Chân dung những sắc tộc bị lãng quên

Hòa Ái, phóng viên RFA
2016.09.08
14102288_587923668056720_9173915782839423396_n.jpg Chân dung một số sắc tộc trong bộ sưu tập Vietnam-Mosaic of contrasts của nhiếp ảnh gia Réhahn Croqueveille.
Photo by Réhahn Croqueveille

Nhiếp ảnh gia người Pháp, ông Réhahn Croqueveille sinh sống và làm việc tại Việt Nam được 5 năm. Ông được biết đến với Bộ sưu tập “Vietnam-Mosaic of contrasts”, tạm dịch “Việt Nam-Mảnh ghép của sự tương phản”.

Đồng thời, trong 5 năm qua, ông đang thực hiện chụp lại chân dung 54 dân tộc Việt Nam trong dự án có tên “Precious Heritage Collection-Bộ sưu tập Di sản Quý báu” mà theo ông nếu không ai có ý định đánh thức thì một phần lịch sử văn hóa sẽ chìm vào lãng quên.

Hòa Ái: Xin chào Nhiếp ảnh gia Réhahn Croqueveille, xin được hỏi điều gì thôi thúc ông thực hiện bộ ảnh có tên “ Bộ sưu tập Di sản Quý báu”, thưa ông?

Nhiếp ảnh gia Réhahn Croqueveille: Tôi sống ở Việt Nam được 5 năm, và tôi tham quan khắp các vùng miền bằng xe máy. Đặc biệt ở vùng phía Bắccó rất nhiều dân tộc thiểu số. Ba, bốn năm trước tôi đến Hà Giang, Sapa và đã bắt gặp rất nhiều người sắc tộc mặc trang phục truyền thống   cùng với nét văn hóa đặc sắc của họ. Mỗi năm sau đó, tôi đều trở lại nhiều lần và nhận thấy có nhiều thứ bị biến mất đi như những căn nhà sàn truyền thống được thay thế bằng các ngôi nhà hiện đại.

Trong 5 năm tới nếu như chúng ta đến các vùng nông thôn hay vùng núi như Hà Giang, Điện Biên Phủ, Mù Cang Chải thì có thể những dân tộc thiểu số này sẽ giống như dân tộc Kinh hòa nhập vào nền văn hóa toàn cầu hết rồi.
- Réhahn Croqueveille

Không phải tất cả nhưng ngày càng có nhiều sự thay đổi một cách nhanh chóng. Cũng như rất nhiều người dân tộc thiểu số không còn mặc những bộ trang phục truyền thống nữa. Tôi đã đến Mai Châu 3 năm trước để chụp ảnh và thấy người dân Thái ở đó mặc những bộ trang phục của họ. Nhưng hồi năm ngoái tôi trở lại thì hầu như không còn thấy điều đó. Nên tôi tự nghĩ, nếu tôi không ghi lại những hình ảnh này thì có lẽ 10, 20 năm sau hay thậm chí nhanh hơn, chúng ta sẽ không còn cơ hội để nhìn thấy nữa.

Tôi cũng hỏi thăm những người bạn Việt Nam của tôi đã đến Lai Châu, Sa Pa, Hà Giang chưa; họ trả lời chưa từng đến những nơi đó và tôi e rằng có lẽ những người bạn này sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy những gì tôi đã thấy. Và tôi muốn chụp lại tất cả những dân tộc thiểu số trước khi quá muộn.

Trong 5 năm tới nếu như chúng ta đến các vùng nông thôn hay vùng núi như Hà Giang, Điện Biên Phủ, Mù Cang Chải thì có thể những dân tộc thiểu số này sẽ giống như dân tộc Kinh hòa nhập vào nền văn hóa toàn cầu hết rồi.

Đó là lý do vì sao tôi đặt tên dự án “Di sản Quý báu”. Tôi cố gắng chụp lại được hết tất cả dân tộc trong một thời gian ngắn nữa vì những nhóm sắc tộc đang dần dần bị biến mất ở Việt Nam.

Khó khăn gặp phải

Hòa Ái: Tôi đã được xem qua một số bức hình trong “Bộ sưu tập Di sản Quý báu” và những bức hình trông rất ấn tượng. Trong 5 năm qua ở Việt Nam, ông đã chụp lại chân dung của 40 sắc tộc và được biết ông dự định sẽ chụp thêm 14 sắc tộc còn lại trong vòng 2 năm tới. Ông phải đối diện với những khó khăn nào khi thực hiện bộ ảnh này?

Một bức hình của nhiếp ảnh gia Réhahn Croqueveille.
Một bức hình của nhiếp ảnh gia Réhahn Croqueveille.
Một bức hình của nhiếp ảnh gia Réhahn Croqueveille.

Nhiếp ảnh gia Réhahn Croqueveille: Tôi gặp phải nhiều khó khăn lắm. Trước hết là thời gian, tôi cần thời gian. Tôi thực hiện dự án này hàng tháng trong lúc chuẩn bị ấn hành những bộ sưu tập hình khác nữa trong cùng thời gian tôi du lịch đến Ấn Độ, Cuba, Malaysia... Tôi quyết định trong năm nay và năm tới không đi đâu và chỉ tập trung vào dự án văn hóa Việt Nam này.

