Phương Uyên có quyền khai hoặc không

Cuối tuần qua, Cơ quan An ninh điều tra - CA TP.HCM và CA tỉnh Long An đã công bố việc khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng với sinh viên Nguyễn Phương Uyên với cáo buộc “rải truyền đơn có nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam”, vi phạm điều 88 BLHSVN.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012.11.06
doi-tuong-Nguyen-Phuong-Uyen-305.jpg Sinh viên Nguyễn Phương Uyên "nhận tội" trên truyền hình VN.
Files photo

Truyền thông loan tin sinh viên này đã “nhận tội” và xin khoan hồng. Khi được hỏi rằng liệu Phương Uyên có quyền giữ im lặng trong quá trình điều tra, LS Trần Đình Triển (VP Luật sư Vì Dân) trả lời với Quỳnh Chi như sau:

LS Trần Đình Triển: Đó là một câu hỏi hay. Trong qui định BLHS, TTHS của nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam thì bị can bị cáo không buộc phải chứng minh mình có tội và lời khai báo đó phải phù hợp với những chứng cứ khách quan mới được coi là chứng cứ. Nếu họ khai báo trung thực thì họ được hưởng tình tiết giảm nhẹ còn nếu không khai mà cố tình che giấu thì bị tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, người ta cũng qui định bị can bị cáo có quyền khai hoặc không khai.

Trong trường hợp này (của SV Nguyễn Phương Uyên) thì đây là vụ án thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Theo pháp luật qui định khi bị khởi tố về tội xâm phạm an ninh quốc gia trong chương đó thì cơ quan điều tra có quyền chưa cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư cho đến khi nào kết thúc điều tra. Tuy nhiên nếu có luật sư hay không có luật sư thì bị can bị cáo vẫn có quyền khai hay không khai; chức năng của cơ quan tiến hành tố tụng là chứng minh có tội hay không.

Quỳnh Chi: Ông vừa đề cập đến một sự đối trọng giữa quyền của cơ quan điều tra và quyền của bị can bị cáo trong trường hợp bị cáo buộc xâm phạm an ninh quốc gia. Việc này làm gây ra quan ngại là người bị can bị cáo có thể bị ép cung trong quá trình điều tra. Ông nhận xét thế nào?

LS Trần Đình Triển: Pháp luật qui định cấm bức cung, mớm cung, dụ cung, nhục hình… nhưng trong thực tiễn thì có những trường hợp như vậy (ép cung) xảy ra. Cho nên đòi hỏi phải có một sự đối trọng. Theo quan điểm của tôi để cải thiện việc đó thì hệ thống giam giữ… phải trực thuộc Bộ Tư pháp; không thể để thuộc Bộ Công an (như hiện nay) mà dân thường cho rằng “vừa đá bóng vừa thổi còi. Thứ hai là phải thực hiện đúng qui định pháp luật là khi bị khởi tố, bị can bị cáo có quyền mời luật sư.

Và trong trường hợp mà người thân họ mời luật sư khi họ bị tạm giam thì cũng nên sửa luật tố tụng hình sự cho phép luật sư có mặt trong trại để trực tiếp hỏi bị can bị cáo có chấp nhận luật sư không. Để tránh trường hợp người bị tạm giam từ chối luật sư (được mời bởi gia đình) vì bị ép buộc. Để hạn chế trường hợp đó thì Bộ luật TTHS phải sửa đổi.

Bắt giữ có đúng luật?

Quỳnh Chi: Dư luận đang quan ngại về điều mà họ gọi là “thiếu minh bạch” trong công tác bắt giữ, điều tra. Đối với trường hợp của SV Nguyễn Phương Uyên thì sự quan ngại này có cơ sở không thưa luật sư?

LS Trần Đình Triển: Pháp luật qui định khi bắt giữ một người thì luật cũng qui định trong thời hạn nhất định phải thông báo cho thân nhân biết tình trạng tạm giam tạm giữ và nơi chốn. Còn việc qui định cho thân nhân gặp hay không là pháp luật qui định là tùy thuộc vào kết quả điều tra để phòng tránh việc thông cung hoặc đưa thông tin ra ngoài làm ảnh hưởng công tác điều tra.

Quỳnh Chi: Tin tức cho biết sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị truy tố về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 BLHS Việt Nam. Theo ông, điều luật này có những điểm tích cực và hạn chế như thế nào?

LS Trần Đình Triển: Cá nhân tôi cho rằng BLHS nước CHXHCN Việt Nam cũng có những nội dung rất cơ bản góp phần phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh tổ quốc và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong qui định của những điều luật đó thì có những điều cần phải sửa đổi. Ví dụ trong khung hình phạt điều 88 qui định từ 3 năm đến 12 năm.

Pháp luật qui định khi bắt giữ một người thì luật cũng qui định trong thời hạn nhất định phải thông báo cho thân nhân biết tình trạng tạm giam tạm giữ và nơi chốn.
LS Trần Đình Triển

Và đối với điều luật này thì người ta qui định đây là tội cấu thành hình thức, nghĩa là người ta không đo lường thiệt hại vậy thì lấy cơ sở nào để áp dụng hình phạt 3 năm, 4 năm hay 12 năm? Cụ thể nó ra chứ không thể để như vậy – yêu thì cho thấp mà ghét thì cho cao. Và chống phá nhà nước là chống phá ở cấp nào? Cấp phường xã cũng là nhà nước, cấp huyện cũng là nhà nước, cấp tỉnh cũng là nhà nước và cấp trung ương cũng là nhà nước, hội đồng nhân dân cũng là nhà nước, cơ quan hành pháp hay các bộ quản lý chuyên ngành cũng là nhà nước.

Phải định hình nó được chứ để chung chung như thế là không ổn. Còn có những qui định mà tôi cho là xử ai cũng được. Ví dụ đối với điều 88 thì thế nào là tuyên truyền, thế  nào là chống phá? Phải qui định rõ hành vi nào được cho phép và hành vi nào bị cấm? Nếu cho rằng ai nói ngược là chống thì tôi cho rằng xử ai cũng được. Nếu như thế thì tốt nhất xã hội nên im lặng tất cả để giữ cho tròn bản thân mình. Mà đã như thế thì xã hội phát triển thế nào được. Và tôi cho rằng cũng cần thực hiện đúng hiến pháp là quyền tự do ngôn luận.

Quỳnh Chi: Xin cám ơn ông.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.