Tân Hoàng Minh đấu giá cao ngất rồi xin chấm dứt hợp đồng!

RFA
2022.01.11
Tân Hoàng Minh đấu giá cao ngất rồi xin chấm dứt hợp đồng! Khu đô thị mới Thủ Thiêm - TPHCM.
RFA PHOTO

Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh khi trả lời báo chí nhà nước Việt Nam hôm 11/1 cho biết, đã có tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào ngày 10/1 về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Trước đó, bốn lô đất rộng khoảng hơn 30 ngàn m2 thuộc khu chức năng số 3, phía bắc Khu đô thị mới Thủ Thiêm - TPHCM vào cuối tháng 12 năm 2021 đã được đấu giá với mức giá 37.350 tỷ đồng, cao gần gấp tám lần giá khởi điểm.

Công ty trúng đấu giá cao nhất là công ty Ngôi Sao Việt, một công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trúng lô đất 3-12, diện tích 10.059,7m2 với giá 24.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,4 tỷ đồng mỗi mét vuông.

Ba công ty còn lại là Công ty Bình Minh trúng 5.009,1m2 với giá 5.026 tỷ đồng; Công ty Sheen Mega 8.500m2 với mức 4.000 tỷ đồng; Công ty Dream Republic 6.446m2 với mức 3.820 tỷ đồng.

Một chuyên gia bất động sản tại Sài Gòn không muốn nêu tên cho rằng, nếu có biên độ giá khi đấu giá thì sẽ không xảy ra tình trạng như ở Thủ Thiêm vừa qua:

“Về nguyên tắc đấu giá trên thế giới lâu nay là như thế này, tức là khi chúng ta đưa ra giá sàn mà giá đấu giá cao 300%... thì phải ngưng và hủy đấu giá. Không bao giờ người ta không có biên độ cả, nó có biên độ trong giá đấu giá đó.”

Ngay sau cuộc đấu giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường. Nhiều Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng đất đấu giá ở Thủ Thiêm cao là vô cùng bất thường. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, đấu giá có thể thu được giá cao hơn, nhưng giá cao như ở Thủ Thiêm vừa qua là vấn đề. Ông Tùng cho rằng, nếu quy định giá đất trong luật sát với thị trường thì sự chênh lệch khi đấu giá không thể quá lớn.

Cái chính phủ cần làm ngay sau vụ này là phải rà soát lại các quy định về vay vốn ngân hàng và thế chấp bất động sản, đặc biệt, đối với các ngân hàng có vốn của nhà nước.
-Luật sư Vũ Đức Khanh

Luật sư Vũ Đức Khanh, chuyên ngành luật kinh doanh bất động sản tại Canada khi trả lời RFA hôm 11/1, nhận định:

“Dù muốn hay không, nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn có thể được xem là nền kinh tế thị trường, và là một trong những nền kinh tế năng động nhất trên thế giới.

Cũng như các nền kinh tế mới nổi lên, thị trường bất động sản luôn là một thị trường nóng nhất và được lợi nhuận cao nhất, tuy rủi ro cũng không phải nhỏ.

Bán đảo Thủ Thiêm do vị trí địa lý đặc thù của nó với trung tâm Sài Gòn luôn là một mảnh đất kim cương cho những nhà đầu tư chiến lược.”

Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, vấn đề là những nhà đầu tư này có - thứ nhất, đủ tài lực để chịu đựng trong vòng ba đến năm năm không; thứ hai, Chính phủ có đủ uy tín để đảm bảo thực hiện đúng những cam kết đối với những quy hoạch phát triển kinh tế vĩ mô ở đó không; và thứ ba, tác động của kinh tế khu vực và toàn cầu sẽ ra sao. Ông nói tiếp:

