Việt Nam trước đợt bùng phát COVID-19 mới

Diễm Thi, RFA
2021.05.05
Việt Nam trước đợt bùng phát COVID-19 mới Người dân tham dự lễ hội tại đền Hùng, tỉnh Phú Thọ ngày 21 tháng 4 năm 2021.
REUTERS

Tại Việt Nam, tính đến chiều ngày 5 tháng 5 năm 2021, tổng số ca mắc COVID-19 là 3.022, số ca khỏi bệnh là 2.560, số ca tử vong là 35.

Theo dự báo từ Viện Khoa học Ấn Độ, đến ngày 11 tháng 6 năm 2021, số người bị nhiễm COVID-19 ở nước này có thể lên đến 50 triệu ca với số tử vong trên 400.000. Con số nhiễm ở Ấn Độ hiện nay đã hơn 21 triệu 600 ngàn ca với số tử vong hơn 226.000 người. Mỗi ngày nước này có thêm hàng trăm ngàn ca nhiễm mới.

Trước diễn biến phức tạp tại Ấn Độ và các nước trong khu vực, Bộ Y tế Việt Nam vừa quyết định sẽ kéo dài thời gian cách ly tập trung đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Trước mắt, thời gian cách ly tập trung sẽ kéo dài 21 ngày thay vì 14 ngày so với trước đây.

Trả lời với truyền thông Nhà nước, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh:

“Nhìn vào bức tranh về tình hình lây nhiễm hiện nay có thể thấy, trên thế giới, tất cả những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước. Do đó, chúng tôi rất lo lắng về nguy cơ tình hình dịch COVID-19 lây nhiễm vào Việt Nam. Đối với Việt Nam, chúng tôi xác định phải hết sức cảnh giác, tập trung triển khai tất cả biện pháp phòng, chống dịch, tích cực chủ động để làm sao kiểm soát tốt tình hình dịch”.

Theo một số giới chức ngành y tế, người dân Việt Nam đã lơ là với việc phòng chống dịch. Trong kỳ nghỉ lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5 vừa qua, các bãi biển từ Bắc tới Nam đông nghịt người bất chấp dịch COVID.

Tôi nghĩ là nguy cơ rất cao. Có lẽ là cao nhất kể từ khi có dịch đến nay. Ngày trước thì dịch ở xa, bây giờ các nước trong khu vực bị nặng rồi. Đặc biệt nguy hiểm là người Trung Quốc nhập cảnh lậu, mà những người đấy thì rõ ràng rủi ro rất cao. Vaccine bây giờ thì chưa đủ.- Bác sĩ Đinh Đức Long

Các bãi biển như Sầm Sơn Cửa Lò, Nha Trang, Vũng Tàu, hàng nghìn du khách ùn ùn đổ xuống tắm biển. Đa phần du khách các khu du lịch này không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, tụ tập đông người…

Điều này cũng tương tự như chuyện đã xảy ra ở Ấn Độ hôm 27 tháng 4, khi hàng chục ngàn tín đồ đã cùng nhau tắm ở sông Hằng trong ngày cuối cùng của lễ hội Kumbh Mela, dù COVID-19 đang hoành hành ở quốc gia này.

Bác sĩ Đinh Đức Long lo ngại bùng phát dịch COVID-19 ở Việt Nam. Theo ông, tình hình rất căng thẳng, diễn biến khó lường. Nếu vỡ trận thì thua!

“Tôi nghĩ là nguy cơ rất cao. Có lẽ là cao nhất kể từ khi có dịch đến nay. Ngày trước thì dịch ở xa, bây giờ các nước trong khu vực bị nặng rồi. Đặc biệt nguy hiểm là người Trung Quốc nhập cảnh lậu, mà những người đấy thì rõ ràng rủi ro rất cao. Vaccine bây giờ thì chưa đủ.

Thoát được đợt bùng phát hay không thì rất khó nói nhưng tinh thần thì cả Nhà nước và người dân đều quyết liệt chống nhưng có một số người rất chủ quan, coi thường như mấy ngày lễ vừa qua tắm biển Vũng Tàu đông nghịt. Cái đấy là dân trí, là nhận thức của từng người. Bây giờ mà vỡ trận thì rất tai hại, mọi cái đình trệ hết, chưa nói số người chết. Không thể nào lường hết tai họa. Đó là điều rất lo nhưng chả biết làm thế nào cả. Chỉ phòng ngừa bằng cách thực hiện đúng 5K thôi.”

