Có nên gắn trách nhiệm của dân vào Luật phòng chống thiên tai?

RFA
2019.11.19
000_1AX7MU.jpg Hư hại do lũ quét ở phường Phước Đồng, Nha Trang hôm 18/11/2018
AFP

Tại phiên thảo luận tại tổ Quốc hội về Dự án Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều diễn ra hôm 18/11/2019, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa thuộc đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu rằng cần có cơ chế để huy động sức dân trong phòng, chống thiên tai, cũng như quy định rõ trách nhiệm của người dân trong công tác này.

Cụ thể ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu rõ: “Từng người dân cần có ý thức trách nhiệm trong những ngày bình thường yên ả để hạn chế rủi ro thiên tai chứ không phải đợi đến lúc thiên tai xảy ra rồi mới lo khắc phục. Công tác cứu trợ, hỗ trợ, khắc phục là công tác về sau”.

Với vai trò người dân thì tôi cho rằng nên sử dụng nguyên tắc nâng cao nhận thức cộng đồng, động viên người dân với ý nghĩa tự nguyện, và tinh thần người dân làm chủ cuộc sống của mình, thì có lẽ là phù hợp hơn là đưa vào khung pháp luật.
-GS. Đặng Hùng Võ

Trả lời RFA hôm 19/11 liên quan vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, nói:

“Tôi cho rằng nâng cao vai trò của người dân trong phòng chống thiên tai là cần thiết, nhưng đưa vào luật như thế nào và có thể ràng buộc trong khung pháp luật hay không, thì cần phải xem xét thêm. Với vai trò người dân thì tôi cho rằng nên sử dụng nguyên tắc nâng cao nhận thức cộng đồng, động viên người dân với ý nghĩa tự nguyện, và tinh thần người dân làm chủ cuộc sống của mình, thì có lẽ là phù hợp hơn là đưa vào khung pháp luật.”

Để tìm hiểu rõ hơn về đề xuất này, hôm 19/11 RFA liên lạc Đại biểu Quốc hội, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, và được ông cho biết như sau:

“Mình… không có trả lời… đài nước ngoài… ông ơi… Mình không trả lời đài nước ngoài cho nên thông cảm nhé… Mình không trả lời bất cứ đài nước ngoài nào.”

Cũng tại buổi thảo luận ở Quốc hội hôm 18/11, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phát biểu, bên cạnh việc đề xuất tăng cường trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai, cần có cơ chế huy động sức dân trong công tác này.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa tại phiên thảo luận tại tổ Quốc hội về Dự án Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều diễn ra hôm 18/11/2019.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa tại phiên thảo luận tại tổ Quốc hội về Dự án Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều diễn ra hôm 18/11/2019.
Courtesy quochoi.vn

Ông Nghĩa nêu ví dụ, có những đoạn đường xói lở, dân không ai làm gì, để đến lúc không đi được nữa mới bắt đầu kêu la, báo chí đưa tin… trong khi theo ông nếu huy động sức dân được thì những ổ gà nho nhỏ, chỉ cần huy động 5-10 người dân với 1 buổi lao động là khắc phục được. Tuy nhiên ông Nghĩa không hề đề cập đến trách nhiệm bảo trì đường xá của các cơ quan chuyên ngành. (!?)

Ông Nguyễn Việt Thắng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre, khi trao đổi với RFA hôm 19/11 liên quan vấn đề này, nhận định:

“Thật ra thiên tai là điều bất thường, nhiều nội dung có thể gọi là thiên tai, vì vậy trong luật cũng cần nêu một số yêu cầu, hiểu biết, và đặt ra một số nhiệm vụ, và hiểu rõ trách nhiệm của mình, trong việc phòng ngừa, sau đó là phòng chống, sau đó mới là cứu hộ, cứu nạn… tôi cho rằng đặt ra như thế là cũng hợp lý thôi, tránh tình trạng không có ý thức phòng, phòng còn hơn là để xảy ra.

