CSGT phải cười và nói lời cảm ơn
Quy định về cảnh sát Giao thông (CSGT) phải cười và nói lời cảm ơn khi xử lý vi phạm được Cục CSGT, Bộ Công an phổ biến tại cuộc họp báo về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2020, được tổ chức vào chiều ngày 25/12.
Cục CSGT cho biết quy định mới này nằm trong các tiêu chí để xây dựng văn hóa ứng xử trong lực lượng cảnh sát nhằm tạo nên sự thân thiện đối với người dân và người tham gia giao thông. Đồng thời, sẽ tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ của ngành trong thời gian tới.
Báo giới Nhà nước Việt Nam ghi nhận quy định mới vừa nêu thu hút sự quan tâm của dư luận, qua những bình luận tích cực lẫn tiêu cực. Không ít người cho rằng CSGT mỉm cười và cảm ơn khi làm nhiệm vụ thể hiện phép lịch sự “tuy nghiêm, nhưng thân thiện”. Trong khi đó, những ý kiến đối lập thì nêu thắc mắc rằng CSGT sẽ cười kiểu nào khi cố tình bắt chẹt người tham gia giao thông để có tiền “đút túi”.
Là người làm nghề vận chuyển lưu thông bằng xe cộ, thật ra mà nói tôi thấy không biết nên vui hay nên buồn về quy định mới này. Vì sao tôi nói như vậy? Bởi vì từ trước đến giờ, nói chung trong giới lái xe và cá nhân tôi nói riêng thì khi lưu thông trên đường rất sợ CSGT. Sợ không phải là do mình sai mà sợ do thái độ làm việc của họ và cách họ gây khó dễ, nhũng nhiễu, thậm chí ‘làm luật’ để làm tiền một cách trắng trợn. cánh lái xe sợ là sợ như thế đó. Thành thử khi nghe thông tin rằng CSGT phải vui vẻ và cảm ơn người vi phạm khi ký biên bản đã hợp tác, tôi thấy đề xuất này có vẻ giống như vô thưởng vô phạt và chẳng có ý nghĩa gì cả-Ông Võ Minh Đức
Quy định không khả thi?
Anh Thái Văn Đường, một người làm việc trong cơ quan công quyền nhiều năm, vào tối ngày 29/12 lên tiếng với RFA rằng theo ghi nhận cá nhân thì phong cách cư xử của cán bộ nhà nước đối với người dân tùy thuộc vào tính cách của mỗi người. Tuy nhiên, đại đa số cán bộ, nhân viên ở các cơ quan ban ngành tại Việt Nam đều tỏ vẻ lạnh lùng và không xúc cảm khi tiếp dân.
Qua trao đổi với anh Thái văn Đường, Đài RFA đề cập đến một số văn phòng và cơ quan hành chính khi tiếp dân đã thay đổi phong cách cởi mở, thân thiện hơn và được dân chúng khen ngợi. Thế nhưng, anh Thái Văn Đường khẳng định sự thay đổi đó chỉ là số ít.
“Hầu như ở các cơ quan đều có một bản gọi là nội quy cơ quan và người ta có chỉ đạo nội bộ, chủ yếu ở bộ phận tiếp dân, bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính. Tuy nhiên lúc nào vắng người dân một chút hay có sếp đi kiểm tra thì cán bộ mới thế. Còn không thì đa số vẫn giữ vẻ mặt hầm hầm, họ không có thiện cảm với người dân tại vì họ rất là hách dịch.”
Anh Thái Văn Đường nhấn mạnh rằng hệ thống nhà nước ở Việt Nam theo cơ chế xin-cho và chuyên quyền, cộng thêm chế độ lương thấp nên dẫn đến hậu quả là nhân viên, cán bộ luôn hống hách, trịch thượng nhằm để nhũng nhiễu người dân và “tham nhũng vặt”. Trong đó, CSGT là thành phần “tham nhũng vặt” nhiều nhất.
Cựu nhân viên cơ quan công quyền, anh Thái Văn Đường nhận xét rằng quy định mới của Cục CSGT yêu cầu cán bộ phải nở nụ cười và nói lời cảm ơn khi xử lý vi phạm sẽ không thể nào áp dụng trong đời sống xã hội thực tiễn. Lý do được anh Thái Văn Đường lý giải là vì tình trạng “trên bảo, dưới không nghe”.

Đồng quan điểm với anh Thái Văn Đường, nhà báo Võ Văn Tạo, từ Nha Trang, cho rằng quy định mới của Cục CSGT về cán bộ trong ngành phải mỉm cười và cảm ơn là không khả thi. Nhà báo Võ Văn Tạo giải thích:
“Lâu nay, hiện tượng anh em CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường ‘làm luật’ để tống tiền là khá phổ biến. Cho nên trong xã hội và cả trên cộng đồng mạng thì người ta có định kiến rất nặng nề. Người ta dùng cụm từ tiếng lóng ‘Con Sâu Gặm Tiền’ để nói về CSGT. Cho nên trong con mắt của người dân và cộng đồng mạng thì hình ảnh của CSGT không được đẹp, thậm chí là xấu. Cũng có những CSGT làm việc tương đối đúng mực, nhưng dù sao thì những hiện tượng tiêu cực, hống hách lại chiếm phần phổ biến. Vì thế, bây giờ Cục CSGT Đường sắt-Đường bộ (C67) ra văn bản như thế, tất nhiên với chủ ý là CSGT khi làm nhiệm vụ phải niềm nở và vui vẻ đối với người dân, tuy nhiên trong mắt người dân vì đã có định kiến nặng quá rồi nên người ta thấy quy định mới đó rồi người ta giễu cợt, bôi bác.”
