Khi người Việt thiện cảm với Mỹ hơn với Trung Quốc
2014.07.23
Kết quả mới công bố ngày 14/7 từ Trung tâm nghiên cứu Pew tại Washington, DC cho thấy đa số người Việt Nam xem Trung Quốc là mối đe dọa số một và muốn Hoa Kỳ trở thành đồng minh chủ chốt. Điều này cho thấy quan điểm của người Việt Nam đã thay đổi rất nhiều thời gian gần đây, ghi nhận ý kiến của một số người dân sinh sống trong nước, Vũ Hoàng có trình bày sau đây.
Không thiện cảm với Trung Quốc đã ăn vào máu?
Khảo sát 1.000 người có độ tuổi trên 18 từ ngày 18/4 đến 8/5, kết quả từ Trung tâm Pew cho thấy tại Việt Nam chỉ có 16% người được hỏi là có thiện cảm với Trung Quốc nhưng tỉ lệ này với Hoa Kỳ lên đến 76%. Trong khi đó, được hỏi nước nào là mối đe dọa lớn nhất thì đến 74% người Việt chọn đó là Trung Quốc, đồng thời, với tỉ lệ 30% Mỹ trở thành quốc gia có điểm cao nhất cho câu hỏi ai là đồng minh chủ chốt của Việt Nam.
Mặc dù kết quả là thế, nhưng dường như sự thiếu thiện cảm của người VN với Trung Quốc đã “ăn vào máu,” bởi lịch sử 1.000 năm Bắc thuộc, với nhiều cuộc chiến kéo dài qua báo thế hệ, từ triều đại phong kiến cho đến hiện đại, từ đất liền đến biển đảo ngoài khơi, khiến người Việt Nam luôn nhìn nhận Trung Quốc là kẻ thù thâm độc. Sự thiếu thiện cảm “ăn vào máu” ấy được anh Phạm Hưng hiện đang sinh sống ở Hà Nội chia sẻ với chúng tôi:
Đây không phải là vấn đề cá nhân mang tính chất chủng tộc nhưng không hiểu sao có khái niệm là người Việt Nam, nếu đã là người Việt Nam thực sự thì không bao giờ có thiện cảm với người Trung Quốc cả, ở đây, nếu nói là người TQ thì hơi quá, nhưng với tư tưởng của người Tàu
anh Phạm Hưng
Ở đây tôi không có sự phân biệt vùng đất mới là Mỹ hay người Tàu như các cụ ngày xưa thường nói là Tàu lùn…đây không phải là vấn đề cá nhân mang tính chất chủng tộc nhưng không hiểu sao có khái niệm là người Việt Nam, nếu đã là người Việt Nam thực sự thì không bao giờ có thiện cảm với người Trung Quốc cả, ở đây, nếu nói là người TQ thì hơi quá, nhưng với tư tưởng của người Tàu. Có một cái gì đó vì VN quá gần Trung Quốc rồi, rất nhiều những ảnh hưởng, tức là ngay trong bản thân phong tục tập quán, chữ viết, rồi lời nói…có gì đó hao hao của văn hóa người Trung Quốc. Cho nên, nếu đã là người Việt Nam thực sự thì vẫn có một đánh giá là không thích Trung Quốc, chứ không phải là mang Trung Quốc ra để so sánh với Mỹ.
Sự “gần giống” giữa người TQ và người VN như lời anh Hưng phân tích có thể được nhìn nhận như sự tương đồng căn bản của 2 quốc gia trong cấu trúc và tổ chức hệ thống chính trị xã hội, cũng như đường lối, mô hình phát triển kinh tế. Sự “gần giống” ấy có thể được hiểu như một “đồng minh ý thức hệ” đã được xây dựng giữa 2 đất nước cộng sản kéo dài nhiều thập kỷ qua. Bởi có nhiều điểm tương đồng, nên những “tẩy” của Trung Quốc được người Việt Nam hiểu rõ hơn ai cả, bạn Trần Linh sinh sống ở Sài Gòn gọi cách sống của một bộ phận người Trung Quốc mà bạn chứng kiến là “sống bẩn,” khiến người khác dễ mất lòng tin… bạn nói:
Cách sống của một vài người dân ở TQ cũng không gây được thiện cảm đối với mình, họ sống “bẩn” ý “bẩn” ở đây là họ sống không đẹp, người khác nhìn vào cảm thấy mất lòng tin, đại khái là người TQ không biết giúp đỡ, chia sẻ hoặc thấy đó rồi bỏ đó, quá sức bàng quan với những việc xung quanh.
Nếu quí vị có lần đọc qua tác phẩm từng gây chấn động “Người Trung Quốc Xấu Xí” của Bá Dương thì ông kết luận một trong những tính xấu người dân của chính nước ông là “người TQ thích nói khoác, nói suông, nói dối, nói láo, nói những lời độc địa” và “người TQ không quen nhận lỗi và có thể đưa ra hàng vạn lý do để che dấu cái sai trái của mình.” Cũng có lẽ vì thế mà với một bộ máy tuyên truyền khổng lồ, mà không ít lần truyền thông nhà nước TQ phổ biến những điều hoàn toàn sai lệch về biên giới, lãnh thổ, lãnh hải… với Việt Nam và người Việt Nam dù có thế nào đi chăng nữa cũng vẫn dễ dàng nhận ra những thâm ý mà Trung Quốc đã và đang áp dụng, khi lấn chiếm biển đảo Việt Nam, vì lẽ đó không khó để hiểu vì sao người Việt Nam ngày càng thiếu thiện cảm với TQ.
