Charlie Hebdo: ranh giới mong manh

Việt-Long - RFA
2015.01.15
Hơn 2 triệu người biểu tình ủng hộ báo Charlie Hebdo sau vụ khủng bố
Courtesy of blogs.wsj.com

 

Trận khủng bố với ba vụ liên tiếp vừa xảy ra tại Pháp trong tuần qua, mục tiêu chính là tòa soạn và ban biên tập tuần báo Charlie, nơi 10 nhà báo và  2 cảnh sát viên bị 2 tên khủng bố sát hại. Sau đó một cặp đôi sát thủ giết một cảnh sát viên để phân tán cuộc truy tầm, rồi bắt con tin tại một chợ Do Thái để đòi tự do cho hai tên khủng bố tấn công tòa báo Charlie Hebdo. Thêm 4 người con tin gốc Do Thái thiệt mạng. Ba tên khủng bố bị bắn hạ, một tên chạy thoát qua Thổ Nhĩ Kỳ rồi qua Syria, vùng hoạt động của quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.

Châm biếm khủng bố hay đả kích đạo Hồi?

Nguyên do trực tiếp thì hiển nhiên là do quân khủng bố Hồi giáo cực đoan trả thù tuần báo trào phúng Charlie vì báo đã nhiều lần vẽ tranh châm biếm vị giáo chủ Hồi giáo, tiên tri Muhammad. Nhưng vì sao tờ báo cứ tiếp tục làm như vậy nhiều lần dù đã bị hăm dọa, cảnh cáo bằng bom xăng, biểu tình chống đối và bị kiện ra tòa?

Báo Charlie Hebdo năm 2006 đã bị người Hồi giáo biểu tình chống đối, Giáo hội Hồi giáo tại Pháp Grande Mosquée de Paris, Liên đoàn Hồi giáo thế giới, và Liên Hiệp các tổ chức Hồi giáo ở Pháp kiện ra tòa sau khi báo đăng hình biếm họa tiên tri Muhammad cùng với 12 tranh biếm họa về đạo Hồi của tờ báo Đan mạch Jyllands-Posten, cộng thêm tranh của họ.          

Số báo Charlie Hebdo sau trận khủng bố, bán hơn 5 triệu tờ -Courtesy of nymag.com
Số báo Charlie Hebdo sau trận khủng bố, bán hơn 5 triệu tờ -Courtesy of nymag.com
Courtesy of nymag.com

Tổng thống Pháp vào thời gian đó là Jacques Chirac đã lên án việc làm đó là khiêu khích quá đáng. Nhưng tháng 2 năm 2007 tòa án Pháp xử trắng án chủ nhiệm Philippe Val.

Đến tháng 11 năm 2011 tòa báo đã bị ném bom xăng sau khi phát hành một ấn bản có tranh châm biếm đạo Hồi. Qua năm 2012 báo Charlie lại tung ra những tranh châm biếm, có cả tranh vẽ giáo chủ Muhammad không có quần áo!

Điều gì nên làm, cần làm?

Tờ báo Charlie Hebdo luôn luôn tự bào chữa là họ không phỉ báng tôn giáo mà chỉ phản đối bằng cách chế diễu chủ trương bạo lực của các tổ chức Hồi giáo khủng bố. Họ cũng nhân danh quyền tự do ngôn luận để biện hộ cho những hành động đó. Họ phản đối những chính sách bạo lực của các tổ chức Hồi giáo cực đoan bằng hình thức châm biếm, không bằng những bài báo nhận định, bình luận, hay phê phán. Nhưng họ lại đem giáo chủ đạo Hồi ra làm đối tượng, trong những tranh vẽ nhiều khi rất tục tĩu. Giáo chủ của một tôn giáo là "giá trị riêng (của một tôn giáo) mà tất cả mọi người phải tôn trọng" theo lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Phan-Xi-Cô lúc sáng thứ năm 15 tháng 1, 2014.