Đài RFA ghi nhận người Việt Nam được cho là hay cười, ít nhất từ đầu thế kỷ XX đến nay. Điển hình, qua bài báo với nhan đề “Gì cũng cười” của tác giả Nguyễn Văn Vĩnh, đăng trên Đông Dương tạp chí số 6 năm 1913 để giải thích về “An Nam có một thói lạ là thế nào cũng cười”.
Thế nhưng, nhà báo Võ Văn Tạo lại ghi nhận kể từ khi Đảng CSVN nắm chính quyền hồi năm 1945 đã áp dụng theo mô hình của Liên Xô và Trung Quốc, sử dụng công an và quân đội để cai trị người dân. Và, Đảng CSVN tiếp tục theo thể chế độc tài sau chiến tranh Việt Nam kết thúc hồi tháng 4/1975. Do đó, cán bộ, nhân viên nhà nước Việt Nam không tôn trọng người dân, cũng như không cho rằng tiền lương họ nhận được từ tiền đóng thuế của dân chúng mà từ ngân sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam ban phát. Nhà báo Võ Văn Tạo nói rằng với suy nghĩ như thế, cho nên cán bộ, nhân viên công quyền, đặc biệt công an, cảnh sát cho rằng họ là đại diện của quyền lực lãnh đạo và người dân phải luôn phục tùng họ.
Đối với quy định CSGT phải nở nụ cười và nói lời cảm ơn, nhà báo Võ Văn Tạo lập luận rằng có thể sẽ đạt được một chút “thành tích” sau thời gian huấn luyện. Tuy nhiên, cán bộ và chiến sĩ cũng sẽ có người chấp hành và có người không chấp hành theo quy định máy móc như vậy.
Lâu nay, hiện tượng anh em CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường ‘làm luật’ để tống tiền là khá phổ biến. Cho nên trong xã hội và cả trên cộng đồng mạng thì người ta có định kiến rất nặng nề. Người ta dùng cụm từ tiếng lóng ‘Con Sâu Gặm Tiền’ để nói về CSGT. Cho nên trong con mắt của người dân và cộng đồng mạng thì hình ảnh của CSGT không được đẹp, thậm chí là xấu. Cũng có những CSGT làm việc tương đối đúng mực, nhưng dù sao thì những hiện tượng tiêu cực, hống hách lại chiếm phần phổ biến. Vì thế, bây giờ Cục CSGT Đường sắt-Đường bộ (C67) ra văn bản như thế, tất nhiên với chủ ý là CSGT khi làm nhiệm vụ phải niềm nở và vui vẻ đối với người dân, tuy nhiên trong mắt người dân vì đã có định kiến nặng quá rồi nên người ta thấy quy định mới đó rồi người ta giễu cợt, bôi bác-Nhà báo Võ Văn Tạo
“CSGT nên làm tròn trách nhiệm”
Ông Võ Minh Đức, một chủ công ty vận chuyển tư nhân, vào tối ngày 29/12 chia sẻ với chúng tôi về ông đón nhận thông tin quy định của Cục CSGT như thế nào:
“Là người làm nghề vận chuyển lưu thông bằng xe cộ, thật ra mà nói tôi thấy không biết nên vui hay nên buồn về quy định mới này. Vì sao tôi nói như vậy? Bởi vì từ trước đến giờ, nói chung trong giới lái xe và cá nhân tôi nói riêng thì khi lưu thông trên đường rất sợ CSGT. Sợ không phải là do mình sai mà sợ do thái độ làm việc của họ và cách họ gây khó dễ, nhũng nhiễu, thậm chí ‘làm luật’ để làm tiền một cách trắng trợn. cánh lái xe sợ là sợ như thế đó. Thành thử khi nghe thông tin rằng CSGT phải vui vẻ và cảm ơn người vi phạm khi ký biên bản đã hợp tác, tôi thấy đề xuất này có vẻ giống như vô thưởng vô phạt và chẳng có ý nghĩa gì cả. ”
Ông Võ Minh Đức, một cựu sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho rằng thay vì Cục CSGT đề ra quy định “vô thưởng, vô phạt” như vậy và mất thời gian huấn luyện thì hãy nên tập trung vào chấn chỉnh lực lượng CSGT cần phải làm tròn trách nhiệm và bổn phận duy trì an ninh trật tự, an toàn giao thông cho người dân, xử phạt nghiêm minh và không để tình trạng “làm luật” tống tiền người tham gia giao thông tồn tại nữa.