7 Bộ cùng quản lý chất thải rắn khiến ô nhiễm tràn lan
2019.05.08
Bộ Tài nguyên- Môi trường Việt Nam vào ngày 8/5 tổ chức hai buổi hội thảo việc quản lý nhà nước về chất thải rắn và mô hình quản lý công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam. Tại hội thảo các chuyên gia môi trường nêu ra thực trạng công tác quản lý chất thải rắn trong nhiều năm qua gặp khó khăn do chồng chéo.
Theo quy định thì Bộ Xây dựng quản lý về việc quy hoạch, khu chôn lấp và xử lý chất thải. Bộ Tài nguyên- Môi trường phụ trách về chất tải nguy hại, Bộ Công Thương bảo toàn chất thải công nghiệp, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các loại chất thải y tế, Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn lo về chất thải phân bón bảo vệ thực vật, Bộ Khoa học- Công nghệ quản lý chất thải nhiên liệu hạt nhân và phóng xạ…
Ông Nguyễn Hưng Thịnh phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nhấn mạnh tại hội thảo rằng, việc quản lý chất thải rắn được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật của nhiều bộ khác nhau, nhưng sự phối hợp trong việc ban hành các quy định này nhằm đảm bảo thống nhất của hệ thống pháp luật thì lại chưa có.
Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường ENTEC, khẳng định rằng việc quản lý chất thải từ trước đến nay do nhiều bộ ngành quản lý, quản lý không tập trung đã dẫn đến việc quản lý không được chặt chẻ.
“Vừa rồi trong một nghị quyết của chính phủ có giao cho Bộ Tài nguyên-Môi trường thống nhất việc quy hoạch toàn bộ các loại chất thải. Từ khi chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên- Môi trường thì Bộ này cũng đã chuẩn bị thu thập thông tin, điều tra, khảo sát, đánh giá. Tôi nghĩ rằng đây cũng chỉ là bước ban đầu thôi, chỉ là nghị quyết thôi để sắp tới Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ trình chính phủ để ban hành nghị định về tổng hợp quản lý chất thải toàn quốc nên tôi nghĩ rằng nếu đưa ra được kế hoạch quản lý thì có thể hạn chế được việc chồng chéo trong cách quản lý, đùn đẩy trách nhiệm giữa các bộ ngành với nhau.”
Dù thống nhất để Bộ Tài nguyên- Môi trường chịu trách nhiệm toàn bộ việc quản lý chất thải rắn; nhưng khi thực hiện cần có phối hợp của các bộ khác là ý kiến của tiến sĩ Phùng Chí Sỹ.
“Tất nhiên khi thực hiện Bộ cũng phối hợp với các Bộ khác chứ một mình thì không làm được nên về sau này nếu có vấn đề liên quan đến chất thải thì Chính phủ chỉ cần gõ đầu Bộ Tài nguyên - Môi trường thôi. Thật ra xưa kia các bộ ngành khác họ cũng không chuyên lắm nên giao cho họ phụ trách họ lại không đủ cán bộ, nhân lực trong khi họ còn nhiều nhiệm vụ khác mà Bộ Tài nguyên- Môi trường mà không nắm được tình hình thì giờ bàn giao thì chắc chắn nó sẽ cải thiện được, quy rõ trách nhiệm để sau này biết ai làm sai để còn xử lý.”
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp trao đổi với RFA rằng nếu giao ngay cho Bộ Tài nguyên- Môi trường về việc quản lý chất thải rắn thì bộ này cũng gặp nhiều trở ngại.
“Bởi vì việc quản lý chất thải rắn hiện nay có rất nhiều vấn đề còn tồn tại và nó cũng phân quyền tập quán mà thiếu sự thống nhất giữa các bộ với nhau. Giờ tập trung về Bộ Tài nguyên - Môi trường mà ngay cả Bộ này cũng chưa đủ thời gian để chuẩn bị lực lượng cả trình độ để đảm nhiệm công việc hết sức quan trọng và phức tạp như thế này.”
Ông Phạm Ngọc Đăng cho biết thêm khi Chính phủ có quyết định giao toàn bộ việc quản lý cho Bộ Tài nguyên - Môi trường thì ông là người trong cuộc.
“Khi Chính phủ có quyết định giao cho Bộ Tài nguyên - Môi trường thì chính tôi cũng đã gặp trực tiếp Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường cùng trao đổi một số vấn đề cũng được coi là rất bức xúc và cũng có đề nghị cần có một giải pháp về cơ chế chính sách và tổ chức cho phù hợp với tình hình mới như hiện nay.”
Tại buổi hội thảo về quản lý chất thải rắn hôm ngày 8 tháng 5, bà Đỗ Thị Hương phó chi cục trưởng chi cục Bảo vệ Môi trường Hải Phòng phát biểu rằng, việc quản lý chất thải rắn khó khăn nhất là tại các khu vực nông thôn nhưng giao cho Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn phụ trách thì năng lực cán bộ là một vấn đề nan giải hiện nay.
Theo bà này để có thể phân công quản lý từng công đoạn cho các bộ ngành xuống tới tận cấp huyện, xã rồi cấp phòng cần phải sửa đổi Luật bảo vệ môi trường. Mục tiêu để đảm bảo thống nhất tránh chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau.
Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ khẳng định:
“Vừa năm ngoái mới ban hành về luật quy hoạch thì đã ba bảy luật khác phải sửa đổi rồi. Hiện nay đang sửa về luật bảo vệ môi trường và chắn chắn sẽ giao trách nhiệm cho rất nhiều bộ ngành khác trong việc quản lý môi trường. Các nghị định thông tư sau này cũng sẽ sửa theo hướng là tập trung quyền lực cho Bộ Tài nguyên- Môi trường và các bộ khác chỉ là cơ quan phối hợp để quản lý chất thải.”
Thống kê cho thấy, mỗi năm tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam là gần 16 triệu tấn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom tại các đô thị đạt 85,5%, khu vực nông thôn từ 40-50%. Trong đó 28,9% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ ,71,1% chôn lấp trực tiếp, còn 6 % chôn sau khi đốt, tổng lượng chôn lấp 77,5%.
Trong tổng số 660 bãi chôn lấp có quy mô lớn hơn 1 ha mới có 120 bãi chôn lấp hợp vệ sinh.