưới. Nếu vi phạm thì phải báo cho thanh tra ngân hàng xuống kiểm tra vì liên quan tới đô la thì bên công an không đủ chức năng mà phải báo cho thanh tra của bên ngân hàng
bà Nguyễn Thị Thanh Mai
Tiệm vàng Hoàng Mai không có giấy phép kinh doanh vàng miếng và bị khám xét, niêm phong số vàng tương đối lớn với một kịch bản lộ liễu khiến người dân có quyền nghi ngờ do bàn tay của Ngân hàng Nhà nước nhúng vào nhằm củng cố vị trí độc quyền mua bán vàng của nhà nước.
Luật sư Trần Quốc Thuận, người có 14 năm giữ vai trò Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ nhận xét này:
-Đó là câu chuyện không bình thường. Một kiểu đánh động để độc quyền kinh doanh vàng, độc quyển xuất nhập khẩu vàng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Họ muốn làm cho việc độc quyền kinh doanh vàng ngày càng mạnh hơn. Độc quyền kinh doanh vàng nhưng thực tế là độc quyền buôn lậu vàng. TS Lê Đăng Doanh cũng đã đặt vấn đề là tại sao không thấy số tiền lời ấy nộp cho kho bạc nhà nước?
Chuyện buôn vàng thì mỗi nước người ta đều có cách kiểm soát khác nhau nhưng kiểm soát không có nghĩa là độc quyền buôn lậu vàng.
Câu chuyện niêm phong vàng đã gây chấn động giới kinh doanh vàng và sự thể không khác so với dự đoán khi những doanh nghiệp kinh doanh vàng chia sẻ lo âu của họ đến với bà Nguyễn Thị Thanh Mai:
-Họ gọi điện tới tấp cho tôi họ nói họ rất sợ. Họ nói nếu mình không làm thì họ sẽ làm. Mình bị trước thì họ cũng sẽ bị sau nếu không làm ra chuyện. Phải khởi tố quyết định, phải khiếu nại cái quyết định. Vi phạm 100 đô la thì chỉ giữ 100 đô la gọi là tang vật vi phạm chứ không thể nào giữ và lục soát hết từ trên xuống dưới. Nếu vi phạm thì phải báo cho thanh tra ngân hàng xuống kiểm tra vì liên quan tới đô la thì bên công an không đủ chức năng mà phải báo cho thanh tra của bên ngân hàng. Mà ngân hàng có kiểm tra thì chỉ kiểm tra tại quầy kinh doanh chứ không kiểm tra từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.
Kinh doanh vàng của các doanh nghiệp đã góp phần điều hòa cung cầu cho thị trường cũng như sự tiện lợi cho người dân khi có nhu cầu giao dịch. Cấm đoán nhưng không cung cấp thông tin chính xác, cần thiết cho người dân tuân theo là góp phần xóa bỏ tự do kinh doanh bằng chính sách độc quyền rất khó chấp nhận đối với nhiều nước trên thế giới.