Có nên giữ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10?
2023.06.06
Trong hai ngày 6 và 7 tháng 6 năm 2023, hơn 96.000 học sinh lớp 9 tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với ba môn thi gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (chưa kể môn chuyển với thi sinh dự thi vào trường chuyên).
Một số chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng, bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, sẽ giảm áp lực rất nhiều cho học sinh lẫn phụ huynh vì có thể tiết kiệm công sức, chi phí, nguồn lực cho xã hội; tránh tình trạng tiêu cực bởi đây là kỳ thi do địa phương tổ chức, từ khâu ra đề, chấm và công nhận kết quả.
“Chạy” học từ nhỏ đến lớn
Cùng bàn về vấn đề giữ hay bỏ kỳ thi vào lớp 10, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu nêu quan điểm của ông với RFA trong sáng ngày 6/6/2023:
“Nếu học bạ nó đảm bảo thì cứ nhìn học bạ thôi chứ cần gì phải thi. Vấn đề là điểm học bạ nó cũng không chính xác cho nên chúng nó phải thi. Khổ thế! Hay là tại quy mô trường không đủ để bao hết học sinh cho nên phải thi để loại bớt. Đấy lại là chuyện khác, không phải do chất lượng. Theo mình thì chính Nhà nước cần phải dạy, học sinh phải được học hành cho nên học trò có kém cũng phải cố gắng dạy chứ. Không nên loại học sinh từ trong cấp phổ thông như thế.”
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, hiện chỉ có hai địa phương gồm Đồng Tháp và Vĩnh Long quyết định không tổ chức thi vào lớp 10 năm học 2023-2024, mà chỉ xét kết quả học tập, rèn luyện của bốn năm học trung học cơ sở.
Báo nhà nước dẫn phát biểu của lãnh đạo hai tỉnh này, đại ý rằng việc họ không tổ chức thi xét tuyển vào lớp 10 là để giảm tốn kém chi phí cho ngành giáo dục và xã hội. Đồng thời, họ vẫn khẳng định việc xét tuyển không qua thi cử vẫn đảm bảo được tính minh bạch, đánh giá chính xác năng lực của học sinh.
Theo mình thì chính Nhà nước cần phải dạy, học sinh phải được học hành cho nên học trò có kém cũng phải cố gắng dạy chứ. Không nên loại học sinh từ trong cấp phổ thông như thế. - Tiến sĩ Hà Sĩ Phu
Nhận xét về hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay, Nhà giáo Phạm Minh Hoàng cho rằng, tất cả các học sinh ở Việt Nam đều phải “chạy” từ cấp mẫu giáo đến cấp đại học. Ông nói:
“Học sinh ở Việt Nam từ lúc bước vào mẫu giáo đến lúc tốt nghiệp đại học là một cuộc chạy đua. Nó tạo cho các cháu, các em và cả phụ các em một sự căng thẳng. Phụ huynh phải xếp hàng từ lúc 10 giờ đêm để kịp nộp đơn vào một trường mẫu giáo vào lúc 4 giờ sáng. Như thế, cuộc chạy đua của một học sinh bắt đầu từ lúc đứa bé chưa biết chữ.
Chúng ta không nên tạo sự căng thẳng quá cho học sinh để các em phải chịu áp lực lớn như vậy. Đó là về phía nhà trường, phía chính phủ. Còn về phía phụ huynh, chúng ta cũng nên bỏ khái niệm con cái mình phải là một bác sĩ, kỹ sư. Miễn sao đứa trẻ trở thành một người tốt trong xã hội, có đủ khả năng lo cho gia đình. Tránh tình trạng lúc nào cũng phải ‘chạy’. ‘Chạy’ từ cấp 1 lên cấp 2, cấp 2 lên cấp 3 rồi vào đại học.’ Chạy’ tiền, ‘chạy’ điểm… Đến khi ra đời lại tiếp tục chạy chức, chạy ghế. Nó kéo theo tham nhũng.”
Nên giữ hay bỏ?
Xuyên suốt nhiều kỳ Đại hội Đảng cũng như nhiều Hội nghị Trung ương, quan điểm giáo dục và đào tạo được nhắc là quốc sách hàng đầu. Theo đó, hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến đại học được xác lập với mạng lưới trường học được nói là phát triển rộng khắp trong cả nước. Tuy vậy, báo Tuổi Trẻ hôm 28/2/2023 có bài viết tựa “Nên thi hay xét vào lớp 10?”, có đoạn viết: “Mục đích chủ yếu của thi tuyển vào lớp 10 là để tuyển chọn khi nhu cầu học nhiều hơn chỗ học và có sự chênh lệch về chất lượng giữa các trường trong một địa bàn.”
Việc đặt ra kỳ thi tuyển vào lớp 10 không những gây áp lực cho các giáo viên, bởi đội ngũ này không được nghỉ ngơi, chăm lo việc gia đình hay phát triển bản thân sau một năm học với nhiều kỳ thi, mà phải tập trung lo tuyển sinh lớp 10 với nhiều công việc. Ngoài ra, bản thân học sinh và phụ huynh cũng bị áp lực không kém.
Ông Thuần, một phụ huynh có con đang tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM nói với RFA quan điểm của ông:
“Thứ nhất, đây là một sự tốn kém. Thứ hai, nó gây căng thẳng cho cả phụ huynh lẫn học sinh. Thứ ba, đây là cuộc sàng lọc không cần thiết, bởi rất nhiều đứa trẻ khi lên tới đại học mới phát huy hết khả năng của nó. Nếu học hết lớp 9 mà chẳng may thì rớt lớp 10 sẽ bị tước đi cơ hội phát huy khả năng một cách oan uổng. Nó như một cái hoa chưa nở đã bị tước nụ. Đó là điều rất không nên. Ngay cả những học sinh đậu lớp 10, nghĩa là những em đã qua một cuộc sàng lọc, cũng không chắc chứng minh những em đó thực sự giỏi hoặc sẽ là người giỏi. Bởi có thể những em đó chỉ siêng năng và học tủ.
Nếu lập luận theo kiểu học sinh đông, trường ít thì đó không phải là lỗi của học sinh. Nhà nước phải trích quỹ xây thêm trường học.”
Em Việt Cương, một học sinh mới hoàn tất lớp 8, nói với RFA suy nghĩ của em về việc có nên bỏ kỳ thi tuyển lớp 10 hay không:
“Theo con, cứ cho tất cả học sinh được học đến lớp 12 mà không phải thi tuyển vào lớp 10. Thi như vậy tụi con phải học rất nhiều và học rất nặng. Đặc biệt là 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ và các môn phụ nữa. Bắt đầu hè lớp 8 là tụi con phải học cho hết chương trình lớp 9. Vô lớp 9 bắt đầu học luyện thi. Áp lực khủng khiếp lắm. Lý do thứ hai là nhà nước tốn một đống tiền để tổ chức thi nữa”.
Sau TP.HCM, thành phố Hà Nội cũng tổ chức thi xét tuyển vào lớp 10 công lập từ ngày 10 đến 11 tháng 6 năm 2023 với các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán. Điểm xét tuyển vào lớp 10 công lập được tính bằng tổng điểm bài thi môn Toán và điểm bài thi môn Ngữ văn (nhân hệ số 2) cộng điểm bài thi môn Ngoại ngữ, cộng điểm ưu tiên (nếu có).