Cắt giảm đầu tư công sao cho hiệu quả

Đã bước sang quý IV năm 2011 nhưng việc thực hiện kế hoạch cắt giảm chi tiêu công vẫn được giới chuyên môn đánh giá là chưa tương xứng với mục tiêu đề ra, nhằm giảm bội chi ngân sách, tiến tới ổn định kinh tế. Nguyên do vì đâu?
Vũ Hoàng- RFA
Tỉ lệ nợ nước ngoài tăng mạnh
Nguồn: Bộ tài chính.

Dàn trải đầu tư, bội chi dai dẳng

Bước sang quý cuối cùng của năm 2011 và sau 10 tháng thực hiện Nghị quyết 11 ổn định kinh tế vĩ mô, một trong những việc hết sức quan trọng là cắt giảm chi tiêu công tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Tập đoàn Nhà nước thua lỗ nặng Vinashin- AFP photo
Tập đoàn Nhà nước thua lỗ nặng Vinashin- AFP photo
AFP photo
Tính đến hết tháng 9, Việt Nam mới chỉ cắt giảm được khoảng 9% trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội cả năm, khoảng hơn 80 ngàn tỉ đồng. Con số cắt giảm này đem so sánh với sự thua lỗ và làm thất thoát của những tập đoàn lớn trong 9 tháng đầu năm thì mới hiểu tại sao chưa hiệu quả.  Vài ví dụ, Tổng công ty điện lực Việt Nam lỗ hơn 11,000 tỉ đồng, Petrolimex lỗ xấp xỉ 2,000 tỉ đồng, chưa kể mức lỗ của công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp phát triển Nông thôn lên tới gần 3,000 tỉ đồng và nhiều ngàn tỉ đồng của Vinashin mà dư âm của nó kéo dài từ năm ngoái đến nay.

Chưa bao giờ giới phân tích kinh tế trong nước lại quan tâm nhiều đến chuyện chi tiêu công như trong giai đoạn này. Điểm mấu chốt mà giới học giả cùng nhìn nhận là đầu tư công tại Việt Nam quá dàn trải, bội chi ngân sách dai dẳng dù rằng biện pháp về chính sách tài khoá thắt chặt vẫn đang được áp dụng triệt để.

Thủ phạm: doanh nghiệp nhà nước.

Trong một bài phỏng vấn gần đây với Đài Á Châu Tự Do, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương lý giải vì sao ông cho rằng Việt Nam đang rơi vào tình trạng xấu nhất kể từ 20 năm nay, nhiều căn bệnh kinh niên của nền kinh tế đã bộc phát và ông cho rằng Việt Nam cần phải có thêm một lần đổi mới nữa.  Vấn đề đầu tư công thiếu hiệu quả được ông nhấn mạnh:

Cuộc đổi mới lớn nhất của Việt Nam đã tự do hóa các năng lực đang tiềm tàng của người nông dân, người dân thường, để kinh doanh, để sản xuất ra của cải, và để đầu tư. Điều đó đã đem lại cho Việt Nam các bước phát triển vượt bậc như trong thời gian vừa qua. Đến nay thì những động lực đó không còn đủ nữa, và trong thời gian qua thì Việt Nam thấy rõ là gặp thách thức lớn vì các chính sách của chính phủ đầu tư không có hiệu quả. Khối doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang sử dụng quá nhiều tiền vốn và nguồn lực của đất nước như đất đai, như khoáng sản, hầm mỏ, nhưng lại gây ra nợ nần như Vinashin, hoặc là kém hiệu quả.

Mặc dù đã được cảnh báo về ảnh hưởng của đầu tư công thiếu hiệu quả, nhưng những biện pháp cụ thể như giảm chi tiêu thường xuyên xuống dưới 10% vẫn chưa thể thực hiện được hoặc cắt giảm các dự án không thực sự cần thiết vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi cả nước đang hạn chế chi tiêu vừa vì cuộc sống khó khăn, vừa vì kiềm chế lạm phát thì lãnh đạo thành phố Cần Thơ vừa mới phê duyệt Dự án Cải tạo khán đài sân vận động Cần Thơ cho khu vực VIP lến tới 100 tỉ đồng.

Nền kinh tế nuôi đầu tư  
Đầu tư vào xây dựng- RFA photo
Đầu tư vào xây dựng- RFA photo
RFa photo

Trong một bài báo mới đây trên tờ VnEconomy trích lời Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên gọi Việt Nam có “phong trào đầu tư,” nghĩa là trong thời gian qua đầu tư chung cả nước lên tới 100 cảng biển, 22 sân bay, 100 ngân hàng thương mại, hàng trăm công ty tài chính chứng khoán, 18 khu kinh tế ven biển, 27 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp (trong đó tỷ lệ lấp đầy chưa đến 50%) và 650 cụm công nghiệp. 

