Dùng côn đồ đòi nợ thuê – biết sai vẫn phạm!

RFA
2019.08.07
doi-no-thue.jpg Ảnh minh họa.
RFA Edited

Bất tuân pháp luật

Theo truyền thông Việt Nam đưa tin từ ngày 12 đến 31/7 quán phở Hòa tại thành phố Hồ Chí Minh 8 lần bị nhóm người lạ ném mắm tôm, sơn, chất bẩn, bỏ côn trùng vào phở để hạ uy tín của quán và để “khủng bố” tinh thần chủ quán, khách hàng với mục đích buộc chủ quán trả nợ thay cho một thành viên trong gia đình đã mắc nợ gần 3 tỷ đồng nhưng đã bỏ trốn.

Tương tự, một vụ việc cũng được truyền thông loan tin là vào ngày 3/8, công an huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cho biết trên địa bàn xảy ra một vụ chém người từ nhóm đòi nợ khiến một phụ nữ bị thương nặng phải đi cấp cứu. Được biết người phụ nữ này là chị của con nợ đã bỏ trốn…Đó chỉ là 2 trong rất nhiều vụ đòi nợ dạng “khủng bố” được truyền thông trong nước vừa nêu gần đây, để thấy rằng, việc sử dụng côn đồ tại các công ty đòi nợ thuê đang bị biến tướng, giống cách hành xử của xã hội đen hơn là của nhân viên công ty đòi nợ thuê…

Thượng tá Nguyễn Đăng Nam trưởng phòng cảnh sát hình sự công an thành phố Hồ Chí Minh (PC02) xác nhận với báo giới tại buổi họp báo liên quan vụ quán phở Hòa bị khủng bố cho biết, chỉ riêng tại TpHCM có 67 công ty thu hồi nợ, trong đó có 46 công ty được cấp giấy phép. Tuy nhiên, đến 99% các công ty thu hồi nợ này khi đi vào hoạt động đều làm sai nguyên tắc và sai giấy phép quy định đăng ký nhân viên thu hồi nợ.

“Khi các công ty đăng ký danh sách nhân viên thu hồi nợ thì đều là những người có học thức, trình độ nhưng thực tế khi tiến hành công việc đòi nợ các công ty này lại sử dụng toàn thanh niên xăm trổ, đầu trọc, nhiều tiền án, tiền sự”(trích lời của Thượng tá Nam tại buổi họp báo ngày 5/8/2019-nguồn zing.vn)

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, từng giữ vị trí Hội Thẩm Nhân Dân thành phố nhiều năm cho biết, vấn nạn đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen như vậy là điều nhức nhối của xã hội và đã xảy ra hàng chục năm qua.

“Hơn chục năm nay ở Việt Nam xuất hiện loại hình đòi nợ thuê, có phần khách quan chỗ này về nợ có nhiều người mất khả năng thanh toán thật mà đòi chết thì sẽ làm như thế nào, cũng có nhiều anh lì nợ, chây lì ra thì phía chủ nợ người ta buộc lòng sử dụng biện pháp nhờ đến các công ty đòi nợ thuê. Còn kiện thưa ra tòa thì Việt Nam hiện nay thủ tục pháp lý kiện thưa đòi nợ ấy thì vô cùng phức tạp, ranh giới giữa tội danh lừa đảo và không lừa đảo (mất khả năng thanh toán) thì rất khó phân biệt. Rất nhiều trường hợp bên công an hay bên xử án đã sai lầm trong việc kết tội người ta trong chuyện này.”

Ngoài ra, nhà báo Võ Văn Tạo còn cho biết, hệ thống luật pháp Việt Nam tuy nhiều nhưng chưa hoàn hảo, chưa kể con người thực thi pháp luật như công an, viện kiểm sát… vẫn còn không giỏi pháp luật nên việc “bát nháo”, biến tướng trong các công ty đòi nợ thuê là vấn nạn nhức nhối của xã hôi.

Với sự việc nêu trên, Luật sư Nguyễn Khả Thành - thuộc đoàn luật sư tỉnh Phú Yên có nhận định rằng:

“Sự thật chính quyền muốn những công ty đòi nợ đó phải tuân thủ pháp luật nhưng thực tế nó khó kiểm soát nên chính vì lợi dụng việc này nên các công ty sử dụng các thanh niên có tiền án tiền sự nhằm hù dọa người ta trả tiền. Nếu những người đó trực tiếp gây án thì giám đốc công ty đó là chịu nặng nhất, chẳng qua họ chỉ đe dọa người ta thôi chứ gây án là người chủ mưu bị nặng hơn.”