Ngay trong nội tại cuộc sống hàng ngày, từ những đồ dùng hàng ngày, những sản phẩm cụ thể, càng ngày người TQ càng tạo ra tư tưởng cảm nhận không tốt dành cho người VN. Không hiểu sao những cách sống của người TQ luôn tạo ra những điều không thoải mái cho người VN
Ngay trong nội tại cuộc sống hàng ngày, từ những đồ dùng hàng ngày, những sản phẩm cụ thể, càng ngày người TQ càng tạo ra tư tưởng cảm nhận không tốt dành cho người VN. Không hiểu sao những cách sống của người TQ luôn tạo ra những điều không thoải mái cho người VN.
Cảm tình với người Mỹ
Thế nhưng ở chiều ngược lại, quốc gia mà Việt Nam vốn có cuộc chiến kéo dài trong suốt thập kỷ 60, 70 là Hoa Kỳ thì giờ đây đang được đánh giá ở mức cao nhất trong câu trả lời “đồng minh tin cậy” của Việt Nam. Bởi với một Trung Quốc trỗi dậy thì chỉ có Hoa Kỳ mới đủ sức mạnh để kiềm chế sự hung hăng của quốc gia cộng sản độc tài này. Sức mạnh ấy của Mỹ không chỉ được thể hiện ở phương diện quân sự, vũ khí mà nó còn được thể hiện qua sức mạnh một nền kinh tế đứng đầu thế giới, khoa học kỹ thuật tiến bộ và cả sức mạnh đến từ văn hóa và con người. Cảm nhận về thiện chí của người Việt đối với Hoa Kỳ được anh Minh Tuân hiện đang sinh sống ở Hà Nội chia sẻ với chúng tôi:
Quan điểm của tôi về văn hóa, phong cách sống hay trình độ công nghệ và các mặt khác của Hoa Kỳ với TQ thì tôi thấy có những điểm khác nhau và tôi thấy có những điều người Việt Nam hâm mộ, thí dụ: người Mỹ có tính cách thẳng thắn, tất cả những thiết bị máy móc công nghệ của Mỹ đều tốt, nhất là những thiết bị điện tử thì người VN rất ưa chuộng như: Iphone, máy tính… thích dùng hơn hàng của Trung Quốc. Còn về văn hóa, tất nhiên nước Mỹ có những bản sắc riêng của họ nhưng dù sao mang tính hiện đại và mang tính phổ thông thì người VN rất là hâm mộ và tiếp thu được tính văn minh của bên Hoa Kỳ.
Những mặt thiện chí đối với Hoa Kỳ còn được thể hiện khá rõ qua chính những đặc tính của một đất nước dân chủ, tự do, nhân quyền khi người Việt trong nước đánh giá và tương phản với những gì đang diễn ra ở Hoa Lục. Bạn Trần Linh tiếp lời:
Đối với bản thân mình, mình thấy người Mỹ, nước Mỹ người dân ở đó có nhân quyền và sống thoải mái, tự do, theo ý muốn của người ta mà không bị quản lý quá sát bởi chính phủ. Mình thích Mỹ hơn bởi tính cởi mở, phóng khoáng của người Mỹ, món ăn của người Mỹ, nói chung chung thì view (quang cảnh) ở Mỹ cũng gọn gàng sạch sẽ hơn so với người TQ. Còn với Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc muốn quản lý tất cả mọi thứ từ việc lớn đến việc nhỏ, mọi thứ trong đời sống của người dân. Điều này làm cho người ta cảm thấy bức bối, khó chịu và chính sách này có vẻ không hợp lý và không gây được thiện cảm với người khác.
Người Mỹ có tính cách thẳng thắn, tất cả những thiết bị máy móc công nghệ của Mỹ đều tốt, nhất là những thiết bị điện tử thì người VN rất ưa chuộng...thích dùng hơn hàng của Trung Quốc. Còn về văn hóa, tất nhiên nước Mỹ có những bản sắc riêng của họ nhưng dù sao mang tính hiện đại và mang tính phổ thông thì người VN rất là hâm mộ
anh Minh Tuân
Trong khi đó, anh Phạm Hưng lại chỉ ra những ưu việt của một xã hội Mỹ cởi mở, hiện đại, văn minh, đây chính là những điểm khiến cá nhân anh cũng như bạn bè mà anh có dịp trò chuyện đều đồng tình:
Tôi đánh giá người TQ vẫn là một dân tộc lớn, có những thành tựu nhất định trong kinh tế, xã hội và kể cả ảnh hưởng lên thế giới, nhưng với người Việt Nam, nhưng quan điểm của tôi không phải là mình thích hay không thích mà mình cần lựa chọn cho một chính thể hay xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, hiện tại, theo tôi nước Mỹ thực sự tạo ra nền dân chủ đó. Người Việt Nam cụ thể là tầng lớp lãnh đạo hiện tại cũng nên có một suy nghĩ như thế để tạo ra cho người dân những tư duy và cuộc sống thực sự. Ở đây, tôi nghĩ rằng, nếu người TQ cũng tạo ra cho đất nước chúng tôi những dân chủ, văn minh thì chúng tôi vẫn ủng hộ. Nhưng tôi cho rằng, chính thể TQ hiện tại họ không tạo ra được điều ấy, vì cũng là một nước như VN thôi, nền dân chủ và quyền con người vẫn còn tương đối kém so với thế giới.
Có thể những con số biết nói từ điều tra của Trung tâm Pew chưa hoàn toàn phản ánh hết bản chất đa diện và phức tạp trong mối quan hệ chằng chịt cũng như ảnh hưởng của cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đến Việt Nam, nhưng ít nhất qua đó, nó cũng phác họa về thực trạng và đưa ra những đánh giá sơ khởi về góc nhìn mà người Việt cảm nhận với 2 cường quốc thế giới trên cả mặt tiêu cực và tích cực.