Phong trào tự ứng cử gây sức ép thay đổi hệ thống đảng cử dân bầu

Việt Hà, phóng viên RFA
2016.04.20
Nhà báo, blogger Đoan Trang
Ảnh: danlambao

Hôm 18 tháng 4, nhà báo, blogger Đoan Trang công bố một báo cáo bằng tiếng Anh tổng kết lại cuộc bầu cử quốc hội khóa 14 hiện đã bước qua vòng hiệp thương thứ ba trong tổng số 5 vòng bầu chọn ứng cử viên quốc hội cho kỳ bầu cử vào tháng 5 tới. Kết quả sau 3 vòng hiệp thương cho thấy phần đông những người tự ứng cử đã bị loại, cụ thể tại Hà Nội trong số 48 người tự ứng cử chỉ có 2 người được chọn, và 46 trong số 48 ứng viên độc lập ở Sài Gòn cũng bị loại.

Báo cáo của blogger Đoan Trang chỉ ra những điểm mà blogger này gọi là vi phạm các quyền của người tự ứng cử trong hệ thống đảng cử dân bầu hiện tại ở Việt Nam. Trước hết nói về mục đích của bản báo cáo, blogger này cho biết:

Mình đang sống trong một thời kỳ có nhiều biến động trong xã hội, một thời kỳ quái dị, thời kỳ vừa thú vị vừa quái dị. Cho nên mình có nhu cầu muốn ghi chép lại những sự kiện đó, chẳng hạn cuối mỗi năm tôi hay làm bản lịch sử blog Việt, ghi chép diễn biến hoạt động dân chủ nhân quyền ở Việt Nam trên nền tảng internet.

Đây là dịp mà chúng ta nhìn thấy rõ sức mạnh cộng đồng và internet trong việc nâng cao dân trí và gắn kết cộng đồng.
- Đoan Trang

Mọi sự kiện tôi đều muốn làm như vậy chẳng hạn như vụ chặt cây xanh ở Hà Nội hay sửa đổi hiến pháp năm 2013 hay bây giờ là bầu cử này. Tất cả tôi đều muốn ghi chép lại hết và khi mà ghi chép thì tôi đều có nhu cầu ghi bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt, riêng trong bầu cử này tôi ghi bằng tiếng Anh. Thực ra tôi muốn ghi song ngữ hai thứ tiếng và lần này thời gian có hạn tôi ghi bằng tiếng Anh trước rồi dịch ra tiếng Việt, cũng nhanh thôi.

Việt Hà: Khi chị ghi bằng tiếng Anh như vậy thì có phải chị muốn cho cộng đồng quốc tế biết thêm về cuộc bầu cử ở Việt Nam hay không?

Đoan Trang: Tất nhiên là có cái đó. Một khi mình nhìn thấy thì mình muốn ghi chép và đã ghi chép rồi thì mình muốn phát tán.

Việt Hà: Khi chị đưa bản tiếng Anh như vậy thì chị đã nhận được phản hồi gì chưa?

Đoan Trang: Phản hồi thì cũng có nhiều thấy thú vị, nhất là những người liên quan trực tiếp, những ứng cử viên độc lập lần này. Họ nói chung cũng muốn được ghi chép lại, muốn được ai đó giúp họ ghi chép lại những gì họ đã trải qua. Còn các bạn bè nước ngoài thì tôi có một số đồng nghiệp nhà báo ở nước ngoài hoặc bạn bè không phải là nhà báo mà làm ở các mảng khác thì họ thấy thú vị.

Việt Hà: Mặc dù việc tự ứng cử đã bắt đầu từ năm 2002 nhưng năm nay thì phổ biến rộng rãi hơn. Chị đánh giá thế nào về phong trào tự ứng cử vừa rồi?

Đoan Trang: Chuyện tự ứng cử thì như chị nói là có từ lâu rồi. Trường hợp được ghi chép lại gần đây là trường hợp blogger anh Ba Sam, Nguyễn Hữu Vinh tranh cử năm 2002 và thất bại thảm hai sau một màn đấu tố cũng ê chề như bây giờ. Nếu nói tự ứng cử là một hiện tướng mới ở Việt Nam thì không phải nhưng theo tôi thì lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Việt Nam từ năm 1975 lần đầu tiên có nhiều người tự ra ứng cử như vậy trên một quy mô đồng loạt như vậy trên cả nước, cả Hà Nội, Sài Gòn, Đồng Nai và các tỉnh thành khác.

