Luật Thanh niên sửa đổi: Khẩu hiệu & sáo rỗng?

RFA
2019.09.10
000_Hkg10206453 Đoàn Thanh niên Việt Nam. (Ảnh minh họa)
AFP

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ông Lê Vĩnh Tân cho hay, dự thảo đề xuất 7 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua và trong đó có quy định về thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên; trách nhiệm thanh niên trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc; trách nhiệm của nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của nhà nước với một số nhóm thanh niên đặc thù;...

Lại khẩu hiệu cũ

Theo ông Tân, một số quy định của luật hiện nay khó áp dụng, thiếu sự đồng bộ với các chính sách khác, chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung, chưa thật sự cụ thể.  Một số quy định hiện hành chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa làm rõ được thông tin về thanh niên, nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương…

Ông Phùng Quốc Hiển phó chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp cho rằng “Tôi đọc luật này lại thấy đòi hỏi nhiều quá, đòi hỏi quyền lợi cho thanh niên nhiều mà đề cập đến nghĩa vụ của thanh niên thì lại ít. Tôi thấy luật này thay từ "thanh niên" thành "công nhân" hay "công dân" đều đúng vì đều có nghĩa vụ như vậy. Dự thảo luật này khẩu hiệu nhiều lắm, thiếu tính cụ thể”. (trích từ Tuổi Trẻ đăng ngày 10/9/2019)

Chủ tịch Quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thừa nhận tại phiên họp rằng, đất nước thống nhất đã 44 năm, nhiều sự đổi mới nhưng một số tổ chức, bộ máy thì cơ cấu hoạt động vẫn không khác gì so với thời chiến tranh. Bà Ngân phân tích về dự thảo luật Thanh niên sửa đổi khẳng định những chính sách quy định thiếu tính đặc thù. Do đó cần thiết kế luật để thanh niên thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và khi thực hiện phải giúp thanh niên hiểu được mình đã làm gì cho đất nước chứ không phải đòi hỏi đất nước làm được gì cho mình. Xây dựng luật không phải để tạo đặc quyền, đặc lợi cho thanh niên.

Nhà báo Ngô Nhật Đăng từ Hà Nội nhận định về điều này:

“Chúng ta thấy điều đầu tiên, nhà nước họ cũng nhận ra được vai trò đầu tiên của thanh niên đối với đất nước nhưng cách sửa đổi luật để thanh niên thấy làm được gì cho đất nước thì điều đó không thật lòng. Chúng ta có thể thấy lâu nay thanh niên Việt Nam không có một cơ hội nào được cống hiến cho đất nước cả. Việc phát biểu của bà chủ tịch quốc hội nó làm phẫn nộ vì nhà nước chưa hề làm được gì cho thanh niên mà đòi hỏi thanh niên phải làm gì cho đất nước.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn cho rằng phát biểu của bà chủ tịch Quốc hội cũng có khía cạnh mang tính tích cực. Tuy nhiên, luật sư giải thích:

“Tức là mong muốn thanh niên nhìn ra được sứ mệnh của mình trong thời đại này cần làm những cái gì. Nên nếu hiểu theo ý nghĩa tổng quát như vậy thì là điều rất tốt nhưng tôi không nghĩ bà Ngân nói theo ý nghĩa rộng như vậy, mà chỉ là thanh niên ý thức trách nhiệm của mình và làm theo những việc mà nhà nước chỉ muốn thanh niên làm, trong phạm vi đó mà thôi chứ không phải những việc thanh niên muốn làm.”

Đi ngược với thực tế

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội chia sẻ ý kiến của ông về thực trạng thanh niên hiện nay.

“Lâu nay, thanh niên nào vào Đoàn vào Đảng thì họ cũng phát biểu theo phong trào thôi, nghe phát biểu oai. Thật ra nếu chưa phải là công chức thì cũng chỉ là đoàn viên, đảng viên trọc, phát biểu cho nó phong trào, biểu quyết cho nó xong nghị quyết của Đảng nhưng thực tế lại không có tác dụng gì cả. Còn đại bộ phận thanh niên thì sống tự do và phát triển tự do theo tệ nạn xã hội, cám dỗ và xu hướng hưởng thụ bây giờ chứ tìm một số thanh niên có ý chí ở nước ta bây giờ hơi ít, những số thật sự thì họ đều đi nước ngoài, du học hết hay đi Olympic rồi đi ra thế giới định cư lại không về nước nữa. Đó là thực trạng hiện nay. Lạ lùng chuyện hiện nay có rất nhiều luật đang cần phải hoàn thiện như luật biểu tình thì không thấy họ (chính phủ -PV) đụng đến. Nay vra luật Thủ Đô rồi mai ra luật Thanh Niên rồi luật bà già, trẻ con….”

