Việt Nam có cần tham gia Bộ Tứ (Quad) để đối phó với Bắc Kinh?

Giang Nguyễn
2021.03.16
Việt Nam có cần tham gia Bộ Tứ (Quad) để đối phó với Bắc Kinh? Lãnh đạo bốn quốc gia thuộc Bộ Tứ (Quad) hôm thứ Sáu ngày 12/3/2021 đã có cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên.
AFP

Bốn quốc gia thuộc cơ chế được gọi là Bộ Tứ (Quad) hôm thứ sáu ngày 12 tháng 3 vừa qua đã có cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên, với sự tham gia của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison.

Các nhà lãnh đạo tối cao của bốn quốc gia đã tuyên bố trong một thông báo chung rằng “Bốn quốc gia chúng tôi cam kết xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở, an toàn và thịnh vượng”.

Ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của tổ chức nghiên cứu Rand Corporation cho rằng nhóm Quad vốn ra đời từ năm 2004, đã trở lại chính trường để cân bằng cán cân trước sự bành trướng và đe dọa từ phía Trung Quốc. Tại buổi webinar hôm 16 tháng 3 ông cho rằng bốn quốc gia Quad và Việt Nam có cùng một mối quan tâm trong vấn đề an ninh quốc phòng:

“Các quốc gia cũng đang đối mặt với một mối đe dọa chung, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải, đó là sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Vì vậy, tôi nghĩ điều đáng chú ý là trong tuyên bố chung đầu tiên của Quad vào tuần trước, các thành viên Quad đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên giải quyết vấn đề an ninh hàng hải ở những khu vực này. Ít nhất họ đã công khai tuyên bố rằng nhóm Quad có thiện chí và quyết tâm hợp tác chống lại Trung Quốc nếu cần”.

Ông Grossman kết luận rằng điều này cho thấy Bộ Tứ rõ ràng hỗ trợ cho quan điểm của Việt Nam về lập trường giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc cần được dựa trên pháp lý như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Các thành viên Quad cũng cho rằng Trung Quốc không chỉ là mối đe dọa trên vùng biển. Ông Grossman nhấn mạnh, mối đe dọa lớn khác đối với chủ quyền Việt Nam là Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc hay còn gọi là BRI, là mạng lưới thương mại và cơ sở hạ tầng giao thông mà Trung Quốc theo đuổi tại nhiều nước từ Châu Á đến Châu Phi.

“Quad đang cố gắng thúc đẩy một mô hình thương mại và đầu tư thay thế cho BRI. Nếu bạn nhìn vào tuyên bố chung, thì thấy họ ghi nhận rằng ‘Đầu tư cơ sở hạ tầng có chất lượng là một ưu tiên’, rõ ràng câu này là một cú đánh vào Sáng kiến Vành đai-Con đường của Trung Quốc”.

Sau Đại Hội Đảng khóa 13, Hà Nội đã khẳng định chính sách đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương. Vậy câu hỏi được đặt ra, vì sao Việt Nam chưa tham gia nhóm Quad?

Chuyên gia an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Derek Grossman nhận định, một phần vì Việt Nam không muốn khiêu khích Trung Quốc với một sự xích gần đến với Quad:

“Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc nhìn chung vẫn thân thiện và hiệu quả bất chấp những nghi ngờ và lo ngại sâu sắc về Biển Đông và Sáng kiến Vành đai-Con đường. Và dường như không có lý do chính đáng để thay đổi tình huống tương đối yên ổn này. Một lý do khác có thể giải thích tại sao Việt Nam chưa tham gia Bộ Tứ Quad là vì chưa được mời. Tất cả các quốc gia thành viên Quad đều là các nền dân chủ trong khi Việt Nam là một chế độ xã hội chủ nghĩa và độc tài. Những thành viên Quad có thể không cảm thấy thoải mái với điều đó và Việt Nam cũng có thể không cảm thấy thoải mái khi tham gia một tổ chức đa phương dân chủ”.

Ông Grossman phân tích Việt Nam có lẽ không nhất thiết mong muốn tham gia Quad vì thực tế Hà Nội có quan hệ tốt với từng quốc gia trong Bộ Tứ.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời công bố hôm 3 tháng 3 đã nêu Việt Nam là đối tác chính trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông Grossman nói:

“Chính quyền Biden cổ võ cho tự do dân chủ và nhân quyền một cách toàn diện hơn chính quyền Trump. Điều đó có thể tạo vấn đề cho Việt Nam, vì tình hình nhân quyền không may đã trở nên tồi tệ hơn ở nước này”.

Tuy vậy, ông Grossman nhận định, quan hệ Việt-Mỹ tốt hơn bao giờ hết kể từ khi cuộc chiến chấm dứt. Tương tự, quan hệ Việt Nam với Úc, Nhật và Ấn Độ ngày càng được củng cố. Ông tiết lộ, ông được biết trong tầm nhìn của Hà Nội, Ấn Độ đã thay thế Nga trở thành đối tác quốc phòng bền vững nhất của Việt Nam.

Năm 2020 Việt Nam cũng đã tham gia vào hội nghị Quad Plus – Bộ Tứ mở rộng cùng với một số quốc gia khác để bàn về đại dịch corona. Ông Grossman lập luận rằng Việt Nam vẫn có thể tham gia trong các cuộc đàm phán tương tự mà không cần phải chính thức tham gia Bộ Tứ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Người dân Asean
17/03/2021 03:26

Trung quốc rất thâm, cứ nuôi tư tưởng và mộng ước làm sao để bá chủ toàn cầu, làm sao để Trung quốc điều hành từ a - z từng nước một trên thế giới và sẵn sàng sát hại nếu nước nào không tuân thủ Trung quốc. Trung quốc dùng chiêu bài "không đánh mà thắng" vì đánh sợ chết và chưa chắc khi đánh nhau, Trung quốc sẽ thắng được nước nào. Do đó, Trung quốc dùng chiêu bài cài thế nước này để cột thế nước khác, hù dọa thật mạnh bằng kinh tế, hù dọa mạnh bằng cơ bắp quân sự, hù dọa mạnh bằng lăm le nước lớn, ... để nước khác phải "chùn chân". Mặc khác dùng chiêu bài gọi là dân sự, thăm dó khoa hoc, xây dựng đảo trái phép để phục vụ đời sống "nhân viên", ... tất cả đây là chiêu trò lừa bịp người ta, tưởng chừng không có tiếng súng nhưng thủ đoạn của Trung quốc là trước mắt che lấp thế giới để thế giới làm thinh rồi dần dần Trung quốc xây dựng kiên cố và tiến hành khống chế thế giới về sau. Nhưng đây là tầm nhìn quá kém của đảng CSTQ đánh gia sai lầm tầm nhìn của thế giới, Trung quốc tưởng thế giới không biết âm mưu của Trung quốc. Trung quốc và đảng CSTQ không nên mơ hồ kiểu chết người như vậy.