Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 2/7 đã đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh mở rộng thêm đối tượng khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ. Cụ thể đối tượng mà ông Đào Ngọc Dung đề cập đến là giáo viên các trường tư thục do những người này cũng mất việc làm, ngừng việc làm vì đại dịch COVID-19 nhưng chưa được hỗ trợ.
Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng được nhà nước Việt Nam ban hành vào ngày 10/4 nhằm giúp đỡ 20 triệu người dân chịu tác động bởi đợt dịch mà mất nhiều thu nhập, mất việc, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được báo trong nước trích dẫn cho biết tổng kinh phí hỗ trợ người dân khó khăn do dịch bệnh coronavirus gây ra tính đến nay chỉ mới đạt 17.500 tỷ đồng, tương đương gần 30% gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của chính phủ Hà Nội.
Trao đổi với RFA vào tối 2/7, Luật sư Đặng Trọng Dũng từng công tác tại Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh nhận xét về đề nghị mới của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung như sau:
“Trong quá trình giải tỏa số tiền dự định chắc chắn người ta thấy cần có thêm một số đối tượng nữa cần quan tâm thành ra họ mở rộng thêm để có thể hỗ trợ đối tượng mà họ cảm thấy cần giúp đỡ. Tôi nghĩ đó là một điều rất tốt. Thực sự mà nói ở xã hội này còn rất nhiều đối tượng cần giúp đỡ. Cách của nhà nước mình là giúp đỡ những đối tượng họ thấy phù hợp thế nhưng có những người cần được giúp đỡ thì họ bổ sung thêm. Tôi nghĩ chúng ta nên hoan nghênh việc mở rộng số đối tượng cần phải giúp đỡ.”
Với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, hiện đang công tác tại trường Trung học phổ Thông Thường Tín ở Hà Nội nghĩ rằng đề xuất mới này cũng có hợp lý ở mặt nào đó. Ông phân tích:
“Những giáo viên trường tư thục thuộc diện chưa phải biên chức nhà nước, chưa vào biên chế các trường phổ thông đúng là họ không có phần hỗ trợ nào cả và họ gặp khó khăn nên nếu hỗ trợ được họ qua đợt dịch như vậy cũng là hợp lý. Tuy nhiên phải lưu ý số rất nhiều giáo viên tư thục hiện nay là giáo viên từ các trường công lập chuyển sang nên cần xem xét đối tượng ấy không cần được hỗ trợ.”
Còn theo một Giáo viên không muốn nêu tên hiện đang dạy tại một trường trung học cơ sở tại Sài Gòn lại cho rằng giáo viên tư thục cũng có khó khăn vì giáo viên nhà nước thì sẽ được nhà nước hỗ trợ, có lương nhà nước. Còn giáo viên tư thục không còn khoản nào hết. Tuy nhiên, chị lại có nhìn nhận rằng giáo viên tư thục không thuộc trong diện nghèo, mất việc làm để nhà nước hỗ trợ. Chị lý giải:
“Giáo viên tư thục cũng được đào tạo trong trường sư phạm ra mà không chịu thi công chức để vô nhà nước. Chị nghĩ hỗ trợ giáo viên tư thục một phần cũng tốt, cũng đúng nhưng cũng có rất nhiều những người khó khăn hơn.”

RFA có liên lạc với chị Thanh, hiện đang mưu sinh bằng nghề bán vé số để hỏi về việc nhận hỗ trợ từ chính phủ trong đợt dịch COVID-19 vừa qua và được chị cho biết:
“Em bị tật, bán vé số mà dạo này bán ế hơn trước nhiều, ở nhà trọ mà giờ không có tiền hiện tại đang chuyển qua phòng rẻ hơn hai mẹ con bị tật bán vé số nuôi nhau mà đến nay không thấy gì, không nhận được đồng nào chi phí nhà nước, chỉ nhận được 900.000 đồng của Công ty Xổ số kiến thiết. Hiện tại ăn cơm thì chị bạn hàng tháng phải gửi gạo qua cho ăn chứ không có tiền mua gạo. Thằng nhóc đi học tốn tiền quá, mang tiếng đi học nhà nước mà đóng tiền quá trời. Bây giờ đang chuẩn bị chuyển nhà qua phòng rẻ hơn vì không đủ tiền đóng tiền phòng mà bà chủ nhà không thông cảm. Hiện tại đang rất bấp bênh.”
Trong thực tế, việc những người lao động tự do, thu nhập thấp đến nay chưa nhận được hỗ trợ của chính phủ vẫn được đăng tải trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội nhằm kêu gọi giúp đỡ từ cộng đồng.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công tác hỗ trợ cho các đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đã gần như hoàn thành. Trong khi đó, việc hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác vẫn còn rất hạn chế.
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra nguyên nhân cho rằng chính sách được nghiên cứu lúc dịch bệnh diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát tại Việt Nam nên đưa ra con số dự báo những đối tượng bị ảnh hưởng khá cao.
Trong thực tế, dịch bệnh sớm được kiểm soát đã tạo điều kiện cho việc mở cửa lại nền kinh tế, các doanh nghiệp quay trở lại phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, số lượng lao động mất việc làm, ngưng việc tiếp cận gói hỗ trợ này còn khá ít.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất hỗ trợ giáo viên tư thục chỉ được đưa ra sau khi gói hỗ trợ còn tới hơn 70%.
Theo Luật sư Đặng Trọng Dũng, nhận xét vừa nêu phần nào hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại:
“Khi người ta vẽ ra kế hoạch thì thường rất hoành tráng. Nhưng khi thực tế người ta thực hiện thì thấy rằng nó không đúng như cố vấn. Thành ra để tiêu hết số tiền lớn lao đó thì họ phải tìm cách mở rộng ra bài toán và trong số đối tượng được mở rộng ra thì tàng trữ trong đó cũng không đếm được số lượng nên chính vì vậy họ đem mở rộng thành phần họ nghĩ là phải giúp đỡ thêm. Tôi nghĩ là có nhiều vấn đề phải bàn bạc, tôi muốn nói yếu tố tiêu cực không thể không có đối với đối tượng mới mở rộng.”
Bên cạnh trăn trở về nguy cơ xảy ra tiêu cực của Luật sư Đặng Trọng Dũng, thầy giáo Đỗ Việt Khoa cũng nêu lên băn khoăn nếu chính phủ Hà Nội thông qua đề xuất mới của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
“Kể ra bây giờ mới có ý kiến hỗ trợ giáo viên tư thục thì cũng muộn mà không biết có được hỗ trợ thật không hay đến bây giờ mới được hỗ trợ. Trước đó gói hỗ trợ của chính phủ 62.000 tỷ thì dư luận mạng xã hội cho biết là chưa ai nhận được đồng nào mà Việt Nam đã tuyên bố là chống dịch rất thành công nhưng giờ vẫn chưa được hỗ trợ nên tương lai mọi người cũng bán tín bán nghi ông nhà nước lắm.”
Bộ trưởng Công an Tô Lâm khi báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 2/7 cho hay sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng đột biến do không có việc làm, đời sống khó khăn…