Đặc biệt các ứng viên liên kết với nhau, họ sử dụng mạng xã hội tự quảng bá. Họ có cách làm trên hẳn tầm các ứng cử viên đảng cử. Ứng cử viên đảng cử không có khái niệm làm các chương trình hành động hay các chương trình chia sẻ với độc giả trên facebook của mình. Họ không có khái niệm đó. Còn các ứng  cử viên độc lập thì họ rất thoải mái. Họ chia sẻ cương lĩnh, làm ảnh, slogan của họ và các khẩu hiệu như xóa bỏ lưỡi bò bảo vệ tổ quốc của bà Nguyễn Thúy Hạnh hay câu quyền ta ta cứ làm của tiến sĩ Nguyễn Quang A. Họ có ý thức hơn hẳn ứng cử viên đảng cử. Đây là dịp mà chúng ta nhìn thấy rõ sức mạnh cộng đồng và internet trong việc nâng cao dân trí và gắn kết cộng đồng.

Cách làm của họ dù nói cách nào đi chăng nữa cũng hơn hẳn của các ứng cử viên đảng cử vì những ứng cử viên đảng cử không nghĩ ra và có nghĩ ra thì họ cũng không dám thực hiện. Mọi thứ phải theo khuôn khổ của đảng. Theo tôi đó là cái được của phong trào này. Lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy hàng chục người đồng loạt ra tranh cử qua internet và mạng xã hội, có những hoạt động gần gũi hơn, bình dị hơn và đưa chính trị đến gần với dân chúng hơn.

Liệu có một sự chuyển biến?

Việt Hà: Rõ ràng là kết quả mà chúng ta thấy là kết quả mà nhiều người trước đó đã đoán là nó sẽ xảy ra như thế này và trong báo cáo của chị thì chị có nói là đảng cử dân bầu và ở một đất nước chỉ có một đảng lãnh đạo thì khó có sự dân chủ trong bầu cử. Nhưng liệu điều này có nói lên một sự chuyển biến sắp tới hướng theo hướng tích cực tức là dân chủ hóa hơn hay không?

Áp phích tuyên truyền cho cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp diễn ra vào ngày 22/5/2016 sắp tới tại Hà Nội. AFP photo
Áp phích tuyên truyền cho cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp diễn ra vào ngày 22/5/2016 sắp tới tại Hà Nội. AFP photo
Áp phích tuyên truyền cho cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp diễn ra vào ngày 22/5/2016 sắp tới tại Hà Nội. AFP photo

Đoan Trang: Nó sẽ phụ thuộc nhiều vào các hoạt động tiếp theo của các ứng cử viên độc lập và của phong trào tự ứng cử này. Nếu nhân đà này họ đi tiếp, tiếp tục kêu gọi, vận động đấu tranh để thay đổi cơ chế bầu cử, nâng tầm họ lên, nâng tầm những người tự ứng cử lên, khuyến khích sự tham gia của dân chúng vào chính trị, tức là họ mạnh hơn đủ để gây sức ép lên chính quyền thì lúc đó mới có thể nói là hứa hẹn dân chủ, còn nếu không thì vẫn thế. Tuy nhiên tôi có một niềm tin không biết có ảo tưởng quá không, thì 5 năm nữa, bầu cử tiếp theo sẽ khác nhiều lắm. 5 năm nữa là bầu cử khóa 15.

Việt Hà: Nhân tố nào khiến chị có được niềm tin như vậy?

Đoan Trang: Tôi nghĩ là sẽ phải có sự điều chỉnh trong cơ chế bầu cử. Tất nhiên từ lúc người ta biết có sự bất cập cho đến lúc người ta hành động để thay đổi nó cũng khá lâu. Tuy nhiên trong thời đại internet hiện nay thì sẽ nhanh hơn. Ngày xưa thì phải mất rất nhiều năm để thay đổi một điều gì đó nhưng bây giờ sẽ không phải mất nhiều năm đến thế. Với sự giúp đỡ của internet và mạng xã hội thì tôi nghĩ 5 năm là thời gian vừa đủ, không quá dài.