Đồng ý với luật sư Thành, luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh nói thêm rằng: thẳng thắng mà nói, lực lượng công an Việt Nam đang tập trung nhiều vào việc đấu tranh chống hoạt động tín dụng đen, tuy nhiên:

“Hoạt động tín dụng đen nó biến tướng phức tạp trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cốt lõi do quy định pháp luật có nhiều bất cập, không đồng bộ khiến cơ quan thi hành pháp luật khó áp dụng, ví dụ như việc chế tài rất là khó khăn. Bộ luật hình sự Việt Nam để kết tội đối tượng cho vay nặng lãi thì phải chứng minh lãi xuất cho vay gấp nhiều lần so với luật định và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên băng nhóm hoạt động tín dụng đen này đòi nợ, đe dọa, uy hiếp, ném mắm tôm như vụ Phở Hòa vừa rồi, bắt người trái phép rồi thả ra, rồi hủy hoại tài sản thì trước đây rất khó xử lý.”

Xử lý như thế nào?

Dịch vụ đòi nợ thuê được quy định trong Nghị định 104/2007 của Chính phủ nhưng chưa quy định cụ trể trách nhiệm quản lý của Bộ Công an. Do đó vào tháng 8 năm 2018, Bô Tài chính công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, trong đó đề xuất Bộ Công an áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.

Tại buổi họp báo liên quan vụ quán phở Hòa bị tấn công khủng bố, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM cho biết đã bắt 7 đối tượng “khủng bố” liên quan băng nhóm đòi nợ thuê. Tuy nhiên, để giúp công an có đủ chứng cứ để bắt người hợp pháp, công an cũng khuyến cáo người dân, khi nhân viên công ty thu hồi nợ xuống thông báo thì phải xem xét thành phần thu hồi nợ có đúng là nhân viên của công ty hay không. Đồng thời, công an cũng nhắc người dân hãy lên tiếng tố cáo những hoạt động sai trái của các công ty thu hồi nợ để cơ quan chức năng thành phố kiểm tra và xử lý.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu khẳng định, phải tố cáo hành vi vi phạm pháp luật vì nếu họ không tố cáo thì các cơ quan pháp luật, công an họ không thể làm gì được.

“Phải có đơn tố cáo và trên cơ sở đó thì họ (Công an-pv) mới vào cuộc. Mình nói với công ty đòi nợ thuê là họ xâm phạm vi phạm pháp luật thì cơ quan công an sẽ coi đó là chứng cớ để làm việc, nó mới đúng luật. Còn không nói không tố cáo ai mà biết được. Người dân cần báo cáo với cơ quan chức năng những công ty đòi nợ thuê mà họ vi phạm pháp luật để cơ quan người ta xử lý.”

Một bạn hiện đang sống tại Sài Gòn không muốn nêu tên và cũng từng là một trong những con nợ bị các công ty đòi nợ thuê lùng sục chia sẻ với chúng tôi rằng;

“Mình nghĩ họ sẽ không tố cáo đâu bởi vì như thế nào là đúng mà đi tố cáo, ví dụ em đi vay tiền người ta mà em không trả thì em sai mà nên không biết đi tố cáo em có bị đi tù không nữa. Giờ đi báo công an để công an nó ôm cổ lại à, chủ nợ còn mong mày báo công an đi để tao đến bắt mày luôn cho đỡ phải đi lùng.”

Nhà báo Võ Văn Tạo lý giải nguyên nhân vì sao người dân ít tố cáo vụ việc với cơ quan chức năng. Ông nói, thứ nhất, lực lượng công quyền được tuyển không nghiêm túc, lương nhà nước thì thấp không thể sống bằng lương và không chỉ riêng ngành công an mà còn nhiều ngành nghề khác nữa, bắt buộc họ xoay sở cách này cách kia để tồn tại.

“Thứ hai là khi xảy ra sự việc như đâm chém giết người này kia, những tội phạm hình sự nó liều mạng lắm nên họ làm việc thật sự hết mình thì có khi họ chết mất mạng oan thì đơn vị cấp trên làm lễ truy liệu nó hoành tráng rồi tặng danh hiệu này danh hiệu khác, thăng quân hàm cho nó vui vẻ vậy thôi chứ thăng quân hàm có được lãnh lương đâu mà bản thân vợ con họ là những người lãnh hậu quả. Thì những trường hợp đó nên làm cho ngành công an nản lòng can thiệp vào những chuyện mà họ nghĩ họ né được thì họ né.”

Ngoài ra, ông Võ Văn Tạo còn cho biết, ngay cả việc nếu người dân bị mất tài sản báo cho lực lượng công an thì không phải họ không tìm ra mà nếu người dân biết luật chơi của xã hội tức là “thưởng” theo phần trăm khi kiếm được tài sản đã mất thì chắc chắn lực lượng công an mới tích cực làm việc, còn không họ sẽ lãng và làm ngơ như không biết chuyện gì đang xảy ra!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.