Số phận 8 công nhân bị giữ tại Mã Lai

Tháng 6 vừa qua, 8 công nhân Việt Nam bị bắt tại Mã Lai vì tội "cư trú quá hạn".
Tường An, thông tín viên RFA
2010.11.19
8-cong-nhan-tu-305.jpg Tám công nhân bị giam ở Malaysia.
Photo by Tường An/RFA

Hiện giờ tình trạng của 8 công nhân ấy như thế nào? Tường An có mặt phiên tòa xét xử các công nhân này tại Ban Ting( Malaysia) và gửi về bài tường trình sau đây.

Tình trạng hiện nay

Như chúng ta biết, tất cả các công nhân Việt Nam, khi đặt chân đến Mã Lai là họ bị chủ nhân của công ty tịch thu hộ chiếu vì chủ nhân sợ họ sẽ bỏ trốn. Tịch thu hộ chiếu là một hình thức để giữ chân các công nhân này. Dù cho bị hành hạ, mắng chửi, dù cho đồng lương chết đói, tình trạng lao động không an toàn, nơi ăn ở mất vệ sinh họ cũng không thể bỏ công ty vì lý do đơn giản là ra ngoài họ sẽ không có giấy tờ tùy thân và sẽ bị cảnh sát Mã Lai bắt. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều công nhân Việt Nam trốn ra ngoài vì không chịu nổi sự hành hạ của chủ nhân và vì tiền lương quá thấp so với số giờ làm việc.

Vào tháng hai năm 2010 vừa qua, 8 công nhân của công ty cơ khí Spektra Alucas đã bị cảnh sát Mã Lai bắt giữ với lý do "quá hạn cư trú, không gia hạn hộ chiếu". Chị Huệ, một giáo sĩ Tin lành làm việc tại Mã Lai, người đã gần gũi và giúp đỡ cho các công nhân này cho biết sự việc như sau:

"Tụi nó đã vào tù 9 tháng rồi, không phải lỗi của nó. Công ty lấy passport, nó đóng visa năm đầu, tới năm thứ nhì nó không gia hạn lại, rồi tới năm thứ ba nó cũng không gia hạn lại 2 năm luôn mà mấy đứa nhỏ vẫn làm, tụi nó đâu có biết ! Nó kêu cảnh sát đến bắt mấy đứa nhỏ bỏ vô tù. Tới bây giờ cứ vào tòa, ra tòa. Họ nói sẽ ba tháng sau, 20 tây này sẽ ra tòa mà không biết sẽ như thế nào, có thể là từ 3 tháng đến 1 năm nữa."

Tới bây giờ cứ vào tòa, ra tòa. Họ nói sẽ ba tháng sau, 20 tây này sẽ ra tòa mà không biết sẽ như thế nào, có thể là từ 3 tháng đến 1 năm nữa

Chị Huệ, làm việc tại Mã Lai

Đa số các công nhân này, ở Việt Nam họ xuất thân từ gia đình làm ruộng ở các vùng sâu, vùng xa. Vì hy vọng có thể giúp đỡ gia đình có 1 đời sống khá giả hơn, họ phải mượn 1 số tiền rất lớn khoảng 20 đến 22 triệu đồng Việt Nam để có thể đi lao động nước ngoài. Tuy nhiên, không phải tương lai nào cũng rạng rỡ cho tất cả công nhân xuất khẩu. Như trường hợp 8 công nhân này, sau khi đã đóng 20 triệu đồng Việt Nam  cho công ty môi giới "Socimex" để qua Mã Lai làm việc, Họ được đưa vào công ty cơ khí Spectra Alucas.

Tại đây, chủ nhân giữ hộ chiếu và không chịu gia hạn đúng thời hạn nên họ bị cảnh sát Mã Lai bắt vì tội "cư trú bất hợp pháp", lúc đó chị Huệ có mặt tại nơi 8 công nhân này bị bắt, chị kể lại:

"Nó buộc tội traficking là bất hợp pháp. Mà tụi nhỏ làm gì biết gì mà bất hợp pháp. Nó đang vừa đi làm về . Khi tôi đến đó để thăm viếng tụi nó. Khi đến đó thì tụi nó mới về, tôi nói: Thôi, tắm rửa, nấu đồ ăn rồi chút mammie trở lại. Tôi mới vừa đi, trở lại thì cảnh sát bắt mất tiêu."
Sau 4 tháng bị giam, họ được miễn tố vì lỗi không phải ở họ mà do chủ nhân giữ hộ chiếu của họ mà không đi gia hạn. Tuy nhiên, cho đến hôm nay họ vẫn bị giam giữ để điều tra.