Việt Hà: Như vậy là sẽ có sự thay đổi từ phía đảng cộng sản. Trong báo cáo của chị chị có nói đến một loạt các kiến nghị có liên quan đến bỏ những hội nghị hiệp thương, bỏ hệ thống danh sách do đảng đề cử ra, mặt trận tổ quốc nên giải tán hoặc nếu không thì cũng không liên quan đến việc chọn người bầu cử như vậy, cho quyền báo chí và ứng cử viên được tự do phát biểu ý kiến. Như vậy đó là những yếu tố cần và đủ để có sự tham gia dân chủ hơn của những ứng cử viên độc lập. Theo chị trong 5 năm nữa những kiến nghị nào sẽ thành hiện thực?

Đoan Trang: Tôi nghĩ là các kiến nghị này khó thành hiện thực nhưng có thể là họ sẽ chấp nhận là hội nghị hiệp thương sẽ ít bị kiểm soát bởi đảng cộng sản hơn. Ít ra, điều nhỏ nhất họ có thể làm được là danh sách những người được mời dự hội nghị hiệp thương không thể bị bưng bít hết. HIện giờ chúng ta thấy quá trình bầu cử của đảng cộng sản thì những điểm mà họ mạnh nhất là những điểm họ còn giữ bí mật được.

Tôi nói cách khác, ở đâu đảng cộng sản còn bưng bít thông tin họ còn mạnh. Trong cuộc bầu cử vừa rồi họ giữ bằng được hội nghị hiệp thương. Họ không cho báo chí vào, họ không cho họ hàng bạn bè hoặc người ủng hộ những ứng cử viên vào. Họ bằng mọi cách để nó diễn ra một cách bí mật. Họ kiểm soát bằng được danh sách khách mời, ai được mời ai không được mời họ làm rất chặt.

Tôi có một niềm tin không biết có ảo tưởng quá không, thì 5 năm nữa, bầu cử tiếp theo sẽ khác nhiều lắm. 5 năm nữa là bầu cử khóa 15.
- Đoan Trang

Tôi nghĩ với lần bầu cử sau cái đó phải thay đổi, tức là họ phải chấp nhận cho báo chí vào, báo chí độc lập vào, cho blogger vào, cho những người ủng hộ ứng cử viên vào, và họ phải công bố danh dách đó trước, tức là tiêu chí người được mời, tiêu chí chọn mẫu. Tôi nghĩ đó là những bước thay đổi dễ nhất mà họ có thể làm được còn những thay đổi lớn hơn nữa đến mức xóa bỏ mặt trận tổ quốc thì không.  Họ không làm được đâu hoặc chấp nhận cơ chế đảng cử nhưng nhiều hơn một đảng thì càng không được. Đó là những kiến nghị bất khả thi đối với họ, nên họ không thể chấp nhận được.

Việt Hà: Một kiến nghị nữa của chị là đối xử công bằng với các ứng cử viên thì theo chị họ có thể thực hiện được hay không?

Đoan Trang: Có lẽ là được, 5 năm nữa thì được…. ở đây nói rõ đối xử công bằng có nghĩa là những thiết chế như tòa án, quân đội, công an và các cơ quan nhà nước phải đổi xử công bằng với các ứng viên, chứ không phải tất cả chúng ta đều phải đối xử công bằng với ứng viên vì đó là ý muốn cá nhân. Tôi cho rằng công an sẽ không chấp nhận chuyện đó, tòa án cũng không còn phía báo chí có thể là họ đi trước trong việc đấy, tức là đối xử công bằng với các ứng viên.

Việt Hà: Theo chị đó là vì nguyên nhân internet, mạng xã hội hay còn có nguyên nhân sức ép từ nước ngoài vào không?

Đoan Trang: Tôi nghĩ sức ép rất mạnh phải là từ trong nước, từ mạng xã hội. Tôi vẫn đặt niềm tin vào phía bên trong hơn còn phía bên ngoài thì nếu nói tỷ lệ bên trong phải chiếm đến 70 đến 80%. Phía bên ngoài chỉ chiếm phần còn lại.

Việt Hà: Chị có nghĩ là quan hệ tốt đẹp hơn giữa Việt Nam và Mỹ có thể tạo những điều kiện cho những biến đổi chính trị sắp tới ở Việt Nam hay không?

Đoan Trang: Nó cũng có nhưng nó chỉ đóng vai trò một phần thôi chứ không phải tất cả. Cái chính vẫn là người trong nước và phong trào dân chủ trong nước mạnh mẽ hơn có tầm cao hơn thì sẽ gây sức ép được.

Việt Hà: Cảm ơn chị đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.