Ngoài ra thầy Khoa còn chia sẻ thêm, đối với chính quyền hiện nay, nói khen Đảng, nói theo văn bản của chính quyền đưa ra thì được chứ nói tự do, đúng theo lương tâm, ý chí của những thanh niên có trách nhiệm với đất nước thì chính phủ không ưa, mà không ưa thì sẽ bị chính quyền bịt miệng và thậm chí bắt giam bỏ tù.

Từ ý kiến của thầy giáo Khoa có thể nhắc lại các sự kiện xảy ra từ năm 2016 đến nay như sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung làm cá chết hàng loạt do nhà máy Formosa xả thải, vụ Trung Quốc quấy rối Biển Đông tại khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam, hay Luật Đặc Khu hoặc Luật An Ninh mạng...với các sự kiện nêu trên ngoài lớp trí thức, người dân xuống đường tranh đấu cho lẽ phải cũng có thành phần thanh niên lên tiếng phản đối nhưng Chính phủ có xem trọng tiếng nói của họ? Ngược lại nhiều thanh niên yêu nước bị gán ghép là chống phá Nhà nước rồi bị bắt bớ, giam cầm và thậm chí bị bỏ tù.

Dư luận xã hội cho rằng như vậy trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước sẽ được hiểu như thế nào?

Nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định “Ở quốc gia nào cũng thế, tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Tôi cũng tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ ở Việt Nam và tôi cũng rất là tin tưởng, nhiều bạn trẻ cũng rất băn khoăn với hiện tình của đất nước nên trách nhiệm của người lớn là tạo điều kiện làm sao cho thanh niên được hiểu rõ trách nhiệm của mình, được cống hiến cho xã hội, thì việc đó chính phủ hiện nay đang làm điều ngược lại. Tuổi trẻ Việt Nam họ sẽ còn nhiều cách để thể hiện trách nhiệm của mình với đất nước bất chấp sự đi ngược lại.”

Còn theo thầy giáo Đỗ Việt Khoa thì nhận xét trách nhiệm của bất kỳ công dân nào chứ không riêng là thanh niên.“Thứ nhất là trách nhiệm cá nhân, sống và làm việc tôn trọng pháp luật, lao động kiếm sống đã sau đó mới tùy sức của mình mà thanh niên làm tròn trách nhiệm công dân cống hiến cho xã hội, đất nước được đến đâu hay đến đó.”

Nếu chính phủ tạo điều kiện để thanh niên có thể tham gia, lên tiếng về các sự vụ của đất nước, thì liệu rằng những ý kiến đóng góp của thanh niên có được chính phủ xem là một trong những góp ý được lưu tâm?

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, đối với những thanh niên có tinh thần, ý thức, và trách nhiệm cao thì họ rất mong muốn điều đó xảy ra.

“Bởi vì họ có tinh thần mong muốn đóng góp, cống hiến cho đất nước, cho xã hội nên nếu luật hóa luật đó để trở thành tính cách cử hành hơn thì điều này hoàn toàn khuyến khích thôi nhưng chỉ điều là giữa lời nói ước muốn và việc làm đôi khi có khoảng cách rất xa. Bà Ngân nói thì mình phải hiểu rằng, chỉ muốn thanh niên làm và có trách nhiệm hoặc làm hơn những gì mà đảng và nhà nước muốn thanh niên làm và trong phạm vi đó mà thôi.”

Đồng quan điểm này, thầy Đỗ Việt Khoa khẳng định đó chỉ là mơ ước “…của thanh niên mà còn nhiều tầng lớp xã hội khác, mơ ước của một xã hội tiến bộ, mơ ước một chính quyền văn minh mà điều mơ ước này còn xa vời lắm và với một chế độ như hiện này thì tôi cho là không có chuyện đó đâu nên đành lựa mà sống.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.