Mỹ: ASEAN nên coi trọng vấn đề sông Mekong như vấn đề hàng hải

2021.03.03
Mỹ: ASEAN nên coi trọng vấn đề sông Mekong như vấn đề hàng hải Nông dân trồng lúa ở vùng ngoại ô Viên Chăn (Lào) đối mặt với hạn hán.
Ảnh: AFP

Tiếp nối những lo ngại của Ủy hội Sông Mekong và các quốc gia trong khu vực về tình hình mực nước khu vực hạ lưu sông Mekong đột ngột xuống thấp, tuần qua Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo kêu gọi Trung Quốc kịp thời chia sẻ những thông tin về nguồn nước, đặc biệt là việc vận hành các đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mekong tại nước này. Không dừng lại ở đó, một đại diện của Bộ này còn khẳng định: Trung Quốc đang thao túng các dòng chảy sông Mekong và cho rằng các nước ASEAN nên dành sự quan tâm cho các vấn đề sông Mekong nhiều như cho các vấn đề hàng hải.

Ngoài việc chia sẻ những quan ngại của chính phủ các nước trong khu vực sông Mekong và Ủy hội Sông Mekong về sự sụt giảm đáng lo ngại gần đây của mực nước sông Mekong, thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23/2 đưa ra khuyến nghị với đích danh Trung Quốc:

“Chúng tôi [Mỹ] kêu gọi Trung Quốc chia sẻ những thông tin thiết yếu và kịp thời về nguồn nước, trong đó có những thông tin về việc vận hành các đập phía trên thượng nguồn.”

“Mỹ ủng hộ sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc quản lý các nguồn nước xuyên biên giới. ….Việc Trung Quốc thực hiện đúng những cam kết của mình và có tham vấn với các quốc gia vùng hạ lưu sông là vô cùng quan trọng” – thông cáo nêu rõ.

Khi các nước hạ nguồn sông Mekong đang phải gánh chịu đợt hạn hán nặng nề trong năm 2019 thì các đập thủy điện này của Trung Quốc vẫn có dòng chảy lớn và đã ngăn giữ hàng chục tỷ mét khối nước – Nghiên cứu của tổ chức Eyes on Earth công bố tháng 4/2020

Từ năm 2020, Mỹ và một số quốc gia đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc  thao túng dòng chảy sông Mekong thông qua việc vận hành 11 đập thủy điện trên dòng chảy chính phía thượng nguồn sông Mekong tại nước này. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán tại các quốc gia vùng hạ lưu. Cáo buộc mạnh mẽ vừa nêu được đưa ra sau khi nghiên cứu của Eyes on Earth, một tổ chức nghiên cứu về nước do chính phủ Mỹ tài trợ, đã chỉ ra rằng khi các nước hạ nguồn sông Mekong đang phải gánh chịu đợt hạn hán nặng nề trong năm 2019 thì các đập thủy điện này của Trung Quốc vẫn có dòng chảy lớn và đã ngăn giữ hàng chục tỷ mét khối nước.

Tháng 8/2020, Trung Quốc đã cam kết chia sẻ với Ủy hội Sông Mekong dữ liệu về mực nước và lượng mưa quanh năm cũng như thông báo về bất cứ những thay đổi bất thường nào về mực nước. Nhưng dường như Trung Quốc đã không thực hiện đầy đủ cam kết của mình.

“Rõ ràng là những cam kết này đã không được thực hiện”- ông Atul Keshap, Phó Trợ lý ngoại trưởng thứ nhất phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thẳng thắn nhận định tại sự kiện trực tuyến công bố một báo cáo về tăng cường Quản trị các dòng sông xuyên biên giới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng diễn ra vào tuần trước (25/2).

“Rõ ràng là các đập trên thượng nguồn đang ngăn giữ nước với sự phối hợp và thông báo hạn chế. Điều này, một cách không cần thiết, đã làm tồi tệ hơn những thách thức về an ninh nguồn nước mà các cộng đồng vùng Sông Mekong đang phải đối mặt” – ông Keshap khẳng định.

Để cải thiện tình hình, ngoài việc yêu cầu các nước thượng nguồn phải minh bạch và tham vấn tốt hơn, ông cũng cho rằng các nước hạ lưu sông Mekong cần thúc đẩy các vấn đề Mekong mạnh mẽ hơn tại diễn đàn ASEAN.