Theo ông Thắng, nếu luật quy định rõ thì khi xảy ra rồi, cũng chủ động hơn được nhiều việc, giảm rủi ro cho người dân… trừ những trường hợp bất khả kháng lúc đó sẽ có những việc mà chính phủ phải lo. Theo ĐBQH Nguyễn Việt Thắng, cách đặt vấn đề sửa đổi luật phòng chống thiên tai như vừa nêu là cũng hợp lý. Tuy nhiên ông nói tiếp:

Theo tôi, cách đặt vấn đề như vậy để đưa ý thức của người dân vào, để cùng với nhà nước, góp phần làm giảm thiệt hại, thì tôi cho rằng cũng có lý, chứ không thể làm triệt để.
-ĐBQH Nguyễn Việt Thắng

“Tôi cho rằng cách đặt vấn đề để có ý thức phòng ngừa, góp phần giảm thiên tai là chính, chứ không phải tránh được triệt để thiên tai. Theo tôi, cách đặt vấn đề như vậy để đưa ý thức của người dân vào, để cùng với nhà nước, góp phần làm giảm thiệt hại, thì tôi cho rằng cũng có lý, chứ không thể làm triệt để.”

Để tìm hiểu thêm về mặt pháp luật liên quan vấn đề này, RFA hôm 19/11 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, hiện sinh sống ở Sài Gòn, và được ông cho biết ý kiến của mình:

“Theo tôi để có cơ sở pháp lý, mình cũng nên quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân khi có thiên tai, ví dụ như khi có thiên tai thì buộc họ phải di dời ngay. Chứ ở Việt Nam nhiều khi vì tiếc đồ đạc, trong khi tính mạng là trên hết, cho nên mình đặt vấn đề pháp lý là khi có thiên tai buộc họ phải di dời ngay để bảo vệ sức khỏe và tính mạng. Thời gian qua mình chưa có quy định này, ví dụ như vì sức khỏe của anh tôi có thể hạn chế quyền công dân của anh, buộc di dời. Tôi cho rằng nên quy định những điều như vậy vào trong luật này.”

Theo Luật sư Hậu phải có chế tài thì người dân mới thực hiện nghiêm việc phòng ngừa rủi ro, hoặc thực hiện nghiêm pháp luật đã ghi rõ điều đó thì mới phòng tránh được. Chứ hiện nay, theo ông, ý thức của người dân một số nơi cũng còn hạn chế lắm.

Nâng cao nhận thức cộng đồng, động viên người dân với ý nghĩa tự nguyện, góp sức xây dựng xã hội bằng cách thay đồi thói quen, hành vi là điều ai cũng hiểu và hoan nghênh. Tuy nhiên trong khi người dân nhiều nơi còn chưa thể yên tâm với chuyện ‘cơm áo gạo tiền’ mà là lo sửa đường như lời ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, thì người dân nghĩ gì về vai trò của nhà nước?

Một người dân ở tỉnh Hưng Yên, hôm 19/11 cho RFA biết ý kiến của mình:

“Tôi thấy việc gắn liền trách nhiệm của dân vào luật thì nó còn phải tùy thuộc vụ việc xảy ra như thế nào thì mới gắng trách nhiệm của dân vào vụ việc đó… Chứ luật thì ở tầm vĩ mô thôi, chứ còn phải xem chi tiết cụ thể ra sao thì mới biết được.”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, trong công tác phòng chống thiên tai, chính quyền Việt Nam cũng đã rất cố gắng. Nhưng theo ông, cố gắng thì có nhưng hiệu quả thì chắc chắn cũng cần xem xét thêm, tức là với những cố gắng đó, nỗ lực đó nhưng phải tìm cách sao cho hiệu quả hơn. Một trong những kiến nghị của nhiều nhà khoa học, là cần phải có điều tra khảo sát, lập bản đồ cảnh báo, báo cho người dân kịp thời… Nhất là trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, mọi quy luật đã thay đổi, thì theo Giáo sư Võ, công tác nghiên cứu điều tra khảo sát, sẽ hiệu quả hơn nỗ lực khi đã xảy ra thiên tai, rồi bấy giờ mới động viên lực lượng để giúp đỡ người dân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.