Ông Thiên đã thẳng thắn nhận định:“Nền kinh tế và các địa phương đang nuôi khu kinh tế và khu công nghiệp chứ không phải các khu này đang dẫn dắt nền kinh tế” vì thế hiện tường đầu tư dàn trải đó đang tạo ra một “cấu trúc kinh tế méo mó khủng khiếp.”

Bài báo tổng kết, nhìn toàn cảnh đầu tư, Chính phủ Việt Nam là nhà đầu tư lớn nhất so với chính phủ các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á tính theo % GDP.

Thực tế đầu tư dàn trải và thiếu hiệu quả này đã được nhiều chuyên gia thẳng thắn chỉ rõ. Theo bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế độc lập, khi nhận xét về các khoản cắt giảm chi tiêu công của Chính phủ bà cho biết ý kiến:
"Chi tiêu công của Việt Nam trong suốt mấy năm vừa qua ở một tỷ lệ khá cao và là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát. Trên thực tế, sở dĩ trong thời gian vừa qua nó chưa có tác động gì được là bởi vì việc chi tiêu công chưa thực sự được cắt giảm với yêu cầu cần thiết của nó.

Tôi cho rằng quan trọng nhất là làm sao giảm mức tín dụng quá nhiều và quá lớn ở các doanh nghiệp Nhà nước cũng  như các dự án liên quan đến đầu tư công. Bởi vì đây là khu vực thường gây ra lãng phí lớn nhất, hiệu quả của nó thấp nhất và có cả những nhân tố tham nhũng ở đó nữa"

Ngoài ra, bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng từ lâu nay, việc mở rộng tín dụng ưu đãi vay mượn cho sự phát triển khu vực kinh tế Nhà nước vẫn chưa được giám sát chặt chẽ, khu vực đem lại hiệu quả thấp nhất chỉ đóng góp được khoảng 10% cho ngân sách Nhà nước nhưng lại cần nguồn vốn nhiều nhất.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngoài chính phủ, thì chính các địa phương cũng khiến tình trạng đầu tư công kém hiệu quả trầm trọng hơn và đã có lúc vi phạm lại Nghị định 11 của Chính phủ. Theo ghi nhận của nhiều báo chí trong nước thì nhiều tỉnh thành vẫn chần chừ không thực hiện cắt giảm, thậm chí vẫn phân bổ vốn cho cả những dự án khởi công mới không thuộc đối tượng Nghị định 11. Cụ thể, theo số thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, các Bộ ngành trung ương vẫn phân bổ vốn cho hơn 180 dự án khởi công mới không thuộc đối tượng của Nghị định 11.

Địa phương níu kéo, nhà nước bao biện

Trong một bài phỏng vấn tháng trước trên báo Thanh Niên, Ông Nguyễn Hữu Quang, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết có hơn 2,000 dự án đầu tư công thuộc diện cắt giảm hoặc điều chuyển vốn nhưng không địa phương nào chịu hy sinh quyền lợi của mình trước, trong khi trung ương thì lúng túng. Thế nên mới có hiện tượng giãn- hoãn, không có trọng điểm. Điều này lý giải vì sao lợi ích cục bộ của địa phương vẫn được đặt nặng hơn lợi ích chung của toàn xã hội.

Than Quảng Ninh xuống tàu ở Hòn Gay- AFP photo
Than Quảng Ninh xuống tàu ở Hòn Gay- AFP photo
AFP photo
Cùng quan điểm này, bà Phạm Chi Lan một lần nữa phân tích:
"Đầu tư công ở Việt Nam lâu nay quá nhiều, ngay trong quá trình hoạch định các dự án đầu tư công, phần lớn là trong các cơ quan Nhà nước làm với nhau thôi và có phần nào nhân nhượng và chia sẻ với nhau giữa chính quyền trung ương với địa phương và các ngành với nhau, có nhượng bộ cho nhau nhiều quá nên nhu cầu đầu tư của các cơ quan Nhà nước cứ tăng lên mãi và nó làm cho Nhà nước Việt Nam mỗi năm có tới hơn 300,000 dự án đầu tư công. Quá nhiều như vậy, nên tất cả những tiêu chí đề ra cho nó rất khó bám được và thực hiện được, những tiêu chí cần thiết quan trọng như hiệu quả, tính lợi ích chung của toàn bộ xã hội sẽ phần nào bị giảm đi"

Bà Phạm Chi Lan còn cho biết thêm, vai trò của Nhà nước quá lớn như một nhà đầu tư kể cả vào lĩnh vực thương mại là không thích hợp; nhà nước nên giảm dần vai trò nhà đầu tư của mình. Về mặt này, Chính phủ có thể huy động thêm các lực lượng khác trong xã hội.

Có lẽ vì những bất cập vẫn tồn tại trong khâu quản lý đầu tư công từ cấp trung ương đến địa phương, mà một cơ chế kiểm soát minh bạch, rõ ràng về trách nhiệm cũng như việc cụ thể hoá tiêu chí và các bước thẩm định dự án đầu tư công, đặc biệt là việc sớm xây dựng và ban hành Luật Đầu Tư công, là những điều mà cả xã hội đang trông chờ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.