“Vào thời điểm này, cho tôi được gợi ý với một sự tôn trọng các đồng nghiệp và bạn bè ASEAN rằng:  Sẽ là rất tốt nếu các nước ASEAN có thể nghiên cứu các vấn đề sông Mekông như đã dành sự quan tâm cho các vấn đề hàng hải” – ông Keshap nói.

000_Hkg3829544.jpg
Nhiều hộ nông dân ở tỉnh Sóc Trăng của Việt Nam đã chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm do đồng ruộng bị xâm mặn và thiếu nước. Ảnh AFP

Vì sao Mỹ và nhiều nước lớn quan tâm tới vấn đề Mekong?

Trong một trao đổi với RFA hồi đầu tuần này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, cho biết Mỹ là nước đặt ra vấn đề Mekong sớm nhất, ngay từ giữa những năm 1990. Cụ thể năm 1996, trong khuôn khổ APEC, Mỹ đã chủ động đưa vấn đề sông Mekong vào thành một hạng mục quan tâm và đối thoại với các nước tiểu vùng Mekong và sau đó với các nước Mekong là thành viên APEC. Kể từ năm 2009 tới nay, Mỹ đã dành cho khu vực này khoảng 3.5 tỷ USD thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển.

Không chỉ có Mỹ, các nước lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Liên minh Châu Âu… cũng dành sự quan tâm và hợp tác cho khu vực tiểu vùng Mekong. Hiện tại Mekong có tới 14 khuôn khổ hợp tác đa phương.

“Từ xưa đến nay, các nước phương Tây đã nhận định rất rõ và đúng đắn. Mekong không chỉ là vấn đề môi trường sinh thái mà từ khi Trung Quốc có những hành động đầu tiên với Mekong vào 1979, thì đã trở thành địa chính trị và nay đã chuyển sang màu sắc địa chiến lược và an ninh rất rõ rệt” – ông Hợp giải thích và cũng cho biết thêm vấn đề an ninh ở đây không chỉ an ninh phi truyền thống (môi trường, năng lượng…) như trước kia mà nay đã trở thành an ninh truyền thống.

“Họ [Trung Quốc] đã theo đuổi một chính sách lâu dài. Họ đã đạt được kết quả rất lớn trong việc cai quản và lũng đoạn an ninh khu vực này thông qua các hành động liên quan tới Mekong như nước, môi sinh, môi trường, năng lượng, giao thông vận tải và quân sự” – ông Hợp nhận định và cho rằng Trung Quốc cũng đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Ấn Độ và các nước láng giềng có liên quan vì nước này đang có những toan tính xây đập thủy điện và chặn dòng chảy con sông Brahmaputra, một trong những con sông dài nhất thế giới cũng bắt nguồn từ Tây Tạng như sông Mekong.

Một số nhà hoạt động và giới chuyên môn quốc tế thời gian gần đây đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang vũ khí hóa các con sông ở Tây Tạng, và chặn nguồn nước của các quốc gia hạ lưu ở châu Á.

 Mekong không chỉ là vấn đề môi trường sinh thái mà từ khi Trung Quốc có những hành động đầu tiên với Mekong vào 1979, thì đã trở thành địa chính trị và nay đã chuyển sang màu sắc địa chiến lược và an ninh- Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á

ASEAN có sẵn sàng đẩy mạnh vấn đề Mekong như Mỹ gợi ý?

Vấn đề Mekong chỉ liên quan trực tiếp tới 5 nước ASEAN là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Các nước hạ lưu sông Mekong này có quan hệ và mức độ phụ thuộc khác nhau với Trung Quốc, vậy họ có thể đưa vấn đề sông Mekong trở thành vấn đề quan trọng đối với khối ASEAN?

Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia cho rằng mặc dù các thành viên của ASEAN có thể chia rẽ trong một số vấn đề nhưng ông khá lạc quan về triển vọng vấn đề này sẽ có thể được thúc đẩy hơn nữa trong chương trình nghị sự của ASEAN.

Do không có tranh chấp về chủ quyền nên khi bàn thảo các vấn đề Mekong, các nước trong khối ASEAN sẽ tích cực hơn khi bàn thảo vấn đề hàng hải – Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia

“Thúc đẩy kết nối, phát triển bền vững là những mục tiêu chủ chốt của ASEAN. Tôi cho rằng có sự đồng thuận ở đây vì đây là vấn để ảnh hưởng tới phúc lợi, sinh kế và sức khỏe của hàng triệu người sống ở khu vực hạ lưu sông Mekong”- ông Thayer giải thích.