“Việc nhà đầu tư dám bỏ giá cao (gấp tám lần giá gọi) để được thắng thầu, có nghĩa là họ thật sự có kế hoạch cụ thể để thực hiện dự án vì những quy định đấu thầu như bỏ cọc (20%) và những quy định khác cũng khá chặt chẽ, nên nếu các bên tham gia thực hiện đúng thì không có vấn đề gì. Rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng nhiều. Và kinh tế thị trường tự do là phải để cho nó tự vận hành theo luật cung cầu. Nhà nước chỉ đóng vai trò điều tiết bằng chính sách và pháp luật để đảm bảo tính cạnh tranh minh bạch và công bằng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, không loại trừ khả năng đầu cơ trục lợi chứ không phải là đầu tư. Và việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ khi kinh tế toàn cầu khó khăn và thị trường bất động sản bị bể bong bóng. Cái chính phủ cần làm ngay sau vụ này là phải rà soát lại các quy định về vay vốn ngân hàng và thế chấp bất động sản, đặc biệt, đối với các ngân hàng có vốn của nhà nước.”

Tan Hoang Minh-700.jpg
Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh (phải) tại buổi đấu giá đất Thủ Thiêm hồi tháng 12 năm 2021. Courtesy State Media/Vietnamfinance.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào ngày 21/12 đã ban hành Công điện 1767 yêu cầu các bộ ngành, địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Dù ông Thủ tướng không nói cụ thể về việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, nhưng cũng có thể nghi ngờ việc đấu giá ở Thủ Thiêm có vấn đề.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ khi trả lời RFA hôm 11/1 từ Na Uy cho rằng có hai vấn đề chính liên quan việc giá đất tại Việt Nam cao bất thường. Vấn đề thứ nhất theo ông Vũ, đó là người dân bị tước quyền sở hữu mảnh đất của mình thông qua cái gọi là đất đai thuộc sở hữu của toàn dân nhưng do nhà nước quản lý. Khi người dân mất quyền sở hữu đất thì lợi dụng kẽ hở đó, chính quyền địa phương dễ dàng đẩy họ đi và bán mảnh đất đó cho người khác nhằm kiếm lợi. Chừng nào mà vấn đề sở hữu đất và tôn trọng quyền sở hữu chưa được thực thi một cách nghiêm ngặt, chừng đó người dân còn bị mất đất và chuyện bồi thường một cách không công bằng còn diễn ra. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói tiếp:

“Vấn đề thứ hai đó là vấn đề tư bản thân hữu cấu kết với chính quyền để nâng giá đất lên làm lũng đoạn thị trường. Việc đưa ra một mức giá lên rất cao để giành quyền mua đất một cách gián tiếp đẩy mức giá đất ở khu vực xung quanh lên cao.”

Nếu số tiền phạt vì không thực hiện việc giao dịch sau khi đấu thầu nhỏ hơn số lợi nhuận có được từ việc nâng giá đất, thì nhiều khả năng là người đấu thầu sẽ chấp nhận mất tiền phạt chỉ để đạt được mục tiêu nâng giá đất kiếm lời cho các dự án khác của mình.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

Với câu hỏi là liệu rằng người đấu thầu có bỏ tiền ra để thực hiện việc mua đất chính thức hay không. Ông Vũ nhận định:

“Nếu số tiền phạt vì không thực hiện việc giao dịch sau khi đấu thầu nhỏ hơn số lợi nhuận có được từ việc nâng giá đất, thì nhiều khả năng là người đấu thầu sẽ chấp nhận mất tiền phạt chỉ để đạt được mục tiêu nâng giá đất kiếm lời cho các dự án khác của mình. Để giải quyết vấn đề này, có lẽ chính quyền nên áp đặt mức phạt cho việc huỷ giao dịch sau khi đấu thầu theo một mức tỉ lệ thuận với giá đấu thầu, 10% chẳng hạn, và mức phạt thấp nhất là mất tiền cọc. Một mức phạt cao sẽ hạn chế việc bỏ thầu rồi bỏ chạy.”

Về lâu về dài theo ông Vũ, giải pháp để bình ổn giá đất chỉ diễn ra nếu chính quyền thực thi những chính sách nhằm tăng nguồn cung diện tích nhà ở. Nhưng điều này sẽ chỉ diễn ra khi mà chính quyền và các trùm đầu cơ đất không còn bắt tay nhau nhằm kiếm lợi từ đất — đó là điều không thể diễn ra trong thực tại.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.