Điều trần về tự do báo chí ở Việt Nam tại Hạ viện Hoa Kỳ

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2014.04.29
20140429_111727-622 Các đại biểu tại buổi điều trần về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam đã diễn ra sáng thứ Ba ngày 29/4/2014 tại Hạ viện Hoa Kỳ.
RFA

 

Nhằm chuẩn bị cho Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới 3 tháng Năm tới đây, một buổi điều trần về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam đã diễn ra sáng thứ Ba ngày 29 tháng Tư 2014 tại Hạ viện Hoa Kỳ.

Vì một nền báo chí độc lập

Dù đang giữ một ghế thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam vẫn không tôn trọng quyền tự do ngôn luận, quyền được tự do thông tin và những quyền căn bản khác của người dân.

Nói một cách khác, Việt Nam không có một nền truyền thông tự do, độc lập, báo chí phải chịu sự chỉ đạo của nhà nước, nhà cầm quyền sử dụng chính sách đe dọa, bắt giữ, khủng bố các bloggers cũng như các nhà báo độc lập muốn phổ biến quan điểm hay chính kiến mà nhà nước không muốn người dân nghe biết.

Phát biểu tại buổi điều trần Hướng Đến Một Nền Báo Chí Độc Lập Tại Việt Nam ở Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư 29 vừa qua, các bloggers và các nhà báo độc lập gồm sáu người đến từ Việt Nam, đã trình bày như vậy. Đây cũng là những người không ít thì nhiều từng chịu sự đàn áp, đe dọa vì dám phát biểu trái chiều với đường lối của nhà nước, trong lúc gia đình người thân của họ cũng không thoát khỏi sự khủng bố của nhà cầm quyền:

Vấn đề tôi quan tâm là vai trò của báo mạng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của xã hội hiện nay. Ở Việt Nam quyền tự do báo chí rất hạn chế, ở Việt Nam chỉ thừa nhận báo chí nhà nước.
-Nguyễn Tường Thụy

“Tôi là nghệ sĩ Kim Chi, đến đây thì tôi sẽ nói về vấn đề văn nghệ sĩ ở Việt Nam không được tự do sáng tác. Không tự do sáng tác tức là nếu mà viết trên mạng và nói về những điều thật, những tiêu cực của xã hội thì trang mạng đăng nhưng nếu những tờ báo hoặc là những nhà xuất bản nếu người ta đăng thì người ta sẽ gặp rất nhiều rắc rối, cho nên là người ta không viết.”

“Tôi là Nguyễn Tường Thụy, đến từ Hà Nội, là người viết báo tự do và là một blogger. Vấn đề tôi quan tâm là vai trò của báo mạng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của xã hội hiện nay. Ở Việt Nam quyền tự do báo chí rất hạn chế, ở Việt Nam chỉ thừa nhận báo chí nhà nước do một Bộ Văn Hóa Thông Tin và Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương quản lý và chỉ đạo thống nhất.”

“Tôi là Tô Oanh, đến từ thành phố Bắc Giang, được mời đến dự ngày kỷ niệm 3 tháng Năm Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới tôi cũng muốn có ý kiến nhận định về nền báo chí Việt Nam. Ngoài những bài viết của tôi ra thì tôi cũng tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Vì vậy ngành an ninh Việt Nam đã giám sát theo dõi tôi và qui cho tôi cái tội nhận tiền của người nước ngoài để viết bài nói xấu chế độ. Họ đã sách nhiễu tôi có lần tới 17 ngày liền.”

“Tôi là Lê Thanh Tùng, nhà báo độc lập, cộng tác viên của trang tin truyền thông Chúa Cứu Thế. Được một số dân biểu Hoa Kỳ mời đến tham dự sự kiện Ngày Tự Do Báo Chí Quốc Tế , tôi đến đây để nói lên cái giá mà những phóng viên độc lập và giới blogger trong nước đã và đang phải gánh chịu do những hệ lụy từ việc họ cất lên tiếng nói đối lập với tiếng nói của nhà cầm quyền.”

“Tôi là Nguyễn Đình Hà từ Hà Nội đến đây theo lời mời của các dân biểu Hoa Kỳ. Đến đây thì tôi sẽ trình bày những điều thức tế về tụ do báo chí tại Việt Nam cũng như thực trạng về tự do Internet tại Việt Nam. Tôi muốn chuyển tải đến quốc hội Hoa Kỳ một số kiến nghị của tôi cũng như rất nhiều người gửi gắm về một hướng làm sao cải thiện cho nhân quyền Việt Nam tốt hơn.”

Dân biểu Loretta Sanchez cùng các bloggers và các nhà báo độc lập đến từ Việt Nam, sau buổi điều trần về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam đã diễn ra sáng thứ Ba ngày 29/4/2014 tại Hạ viện Hoa Kỳ. RFA PHOTO.
Dân biểu Loretta Sanchez cùng các bloggers và các nhà báo độc lập đến từ Việt Nam, sau buổi điều trần về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam đã diễn ra sáng thứ Ba ngày 29/4/2014 tại Hạ viện Hoa Kỳ. RFA PHOTO.

“Tôi là Ngô Nhật Đăng, đến từ Hà Nội. Hôm nay, trong buổi điều trần trước quốc hội Hoa Kỳ, tôi muốn nêu một kiến nghị về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Điều đầu tiên để có tự do báo chí ở Việt Nam thì phải bãi bỏ ngay lập tức cái chế độ kiểm duyệt hiện nay. Chúng tôi muốn quốc hội Hoa Kỳ chú ý và sẽ đưa những điều kiện tiên quyết trong quan hệ làm ăn, từ các hiệp định thương mại ví dụ TPP thì các điều kiện đầu tiên phải là nhân quyền trong đó có tự do ngôn luận và tự do báo chí.”

