Bộ Giáo Dục Đào Tạo Việt Nam vừa công bố Dự thảo Nghị Định qua đó các đại học nghiên cứu phải đạt 25% nguồn thu từ khoa học.
Yêu cầu 25% nguồn thu từ khoa học dành cho các đại học nghiên cứu là tiêu chí quan trọng bên cạnh những tiêu chí khác mà Bộ Giáo Dục Đào Tạo đề ra trong Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo Dục Đại Học.
Giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Phổ, nguyên hiệu trưởng trường Cao Đẳng Kinh Tế Kỹ Thuật Sài Gòn, nhận xét rằng hoạt động nghiên cứu tại các trường đại học lâu nay vẫn dựa vào cơ chế xin cho từ ngân sách chính phủ. Ông nói ngân sách đó được phân chia lại cho các cơ quan chủ quản và đây chính là lý do khiến giảng viên của nhiều trường đại học chỉ cố làm cho xong để lấy tiền chia nhau chứ không quan tâm xem các đề tài nghiên cứu có ứng dụng được hay không.
25% chi phí phải được tự trang trải từ việc nghiên cứu khoa học mà mang lại lợi là một cố gắng đáng trân trọng, chỉ có điều phải tổ chức thực hiện như thế nào để việc đó đi vào thực tế. - TS Lê Đăng Doanh
Vẫn theo lời ông Nguyễn Phổ, ở nước ngoài các phát minh chủ yếu nằm trên các đại học, các giáo sư, tiến sĩ bắt buộc phải chọn những đề tài thực tế áp dụng được vào các lãnh vực sản xuất hay quân sự chứ không phải làm xong rồi để đó.
Đã có nhiều ý kiến khác nhau về tiêu chí 25% nguồn thu từ khoa học nhắm vào các đại học nghiên cứu. Có người cho là cần thiết, nhưng cũng có người quan ngại rằng đây là chuyện khó trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Ông Nguyễn Đăng Hưng, giáo sư danh dự tại đại học Liège nước Bỉ, hiện là cố vấn cấp cao Đại Học Duy Tân ở Đà Nẵng, nhận định trước nhất rằng tiêu chí này nhắm vào các đại học nghiên cứu chứ không phải các đại học thường:
Đây có thể nói là những dự án nghiên cứu có tính cách thiết thực, có tính cách kỹ thuật có thể hái ra tiền. Có thể hái ra tiền thì còn có lý do, chứ còn đòi hỏi thu hoạch 25% như vậy hơi quá đáng, nếu áp dụng cho tất cả mọi lãnh vực thì e rằng không hay cho việc làm khoa học và khuyến khích nghiên cứu khoa học.
Biểu đồng tình với dự án 25% nguồn thu từ khoa học cho các đại học nghiên cứu là tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội:
25% chi phí phải được tự trang trải từ việc nghiên cứu khoa học mà mang lại lợi là một cố gắng đáng trân trọng, chỉ có điều phải tổ chức thực hiện như thế nào để việc đó đi vào thực tế.
Việc nghiên cứu khoa học tại các trường đại học ở Việt Nam cho đến giờ nhìn chung chưa được coi trọng, chưa gắn với thực tế và chưa đem lại những hiệu quả mong muốn:
Tôi hoàn toàn ủng hộ là các trường đại học phải có nghiên cứu khoa học và nghiên cứu khoa học đó phải gắn với thực tế, phải đưa vào ứng dụng để mang lại lợi ích cho kinh tế và xã hội. Điều đó đòi hỏi sự thay đổi có tính chất hệ thống bởi tài trợ ngân sách ngày càng ít đi và các trường đại học thì phải tự chủ về tài chính, phải tìm cách kiếm thêm tiền. Kiếm thêm tiền thì dựa vào nghiên cứu cho các doanh nghiệp. Vì vậy cho nên nỗ lực này là nỗ lực của cả doanh nghiệp rồi của cả các viện nghiên cứu về phát triển đại học. Tôi nghĩ nó đòi hỏi phải có một chính sách đồng bộ từ các cơ quan như Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Bộ Khoa Học Công Nghệ và bản thân các trường đại học nữa. Điều đó có thể diễn ra nhanh nhưng cũng có thể cần thời gian. Còn một điểm nữa tôi muốn nói là các trường đại học có nghiên cứu khoa học cơ bản, điều ấy cần thiết để nâng cao chất lượng của đại học đó. Ở Việt Nam việc nghiên cứu về Toán ở một số nơi đã được đẩy mạnh, nhưng nghiên cứu về các khoa học khác thì hiện nay là chưa được nhiều.
