Bỏ các loại Quỹ ngoài ngân sách - Chống thất thoát & “móc túi” dân

Thanh Trúc, RFA
2019.08.15
4efee2a2-4deb-4970-bbf4-b64c19cf1808 Trạm thu phí BOT Nam Bình Định trên quốc lộ 1 đoạn qua thị xã An Nhơn.
Courtesy of zing.vn

Nghiên Cứu để loại bỏ ngay hoặc giữ lại những qũy tài chính ngoài ngân sách Nhà Nước là đề nghị mới đây nhất của Đoàn Giám Sát thuộc Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam.

Không hiệu quả thì bỏ

Theo nguồn từ báo chí trong nước thì chiều ngày 13 tháng Tám Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng các qũy tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập trong giai đoạn 2013-2018.

Chuyên gia tài chính Ngô Trí Long giải thích:

Những qũy này không phải từ tiền ngân sách nhà nước mà tiền từ các tổ chức doanh nghiệp và của người dân đóng góp vào, thí dụ như Qũy Phòng Chống Tác Hại Của Thuốc Lá thì nó trích bao nhiêu phần trăm không phải từ ngân sách.

Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng các qũy tài chính nhà nước ngoài ngân sách là công việc đúng và cần thiết, là nhận định của đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc:

Có lẽ chỉ những người giám sát trực tiếp và có nghiệp vụ thì mới phát hiện được một là không có hiệu quả, không hiệu quả thì có thất thoát. Vì thế mà tôi cho việc giám sát này liên quan đến tiền bạc ngân sách trong bối cảnh cơ chế đẻ ra rất nhiều yếu tố lỏng lẻo trong quản lý và kẽ hở của luật pháp dẫn đến thất thoát. - Ông Dương Trung Quốc

Đó là kết quả một cuộc giám sát trong bối cảnh ngân sách công hay đầu tư công đang được siết chặt. Vả lại khi thành lập những qũy ấy tất nhiên có nhiều lý do để cho là cần thiết, nhưng mà lẽ ra  nó chỉ cần thiết ở thời điểm nào đó thôi và phải được giám sát một cách chặt chẽ.

Có lẽ chỉ những người giám sát trực tiếp và có nghiệp vụ thì mới phát hiện được một là không có hiệu quả, không hiệu quả thì có thất thoát. Vì thế mà tôi cho việc giám sát này liên quan đến tiền bạc ngân sách trong bối cảnh cơ chế đẻ ra rất nhiều yếu tố lỏng lẻo trong quản lý và kẽ hở của luật pháp để mà thất thoát.

Trong báo cáo kết quả giám sát, chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính –Ngân Sách trong quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải, cũng khẳng định việc giám sát nhằm xem xét hiệu quả từ các qũy tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được lập ra trong quá trình cải cách kinh tế giai đoạn 2013 đến 2018.

Kết quả giám sát cho thấy do trước nay chưa có cơ quan nào từ Trung Ương đến địa phương giữ trách nhiệm thống nhất quản lý, vì thế nhiều mặt tồn tại và hạn chế đã phát sinh khi thực hiện chính sách, pháp luật  liên quan đến các qũy tài chính ngoài ngân sách đó.

Mặt khác, vẫn lời ông Nguyễn Đức Hải, nguồn tài chính hình thành các qũy này còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm hoạt động độc lập với ngân sách, Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng việc thể hiện chức năng, nhiệm vụ của các qũy tài chính ngoài ngân sách có dấu hiệu trùng lặp trong lúc hiệu quả hoạt động không cao.

Thuế chồng thuế là sai

Dưới mắt chuyên gia tài chính Ngô Trí Long, việc loại  bỏ nhiều loại qũy tài chính ngoài ngân sách, trong đó có Qũy BảoTrì Đường Bộ, Qũy Phòng Chống Thiên Tai chẳng hạn, là một đề nghị  cần thiết: :

Về quan điểm là hoàn toàn đúng, nhưng phải xét cụ thể từng loại một. Thứ nhất mục đích của qũy là gì, có nên lập qũy đó hay không. Vấn đề thứ hai là nguồn thu của qũy từ đâu, và cái thứ ba là vấn đề sử dụng qũy đó ra làm sao, thứ tư là vấn đế quản lý qũy đó như thế nào. Ví dụ  Qũy  bảo Trì Đường Bộ là bỏ rồi, là vì ông trong Ủy Ban Tài Chính Quốc Hội, là ông Hải đấy, ông nói rằng thực chất qũy là một loại thuế, mà như vậy là thuế chồng thuế, phí chồng phí rất không cần thiết. Hiện chính phủ đã quyết định bỏ cái Qũy Bảo Trì Đường Bộ rồi, còn những qũy kia thì đang nghiên cứu và xem xét.