Trong tư cách người điều hợp buổi điều trần, dân biểu Loretta Sanchez đã cảm ơn những diễn giả đến từ Việt Nam. Bà cũng không quên nhắc đến ba nhà báo kiêm nhà hoạt động đã bị nhà cầm quyền Việt Nam ngăn cản không cho sang Hoa Kỳ dự buổi điều trần về tự do báo chí Việt Nam. Đó là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, blogger Nguyễn Lân Tháng, phóng viên độc lập Anna Huyền Trang.

Tuy nhiên hình ảnh và lời nói của blogger Nguyễn Lân Thắng cũng như nhà báo độc lập Anna Huyền Trang đã được phát lên qua video clip thu sẵn.

Yểm trợ để cải thiện nhân quyền

Buổi điều trần quốc hội Hướng Đến Một Nề Bao Chí Độc Lập Cho Việt Nam còn có sự tham dự của ba thuyết trình viên thuộc ba tổ chức ở hải ngoại. Ông Đỗ Hoàng Điềm, chủ tịch đảng Việt Tân:

“Hôm nay chung tôi trình bày về tình trạng thiếu tự do thông tin và tự do ngôn luận tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ nhấn mạnh một điểm là quyền tự do ngôn luận là một điều rất cần thiết để phát triển xã hội dân sự, nền tảng để mang lại tự do và dân chủ cho đất nước. Trong bài điều trần của tọi thì tôi cũng sẽ trình bày về tình trạng nhà nước cộng sản Việt Nam xâm phạm quyền sử dụng Internet cũng như một số biện pháp khác như sử dụng luật như là Điều 79, Điều 88 hoặc Điều 258 Bộ Luật Hình Sự để bắt giam những ai dám nói lên tiếng nói của sự thật. Đó là nội dung chính và dĩ nhiên chúng tôi sẽ kết thúc bài điều trần bằng một số đề nghị cụ thể đối với chính phủ Hoa Kỳ để họ có thể dùng những biện pháp đó áp lực Hà Nội có sự cải thiện về quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.”

Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả rất muốn thuyết phục chính phủ Việt Nam thay đổi thái độ đàn áp đối với báo chí nhưng thú thực đây là cuộc chiến rất khó lòng dành được phần thắng.
-Bob Dietz

Tiếp lời ông Đỗ Hoàng Điềm là phần thuyết trình của tổng giám đốc RFA Đài Á Châu Tự Do mà những chương trình phát thanh về trong nước của ban Việt Ngữ thường xuyên bị phá sóng, trong lúc trang web thì bị ngăn trở bởi tường lửa.

Bà Libby Liu Đài Á Châu Tự Do nói bà nghĩ buổi điều trần hôm nay vô cùng quan trọng bởi vì quốc hội Hoa Kỳ luôn yểm trợ mạnh mẽ cho sự cải thiện nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là tự do báo chí.

Đài Á Châu Tự Do tự nguyện chuyển tải sự thật và thông tin đến với người dân ở Việt Nam, cỗ vũ quyền trao đổi tin tức giữa mọi người với nhau, và năm nay là một năm vô cùng quan trọng khi mà quốc hội Mỹ tăng thêm ngân sách cho lãnh vực tự do Internet mà tất cả chúng ta có thể tự tin sẽ tạo một thay đổi lớn cho Việt Nam. Tôi thực sự cảm kích về điều đó.

Thuyết trình viên thứ ba, ông Bob Dietz, điều phối viên phân bang Châu Á của CPJ Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả, trụ sở tại New York, Hoa Kỳ:

“Về thân phận người làm báo độc lập ở Việt Nam thì chắc tôi phải nói là không khá bởi vì chính phủ Việt Nam chừng như ngày càng sắt đá và cứng rắn hơn trong việc siết chặt quyền tự do phát biểu của người dân, đúng ra là quyền phê bình chỉ trích về tham nhũng, lạm quyền trong guồng máy nhà nước.

Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả chúng tôi đã làm việc rất khó khăn trước những vấn đề vừa kể. Trên thực tế chúng tôi làm việc với nhiều quốc gia trên thế giới có chung vấn đề này mà nói thẳng ra thì Việt Nam quả là một trường hợp nan giải. Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả rất muốn thuyết phục chính phủ Việt Nam thay đổi thái độ đàn áp đối với báo chí nhưng thú thực đây là cuộc chiến rất khó lòng dành được phần thắng.”

Nhất định phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận hoặc ít nhất phải đáp ứng những đòi hỏi chính đáng về nhân quyền cho người dân Việt Nam, là khẳng định của dân biểu Alan Lowenthal với đài Á Châu Tự Do.

Trong khi đó, theo nữ dân biểu Loretta Sanchez, tất cả những gì nghe được hôm nay qua các bloggers và các nhà báo độc lập đến từ Việt Nam, cũng như qua các tổ chức bên ngoài, sẽ được mang ra bàn thảo cùng các đồng viện để từ đó tạo sức ép lên hành pháp Mỹ, yêu cầu Washington áp lực Hà Nội cải thiện triệt để về nhân quyền, nhất là quyền tự do báo chí và ngôn luận, rồi mới nói đến những thỏa thuận về thương mại hay mậu dịch mà Việt Nam mong muốn.

Thanh Trúc tường trình từ quốc hội Hoa Kỳ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.