Vẫn lời tiến sĩ Lê Đăng Doanh, con số 25% nguồn thu từ khoa học áp dụng cho các đại học nghiên cứu là bước đầu để khuyến khích đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ vận dụng vào thực tế. Theo ý ông thì đây là một ý tưởng đáng hoan nghênh.
Trong lúc phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, hiệu phó Đại Học Hoa Sen, cho rằng tỷ trọng 25% không lớn nhưng để đạt tới nó trong điều kiện của Việt Nam hiện nay là rất khó, đặc biệt đối với những trường mang tính chất nghiên cứu khoa học cơ bản.
Tuy nhiên theo ông Bùi Văn, cựu phó giám đốc kiêm giảng viên Chương Trình Fulbright, hiện đảm trách kênh truyền hình kinh tế FBNC ở Việt Nam, thì đại học nghiên cứu có chức năng quan trọng là tạo ra kiến thức, nhưng ý kiến 25% nguồn thu từ nghiên cứu khoa học có thể gặp khá nhiều phản đối:
Các đại học nghiên cứu phải có 25% kinh phí từ các sinh hoạt nghiên cứu thì một mặt đó là đòi hỏi chính đáng, nhưng thực sự 25% thì rất cao đối với đại học Việt Nam. - GS Hà Tôn Vinh
Tôi chưa nhìn thấy trường nào trên thế giới qui ra nguồn thu nghiên cứu là bao nhiêu phần trăm, tại vì một phần rất lớn nguồn thu là từ tài trợ của chính phủ và của các quĩ. . Những trường đại học khác nhau có những khả năng khác nhau để tiếp cận cái nguồn tài trợ của chính phủ.
Hiện nay tôi thấy một loạt các trường đại học tư nhân chủ yếu truyền bá kiến thức và họ làm rất tốt công việc đó, họ đáp ứng rất tốt nhu cầuchính đáng đó của xã hội. Thế còn những trường đại học nghiên cứu như Đại Học Khoa Học Tự Nhiên và Đại Học Bách Khoa, có những cơ sở và phòng thí nghiệm nghiên cứu rất tố. Đo ường nghiên cứu bằng tiền thì làm cho tầm nhìn của mình nó hẹp lại.
Một trường đại học có những nghiên cứu khoa học ứng dụng vào đời sống, những công trình nghiên cứu làm cho đại học đó trở thanh có đẳng cấp, là quan điểm của giáo sư Hà Tôn Vinh, tổng giám đốc Tổ Hợp Đào Tạo và Phát Triển Nhân Lực Stella Management ở Sài Gòn:
Yêu cầu đại học nghiên cứu phải có 25% dựa trên nghiên cứu là một đòi hỏi rất chính đáng. Ở Việt Nam đa số các đại học đều sống bằng hỗ trợ của nhà nước.Đại học nước ngoài cũng thế, học phí của sinh viên đóng không đủ cho chi phí của đại học được.
Đại học nghiên cứu là phải đi tìm những dự án có tính ứng dụng cao, có tính phát triển kinh tế cao và đóng góp cho xã hội cao thì đại học nghiên cứu mới có tiền do chính phủ tài trợ hay doanh nghiệp trả. Ở Việt Nam gần như là nghiên cứu thấp và chưa có đại học chính thức nào là đại học nghiên cứu, nên bây giờ chính phủ nói rằng các đại học nghiên cứu phải có 25% kinh phí từ các sinh hoạt nghiên cứu thì một mặt đó là đòi hỏi chính đáng, nhưng thực sự 25% thì rất cao đối với đại học Việt Nam.
Cũng như tiến sĩ Lê Đăng Doanh, giáo sư Hà Tôn Vinh đồng ý rằng yêu cầu 25% là gợi ý đầu tiên nhằm tiến tới sự tự quản cho đại học nghiên cứu.
Thế nhưng để được vậy, ông nhấn mạnh, Bộ Giáo Dục Đào Tạo phải vạch lộ trình và tạo thời gian để đại học nghiên cứu tiến đến 25% nguồn thu từ khoa học.
Và thời gian để đạt tới nguồn thu 25% từ nghiên cứu khoa học của các đại học nghiên cứu có thể là 3 cho tới 5 năm nếu tin tưởng vào năng lực và quyết tâm của chính phủ, giáo sư Hà Tôn Vinh kết luận.