Giới chính trị của Pháp có hai khuynh hướng mâu thuẫn về vấn đề này. Chính quyền Pháp thường chỉ trích việc làm của Charlie Hebdo, nhưng phía đối lập, nhất là những nhân vật chuaẩn bị tranh cử để lãnh đạo nước Pháp , thì lại luôn luôn ủng hộ. Hồi năm 2006 trong lúc diễn ra những cuộc phản đối và kiện tụng đối với tờ báo, hai Tổng thống Pháp tương lai vào lúc đó là Nicolas Sarkozy và Francois Hollande lại bênh vực, nại ra truyền thống văn hóa châm biếm của người Pháp và quyền tự do ngôn luận.

Và cứ sau mỗi lần tung ra những tranh châm biếm đạo Hồi và giáo chủ Muhammad thì con số phát hành của tờ báo lại tăng gấp mấy lần. Một ví dụ là số báo gây tranh cãi năm 2006, từ số lượng phát hành 100 ngàn ấn bản hôm sau vọt lên 160 ngàn, còn phải in thêm 150 ngàn tờ nữa.  Cần phải nói ngay, rằng đối tượng bị Charlie Hebdo châm biếm không phải chỉ là đạo Hồi, hay những kẻ bạo động của Hồi giáo như tờ báo nói, mà còn có nhiều nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo trên khắp thế giới. Đức Giáo Hoàng và Tòa thánh La Mã cũng như nhiều vị chức phận của đạo Công giáo, Tổng thống Pháp, Tổng thống Mỹ cùng nhiều nhân vật quốc tế khác vẫn thường là mục tiêu châm biếm của tờ báo này. Điểm khác biệt là những số báo trào phúng chính trị không đem lại con số phát hành tăng vọt cho báo như những lần châm biếm liên quan đến đạo Hồi.

Tranh châm biếm Tổng thống Pháp - Courtesy of charliehebdo.worldpress.com
Tranh châm biếm Tổng thống Pháp - Courtesy of charliehebdo.worldpress.com
Courtesy of charliehebdo.worldpress.com
Việc đó gợi ra câu hỏi phải chăng tờ báo nhiều lần châm biếm Giáo chủ Tiên tri Muhammad để câu khách, tăng số bán, và thực sự tờ báo đã chế diễu các tổ chức cực đoan khủng bố của Hồi giáo hay đả kích đạo Hồi?

Về vấn đề này, tòa án Pháp đã tha bổng chủ nhiệm Philip Val trong vụ kiện năm 2007 khi tờ báo đăng hình giáo chủ Muhammad dấu bom trong áo dài, Tòa phán quyết rằng tờ báo chỉ trích thành phần cực đoan hơn là tín đồ Hồi giáo. Như vậy phải chăng theo tòa án, đại diện cho nền công lý của nước Pháp, thì tờ báo không chế diễu hay đả kích tôn giáo?

Chính trị vào tòa, công lý đi ra

Trên thực tế thì tờ báo không phải chỉ đả kích thành phần khủng bố theo Hồi giáo. Rõ ràng họ đã châm biếm và vẽ xấu chính giáo chủ đạo Hồi, một hình thức bài xích tôn giáo, nhưng lại được các chính trị gia đối lập bênh vực.

Tại sao lại bênh vực tờ báo? Người Pháp có câu danh ngôn: "Quand la politique entre dans un prétoire, la justice en sort" – khi chính trị vào tòa, công lý đi ra.

Nói đến chính trị thì phải gác công lý sang một bên: hai người mà sau này trở thành Tổng thống nước Pháp, lúc đó chỉ nhắm làm hài lòng phía nào chiếm đa số, phía ủng hộ tờ báo hay phía chống đối, và rõ ràng họ chọn phía ủng hộ tờ báo vì đó là phía đa số gồm các công dân và cử tri người Pháp không theo Hồi giáo.