Ngày 20 tháng 10 vừa qua, họ lại phải ra tòa lần nữa. Có mặt tại phiên tòa là Luật sư Daniel Lo của cơ quan Camsa, ông là luật sư của các bị can. Được hỏi tại sao cách đây 4 tháng họ đã được miễn tố mà vẫn bị giam giữ, Luật sư Daniel Lo cho biết:

"Những công nhân này là nạn nhân của những việc buôn người nên trong thời gian điều tra, chính phủ phải cung cấp chổ ở cho những người này, và họ không được quyền rời khỏi chỗ ở. Họ có thể được thăm nuôi, họ được cung cấp thức ăn và tham gia nhiều sinh hoạt khác nhau ở nơi họ bị tạm giữ. Họ không được những tổ chức địa phương bảo lãnh ra ngoài vì nếu họ trốn thì họ bị vi phạm luật hình sự."

Mong được về nước

Tòa đại sứ Việt Nam tại Mã Lai cũng đã can thiệp, theo Luật sư Lo, tư vấn văn phòng của bộ lao động Việt Nam  tại Mã Lai muốn giải quyết nhanh chóng vụ này nên đề nghị những công nhân này nhận tội để được về nước sớm. Tuy nhiên, Luật sư Lo không đồng ý, ông giải thích:

ls-daniel-lo-250.jpg
Luật sư Daniel Lo. Photo by Tường An/RFA
Luật sư Daniel Lo. Photo by Tường An/RFA
"Theo luật pháp Mã Lai, khi một người bị kết tội ở quá thời hạn thì sẽ bị lãnh án tù từ 3-4 tháng. Nhưng thời gian bị giam giữ của họ đã hơn 3 tháng, như vậy thì sau khi xử, họ chỉ thọ án thêm 1 tháng nữa thì họ sẽ được đưa về nước. Tôi hiểu là tòa đại sứ Việt Nam muốn những công nhân này muốn những người Việt Nam này trở về nước sớm hơn. Nhưng tôi có giải thích là họ không nên nhận tội vì họ không làm gì có tội cả. Điều đó như vậy là sai. Tôi đang làm việc rất tích cực để giúp cho những công nhân này không bị truy tố và về nước sớm."

Trong một buổi họp với bộ lao động Mã Lai, thanh tra của bộ Tư Pháp, luật sư Lo đã đưa vấn đề trong thời gian bị tạm giam, các công nhân không có tiền lương. Bộ lao động Mã Lai đã yêu cầu chủ nhân phải trả cho 8 công nhân 22 ngàn RM. Họ đồng ý.

Tuy nhiên, số tiền 22 ngàn RM này, lẽ ra phải đến tay công nhân thì lại bị bộ lao động Mã Lai chuyển cho tòa đại sứ Việt Nam. Luật sư Lo cho biết:

"Tại buổi họp giữa chủ nhân, bộ Lao động Mã Lai, đại sứ quán Việt Nam và tôi thì đại sứ quán Việt Nam muốn bộ Lao động Mã lai chuyển 22.000 RM cho họ. Tôi dã phản đối vì tôi là luật sư đại diện cho 8 công nhân này. Nhưng bộ Lao động Mã lai vẫn chuyển số tiền 22.000 RM cho tòa đại sứ Việt Nam, ông thanh tra cảnh sát cho tôi biết như vậy. Sau đó tôi có điện thoại và viết thư cho ông Khải và ông Tuấn của tòa đại sứ Việt Nam nhưng cho đến bây giờ thì vẫn chưa được phúc đáp và công nhân vẫn chưa nhận được số tiền này."

Bọn con chỉ muốn được đi về, trả tiền những tháng lương của bọn con khi ở tù. Bọn con chỉ muốn về Việt Nam, không muốn ở đây ngày nào…

Một công nhân VN tại tòa

Luật sư Daniel Lo kết luận:"

Tôi sẽ theo dõi trường hợp này và tôi sẽ yêu cầu bộ Lao động Mã lai xác nhận là đã có chuyển tiền cho tòa đại sứ Việt Nam và tôi sẽ nhắc lại với tòa đại sứ là những công nhân này yêu cầu chuyển số tiền đó lại cho họ.Tôi hy vọng là sau 9 tháng bị giam giữ thì những công nhân đã phải thế đất, thế nhà để đi làm, họ không vi phạm luật Mã Lai thì họ nên được trả tự do sớm để họ có thể trở về nước của họ."

Qua cuộc tiếp xúc ngắn ngủi của chúng tôi với các anh em công nhân tại tòa án Ban Ting thì ước muốn duy nhất của các anh em công nhân là muốn được trở về Việt Nam, càng sớm, càng tốt:

"Bọn con chỉ muốn được đi về, trả tiền những tháng lương của bọn con khi ở tù. Bọn con chỉ muốn về Việt Nam, không muốn ở đây ngày nào…"

Tin mới nhận được cho biết đến ngày hôm nay, 8 công nhân này cũng chưa nhận được tiền của họ do tòa đại sứ Việt Nam giữ. Sắp tới đây, họ sẽ lại phải ra tòa lần nữa và rất có thể là họ sẽ phải trở về Việt Nam với hai bàn tay trắng.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.