“Việc cùng tham gia Ủy hội Sông Mekong trong nhiều năm nay đã cho thấy các nước hạ nguồn sông Mekong có một quan điểm thống nhất. Họ thống nhất trong việc kiểm soát nguồn nước.” – ông Thayer nói và cho rằng khi bàn thảo vấn đề sông Mekong, các nước trong khối ASEAN sẽ tích cực hơn khi bàn thảo vấn đề hàng hải.

“Không có những tranh cãi về chủ quyền liên quan tới Mekong. Do đó, đây là điều tạo ra sự khác biệt.”

Cùng quan điểm này, ông Hợp nhận định:  “Mekong là vấn đề hoàn toàn phù hợp với hiến chương của ASEAN. Theo đó, vấn đề của một nhóm nhỏ trong ASEAN, có ảnh hưởng tới cả ASEAN thì ASEAN phải có trách nhiệm đoàn kết và góp phần xử lý”. Ông cũng cho biết từ năm 2002, ASEAN đã đặt vấn đề Mekong vào chương trình nghị sự của khối. Từ năm 2015, mỗi năm ASEAN có 1 cuộc họp về các vấn đề Mekong nhưng tiếc là chưa mang lại nhiều kết quả. Trong năm 2020, khi làm chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã tích cực đưa vấn đề Mekong vào chương trình nghị sự của ASEAN nhưng vẫn cần thêm nhiều những nỗ lực thúc đẩy để vấn đề này không bị chìm đi bởi các vấn đề thời sự khác như COVID-19 hay gần đây là vấn đề Myanmar.

Liệu chính quyền Biden có tiếp tục quan tâm tới Mekong?

Mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và các nước hạ lưu sông Mekong được bắt đầu từ năm 2009, trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ lưu Sông Mekong do Mỹ khởi xướng. Kể từ đó đến năm 2020, Mỹ đã dành cho khu vực này 3.5 tỷ USD thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển. Một trong những đóng góp tích cực của Chính quyền của tổng thống Trump cho khu vực đó là việc thiết lập Quan hệ đối tác Mekong-Mỹ vào ngày 11/9/2020 trên cơ sở mở rộng các lĩnh vực hợp tác của Sáng kiến Hạ Lưu Sông Mekong. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có tín hiệu chính quyền của Tổng thống Biden sẽ có tiếp tục mối quan tâm này không.

000_1J907G.jpg
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và bộ trưởng ngoại giao các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar trong một cuộc họp trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ lưu Sông Mekong tháng 8/2019. Ảnh: AFP

Dự đoán về điều này, ông Hợp nhận định: Chính quyền Trump công bố chính sách quốc phòng và an ninh quốc gia của Mỹ vào tháng 12/2017. Khi đó chính sách này được cả Thượng Viện và Hạ viên và cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ với tỷ lệ trên 86%. Từ khi nhậm chức đến nay, ông Biden đã lật lại một số vấn đề nhưng những vấn đề cốt lõi trong chính sách an ninh quốc gia vẫn chưa có gì thay đổi.

“Về vấn đề Mekong, đây là là một vấn đề thuộc phạm trù an ninh mà người Mỹ quan tâm nên chắc chắn họ không có thay đổi lớn, hoặc thay đổi ngược lại” – ông Hợp nhìn nhận.

GS Carl Thayer cho rằng các nước hạ vùng Mekong và cả ASEAN cần cạnh tranh để có được sự chú ý trong lịch trình vô cùng bận rộn các vấn đề trong nước và quốc tế của chính quyền Mỹ mới. Tuy nhiên ông cũng cho rằng không thiếu các nước đối tác sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cho khu vực Mekong, trong đó có Nhật Bản và Liên minh Châu Âu.

Cùng quan điểm này, ông Hợp nhận định trong trường hợp xấu nhất, nếu người Mỹ có giảm quan tâm thì các nước tiểu vùng Mekong có thể tin cậy vào các đối tác ngay trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ hay Hàn Quốc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Nói Không Được
05/03/2021 12:32

Hai nước bị thiệt hại nhiều nhất khi Mekong thiếu nước là Cambodia và Việt Nam, nhưng 2 nước này không dám hó hé gì vì đã bị Tàu cọng khống chế.