Đại biểu Dương Trung Quốc đồng tình với ý kiến đơn cử là đề nghị bãi bỏ ngay Qũy Bảo Trì Đường Bộ từ Trung Ương cho đến địa phương mà Đoàn Giám Sát Quốc Hội đưa ra:

Người dân đương nhiên có nghĩa vụ khi sử dụng các phương tiên đi lại trên đường hạ tầng nhưng mà nó chồng chéo với nhau. Ô tô khi sử dụng mặt đường vừa phải mua xăng vừa phải đóng nhiều khoản thu là vô lý. Vì thế tôi nghĩ việc làm này là qui về một mối và đó là đúng. Tất nhiên lần này mới xử lý một số qũy mà nó bộc lộ quá rõ những hạn chế, những tiêu cực. Tôi nghĩ về lâu dài cũng phải xem xét lại việc bất kỳ một chi tiêu nào của nhà nước cũng phải nằm trong vòng kiểm soát của ngân sách.

Ngoài Qũy Bảo Trì Đường Bộ, còn có một loạt qũy tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác như Qũy Phòng Chống Thiên Tai, Qũy Bình Ổn Giá Xăng Dầu, Qũy Dịch Vụ Viễn Thông Công Ích, Qũy Phòng Chống Tác Hại Của Thuốc Lá vân vân…

Kết quả kiểm tra còn phát hiện quá nhiều qũy ở địa phương làm phát sinh nhiều chi phí quản lý và tổ chức biên chế. Ngoài ra, một số qũy tài chính ngoài ngân sách còn bộc lộ sự yếu kém về quản lý và hoạt động, trong khi đó công tác kiểm tra, thanh tra và kiểm toán chưa thực hiện đến nơi đến chốn.

Đoàn Giám Sát còn kiến nghị Quốc Hội xem xét ban hành Nghị Quyết nhằm tăng cường quản lý cũng như kiểm tra việc sử dụng các qũy tài chính ngoài ngân sách đó.

Theo nhà nghiên cứu độc lập trong nước, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hầu hết những qũy tài chính ngoài ngân sách, thí dụ Qũy Bảo Trì Đường Bộ, là nguồn cơn của tình trạng thuế chồng thuế, phí chồng phí mà dân phải gánh chịu:

Đoàn Thanh Tra đã đề nghị bỏ bớt một số qũy thì tôi nghĩ nhân dịp này nên cố gắng công bố đầy đủ tất cả các qũy đã được lập ra, do cơ quan nào lập,ai chịu trách nhiệm, chi tiêu như thế nào, công khai minh bạch đến đâu, việc bảo đảm sự giám sát độc lập như thế nào. Tất cả những việc ấy rất cần thiết bởi các qũy này đều là tiền của dân, nếu không được công khai mình bạch , không đước đảm bảo có sự giám sát của người dân thì chắc chắn người dân không đồng tình.

Đoàn Thanh Tra đã đề nghị bỏ bớt một số qũy thì tôi nghĩ nhân dịp này nên cố gắng công bố đầy đủ tất cả các qũy đã được lập ra, do cơ quan nào lập,ai chịu trách nhiệm, chi tiêu như thế nào, công khai minh bạch đến đâu, việc bảo đảm sự giám sát độc lập như thế nào. - TS. Lê Đăng Doanh

Kiến nghị còn nói chính phủ, trong việc quản lý duyệt xét, cần vạch lộ trình cho những quyết định như rà soát, tái cơ cấu, sát nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các qũy không hiệu quả, trùng lập, không đúng mục tiêu và không phù hợp với tình hình kinh tế xã hội . Tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết điều này không có nghĩa là bãi bỏ hết tất cả các qũy tài chính ngoài ngân sách:

Cái nào còn tồn thì phải xem xét lại nguồn hình thành từ đâu, sử dụng thế nào, quản lý ra sao… Phải xem xét cụ thể từng qũy một, ví dụ Qũy Bảo Trì Đường Bộ xét thấy không hợp lý là yêu cầu bỏ rồi, Qũy Phòng Chống Tác Hại Của Thuốc Lá bây giờ cũng cần phải xem xét lại.

Không phải cái nào cũng bỏ hết mà xem ra có những cái rất cần, không nên cực đoan quá. Riêng Qũy Bình Ổn Giá Xăng Dầu hiện có 2 quan điểm là nên bỏ hoặc không nên bỏ. Quan điểm của Bộ Tài Chính và chính phủ là không nên bỏ bởi vì hiện nay giá xăng dầu không do thị trường quyết định mà do Nhà Nước quyết định. Nhà Nước quyết định cho nên trong bối cảnh kiểm soát lạm phát và tăng mặt hàng dầu rất quan trọng mà nếu không có qũy dự phòng thì sẽ tác động. Cho nên bây giờ phải xem xét lại qũy đó, hình thành từ đâu, người tiêu dùng đóng góp vào một lít xăng là bao nhiêu, doanh nghiệp có phải đóng hay không, sử dụng như thế nào.

Được biết kiến nghị của Đoàn Giám Sát đều nhấn mạnh đến việc nghiên cứu để trình Chính phủ cho ý kiến về lộ trình bãi bỏ hay sát nhập hoặc cơ cấu lại từng qũy tài chính ngoài ngân sách. Tuy nhiên với động thái của đoàn giám sát -Ủy ban thường vụ quốc hội, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, lần đầu tiên có một bản báo cáo tương đối đầy đủ về tình hình hoạt động của các quỹ và kết luận nên chấm dứt việc cứ mỗi khi ban hành một luật thì lại cho ra đời một quỹ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.