5K là thông điệp từ Bộ Y tế gửi tới người dân với các nội dung: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế.

hang-nghin-du-khach-van-hon-nhien-tam-bien-sam-son-ngay-dau-nghi-le-30-4.jpg
Hàng nghìn du khách đổ xuống tắm biển Sầm Sơn Cửa Lò hôm 30/4/2021.

Là một người dân trong nước, cô Tuyết Hạnh bày tỏ lo lắng với RFA:

“Việt Nam là một nước nghèo và đông dân giống Ấn Độ. Nếu Chính phủ Việt Nam mà giấu dịch thì sẽ bùng phát như Ấn Độ. Lúc đó số người chết sẽ tăng rất cao vì y tế Việt Nam không kham nổi. Dân số Việt Nam bằng 1/3 dân số Mỹ mà số nhiễm bệnh chỉ bằng 1/100 số nhiễm bệnh ở Mỹ là điều vô lý. Em không tin.

Em ở Việt Nam em cũng lo lắm tại vì không biết kết quả xét nghiệm có đúng hay không, rồi có quản lý được hay không. Đến lúc bùng phát dịch lên thì không biết làm sao!?”

Truyền thông Nhà nước cho hay, năm chuyên gia Trung Quốc của Công ty Trung Bắc Á sau khi hoàn thành cách ly tập trung tại thành phố Yên Bái đã di chuyển nhiều nơi. Trong số năm chuyên gia này, có một người khi trở về nước đã được xác định dương tính với SARS-CoV-2.

Dựa vào các trường hợp mới nhất, dù đã bị cách ly 14 ngày nhưng sau đó vẫn bị nhiễm bệnh. Suy ra, có vài vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, độ chính xác của xét nghiệm có đáng tin cậy hay không? Nếu kết quả xét nghiệm là đáng tin cậy thì chắc chắn đã có lây nhiễm ngoài cộng đồng. - Anh Minh

Anh Minh, một người dân Yên Bái trao đổi với RFA qua ứng dụng Facebook Messenger về trường hợp này:

“Có khả năng virus đã lây lan trong cộng đồng. Dựa vào các trường hợp mới nhất, dù đã bị cách ly 14 ngày nhưng sau đó vẫn bị nhiễm bệnh. Suy ra, có vài vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, độ chính xác của xét nghiệm có đáng tin cậy hay không? Nếu kết quả xét nghiệm là đáng tin cậy thì chắc chắn đã có lây nhiễm ngoài cộng đồng. Thứ hai, tinh thần cảnh giác của người dân đã bị lơi là vì dịch bệnh đã kéo dài quá lâu. Dân chúng mệt mỏi và khó khăn kinh tế. Ý chí chính trị của nhà nước cũng bị giảm bớt, do ỷ lại.”

Chiều 5 tháng Năm, ngay sau khi phát hiện một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế, cho người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện và phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, CDC Hà Nội để tổ chức truy vết và điều tra dịch tễ học.

Dịch COVID-19 vẫn còn hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cho đến nay toàn thế giới đã có hơn 155 triệu người mắc bệnh với hơn ba triệu hai trăm ngàn người tử vong. Các quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới, theo thứ tự, gồm Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11 tháng Ba năm 2020 công bố dịch bệnh Covid-19 chính thức trở thành đại dịch. Ngày 31 tháng Một năm 2020, WHO công bố dịch bệnh là Sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu.

Hôm 25 tháng tư năm 2021, Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long cảnh báo về một làn sóng dịch mới tại Việt Nam được cho là nguy hiểm hơn nhiều so với các đợt dịch trước khi phần đông các ca bệnh nhập vào Việt Nam từ Campuchia nhiễm biến thể coronavirus của Anh và Nam Phi.

Đây là những biến thể virus có sức lây nhiễm nhanh hơn so với các chủng biến thể khác trước đó. Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cùng ngày đã xác nhận 85,7% các ca nhiễm nhập cảnh từ Campuchia nhiễm chủng biến thể từ Anh, trong khi 14,3% các ca khác nhiễm chủng từ Nam Phi.

Việt Nam cũng thừa nhận sẽ khó kiểm soát dịch bệnh COVID-19 do tình trạng chung trên thế giới, trong khi Việt Nam vẫn phải tổ chức các chuyến bay đưa người Việt về nước và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.