Thiếu than sản xuất điện: an ninh năng lượng có bị đe dọa?
2022.04.05
EVN - Công ty điện lực nhà nước của Việt Nam vừa cảnh báo tình trạng thiếu điện từ tháng tới do nguồn cung than khan hiếm, đồng thời kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng.
Reuters dẫn tuyên bố của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, một số nhà máy nhiệt điện than thuộc EVN đã phải cắt giảm vận hành do thiếu than. Cũng theo EVN, nguồn cung cấp than sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong tương lai và điều này dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ tháng 4.
Việt Nam, một trung tâm sản xuất với một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Châu Á, ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào than nhập khẩu để sản xuất điện. Theo Reuters, than đá hiện chiếm khoảng một phần ba trong sản lượng điện của Việt Nam.
Liệu an ninh năng lượng của Việt Nam có đảm bảo khi ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào than nhập khẩu để sản xuất điện?
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam; nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 5 tháng 4 năm 2022 liên quan vấn đề này rằng đây chỉ là vấn đề thiếu năng lượng cục bộ, còn về tổng thể thì an ninh năng lượng của Việt Nam vẫn đảm bảo:
“Đúng là có một số nhà máy nhiệt điện chạy bằng than hiện nay đang phải ngừng vì thiếu than. Than cấp cho các nhà máy đó phần lớn là than nhập khẩu, bây giờ nhập khẩu khó khăn nên không có than. Còn đưa than trong nước vào vận hành không được, vì đã thiết kế cho loại than nhập khẩu. Khuyết điểm này là ở sự phối hợp của EVN với TKV (Tổng công ty Than) không được chặt chẽ, không thống nhất, không có sự dự báo, phán đoán trước, để xảy ra rồi mới kêu lên...”
Khuyết điểm này là ở sự phối hợp của EVN với TKV (Tổng công ty Than) không được chặt chẽ, không thống nhất, không có sự dự báo, phán đoán trước, để xảy ra rồi mới kêu lên...
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm
Chính phủ Việt Nam vào đầu tháng này cho biết đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung cấp than sau khi số ca nhiễm COVID-19 tăng cao làm gián đoạn hoạt động của các thợ mỏ địa phương, cộng với giá nhiên liệu toàn cầu tăng càng gây thêm khó khăn.
Việt Nam, từ nước xuất khẩu than sang nhập khẩu ròng cách đây gần một thập kỷ, đang phải đối mặt với việc giá than nhập khẩu tăng mạnh do sản xuất trong nước phải vật lộn để theo kịp nhu cầu.
Reuters dẫn số liệu của chính phủ Việt Nam cho biết, nước này đã nhập khẩu 6,5 triệu tấn than trị giá 1,47 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2022, giảm 25,3% về lượng nhưng tăng 97,3% về giá trị so với một năm trước đó. Sản lượng than của Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 đã tăng 3,2% so với một năm trước đó lên 11,6 triệu tấn.
Trong năm 2021, ngành than của Việt Nam tự hào vì đã xuất siêu hơn 50.000 tấn than... Thì đến nay Việt Nam lại đang tìm cách nhập khẩu thêm than từ Úc để giảm bớt tình trạng thiếu nhiên liệu hóa thạch cho sản xuất điện.
Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định với RFA hôm 5/4:
“Cần phải xem chi tiết là xuất khẩu than gì và nhập khẩu than gì? Bởi vì than thì cũng có nhiều loại, ví dụ như than cốc thì dùng vào mục tiêu khác... như Quảng Ninh có nhiều thì có thể xuất khẩu than cốc. Thế còn nhập khẩu than mà chất lượng mang tính vừa với các lò nhiệt điện thì việc xuất khẩu và nhập khẩu chênh lệch nhau thì cũng là bình thường. Chứ không phải tất cả là cùng một loại than. Thế nhưng cần phải phân tích chi tiết mới biết được.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết thêm, trong Qui hoạch điện VIII nhiệt điện than vẫn tăng 20.000MW trong giai đoạn từ 2021-2030 và tăng thêm 10.000MW trong giai đoạn tiếp theo từ 2031-2045. Như vậy năng lượng sạch chỉ đạt 13,5%. Điều này theo ông Võ là không đúng như lời cam kết của Thủ tướng Chính phủ trước rất nhiều hội nghị quốc tế về giảm nhiệt điện dùng than để bảo vệ môi trường.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho rằng, để thiếu than trong việc sản xuất điện là khuyết điểm phối hợp giữa các bộ phận với nhau. EVN và TKV phải phán đoán được khó khăn và báo cáo ngay cho chính phủ trước đây. Ông Lâm phân tích rõ hơn:
“Về mặt kỹ thuật thì không có vấn đề gì lớn, đây là vấn đề quản lý thôi, nếu mà dự báo trước nước về thủy điện ít thì phải tăng cường nhiệt điện hay năng lượng mới lên. Còn về vấn đề than thì có những cái còn vượt thẩm quyền của TKV, TKV chỉ là nơi nhận than, còn hợp đồng với các nước còn phải liên quan Bộ KHĐT, Bộ Ngoại giao, còn Bộ Tài chính liên quan tiền nong... Tất cả những khó khăn này thuộc vấn đền quản lý, phối hợp giữa các bộ ngành. Cho nên nếu tăng cường chỉ đạo chặt chẽ hơn, tức Bộ Công thương... thì sẽ tốt hơn.”
Vấn đề than thì có những cái còn vượt thẩm quyền của TKV, TKV chỉ là nơi nhận than, còn hợp đồng với các nước còn phải liên quan Bộ KHĐT, Bộ Ngoại giao, còn Bộ Tài chính liên quan tiền nong... Tất cả những khó khăn này thuộc vấn đền quản lý, phối hợp giữa các bộ ngành. Cho nên nếu tăng cường chỉ đạo chặt chẽ hơn, tức Bộ Công thương... thì sẽ tốt hơn.
-Tiến sĩ Ngô Đức Lâm
Tại Diễn đàn Cấp cao Năng lượng Việt Nam năm ngoái, các chuyên gia từng cảnh báo, vào năm 2035 Việt Nam có thể phải nhập khẩu 50% năng lượng do cạn kiệt nguyên liệu hóa thạch sản xuất điện, khiến nhu cầu nhập khẩu năng lượng vào hệ thống điện trong nước tăng cao, để đảm bảo nguồn cung ứng điện.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, trả lời RFA khi đó cho rằng nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng nhanh hơn tăng trường GDP là một thách thức:
“Hiện nay nhu cầu năng lượng của Việt Nam đang tăng lên với tốc độ khá cao, tiêu thụ năng lượng của Việt Nam thường cao từ 1,5 cho đến 2 lần tăng trưởng GDP. Tức là hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam cần được cải thiện. Thứ hai, Việt Nam có một số nguồn năng lượng, nhưng gần đây, khi thác than và khai thác dầu khí đã bị hạn chế. Vì vậy Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng, và nhập khẩu năng lượng như vậy sẽ tiêu tốn khá nhiều ngoại tệ, đó là một thách thức đối với Việt Nam.”
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, gọi tắt là Quy hoạch điện 8, tổng công suất sẽ đạt mức 130 GW vào năm 2030 và 221 GW vào năm 2045.
Trong đó, về cơ cấu nguồn điện đến năm 2030, thủy điện vừa và lớn 17%, nhiệt điện khí - dầu 17,3% và nguồn điện năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ và điện sinh khối chiếm 22,9%. Đến năm 2045 tỷ lệ này là thủy điện 11,5%, nhiệt điện khí - dầu 18,3% và điện năng lượng tái tạo tăng lên 40,2%.
Còn theo Tổng sơ đồ quy hoạch điện 7, do Bộ Công Thương giao Viện Năng lượng lập quy hoạch, dự kiến đến 2030, điện từ than chiếm 42,6%; khí tự nhiên chiếm 14,7% và năng lượng tái tạo chiếm 21%...
Dù đã ban hành Tổng sơ đồ Quy hoạch điện 8, nhưng đến nay theo Bộ Công thương, mới có khoảng 87,7% khối lượng nguồn điện trong Tổng sơ đồ 7 được thực hiện.