Khó khăn thứ hai mà tôi gặp phải đó là việc tìm kiếm những người dân tộc thiểu số. Ví dụ như hồi tháng trước, tôi cần gặp người Ơ Đu, họ sống ở vùng núi tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 200 cây số. Tôi tìm hiểu thông tin qua mạng và chỉ tìm thấy được từ nguồn của Việt Nam cung cấp nhưng lại là thông tin sai lệch. Khi tôi tìm đến làng nơi họ sinh sống thì người ta nói rằng họ đã chuyển đi nơi khác từ năm 2006 và không có thêm tin tức nào khác về họ được cập nhật trên mạng. Hãy tưởng tượng xem sự khó khăn đó như thế nào! Và khi tìm đến được ngôi làng của người Ơ Đu, chỉ có 340 người sống trong ngôi làng duy nhất này ở Việt Nam mà thôi. Mặc dù chỉ cách Vinh không xa nhưng hầu như không mấy ai biết rõ về nhóm người Ơ Đu. Giống như vậy, rất khó tìm được dấu vết của những dân tộc thiếu số có khỏang 300 đến 400 người.

Thêm sự khó khăn khác nữa là có những nhóm dân tộc thiểu sống sống ở khu vực biên giới với Trung Quốc, Lào hay Campuchia. Nếu đến vùng gần Campuchia thì còn được nhưng đến khu vực giáp ranh với Trung Quốc và Lào thì rất khó khăn. Tôi đã bị cảnh sát chặn lại một vài lần và không cho phép vượt qua khu vực quy định. Tháng trước, còn 4 cây số nữa là tôi đến được làng của dân tộc Thổ nhưng lại không được phép đi vào khu vực đó. Thật sự là nản lòng!

Và khó khăn sàu cùng là đôi khi gặp được những người dân tộc thiểu số thì họ lại không còn giữ trang phục truyền thống nào hết, như dân tộc Ơ Đu chỉ còn có 5 bộ trang phục truyền thống thôi và họ không may thêm bộ nào khác. Giới trẻ người Ơ Đu không thích làm công việc này cũng như không muốn nói về trang phục truyền thống nữa.

Cho nên có nhiều thử thách để tiếp xúc với các nhóm dân tộc thiểu số sau cùng của dự án cho bộ sưu tập này.

Hòa Ái: Như ông vừa chia sẻ, tôi tin rằng mỗi bức hình đều có một câu chuyện riêng của nó. Câu chuyện nào mà ông nhớ nhất trong số 40 bức chân dung những người sắc tộc Việt Nam mà ông đã chụp được?

Mặc dù chỉ cách Vinh không xa nhưng hầu như không mấy ai biết rõ về nhóm người Ơ Đu. Giống như vậy, rất khó tìm được dấu vết của những dân tộc thiếu số có khỏang 300 đến 400 người.
- Réhahn Croqueveille

Nhiếp ảnh gia Réhahn Croqueveille: Ồ, nhiều bức hình lắm! Có lẽ là dân tộc La Hu, tôi đã đi tìm ngôi làng của họ ở tỉnh Điện Biên. Tôi dùng xe máy đi tìm ở các vùng núi, có lúc tôi không thể dùng xe máy của mình, phải bỏ xe lại và đi bộ. Có người chỉ tôi đi thêm vài ki-lô-mét nhưng có người nói đến hàng chục cây số, rồi có người lại nói bên kia chân núi…Tuy nhiên, cuối cùng tôi đã tìm được làng của dân tộc La Hu.  Tôi đã gặp được một bà cụ già 91 tuổi, tên Lý Cả Sư và có lẽ bà là người La Hu lớn tuổi nhất. Tôi đã chụp bức ảnh rất đẹp của bà, mặc dù nhìn có vẻ giống người Tây Tạng chứ không giống người Việt chút nào. Điều này với tôi rất thú vị. Đây là một trong những bức hình mà tôi rất gian nan để chụp lại được.

Hòa Ái: Thưa ông, trước đây với bộ sưu tập có tên “Mosaic of Contrasts-Mảnh ghép của sự tương phản”, những người thưởng lãm bộ sưu tập này hầu như có cùng ý tưởng khám phá nhiều hơn nữa về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Với bộ sưu tập “Di sản Quý báu”, thông điệp của ông qua bộ sưu tập này là gì?

Nhiếp ảnh gia Réhahn Croqueveille: Theo tin tức tôi được đọc gần đây hầu như chỉ có 5% khách du lịch muốn quay lại Việt Nam, không phải do họ không thích Việt Nam mà là vì Việt Nam không có gì mới mẻ.

Tôi hy vọng rằng với các hình thái du lịch có tính chiến lược lâu dài sẽ giúp ích và bảo tồn đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Vấn đề ở chổ là giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số không được chú trọng. Chẳng hạn, những bạn trẻ dân tộc Lô Lô Đen nói với tôi rất xấu hổ khi nói ngôn ngữ và mặc trang phục truyền thống của mình. Tôi hy vọng những bức hình trong bộ sưu tập này không chỉ giới thiệu nền văn hóa đa dạng của các dân tộc Việt Nam mà còn giúp cộng đồng dân tộc thiểu số gìn giữ đời sống văn hóa của họ theo nguyên tắc “win-win; cùng có lợi”.

Hòa Ái: Cảm ơn Nhiếp ảnh gia Réhahn Croqueveille dành thời gian chia sẻ với Đài RFA. Và xin chúc cho ông sớm hoàn thành Bộ sưu tập “Di sản Quý báu”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.