Phía cử tri  Pháp theo Hồi giáo là cộng đồng Hồi giáo ở Pháp, dân số tất cả chỉ có 5 triệu người. Cộng đồng Hồi giáo đã chỉ trích phán quyết tha bổng chủ nhiệm Philip Val là phán quyết bị nhiễm chính trị.

Trước hết, chỉ trừ những thành phần Hồi giáo khủng bố, ai ai cũng tỏ ra thương cảm trước những cái chết thương tâm của các nhà báo của Charlie Hebdo, và cực lực lên án bọn khủng bố. Nhưng nói theo công tâm, thì tờ báo này rõ rệt đã có ý đả kích tôn giáo bằng hình thức châm biếm, một hành vi hợp pháp dưới danh nghĩa tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến.

Họ làm như vậy vì lập trường chính trị hay để câu độc giả thì tùy người nhận định dựa trên dữ kiện thực tế. Nhưng là một cơ quan văn hóa của một nước văn minh hàng đầu như nước Pháp, muốn chỉ trích, phản đối thành phần khủng bố không thể đem chính vị giáo chủ thiêng liêng của gần 1 tỉ 600 triệu người Hồi giáo ra nhạo báng.

Tự do và ý thức

Tuy nhiên, nói về quyền tự do ngôn luận, báo Charlie Hebdo có được làm như vậy không? Người ta có thể thấy ngay là họ hoàn toàn có quyền làm như vậy, hoàn toàn được phép làm như vậy, và việc đó không phạm pháp.

Tuy nhiên được phép là một chuyện, mà có nên làm hay không lại là chuyện khác. Một vụ điển hình là tờ báo đã đăng hình giáo chủ Muhammad mang bom dấu trong vạt áo dài trong bối cảnh nhiều tòa đại sứ Mỹ ở Trung Đông phải đóng cửa vì bị biểu tình và tấn công sau khi một người Mỹ tung lên mạng cuốn phim "Innocence of Muslims". Chính phủ Pháp phải tăng cường an ninh quanh một số tòa đại sứ Pháp, đóng cửa các cơ sở ngoại giao, văn hóa, giáo dục của Pháp ở 20 nước Hồi giáo. Cảnh sát chống bạo động phải dàn quân bảo vệ tòa báo Charlie Hebdo.

Báo Charlie Hebdo ngày 14 tháng 1, 2014
Báo Charlie Hebdo ngày 14 tháng 1, 2014
Courtesy of engaget.com
Ngoại trưởng Pháp khi đó là Laurence Fabius tuyên bố đại ý là quyền tự do bày tỏ ý kiến thì không thể bị xâm phạm, nhưng trong tình hình lúc này khi nhiều nước Hồi giáo đang bừng bừng phẫn nộ vì cuốn phim của Mỹ, thì thử hỏi tờ báo làm cái việc đổ dầu vào lửa như vậy có phải là thông minh hay biết nhạy cảm hay không?

Ngày nay, vào sáng thứ năm 15 tháng 1, 2014, trên chuyến phi cơ đưa Ngài từ Sri Lanka sang Philippines, Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô đã trình bày quan điểm của Ngài liên quan đến vụ quân khủng bố tấn công tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie.

Ngài nói với đoàn báo chí tháp tùng rằng những kẻ lợi dụng danh nghĩa tôn giáo hay thượng đế để giết người là những kẻ ngu xuẩn. Nhưng vị Giáo Chủ Giáo Hội Công Giáo La Mã cũng nhấn mạnh tự do phát biểu cũng cần phải có giới hạn vì mỗi tôn giáo đều có giá trị riêng mà tất cả mọi người phải tôn trọng.

Vẫn theo lời người chủ chăn của con chiên Thiên Chúa Giáo La Mã, không ai có quyền mang tôn giáo ra để chế diễu, không ai được quyền trêu chọc niềm tin của người khác. Ngài khẳng định tự do phát biểu ý kiến, tự do bày tỏ tư tưởng là quyền của con người, nhưng không vì thế mà được phép xúc phạm đến người khác.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.